Liệu có đủ xung lực để GDP Việt Nam trong năm 2022 tăng 6% - 6,5%?

Thứ tư, 22/06/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đầu năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm dao động trong khoảng 6% - 6,5%. Tuy nhiên, các tổ chức nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong và ngoài nước đang có những đánh giá trái chiều về con số này.

Bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng “thần tốc” và dần lấy lại được vị thế trên trường quốc tế.

Ngay cả trong quý I/2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 tại Hà Nội, kèm theo đó là những ảnh hưởng gián tiếp của cuộc chiến Nga - Ukraine, thế nhưng, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý vẫn đạt 5,03%, cao hơn nhiều so với cùng thời điểm 2 năm trước đó.

lieu co du xung luc de gdp viet nam trong nam 2022 tang 6  65 hinh 1

Kinh tế Việt Nam “vượt bão”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO): Sau 4 tháng triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, cho tới nay, nhóm ngành dịch vụ - du lịch, công nghiệp đã tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2022, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng lên tới 11,3%. Sự tăng trưởng này còn cao hơn thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Với ngành du lịch, tính đến cuối tháng 4, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 192.400 lượt, tăng gần 185% so với năm trước. Đặc biệt, sau khi Việt Nam bắt đầu “bình thường hóa” ngành du lịch vào ngày 15/3, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng chóng mặt, riêng trong tháng 4, đã có 101.400 lượt khách, gấp 5,2 lần so với tháng 4/2021.

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhóm ngành nêu trên, kim ngạch xuất nhập khẩu và FDI tiếp tục giữ vững “phong độ”.

Theo GSO, kim ngạch thương mại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đang có thặng dư. Sau 4 tháng, Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD. Tương tự, FDI trong 4 tháng qua ghi nhận ở mức 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

lieu co du xung luc de gdp viet nam trong nam 2022 tang 6  65 hinh 2

TS. Trần Toàn Thắng.

Nhận định về sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sau khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận xét: Kể từ đầu năm tới nay, kinh tế Việt Nam có rất nhiều lực đẩy, hỗ trợ tăng trưởng.

Đơn cử như chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sự mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2021 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi. Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn.

Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước, nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021.

Đặc biệt, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh: Một trong những xung lực mạnh mẽ cho nền kinh tế, đó là Chương trình phục hồi kinh tế, đi kèm theo đó là các gói hỗ trợ khổng lồ lên tới 350.000 tỷ đồng.

Trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, ông Thắng đánh giá cao giải pháp giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước, ước tính giảm 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT mang lại nhiều lợi ích hơn.

“Ví dụ, việc giảm thuế giúp giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá, nó cũng kích cầu tiêu dùng và cũng kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Như vậy, có thể thấy đây là giải pháp một mũi tên trúng 3 đích”, ông Thắng nói.

Thách thức vẫn còn trước mắt

Mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc, thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhận diện những thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng nêu ra 3 yếu tố chính đang tạo thành rào cản.

Thứ nhất, nguy cơ bùng phát trở lại của COVID-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, chiến sự giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong thời gian tới, nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu như xăng dầu, khí đốt, than đá,... vẫn sẽ duy trì ở mức giá cao. Điều này ảnh hưởng tới công tác kiểm soát lạm phát.

Tác động của xung đột này tới lạm phát có thể kéo dài đến giữa năm 2023 sau đó mới giảm dần, còn ảnh hưởng tới tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu sẽ có thể kéo dài hơn nếu xung đột tiếp tục căng thẳng.

“Theo ước tính, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng 0,5% điểm tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và có thể tăng cao hơn vào năm 2023, nếu vẫn tiếp diễn”, ông Thắng nhận xét.

Thứ ba, liên quan tới xuất khẩu, nhất là nông sản bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn từ các thị trường truyền thống, lớn nhất là thị trường Trung Quốc.

“Ngoài những yếu tố nêu trên, tôi cho rằng, Việt Nam cũng nên cẩn trọng khi mở cửa lại nền kinh tế. Bởi vì, chúng ta là quốc gia có độ mở kinh tế, hội nhập sâu với thế giới. Do đó, khi nhập khẩu hàng hóa từ một số quốc gia đang xảy ra lạm phát, chúng ta lại vô tình nhập khẩu lạm phát. Đây cũng là một rủi ro lớn cần phải lưu ý”, TS. Thắng nói thêm.

lieu co du xung luc de gdp viet nam trong nam 2022 tang 6  65 hinh 3

Bà Dabla-Norris.

Bất chấp sự tăng giá mạnh mẽ của nhiều mặt hàng nhiên, nguyên liệu trong thời gian qua, chỉ số CPI tăng 2,1% được coi là mức thấp. Tuy nhiên, ông Trần Toàn Thắng cho rằng, không phải vì vậy mà chủ quan. Thực tế, lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì nhu cầu tiêu dùng thấp. Trong thời gian tới, khi nhu cầu nội địa tăng cao, rất khó để duy trì mức tăng như hiện nay.

Liệu có đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% GDP?

Đầu năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm dao động trong khoảng 6% - 6,5%. Tuy nhiên, trước những biến động bất ngờ từ thế giới, nhiều chuyên gia nhận định mức tăng trưởng này khó đạt được.

Ngay cả các tổ chức quốc tế nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đang có những đánh giá trái chiều về triển vọng tăng trưởng.

Đơn cử như ngân hàng thế giới (WB), hồi đầu năm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dao động trong khoảng 6,5%. Thế nhưng, sau khi ghi nhận tình hình thực tế trong quý I/2022, WB hạ mức tăng trưởng xuống còn 5,3%.

Giải thích cho việc hạ mức tăng trưởng, WB cho rằng, Việt Nam đang chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.

Đó là chưa kể tới việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép... bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu trở nên đắt hơn; chi phí giá cả tăng cao hơn dẫn tới Việt Nam trở thành một trong những nước thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng, tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại.

Phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Cũng có luận điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, so với thời điểm Quốc hội giao mức GDP năm 2022 vào khoảng 6 - 6,5% thì hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những điều kiện mới.

lieu co du xung luc de gdp viet nam trong nam 2022 tang 6  65 hinh 4

Về điều kiện bên ngoài, rủi ro đầu tiên đến từ xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là tương đối lớn và rõ ràng.

Rủi ro tiếp theo đến từ chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc. Chính sách này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Về điều kiện bên trong, 2 rủi ro chính là lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt. Bên cạnh đó, tổng cầu của Việt Nam khó có thể phục hồi nhanh như các nước khác.

“Tôi cho rằng, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6 – 6,5% là không hợp lý, rất khó để đạt được”, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến lạc quan về con số 6% - 6,5%. Trong đó, HSBC dự báo năm 2022, Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng GDP là 6,2%. Tương tự, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng 6,5% GDP, Pcw là tăng 6 - 6,5%, Fitch Ratings ước tăng 6,1%. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo “khiêm tốn” ở mức 6% GDP.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Quốc dân nhấn mạnh: Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6% - 6,5%.

“Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ đến từ đầu tàu khu vực FDI, đóng góp rất lớn từ các ngành chế biến chế tạo, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ đã vực dậy rất mạnh mẽ. Đó là chưa kể, đầu tư công cũng là một “điểm sáng” đóng góp không nhỏ trong quá trình tăng trưởng kinh tế trong năm nay”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Trong khi đó, bà Dabla-Norris - chuyên gia của IMF cho rằng, để đạt được con số tăng trưởng GDP trên 6%, Chính phủ nên xây dựng chính sách nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi.

Chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Theo chuyên gia của IMF: Sự triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chương trình này đã ưu tiên hợp lý cho lĩnh vực y tế, phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng trung hạn.

“Trong thời gian tới, chính sách tài khóa sẽ cần cân bằng giữa một bên là hỗ trợ có mục tiêu mang tính tạm thời với một bên là thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Thâm hụt tài khóa chung được dự báo sẽ tăng vừa phải trong năm 2022”, bà Dabla-Norris nhấn mạnh.

Quỳnh Trang

Bình Luận

Tin khác

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

CPI quý I/2024 tăng 3,77%, một phần là do giá gạo tăng “phi mã”

(CLO) Trong quý I/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77%. Trong đó, gạo là mặt hàng tăng mạnh nhất trong quý, với mức tăng 21,71% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô
Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

Chưa hoàn thiện chuỗi cung ứng, Việt Nam mất nhiều cơ hội thu hút FDI

(CLO) Việc chưa hoàn thiện chuỗi sản xuất khiến Việt Nam mất đi khá nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp “nội” chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô
GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

GDP quý I/2024 tăng 5,66%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020

(CLO) Quý I/2024, GDP Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020.

Kinh tế vĩ mô
Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

Tập đoàn Heraeus (Đức) nghiên cứu đầu tư dự án tại Thái Bình

(CLO) Tiếp tục chương trình trong chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận làm trưởng đoàn đã tới thành phố Frankfurt, CHLB Đức và có buổi làm việc với Tập đoàn Heraeus.

Kinh tế vĩ mô
Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

Ninh Bình: Phát triển từ 1-3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trong năm 2024

(CLO) Ngày 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Bình năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình năm 2024.

Kinh tế vĩ mô