Lo vốn ngoại rời đi, cần làm gì để giữ chân doanh nghiệp FDI?

Thứ ba, 21/09/2021 12:56 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 4 khiến các địa phương trên cả nước liên tục gia hạn thời gian giãn cách. Nhiều lo ngại đặt ra rằng, dòng vốn FDI sẽ rời bỏ Việt Nam nếu biện pháp này tiếp tục kéo dài.

Không có lộ trình mở cửa rõ ràng, doanh nghiệp nước ngoài buộc "cắt lỗ"

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, việc nước ta đóng cửa trong thời gian dài khiến các hợp đồng của nhà đầu tư ngoại không thể thực hiện. Bởi, các công ty FDI tại Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng, nếu không đáp ứng được số lượng sản phẩm, chuỗi này sẽ đứt gãy.

lo von ngoai roi di can lam gi de giu chan doanh nghiep fdi hinh 1

Việc đóng cửa trong thời gian dài khiến các hợp đồng của nhà đầu tư ngoại không thể thực hiện - Nguồn: TTXVN

Bài liên quan

"Chuỗi sản xuất ở nước ngoài rất chặt chẽ. Đó là từng khớp liên kết với nhau rất chính xác từ giao hàng, vô siêu thị và tới tay người tiêu dùng. Khi một thành phần trong chuỗi bị đứt, họ phải thay thế ngay. Nếu không may bị ra khỏi chuỗi cung ứng, việc trở lại rất khó bởi đã mất uy tín", ông Hiển nêu.

Biết rằng việc rời đi sẽ gây ra thiệt hại rất nặng nề, song theo ông Hiển, nếu không biết được thời gian mở cửa rõ ràng, không xác định được điểm phục hồi sản xuất... doanh nghiệp nước ngoài buộc phải "cắt lỗ", rời khỏi Việt Nam. 

"Ví dụ 3 tháng nữa mở cửa thì phải có kế hoạch cụ thể phải làm gì. Các doanh nghiệp không sản xuất được sẽ được hỗ trợ gì với tiến trình giải quyết thỏa đáng, khả thi. Hiện, các chiến lược xây dựng đang mang tính đối phó từng phút một, cảm tính mà không phải kịch bản dài hạn", ông Hiển đặt vấn đề.

Từ đó, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp đang rơi vào thế bị động 100%, điều này rất khó chấp nhận đối với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Giãn cách "quá căng thẳng" có thật sự là giải pháp?

Giới doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh đầu tư và phục hồi kinh tế nếu không hành động ngay.

Theo ông Hiển, hiện các nước xung quanh đều khôi phục kinh tế, trong khi đó chúng ta vẫn đang đóng cửa. Việc này dẫn đến sự canh tranh ngày càng căng thẳng khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại có thể chuyển dịch sang các quốc gia khác.

lo von ngoai roi di can lam gi de giu chan doanh nghiep fdi hinh 2

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế

Cùng với đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chỉ ra, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng việc đóng cửa quá cực đoan, họ không nhìn thấy sự thành công trong hướng đi này.

"Chẳng hạn, chúng ta suy nghĩ chưa thấu đáo trong việc áp dụng phương án sản xuất '3 tại chỗ'. Bởi, cho sản xuất nhưng lại hạn chế trong việc giao thông, công ty phụ liệu... điều này chẳng khác nào đang đánh đố các doanh nghiệp. Những giải pháp như vậy nhìn không toàn diện, có thể nơi này áp dụng được, nhưng nơi khác lại không. Những chuyện như vậy gây bức xúc cho tổ chức nước ngoài", ông Hiển phân tích.

Theo ông Hiển, giữa nhà nước và các doanh nghiệp cần có sự đồng thuận, thấu hiểu nhau, nhằm đưa ra giải pháp khả quan mang tính lâu dài.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM cũng đặt vấn đề rằng "việc giãn cách quá căng thẳng có thật sự là giải pháp hay không?". Bởi, ông cho rằng, vẫn còn nhiều giải pháp khác từ việc tăng cường tiêm vaccine.

"Nếu nhập về khó khăn quá, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình cấp phép cho vaccine trong nước. Cần rút ngắn các quy trình, vì 'nhiêu khê' quá sẽ khiến người dân lúng túng, mất đi cơ hội thậm chí mất cả sinh mạng. Theo đó, hệ thống y tế phải nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu, đảm bảo sức khoẻ cho người dân", ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông, cần ưu tiên tiêm vaccine cho các công nhân để tham gia vào mạng lưới sản xuất và lưu thông phân phối, đặc biệt các ngành trọng yếu như điện tử, lương thực, logictics... Theo đó, hệ thống nằm trong chuỗi cung ứng phải được quan tâm, đảm bảo về sản xuất lẫn an toàn cho người lao động.

Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM còn cho rằng, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chính sách giảm thuế, giãn thuế, giảm VAT từ 10% xuống 5%, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài duy trì và phục hồi sản xuất.

Một vấn đề quan trọng không kém phần được ông Thắng chỉ ra là tâm lý của người lao động. Ông cho rằng việc phải ở yên một chỗ trông thời gian dài khiến tâm lý người dân bất ổn. Theo đó, cần tạo môi trường thông thoáng cho người lao động, tránh khả năng tiếp xúc, lây nhiễm cao. 

"Vấn đề mở cửa cần có tính thích nghi, phải có những giải pháp thông minh, chúng ta phải sống chung với Covid thay vì đặt mục tiêu 'Zero Covid' như trước đây", ông Thắng nói.   

Việt Nam vẫn còn những lợi thế cạnh tranh

Chỉ ra việc GDP tăng mạnh trong gia đoạn mở cửa 10 năm qua, đạt 320 tỷ đô la, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết trong đó có đến 80% liên quan đến xuất nhập khẩu.

"Kinh tế nước ta đang phụ thuộc vào FDI, nhờ FDI mà GDP tăng, tạo ra việc làm rất nhiều. Nếu FDI suy giảm sẽ gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho nền kinh tế hiện tại, mà cả chiến lược lâu dài của Việt Nam", chuyên gia này phân tích.

lo von ngoai roi di can lam gi de giu chan doanh nghiep fdi hinh 3

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM - Nguồn: Thanh Niên

Ở kịch bản tiêu cực nhất, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM Trần Quang Thắng nhận định, nếu nhà đầu tư FDI rút khỏi Việt Nam, GDP cả nước sẽ đứng trước rủi ro âm trong năm nay.

"TP. HCM đóng góp 22,5% GDP, 27,5% ngân sách quốc gia, nếu đóng góp này tuột xuống 10%, chắc chắn GDP cả nước sẽ âm", ông Thắng nói.

Từ tháng 9, nguồn thu ngân sách của cả nước bị sụt giảm bởi các vấn đề về đình trệ sản xuất, lưu thông, các công ty phải tốn kém cho nhân công quá nhiều khi áp dụng biện pháp "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"... từ đó dẫn đến đội giá thành, mất sức cạnh tranh.

Song, các chuyên gia cùng cho rằng, nếu các nhà đầu tư ngoại muốn rời khỏi Việt Nam sẽ cần còn kế hoạch rõ ràng, "không phải muốn đi là đi". Những dự báo đưa ra rằng nhiều nhất trong 3 tháng nữa Việt Nam sẽ mở cửa trở lại, từ đó doanh nghiệp FDI có thể khôi phục được chuỗi cung ứng. Vậy nên, việc nguồn vốn ngoại rời đi trong 3 tháng nữa theo các chuyên gia rất khó xảy ra. 

Theo đó, nước ta vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác về nguồn nhân lực, chi phí nhân công thấp. Những kỳ vọng về giao thông, pháp lý, thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam cũng đang được cải thiện. Cùng với đó, chúng ta có các điểm tương đồng với Trung Quốc khiến việc chuyển dịch những nhà máy từ đất nước tỷ dân sang Việt Nam sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn.

Khẳng định "chúng ta muốn vươn lên hay không là nhờ vào sức của FDI, FDI càng chất lượng chúng ta càng có cơ hội phát triển", các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tận dụng thời cơ, cũng như những lợi thế để giữ chân nguồn vốn ngoại.

Kỳ Hoa

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô