Mở lại đường bay quốc tế: Còn quá nhiều việc phải làm

Thứ bảy, 25/12/2021 10:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian từ nay đến khi mở bay quốc tế 1/1/2022 không còn nhiều, tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng để lên lịch bay và bán vé.

Mới "chốt" được 4 chuyến bay đến Nhật Bản

Mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách cả hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo đó, đường bay Việt Nam đến Nhật Bản sẽ phân bổ cho Vietnam Airlines và Vietjet Air. Tần suất và đường bay cụ thể: Vietnam Airlines: Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh - Tokyo và ngược lại với tần suất 3 chuyến/chiều/tuần. Vietjet Air: Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Tokyo và ngược lại với tần suất 1 chuyến/chiều/tuần.

Japan Airlines và All Nippon Airways thực hiện chuyến bay Tokyo - Hà Nội/TP Hồ Chí Minh và ngược lại, tần suất không vượt quá 4 chuyến/chiều/tuần cho tổng cả hai hãng.

mo lai duong bay quoc te con qua nhieu viec phai lam hinh 1

Máy bay Vietnam Airlines tại sân bay San Francisco (Mỹ). Ảnh: VNA

Liên quan đến việc nối lại đường bay, Vietnam Airlines và Vietjet vừa công bố dự kiến khôi phục loạt đường bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022.

Theo kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ được chấp thuận, Vietjet dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM với 5 điểm gồm: Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1/2022.

Trong giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga...

Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022.

Việc nối lại các đường bay sẽ được Vietnam Airlines thực hiện trong 2 giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng.

Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và 8 điểm gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong khoảng 2 tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.

Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và 7 điểm: Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia.

Nhiều quốc gia vẫn… đang cân nhắc

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này hiện đang tích cực triển khai các công việc để sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.

Trước hết các chặng bay quốc tế sẽ mở lại ở các thị trường Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia) và San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).

Theo kế hoạch, các chuyến bay quốc tế sẽ chính thức mở tại từ ngày 1/1/2022 nhưng cho đến nay, Cục Hàng không Việt Nam mới chỉ phân bổ đường bay Việt Nam - Nhật Bản cho Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Về việc này, theo ông Đinh Việt Thắng, việc phân bổ lịch bay chỉ có thể thực hiện được nếu được cả 2 bên (nơi đi, nơi đến) chấp nhận. Với một đường bay quốc tế, không thể đơn phương từng thị trường quyết định.

Ông Thắng dẫn chứng, ví dụ nếu phía Việt Nam đưa kế hoạch 4 chuyến/tuần nhưng phía bạn lại yêu cầu 8 chuyến/tuần, lúc đó 2 bên sẽ phải đàm phán lại.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, dù các nước rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, nhưng hiện họ vẫn đang cân nhắc một số vấn đề như các yêu cầu kiểm dịch có đảm bảo cho các hãng của nước họ bay đến hay không. Hơn nữa nhiều thị trường cũng đang cân nhắc bố trí số chuyến phân bổ hay phân bổ cho hãng nào...

Do đó chỉ khi thống nhất được, Việt Nam mới có thể phân bổ slot bay và hơn nữa phép bay cũng phải do cả 2 bên cùng cấp chứ không phải riêng Việt Nam có thể cấp được phép bay.

Nguy cơ ùn ứ tại các cảng hàng không

Liên quan đến thủ tục bay cũng như quy trình phối hợp giám sát phòng chống dịch, hiện vẫn còn nhiều việc cần giải quyết.

Theo các chuyên gia hàng không, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao cần sớm thỏa thuận loại vắc xin đã tiêm nào được cả hai bên chấp nhận. Tiếp đó, cần thống nhất mẫu chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc xin với cơ quan ngoại giao của quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối mở bay quốc tế.

Đồng thời, ở chiều nước ngoài, cơ quan ngoại giao cũng cần hướng dẫn để kiều bào và khách quốc tế khai báo online; chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận vắc xin cho khách mà không thu phí và không phải “xin” chứng nhận.      

Ngay cả việc chứng nhận xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay cũng cần có mẫu chung, được các quốc gia thống nhất sử dụng và cũng cần phải thực hiện online.

Do còn quá nhiều việc cần triển khai trong khi thời gian từ nay đến khi mở bay quốc tế 1/1/2022 không còn nhiều nên nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu các bộ, ngành vẫn chậm trễ, không gấp rút triển khai xử lý các quy trình, thủ tục liên quan đến phòng dịch, xuất nhập cảnh... thì nguy cơ hãng hàng không và hành khách sẽ gặp nhiều phiền toái, tốn kém.

Ngoài ra, các cảng hàng không quốc tế Việt sẽ rất dễ bị ùn ứ, tăng nguy cơ lây nhiễm. Bởi, ngoài các chuyến bay quốc tế định kỳ từ 1/1/2022, số lượng các chuyến bay nội địa đã và sẽ còn tăng cao dịp cao điểm cuối năm và Tết.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực ASEAN đang đẩy mạnh các giải pháp thu hút khách quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng Việt Nam rất cần mở rộng các chính sách để thu hút khách vào Việt Nam, tránh bị tụt hậu, mất thị trường du lịch.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

(CLO) Mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai có báo cáo trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn.

Giao thông
Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

(CLO) Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), căn cứ vào kế hoạch chạy tàu hiện hành và để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt bổ sung thêm kế hoạch chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 28/3.

Giao thông
Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

(CLO) Tin từ Cục Hàng không Viêt Nam cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định công bố điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (Slot) cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè 2024.

Giao thông
Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phối hợp với đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội khảo sát các điểm đỗ xe cho hành khách đi tàu.

Giao thông
Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

(CLO) Đám cháy bất ngờ bùng phát từ một container trên cầu Phú Mỹ, đoạn qua phường Tân Thuận Đông (Quận 7, TP.HCM) khiến giao thông qua khu vực bị tê liệt nhiều giờ.

Giao thông