Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3: Cơ hội lớn cho các nhà làm phim trẻ

Thứ sáu, 03/04/2015 10:03 AM - 0 Trả lời

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3: Cơ hội lớn cho các nhà làm phim trẻ

(NB&CL) - Lần thứ 3 tổ chức, LHP Quốc tế Hà Nội dường như “nóng”, hấp dẫn hơn hai lần tổ chức trước: số lượng thu hút lượng phim nhiều gần gấp 5 lần so với lần đầu, nhiều bộ phim nước ngoài gây chú ý, nhiều phim Việt hút khách, nhiều hoạt động mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho những người làm điện ảnh trong nước và trong khu vực châu Á. Đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của mô hình Chợ dự án phim…
 
 Báo Công luận
Đạo diễn Vũ Hoàng Điệp và các thành viên đoàn làm phim "Đập cánh giữa không trung" 
 
Chợ dự án: Đã tìm ra dự án để trao 10 ngàn USD
Có thể nói với mô hình Chợ dự án phim, cơ hội đã mở ra cho các nhà làm phim trong nước, nhất là các nhà làm phim trẻ chưa tìm được kinh phí sản xuất phim. Với 5 dự án được chọn, như bà Ngô Th Bích Hạnh - Phó Tổng giám đốc công ty BHD, người điều hành Chợ dự án cho biết: “Chúng tôi đã mời các nhà sản xuất, các chuyên gia điện ảnh về để trao đổi, giúp người làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ hiểu đường đi nước bước, và có thêm nhiều cách để tiếp cận được những nguồn kinh phí từ bên ngoài”. Và những người tham gia Chợ dự án đã có trải nghiệm được gặp các nhà sản xuất, trình bày dự án của mình để thuyết phục nhà đầu tư.
 
Nguồn kinh phí được hỗ trợ từ dự án không phải con số lớn song nó được đánh giá là đặc biệt quan trọng đối với các nhà làm phim độc lập khi khởi đầu. Các nhà làm phim trẻ được hỗ trợ nhiều từ mô hình Chợ dự án, được chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà làm phim thành danh, được hỗ trợ phần kinh phí đầu tiên giúp họ khởi động dự án. Việt Nam đã có những nhà làm phim độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp thành công một phần nhờ vào các dự án phim được trao giải.( Nguyễn Hoàng Điệp đã nhận được giải Tài năng trẻ của Trại sáng tác trước và trong lần LHP này, nữ đạo diễn đã có buổi chia sẻ khá kỹ về kinh nghiệm của cô). Về sau nhiều nhà làm phim trẻ tiếp tục nhận được nguồn tài trợ từ nước ngoài để xây dựng được một số tác phẩm tạo dựng tên tuổi cho họ như hiện nay, nhưng cũng là nhờ họ từng sản xuất ra những phim ngắn bộc lộ cá tính, phong cách của họ từ nguồn kinh phí được hỗ trợ. 
 
Chợ dự án lần này thu hút sự tham gia của đông đảo nhà làm phim trẻ, nhà đầu tư, sản xuất phim của trên 30 quốc gia từ gần 100 dự án phim gửi tới tham dự. Chợ dự án lần này đã chọn ra 5 kịch bản, trong đó 3 kịch bản đến từ Trung Quốc, Bhutan, Philippines, và 2 kịch bản của Việt Nam: Chúng ta không phải lúc nào cũng tử tế của Đạo diễn Phan Nhật Linh (Hy vọng tìm kiếm ở Chợ dự án nguồn vốn khoảng 150.000 đến 200.000 USD) và Bóng tối của thiên đường của Đạo diễn Síu Phạm (cần khoảng 400.000 USD). Và kết quả có 2 dự án xuất sắc được trao giải: Honey giver among the dogs của tác giả Dichen Roger người Bhutan đã giành giải thưởng 10.000 USD; Bóng tối của thiên đường giành giải đặc biệt (không có tiền thưởng).
 
Chợ dự án thực sự là một hướng đi hòa nhập với xu hướng toàn cầu, tạo điều kiện để các dự án phim độc lập được sớm hoàn thành, thu hút các nhà phát hành và liên hoan phim quốc tế. Từ câu chuyện thành công ở Chợ phim năm nay của LHPQTHN, sẽ là sự tạo đà cho việc hình thành Chợ phim ở những kỳ liên hoan tới của Việt Nam.
 
Rút ngắn khoảng cách điện ảnh bằng mô hình: hợp tác sản xuất với nước ngoài
Đây cũng đang là xu hướng nổi trội nhất của khá nhiều bộ phim Việt thành công lẫn chưa thành công thời điểm hiện tại. Những câu chuyện được chia sẻ tại LHP mang đến những điều thú vị cho những người làm nghề.
 
Trước đây nhiều năm chúng ta có nhen nhóm mô hình hợp tác song các nhà làm phim chỉ ra rằng thời điểm ban đầu chúng ta chỉ làm dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài. Các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài quay tại Việt Nam: Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ (Pháp), Người Mỹ trầm lặng (Úc). Cơ hội và khả năng hợp tác của Việt Nam thời kỳ đó chưa được đánh giá cao, bởi vậy mới có câu chuyện khá nhiều phim của Hollywood muốn làm phim có bối cảnh ở Việt Nam họ phải tới Thi Lan hoặc Campuchia… thay vì đến Việt Nam. Bởi như chia sẻ ông Edouard Mauriat nhà sản xuất phim Bầu trời đỏ thì: "Ở Pháp có một hội đồng hỗ trợ các nước tới làm phim, ở từng địa phương đều có các hội đồng như vậy. Còn khi tôi muốn tới Việt Nam làm phim đồng nghiệp khuyên nên qua Campuchia vì ở đây có dịch vụ tốt hơn.”
 
Khá nhiều bộ phim Việt hợp tác đã chứng tỏ sự kết hợp thành công thời gian qua. Tuy nhiên, đa phần các phim hợp tác thành công vẫn thiên về giải trí. Và có thể tính từ dấu mốc LHP Việt Nam lần thứ 18, với dấu ấn về các hoạt động quảng bá bối cảnh quay đẹp tại Việt Nam. Với LHPQT HN năm nay, tại lễ khai mạc tiết mục chào mừng cho thấy rất rõ thông điệp: “Mời bạn hãy đến quê hương chúng tôi” với hình ảnh nền là danh lam thắng cảnh trải dài khắp ba miền đất nước… mở ra cơ hội mời gọi các mô hình hợp tác làm phim cho Việt Nam.
 
Nhưng hợp tác thành công thì cần phải dựa vào nội lực mạnh. Điện ảnh Việt cần xây cho mình sự vững chãi, chiều sâu… may ra mới có cơ hội hợp tác thành công thực sự. Một ý kiến đáng học hỏi từ chia sẻ của ông Kini Kim – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M tại buổi tọa đàm. “Nền điện ảnh Việt chủ yếu sản xuất phim thương mại. Nhưng các bạn cũng nên xác định về lâu dài liệu khán giả có còn muốn xem những bộ phim hài quanh đi quẩn lại vẫn là vài diễn viên đó đóng không? Tôi nghĩ trước khi muốn vươn xa hơn thì điện ảnh Việt nên phát triển chính thị trường trong nước, đi lên từ nội lực. Cần dấn thân, tìm ra cái gì đó thật mới, thật khác biệt thì mới có thể vươn xa. Tất nhiên cái gì cũng cần phải có quá trình chứ không thể một đêm trở thành nền điện ảnh trong khu vực”.
 
Rõ ràng hợp tác giúp điện ảnh Việt Nam rút ngắn hơn khoảng cách với điện ảnh khu vực và thế giới. Song ngay trong buổi Tọa đàm, đạo diễn Lê Lâm chia sẻ khá thú vị: “Tôi biết có một số quan điểm cho rằng phim hợp tác là cố đi xin tiền nước ngoài làm phim. Tư tưởng chỉ có tiền ngoại quốc mới có thể sản xuất phim là không đúng. Đơn cử trường hợp Đập cánh giữa không trung, là phim hợp tác giữa Việt Nam và một số nước đấy. Nhưng trên thực tế số tiền mà các quỹ công nước ngoài bỏ ra chỉ chiếm 1/3, còn lại 2/3 là do công ty của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chi. Phim đã được làm gần như toàn bộ bằng nguồn lực của trong nước” 
 
Báo Công luận 
“LHP quốc tế Hà Nội lần này với những bộ phim có chất lượng rất cao và phong phú như vậy có thể cho các bạn những cánh cửa để nhìn ra thế giới, để xem điện ảnh thế giới đã đi đến đâu rồi, để điện ảnh VN còn đón bước và bắt nhịp cùng họ. VN rất cần có những LHP quốc tế như thế này để hiểu thêm về ngôi nhà điện ảnh thế giới. Chúng ta đừng đóng cửa trong nhà và khen tặng nhau, sẽ không đi đến đâu cả, sẽ không giúp cho điện ảnh VN có được một gương mặt thật sự trong nền điện ảnh thế giới.”
(Đạo diễn Lê Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo phim ngắn LHP Quốc tế HN lần 3)
 
 Hằng Nga
 

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa