Lòng tin vào khả năng và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế

Thứ hai, 01/01/2024 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những hoạt động đối ngoại cấp cao dày đặc của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, liên tiếp những chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia đến Việt Nam trong năm 2023, đã khẳng định về một năm tiếp tục thành công của ngoại giao Việt Nam.

 Đó cũng là minh chứng rõ ràng về vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam, cho thấy lòng tin vào khả năng và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao.

1.Trong hai ngày 10 - 11/9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2011-2014), chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt và được cả hai bên đánh giá là “lịch sử” này được thực hiện đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam (1973-2023). Nửa thế kỷ đã trôi qua và từ cựu thù, giờ đây hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Đó thực sự là một kỳ tích mà ít ai có thể hình dung được vào thời điểm 50 năm trước đây…

long tin vao kha nang va tam anh huong cua viet nam trong cong dong quoc te hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023. Ảnh: TTXVN

“Việc hai nước chính thức nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để khởi động những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, tập trung vào đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...” - ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu góc nhìn tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thường niên năm 2023.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tạo xung lực mới và hành lang rộng mở để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai. Tuyên bố chung về “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững” đã xác định 10 trụ cột hợp tác chính trong quan hệ hai nước cùng những mục tiêu, mong muốn và cam kết của cả hai bên.

Những ngày cuối năm 2023, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, sau 15 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện, quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Hợp tác trên các lĩnh vực đạt nhiều tiến triển tích cực và toàn diện. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Đây cũng là tương lai chung mà hai bên chia sẻ và hướng đến phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần vào xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định.

Về nội hàm của hợp tác Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Việt Nam - Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, các phương hướng hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới trên bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực, các vấn đề toàn cầu cũng đã được nêu cụ thể trong Tuyên bố chung giữa hai nước. Trong số 36 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết nhân chuyến thăm, có 2 văn kiện hợp tác về đường sắt. Việc triển khai các dự án này sẽ góp phần tăng cường hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” và sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

long tin vao kha nang va tam anh huong cua viet nam trong cong dong quoc te hinh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà tại buổi tiệc trà sau buổi hội đàm ngày 12/12/2023. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trả lời báo chí, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, cùng với chuyến thăm lịch sử và rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 10/ 2022), sẽ tạo điều kiện thuận lợi và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

2. Viện dẫn hai chuyến thăm trong rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam trong năm 2023, để thấy vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước ta trên trường quốc tế. Như nhìn nhận của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), những chuyến thăm đó đã tạo nên bước phát triển mới trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, với những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác đối ngoại và ngoại giao là một điểm nhấn nổi bật trong thành tựu chung của đất nước.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc lãnh đạo các quốc gia thường xuyên đến thăm Việt Nam không chỉ là dịp để tăng cường mối quan hệ ngoại giao mà còn là dịp để thể hiện vị thế và vai trò quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế. Những chuyến thăm này không chỉ là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi ý kiến và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương, mà còn phản ánh sự quan tâm đặc biệt đối với quan hệ với Việt Nam. Việt Nam - với lịch sử chiến tranh đầy bi thương nhưng cũng là một câu chuyện về sự phục hồi và phát triển, đã từng bước trở thành một đối tác quan trọng trên trường quốc tế. Với sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế ấn tượng và vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã thu hút sự chú ý và tôn trọng từ cộng đồng quốc tế.

“Chính việc lãnh đạo các quốc gia hàng đầu thế giới đến thăm Việt Nam là một sự chứng nhận rõ ràng về vị thế quan trọng của đất nước ta. Những cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo các nước và lãnh đạo Việt Nam không chỉ thể hiện sự thân thiện mà còn thể hiện lòng tin vào khả năng và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế” - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.

Ngoài ra, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, những cuộc thăm chính thức còn tạo điều kiện để thảo luận về các vấn đề quan trọng, như hợp tác kinh tế, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu và những thách thức toàn cầu khác. Việc này không chỉ giúp tăng cường quan hệ hai chiều mà còn đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20, góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là thành công làm nức lòng nhân dân qua các chuyến đi, chuyến làm việc, ký kết của các nguyên thủ đến các nước và các nước đến Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay” - GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhìn nhận: “Phải nói rằng, vị thế của Việt Nam chúng ta đã ở tầm cao mới, được các quốc gia tôn trọng, đánh giá cao. Thông qua hoạt động ngoại giao đã thể hiện tốt trí tuệ và tâm đức của dân tộc Việt Nam”.

Theo nữ Đại biểu Quốc hội, thông qua đối ngoại, Việt Nam đã thể hiện “sức đề kháng” mạnh mẽ thông qua các tình huống tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đối ngoại, ngoại giao, chúng ta đã thể hiện tốt sứ mệnh hòa bình, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. “Việt Nam đã thể hiện giá trị của mình trên nhiều mặt thông qua hoạt động đối ngoại, ngoại giao. Chúng ta đã nỗ lực hết mình một cách chủ động, tích cực, toàn diện trong công tác ngoại giao. Việc lãnh đạo các nước sang thăm Việt Nam, ký kết các văn bản hợp tác đã ngầm khẳng định rằng, Việt Nam có vị thế địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại… trên trường quốc tế. Qua đó, cũng cho thấy năng lực, trí tuệ, sự hòa hiếu của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế mà các nước đã nhìn thấy được. Từ niềm tin mà chúng ta xây dựng trong quan hệ đối ngoại, sẽ dẫn đến niềm tin cho các nhà đầu tư lớn về kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ… tìm đến với Việt Nam” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu nói.

Thành công các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là hơn 40 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam, đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong 2 năm vừa qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023 tại Hà Nội

Thiên An

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn