Lào Cai: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ sáu, 15/06/2018 19:41 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển nông nghiệp đã được tỉnh Lào Cai xem là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bước đầu, không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã giành được những thành công trên địa hạt mới mẻ này, tiêu biểu trong số đó là Công ty TNHH Anh Nguyên.

Phát triển nông nghiệp bằng những khâu đột phá mang đặc thù riêng

Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, từ một tỉnh nghèo, địa phương có diện tích núi đồi cao, sản xuất nông nghiệp luôn gặp phải khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Tuy nhiên, không vì thế mà kinh tế nông nghiệp của Lào Cai không phát triển. Khắc phục những khó khăn đó, Lào Cai phát triển nông nghiệp bằng những khâu đột phá mang đặc thù riêng. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật canh tác cần có nhân lực kỹ thuật cao… Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng Lào Cai vẫn luôn nỗ lực vào công cuộc phát triển mô hình này và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 150 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến nay có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy lợi thế đặc thù của mỗi địa phương. Tính đến hết năm 2017, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, đạt gần 1.230ha (gồm rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, sản xuất lúa giống, chè). Đã tạo ra một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, gắn kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, đáp ứng được trên 65% nhu cầu về hạt giống lúa chất lượng cho nhân dân trong tỉnh. Nhiều loại sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt đều gia tăng về sản lượng, giá trị, đem lại lợi ích cho nông dân. Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân gần 230 triệu đồng.

Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng năm 2017 đã thu hút được 11 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, điển hình là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà của Công ty TNHH Anh Nguyên.

Báo Công luận
Công ty Anh Nguyên hiện đang triển khai khoảng 5ha trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap. 

Điển hình sáng Anh Nguyên

Bắc Hà là huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 66km. Là huyện miền núi, đa số người dân làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao, thu nhập vẫn còn thấp. Gắn bó trên 20 năm huyện Bắc Hà, Công ty TNHH Anh Nguyên đã từng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, vận tải hành khách, du lịch… Tuy nhiên trong vài năm gần đây, tận dụng những lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ lớn và được thị trường đón nhận.

Công ty TNHH Anh Nguyên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Sản phẩm chính của dự án là thịt lợn, gà và rau được nuôi, trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, một phần cũng rất quan trọng khác đó là cây, con giống cung cấp cho người chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài tỉnh.

Khu trang trại chăn nuôi lợn đen bản địa với tổng diện tích trên 5.000m2, được xây dựng theo quy trình khép kín từ khâu lựa chọn con giống, chế biến thức ăn chăn nuôi đến giết mổ và đưa ra thị trường. Trong đó, khu nuôi nhốt gồm 6 chuồng nuôi lợn thịt, lợn cai sữa, lợn nái chửa, lợn con giống và lợn hậu bị với diện tích trên 2.000m2. Toàn bộ trang trại được lắp camera theo dõi, kiểm soát quá trình chăn nuôi. Khác với phương thức chăn nuôi quảng canh tự phát của người dân bản địa, đàn lợn được nuôi theo quy trình khép kín nhằm bảo đảm chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra.

Tính đến cuối năm 2017, trang trại của doanh nghiệp có hơn 1.000 lợn đen Bắc Hà và lợn ỉ Móng Cái. Về giống, hiện có 100 lợn nái ngoại, 100 lợn nái đen bản địa, 200 lợn giống xuất chuồng, 10 lợn đực giống lớn. Đơn vị đã tự lai tạo giống bằng cách kết hợp lợn nái Móng Cái với lợn đực thuần chủng Bắc Hà để cho ra giống mới có tỷ lệ thịt và mỡ đồng đều. Khu chuồng trại được phân ra thành nhiều ô riêng biệt, mật độ lợn khoảng 7 con một chuồng, bảo đảm đủ không gian vận động và phát triển khỏe mạnh. Bao quanh chuồng là những tấm nhựa thông minh có tác dụng làm mát vào mùa hè và làm ấm khi đông đến. Có hệ thống quạt gió và dàn điều hòa nhằm điều chỉnh nhiệt độ thích hợp cho vật nuôi. Toàn bộ sàn chuồng được rải lớp đệm sinh học từ mùn cưa và trấu, giúp sản sinh lượng nhiệt giữ ấm vào mùa đông và phòng trừ một số bệnh như cảm cúm, lở mồm, long móng… Ngoài ra, đệm sinh học còn có khả năng tự hoại, phân hủy chất thải, giúp chuồng trại luôn khô thoáng.

Báo Công luận

Trang trại nuôi lợn sạch rộng hàng chục nghìn m2 của Công ty Anh Nguyên 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn mạnh dạn đầu tư hơn 1ha rau sạch trong nhà kính với hệ thống tưới thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Mô hình này không chỉ được đánh giá là hiện đại nhất tỉnh Lào Cai hiện nay mà còn tạo việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm chủ yếu là nhiều loại rau đặc sản bản địa như cải mèo, khởi tử, bắp cải xòe, củ niễng, đậu Hà Lan và các loại rau trái vụ như súp lơ, cà chua, su su, bắp cải, su hào. Theo số liệu đánh giá từ cuối năm 2017, sản lượng đạt khoảng 45,5 tấn/ha, thu nhập khoảng 688 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm rau được bán tại các cửa hàng của công ty tại thị trấn Bắc Hà, TP. Lào Cai, Sơn La và một số chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội.

Điểm đặc biệt trong mô hình này là thức ăn cho lợn hoàn toàn tự nhiên, không dùng cám tăng trọng. Toàn bộ thức ăn được chế biến từ cám gạo, đậu tương, ngô, trộn với chế phẩm sinh học rồi ủ lên men, cho lợn ăn trực tiếp mà không phải nấu chín. Thức ăn chứa các enzym có lợi cho tiêu hóa của lợn, giúp hạn chế tối đa các loại bệnh về đường ruột, đồng thời tăng sức đề kháng. Do thức ăn không có chất tăng trọng nên thời gian nuôi một lứa lợn trung bình mất 9 tháng, nếu chăn bằng cám tăng trọng trung bình 3 tháng đã có thể xuất chuồng.

Các chất thải trong chăn nuôi từ dự án sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học. Qua đó sẽ góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là tránh các ô nhiễm thứ cấp do động vật trung gian truyền bệnh gây ra; tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời đây cũng sẽ là mô hình điểm để nhân rộng trong thời gian tới thông qua tăng cường tuyên truyền, để người dân có điều kiện tiếp cận giải pháp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao là một mô hình chăn nuôi có quy mô lớn. Dự án được tiến hành trên căn cứ theo nhu cầu của thị trường, và trước những định hướng phát triển của Nhà nước, đồng thời phù hợp với quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Khi đi vào hoạt động, Dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân công ty và ngoài ra còn đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương và Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp. Đồng thời Dự án cũng đem lại những tác động tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương nói riêng tỉnh Lào Cai nói chung.

Từ một công ty chuyên về xây dựng, Anh Nguyên đã từng bước phát huy ưu thế của địa lý tự nhiên tại Bắc Hà, Lào Cai để chuyển mình sang sản xuất nông nghiệp. Mô hình ứng dụng công nghệ cao của đơn vị này được đánh giá là mô hình hiện đại nhất toàn huyện. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 210 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, có nhiều chính sách ưu tiên giúp doanh nghiệp mở rộng về quỹ đất và vay vốn.

Việt Cường - Đức Toàn

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương