“Máu rừng” vẫn chảy ở xứ Thanh

Thứ tư, 16/08/2023 13:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều vạt rừng bị đốt trơ trụi với đủ loại cây thân gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang ở thượng nguồn Huây Tà Nọi. “Máu rừng” đang chảy trong những khu rừng phòng hộ ở Như Xuân, Thanh Hoá gióng lên hồi chuông cảnh báo về bất ổn an ninh rừng ở xứ Thanh.

Video phóng viên ghi nhận tại hiện trường:

X

Điểm nóng Huây Tà Nọi

Người dân vùng “sáu thanh” thường ví Huây Tà Nọi như một “băng chuyền” gỗ lậu trong khoảng thập niên 90 và đến giờ vẫn thế. Huây Tà Nọi là tên gọi của người dân bản địa về một con suối, bắt nguồn từ những dãy núi sừng sững như đỉnh Trường Sơn, chia cắt hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Đây là suối nước và cũng là đường vận chuyển lâm sản trái phép nhiều năm qua của cánh lâm tặc ở dọc các vùng “sáu thanh” như: Thanh Quân, Thanh Lâm, Thanh Phong, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Hoà của huyện Như Xuân.

Từ tin báo của người dân cho biết, trong thời gian gần đây trên địa bàn xã Thanh Quân, Thanh Sơn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang xuất hiện tình trạng đốt, phá rừng trái phép diễn ra tràn lan ở vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến môi sinh, an ninh rừng trở nên bất ổn, kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường.

mau rung van chay o xu thanh hinh 1

Rừng phòng hộ đầu nguồn thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, Thanh Hoá

Để ghi nhận sự việc được chính xác, khách quan, nhóm phóng viên đã thận trọng cho chuyến đi tới thượng nguồn Huây Tà Nọi.

Sau 90 km đường trường, chúng tôi cũng tới được thôn Thống Nhất đúng lúc trời vừa hửng. Được người dân thân cận với cánh làm gỗ trên địa bàn chỉ đường, kèm theo những câu chuyện, những mánh khóe của "lâm tặc" dọc chặng đường dài đã dẫn bước chúng tôi vào sâu trong rừng thẳm thuộc địa bàn thôn Thống Nhất.

Khi cả nhóm đang “hóng” về chuyện khai thác, vận chuyển, thông trạm…thì bỗng dưng nước suối ở Hây Tà Nọi bất ngờ chảy siết, đổ về ầng ậc, ngập nửa thân mình kèm theo đó là mưa dông xối xả ập xuống. Rừng đang hửng nắng bỗng dưng tối xầm! Chuyện đang kể trong chuyến đi bỗng dưng ngắt nhịp giữa đường với cái lắc đầu ngao ngán nói từ anh bạn: “Thôi! Nhanh chân chạy ra làng đi, không nước đổ về là khó có đường lui. Nước lũ về nhanh cũng là do phá rừng mà ra cả đấy thôi”.

mau rung van chay o xu thanh hinh 2

Gỗ bị 'xẻ thịt' ngổn ngang triền núi

Kế hoạch ngày đầu của chuyến đi đã gần như thất bại. Trên đường rút về làng, nhóm phóng viên đã tá túc tránh mưa ở nhà dân đầu bản, nằm dọc bên bờ suối. Đêm xuống, trong tiếng suối chảy róc rách bỗng có tiếng lẹc cẹc mõ trâu, tiếng thân gỗ xềnh xệch kéo lê trên đá, rồi chạy dài trên đoạn đường bê tông của thôn vừa đắp sẵn.

Anh bạn đi cũng nhanh nhảu bật máy quay để ghi hình trâu kéo thì người dân liền gạt tay khẻ bảo:"Các chú ghi cũng tốt thôi, nhưng ở chỗ này mà ghi rồi đưa hình lên mạng xã hội thì khác gì chú giết tôi. Thôi! Ở lại hôm sau đi vào rừng rồi ghi chỗ nào cũng được. Rừng ở trên đầu nguồn bị chặt, phá tràn lan ấy mà, mai tha hồ ma ghi".

Thế rồi, những ánh mắt vô hồn cứ dõi dần theo bóng tối đi về nơi xa xăm, chỉ còn lại tiếng mõ trâu đang gồng mình kéo gỗ lẹc cẹch lịm dần chìm dần trong nàm đêm tĩnh mịch nơi sơn thôn cùng cước.

mau rung van chay o xu thanh hinh 3

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ nhựa còn tươi rói

Vậy là, sau nhiều ngày bám suối tìm cây, nhóm chúng tôi cũng "chọn ngày" trời hửng để vào được tới cuối thôn Thống Nhất đúng lúc "lâm tặc hội quân" sinh hoạt bữa trưa tại khu lán tạm nhà ông Bằng đã được ai đó dựng tạm ngay trong vùng lõi của rừng đầu nguồn.

Chạy dọc suối Huây Tà Nọi là cảnh tượng những thân cây gỗ đã bị đốn hạ cả người ôm không xuể nằm ngổn ngang, cứ dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Vừa ghi hình thì anh bạn đi cùng quay đầu trầm ngâm bảo: “Đấy, gỗ trong rừng phòng hộ đầu nguồn mà bọn nó hạ, nó xẻ như thế đó. Có lẽ hơi hổng ruột nên nó lấy phần trên thân, còn phần gốc để lại lấy sau thôi. Cứ cây đã hạ hoặc đánh dấu là không ai đụng vào. Các anh có chụp, có quay thì đi nhanh về hướng cưa vừa kéo kìn kịt hồi sáng ấy”.

Chuyện vừa dứt thì cũng là lúc chúng tôi men được theo vết trượt gỗ lên tới gần đỉnh. Trong sâu thẳm của khu rừng nguyên sinh, nhìn xuống phía kế bên với những thân cây gỗ cả hai người ôm không xuể đã bị đốn hạ, cắt khúc, xẻ hộp nằm ngổn ngang dọc bên suối với "thớ thịt" đỏ au.

mau rung van chay o xu thanh hinh 4

Rừng bị 'xẻ thịt' ngổn ngang như 'công xưởng'

“Nãy là gỗ Lim, gỗ Sến, Dẻ…, tất cả đều ở rừng phòng hộ đầu nguồn hết! Đây là loại gỗ không sâu, mọt, cong vênh, được dùng để làm khung học, cầu thang và các đồ gia dụng khác đã bị “lâm tặc” lấy đi một ít, còn lại cành, nhánh, bìa và một vài khúc cắt tròn chừng hơn hai mét đã được đánh dấu nên không ai dám tranh phần”- người đi cùng cho biết.

Cũng theo người dân, nếu ai đó đã đánh dấu khúc gỗ đã hạ hoặc thân cây còn sống thì coi như là của họ, người khác sẽ không đụng cưa vào. Đó là sự sòng phẳng của người làm gỗ rừng cũng như dân bản địa. Nên mới có câu chuyện về người gác rừng thì cứ gác, còn người phá rừng thì cứ phá.

Những thước phim ghi lại từ các loại cây rừng bị đốn hạ tan hoang đang ghi vội thì anh bạn lại đưa tay chỉ với về hướng cỏ trượt xuôi xuống dưới suối mà rằng: “Gỗ mới lao xuống đấy, cẩn thận vào người chết chơi. Mau tránh chỗ khác không lại có chuyện chẳng lành”.

mau rung van chay o xu thanh hinh 5

Những súc Lim và bìa, cành ngọn còn lại

Thế rồi nhóm chúng tôi lại bám thân cây dại để trèo dọc sườn đồi, tránh đám “chim lợn” mật phục báo tin cho “lâm tặc” đang làm gỗ. Và rồi, hiện ra trước mắt chúng tôi là những đống gỗ nằm ngổn ngang đã được ai đó xẻ vuông thành, sắc cạnh. Những thân cây gỗ Sến có đường kính từ 80cm trở lên đang rỉ nhựa, cắt làm nhiều khúc, phần còn lại đang bị băm nát ra từng súc dày 20m, rộng 25- 30cm, dài khoảng chừng hơm ba mét đang nằm sót lại ngổn ngang như một "công xưởng" gỗ. Cả khoảnh rừng sáng rực, lộ dần ra những cây thân nhỏ quanh đó bị vùi lấp, dập nát dưới lớp mùn cưa bên những cành nhánh đã bị đốn hạ.

mau rung van chay o xu thanh hinh 6

Rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng

Nhận thấy vẻ lo âu trên khuôn mặt chúng tôi khi được chứng kiến sự tàn sát lâm sinh nơi thượng nguồn, anh bạn lại hướng chúng tôi về phía Tây của sườn đồi, vẫn thuộc địa giới hành chính trong khu rừng phòng hộ đầu nguồn thôn Thống Nhất.

Rồi vẫn thế, những thân cây gỗ, cây bị cưa đỗ, nhánh, cành ngọn đã cắt khúc để sẵn đang chờ lâm tặc “phanh thây” chia hộp cứ dần dần hiện lên. Đó là những tấm bìa Lim có đường kính từ 30 - 40cm còn sót lại là phần ngọn chỏng chơ, gốc lim đang dính mùn ẩm ướt, có đường kính chừng 50cm đã bị đốn hạ.

Những đống gỗ tươi rói, những thân cây còn ứa nhựa cứ chất chồng lên nhau nơi thượng nguồn Huây Tà Nọi đã đặt ra cho chúng tôi nhiều nghi hoặc về nhiệm vụ trọng tâm của kiểm lâm trong việc đảm bảo giữ vững ổn định an ninh rừng trên địa bàn theo hướng bền vững đang có gì đó sai sai (!?).

Kẻ Mành thành “xưởng gỗ”

Xuôi dòng Huây Tà Nọi, nhóm phóng viên chúng tôi trở lại với Kẻ Mành, nơi trước đây được xem là điểm nóng về khai thác lâm sản, thì hiện tại đây vẫn đang là nơi “nhức nhối” trong hoạt động khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn xã Thanh Sơn.

Cách cầu Khe Chon (Thanh Quân) tại Km 0 +418.89 khoảng chừng 500m, chúng tôi rẽ vào thôn Kẻ Mành, được người dân dẫn bộ đi chừng 3km đường trường để vào sâu trong rừng phòng hộ đầu nguồn của xã Thanh Sơn. Cũng là cảnh tượng tan hoang những vạt rừng, cây cối bị cưa đổ tràn lan, với những gốc cây thân gỗ có đường kính từ 50 – 80 cm đã bị đốn hạ, được cắt khúc, xẻ súc, bóc hộp bị lấy đi khỏi bìa rừng và sót lại đang nằm ngổn ngang, chất chồng.

mau rung van chay o xu thanh hinh 7

Nhiều bìa gỗ còn lại

Theo người dân, những điểm gỗ mà phóng viên được mục sở thị đều là rừng phòng hộ đầu nguồn, nên mọi hoạt động về khai thác lâm sản tại đây đều vi phạm pháp luật. Nói là vậy, nhưng cây rừng dạng thân gỗ thuộc Nhóm II, III và các loại gỗ khác có tuổi đời tại Kẻ Mành đã và đang bị hạ sát tràn lan là có thật.

Nhiều cây gỗ Sến, Vàng Tâm, Dẻ có đường kính trên 50cm đã bị lâm tặc dùng cưa săng đốn hạ, cắt cành, xẻ khúc lấy gỗ đem đi, còn sót lại bìa, cành nhánh nằm ngổn ngang thành những đống đổ nát trong rừng. Nhiều súc gỗ tròn bị đốn hạ có đường kính trên 30cm đang  nằm ngổn ngang trong rừng để “chờ lệnh” sẽ được đưa khỏi nơi đây.

mau rung van chay o xu thanh hinh 8

Men theo những lối mòn rộng chừng 50 cm, chạy dài trong khu rừng phòng hộ thôn Kẻ Mành để lên đỉnh, có hàng loạt cây thân gỗ bị đốn hạ. Xuôi xuống dọc bờ suối cũng có đủ loại cây bị cưa cành, cắt khúc, xẻ hộp. “Phần nạc thì chúng lấy đi, gốc, cành, ngọn thì chúng bỏ lại. Cán bộ biết thì vào lập biên bản, đánh dấu cây. Nhưng có lẽ ngại vì trách nhiệm liên luỵ trong phụ trách địa bàn nên ít khi cán bộ đi vào. Cứ thế, bọn phá rừng lại được đà phá tiếp”- anh bạn đi cùng nói.

Men theo dọc bờ suối tới đỉnh rừng là rất nhiều cây thân gỗ bị đốt hạ không thương tiếc, trơ lại cũng chỉ là phần gốc, cành, ngọn và lớp mùn đang bám vào thân gỗ chạy dài khe suối dọc thôn Kẻ Mành.

"Lấp ló" kẻ phá rừng

Trước viễn cảnh thiên nhiên bị tàn phá, rừng đầu nguồn bị “xẻ thịt”, nhưng chưa rõ “trùm cuối” trong cung đường gỗ lậu ở vùng sáu thanh. Nhóm chúng tôi lại cất công tìm hiểu, rồi cũng đến được với người đàn ông tên T. có biệt danh T. nước.

Người địa phương cho biết T. nước có nghề chính là bán nước, nghề phụ là “thầu gỗ” và là tay “giải ngân” uy tín cho một bộ phận người dân ở vùng “sáu thanh” đang có máu đi làm gỗ trên địa bàn.

Trong vai người dân đi mua gỗ tới gặp T., người đàn ông này rất hồ hởi chỉ điểm chúng tôi qua nhiều nơi tập kết gỗ của ả trên địa bàn và đưa giá cho những loại gỗ, kèm theo những ngóc ngách, cạm bẫy trên dọc cung đường vận chuyển gỗ tới người mua.

mau rung van chay o xu thanh hinh 9

Nhiều ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị đốt trụi

Cột nhà, cái cửa và thậm chí là cả nhà gỗ ả đều có. Quan hệ với kiểm lâm địa bàn được người đàn ông này giới thiệu thuộc diện uy tín. “Kiểm lâm thì em (ông T) nói họ mới ngại và chỉ ngại mấy anh nhà báo hay người vớ vẫn thôi. Ngày trước có ngày em bán đến vài trăm thanh khu học, có thời điểm khoảng 3 đến 40 chục thằng làm gỗ cho em. Nhưng cứ đến tầm tháng 9, tháng 10 hoặc ngoài tết thì họ mới đi làm”- người đàn ông tên T. bộc trực.

Theo lời giới thiệu của ông T. gỗ loại gì, làm như nào ông cũng có. Để minh chứng, ông T. đưa chúng tôi tới một ngôi nhà gỗ 5 gian với hàng cột Táu, Sến thẳng tít tắp. Qua giới thiệu, ông T. cho biết, khối lượng gỗ để làm được ngôi nhà kệ 5 gian như này cũng chừng 40 khối gỗ thành khí, giá ngôi nhà cũng chừng trên 2 tỷ đồng, chưa nói công tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt.

mau rung van chay o xu thanh hinh 10

Qua tìm hiểu người dân địa phương cùng những người thạo gỗ quanh vùng “sáu thanh” cho thấy, T. đúng là tay “anh chị” trong việc gom quân, làm gỗ thuộc diện “uy tín” ở những năm gần đây trên địa bàn các xã Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Hoà, Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Phong. “Chỉ có ông ấy mới làm được gỗ thôi, chứ dân mà đi thì bị bắt lâu rồi. Để khỏi mang tiếng khai thác nhỏ lẻ, giờ có lẽ cán bộ họ quy về một mối cho dễ quản lý, gỗ lạt cứ hỏi tới T. là ổn hết. Cái nhà gỗ 5 gian mới dựng chừng 2 tháng để sâu trong thôn Cát Xuân, xã Thanh Tân, Như Xuân là của ông ấy đấy. Nhưng nghe đâu gỗ lạt dựng nhà cũng không rõ ràng lắm, nên đang phải che đậy cẩn thận lắm”- một người dân cho biết.

Ngoài ông T. buôn gỗ, người dân lại cho chúng tôi biết về người đàn ông khác có tên là B. ở thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân. Ông B. không phải là dân buôn gỗ, nhưng lại được cho là người cả gan phá núi, đốt rừng, dựng lán để làm nơi cho phương tiện vào ra vận chuyển lâm sản trong rừng phòng hộ đầu nguồn dọc suối Huây Tà Nọi.

mau rung van chay o xu thanh hinh 11

Cần làm rõ nguồn gốc gỗ tại ngôi nhà gỗ 5 gian thôn Cát Xuân, xã Cát Tân, Như Xuân, Thanh Hoá vừa hoàn thiện vào trung tuần tháng 5/2023.

Qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực lán của ông B. nằm sâu trong rừng phòng hộ, thuộc địa bàn thôn Thống Nhất vừa được đốt, chặt hạ nhiều loại cây rừng tự nhiên để trồng keo có diện tích lên đến vài ha.

Quá trình ghi hình những vạt rừng phòng hộ bị đào bới, chặt phá, đốt trụi là điều đơn giản, nhưng mỗi khi chỉa máy quay về hướng người đàn ông trên chòi là họ tìm cách nép mình phía sau vách hông khu chòi tạm được dựng trái phép trong rừng phòng hộ đầu nguồn.

Tránh xa nhóm người đang hì hục địu cưa, cong xăng vào Huây Tà Nọi, nhóm chúng tôi trở về gặp lại cán bộ Kiểm lâm huyện Như Xuân và được biết: Kết quả 7 tháng đầu năm 2023, không phát hiện trường hợp lợi dụng làm nhà gỗ để khai thác gỗ trái phép hoặc trà trộn, đưa gỗ không có nguồn gốc hợp vào sử dụng.

Như Xuân là huyện miền núi, toàn huyện có 14.708 hộ, với 64.319 nhân khẩu; Tổng diện tích đất tự nhiên là 72.171,87 ha, trong đó diện tích có rừng 54.643,24 ha (chiếm 75,6% diện tích tự nhiên toàn huyện), rừng tự nhiên 32.600,15 ha; rừng trồng 16.002,47 ha; rừng trồng chưa thành rừng 6.040,62 ha; rừng đặc dụng 6.711,53 ha; rừng phòng hộ 11.614,58 ha; rừng sản xuất 36.317,13 ha được trải dài trên địa bàn 16 xã, thị trấn và 6 chủ rừng Nhà nước.

Nhóm Phóng viên

Bình Luận

Tin khác

Hải Dương: Tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt

Hải Dương: Tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt

(CLO) UBND huyện Bình Giang vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương và nhiều cơ quan chức năng thông báo việc tạm dừng đầu tư dự án xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt.

Điều tra
Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra