Liên Hợp Quốc: Cứu trợ nhân đạo không thể vá víu nền kinh tế sụp đổ của Afghanistan

Thứ năm, 18/08/2022 11:25 AM - 0 Trả lời

(CLO) Viện trợ nhân đạo cho Afghanistan không đủ để duy trì nền kinh tế của nước này và cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự phát triển của đất nước, Liên Hợp Quốc cho biết.

Viện trợ nhân đạo không đủ để vực dậy nền kinh tế sụp đổ

Bà Kanni Wignaraja, trợ lý Tổng thư ký kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc cho biết: “Bạn không thể sử dụng cứu trợ nhân đạo để chắp vá lại nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn”.

Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này sau gần hai thập kỷ chiến tranh.

lien hop quoc cuu tro nhan dao khong the va viu nen kinh te sup do cua afghanistan hinh 1

Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này sau gần hai thập kỷ chiến tranh. (Nguồn: Paula Bronstein | Getty Images News | Getty Images)

Bà Wignaraja cho biết “hoạt động nhân đạo quy mô lớn” diễn ra vào nửa cuối năm ngoái sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan là “rất cần thiết để cứu sống người dân”.

“Nhưng thật sai lầm khi tạm dừng các khoản đầu tư để xây dựng lại và phát triển đất nước”, bà nói.

Bà Wignaraja cho biết thêm rằng, việc thiếu các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế khó khăn của Afghanistan.

Bà nói rằng các khoản đầu tư là cần thiết để vực dậy nền kinh tế Afghanistan và thị trường nội địa vì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã tạo cơ hội việc làm cho nam giới và phụ nữ ở nước này trong nhiều thập kỷ.

“Một phần lớn nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc là để khởi động khu vực kinh doanh trong nước và làm cho nó phát triển hơn vì người Afghanistan sẽ nuôi sống người Afghanistan. Họ sẽ sản xuất thức ăn của riêng họ”, bà nói trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC vào hôm 16/8.

Những tổ chức khác như Hội Chữ thập đỏ cũng chỉ ra rằng chỉ riêng hoạt động nhân đạo là không đủ để giúp kéo Afghanistan ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Robert Mardini, Tổng giám đốc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nói với Reuters hôm 15/8 rằng: “Các tổ chức nhân đạo không thể thay thế các tổ chức công của một đất nước 40 triệu dân. Vì vậy, chúng tôi thực sự kêu gọi các nhà nước và các cơ quan phát triển quay trở lại Afghanistan để hỗ trợ những người dân Afghanistan đang tiếp tục gánh chịu gánh nặng của bất ổn kinh tế”.

Nghèo đói cũng là một cuộc chiến

Các cơ quan nhà nước không sẵn lòng cung cấp ngân quỹ cho Afghanistan trừ khi Taliban cho phép trẻ em gái hoàn thành chương trình trung học, tạo việc làm cho phụ nữ tại nơi làm việc bình đẳng và trở thành một Chính phủ hòa nhập hơn, bà Wignaraja nói.

Afghanistan là “quốc gia duy nhất trên thế giới” mà trẻ em gái không thể hoàn thành chương trình trung học phổ thông”, bà nhấn mạnh.

lien hop quoc cuu tro nhan dao khong the va viu nen kinh te sup do cua afghanistan hinh 2

Nhóm phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul hôm 7/7. (Nguồn: AFP)

Trước đó, cơ quan trẻ em của Liên hợp quốc cho biết nền kinh tế Afghanistan đã thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu USD vì khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở Afghanistan bị hạn chế trong năm qua. UNICEF công bố báo cáo hôm 15/8, đúng một năm sau khi nhóm Hồi giáo nắm quyền kiểm soát đất nước.

Báo cáo cũng cho biết nếu 3 triệu trẻ em gái hiện đang nghỉ học có thể hoàn thành chương trình giáo dục trung học và tham gia vào thị trường việc làm, trẻ em gái và phụ nữ sẽ đóng góp ít nhất 5,4 tỷ USD cho nền kinh tế Afghanistan trong suốt cuộc đời của họ.

Báo cáo cũng đề cập đến những tác động tiêu cực của việc trẻ em gái không thể trở lại trường trung học trong các lĩnh vực khác ngoài kinh tế. Bên cạnh đó, UNICEF đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các em gái để hỗ trợ dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh mà tổ chức này đã từng cung cấp tại các trường học.

Một quan chức UNICEF kêu gọi trẻ em gái trở lại trường học ngay lập tức, nói rằng giáo dục không chỉ là quyền của tất cả trẻ em, mà là xương sống cho sự phát triển trong tương lai của Afghanistan.

Bà Wignaraja nói thêm: “Nhân phẩm và quyền của phụ nữ” đã bị tước đoạt khi quyền làm việc của họ bị tước bỏ, và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Afghanistan.

Maryam, 37 tuổi, làm việc tại Bộ Tài chính Afghanistan 15 năm, có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh, cho biết bản thân đã rất nỗ lực để trở thành người đứng đầu bộ phận. Nhưng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, cô bị giáng chức và giảm lương từ 60.000 AFN (khoảng 680 USD) xuống còn 12.000 AFN (khoảng 136 USD).

Tại Ghor, vùng cao nguyên miền trung Afghanistan, Noor Mohammad, 18 tuổi, cùng Ahmad 25 tuổi, vung những nhát liềm đều tay, dọn dẹp rơm rạ trên cánh đồng sau mùa gặt.

"Năm nay lúa mì thất thu do hạn hán, nhưng đây là công việc duy nhất của tôi. Tôi đang theo học ngành kỹ thuật điện thì phải bỏ dở để phụ giúp gia đình”, Noor cho biết.

Ahmad cũng không khá hơn. "Tôi phải bán chiếc xe máy để có tiền sang Iran, song tôi cũng không tìm được việc làm", anh chia sẻ.

"Nghèo đói cũng là một cuộc chiến, thậm chí còn trầm trọng hơn những cuộc đấu súng", Noor nói giữa cánh đồng lúa mì.

Sơn Tùng (Theo CNBCGuardian)

Bình Luận

Tin khác

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

Vietbank dự kiến chia cổ tức 25% và tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp

(CLO) Theo tài liệu trình họp Đại hội đồng cổ đông 2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Upcom: VBB) sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận. Theo đó, Vietbank dự kiến chia cổ tức 25%. Đây là một trong những mức chia cổ tức thuộc top đầu trong mùa Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng năm nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

Loạt nhà máy sản xuất ô tô dư thừa “hoang tàn” ở Trung Quốc

(CLO) Các nhà sản xuất như BYD, Tesla và Li Auto đang giảm giá để di chuyển ô tô điện của họ. Đối với xe chạy bằng xăng, tình trạng dư thừa nhà máy còn tệ hơn.

Thị trường - Doanh nghiệp
MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

MobiFone 'ẵm' tới 5 giải thưởng, ghi dấu ấn tại Sao Khuê 2024

(CLO) Tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê năm nay, MobiFone ‘bội thu’ với 5 giải thưởng cho các giải pháp mới thuộc nhiều lĩnh vực: dịch vụ, giải trí, viễn thông, quản trị - điều hành.

Thị trường - Doanh nghiệp
Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

Oxford Economics: Giá lương thực toàn cầu có thể chạm đáy vào năm 2024

(CLO) Theo Oxford Economics, giá thực phẩm toàn cầu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024, mang lại sự nhẹ nhõm cho người mua sắm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

(CLO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày mai (25/4).

Thị trường - Doanh nghiệp