Mohammed bin Salman: Thái tử trở thành Thủ tướng

Thứ năm, 29/09/2022 10:04 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 27/9, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã ban hành các sắc lệnh hoàng gia về việc cải tổ nội các, trong đó Thái tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm làm Thủ tướng. 

Ngày 27/9, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã ban hành các sắc lệnh hoàng gia về việc cải tổ nội các, trong đó Thái tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Đây là quyết định được cho là không bất ngờ khi Thái tử Mohammed bin Salman từ lâu đã là một trong những nhân vật hoàng gia được Quốc vương Saudi Arabia hết sức ưu ái.

Từ quyết định đột ngột 5 năm trước

Cách đây hơn 5 năm, việc Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz  bất ngờ phế truất cháu trai Mohammed bin Nayef, 57 tuổi, người nổi tiếng khi đứng đầu một chiến dịch truy quét mạng lưới khủng bố al-Qaeda khỏi vị trí thái tử và thay thế bằng con trai Mohammed bin Salman đã gây sự chú ý lớn trong thế giới Arab.

 Mohammed bin Salman  khi đó mới hơn 30 tuổi (sinh năm 1985) là con cả trong số 6 con trai của Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud với người vợ thứ ba Fahda bint Falah bin Sultan. Hoàng tử Mohammed tốt nghiệp cử nhân luật ở Đại học King Saud tại thủ đô Riyadh, sau đó, hoàng tử làm việc vài năm trong khu vực tư nhân trước khi trở thành trợ lý cho bố vào tháng 12/2009, khi ông Salman còn là thống đốc Riyadh.

Mọi sự thay đổi chóng mặt với Mohammed bin Salman khi ông Salman ngày 23/1/2015 đã lên ngôi vị Quốc vương Saudi Arabia sau khi anh trai ông là Quốc vương Abdullah băng hà. Cùng ngày, Hoàng tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia - bộ trưởng Quốc phòng trẻ nhất thế giới lúc bấy giờ. Vào năm 2015, Hoàng tử Mohammed bin Salman được phong tước Phó Thái tử.

mohammed bin salman thai tu tro thanh thu tuong hinh 1

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát biểu tại diễn đàn “Sáng kiến xanh Saudi” ở Riyadh ngày 23/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời điểm đó (ngày 21/6/2017), quyết định này đồng nghĩa với việc Hoàng tử Mohammed bin Salman sẽ trở thành Phó Thủ tướng kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng - còn Hoàng tử Mohammed bin Nayef  sẽ rời khỏi cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Với nhiều người, đó là quyết định hết sức “tân tiến”, coi là dấu hiệu của “làn gió đổi thay mới” bởi Hoàng gia Saudi Arabia vẫn có “truyền thống” được lãnh đạo bởi các vị Quốc vương trong độ tuổi 70 và 80. Còn báo chí phương Tây thời điểm đó thì ồn ào chuyện Thái tử Mohammed bin Nayef bị ép phải từ bỏ quyền lực vì “lợi ích của đất nước”, rằng ông được cho là không phù hợp để lên ngôi do “sức khỏe kém”.  

“Không ngừng khẳng định mình”

Đó là nhìn nhận của báo chí về nhân vật trung tâm của quyết định 5 năm trước của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz. Với những ai am hiểu về hoàng gia Saudi Arabia và chứng kiến những bước trưởng thành của Mohammed bin Salman sẽ thấy, ngoài sự ưu ái đặc biệt từ người cha Quốc vương, Mohammed bin Salman ngay khi rất trẻ đã biết cách “lập thân”.

mohammed bin salman thai tu tro thanh thu tuong hinh 2

Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hoàng tử Mohammed bin Salman từng làm Tổng thư ký Hội đồng Thi đua Riyadh, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch hội đồng quản trị Tổ chức Quốc vương Abdulaziz… Hoàng tử Mohammed bin Salman còn thành lập tổ chức phi lợi nhuận MiSK khuyến khích học tập và khả năng lãnh đạo cho thanh niên Saudi Arabia, phát triển khởi nghiệp tại nước này qua các chương trình kinh doanh.Năm 2013, tạp chí Forbes Trung Đông vinh danh Hoàng tử Mohammed bin Salman là “Nhân vật của năm”, ghi nhận sự hỗ trợ cho giới trẻ Saudi Arabia của ông trong vai trò chủ tịch Trung tâm Thanh niên Quốc vương Salman.

Sau khi được phong Thái tử, Mohammed bin Salman đã luôn giữ một vị trí quan trọng trong Chính phủ, đứng đầu Hội đồng Kinh tế và Phát triển, giám sát mọi yếu tố chính sách liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và nhà ở, đưa ra nhiều chính sách kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ. Thái tử Mohammed là Chủ tịch hội đồng quản trị tối cao của Aramco - người đầu tiên của hoàng gia trực tiếp giám sát công ty dầu khí nhà nước.

Thái tử Mohammed bin Salman còn là người đứng sau “Tầm nhìn 2030” - kế hoạch kinh tế dài hạn của Saudi Arabia để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Mohammed bin Salman chính là chủ nhân của những tuyên bố như “kết thúc sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu mỏ”, “xây dựng nền kinh tế vươn xa khuôn khổ của công nghiệp dầu khí”. Đến năm 2030, mục tiêu của kế hoạch trên là thành lập ra một hệ thống chính phủ điện tử tại Saudi Arabia.

Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông chính là người đứng đầu chiến dịch quân sự của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.

mohammed bin salman thai tu tro thanh thu tuong hinh 3

Thái tử Mohammed bin Salman bắt tay Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin, Matxcơva, ngày 30/5/2017. 

Thái tử Mohammed bin Salman cũng thường xuyên bày tỏ quan niệm nên trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ, tỏ ý sẵn sàng cho phép phụ nữ tự lái xe hoặc ra đường mà không cần người nhà là đàn ông đi cùng.

Thời điểm năm 2017, Mohammed bin Salman còn “ghi điểm” lớn đồng thời củng cố khả năng giành được quyền kế vị khi có chuyến thăm Mỹ, gặp và trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Chuyến đi không chỉ mở đường cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump mà Saudi Arabia đã được chọn là chặng dừng chân đầu tiên của tân chủ nhân Nhà Trắng mà còn là sự thúc đẩy cho mối quan hệ Riyadh – Washington.

Nhiều tham vọng lớn

Ông ấy là người của thay đổi, có nhiều tham vọng lớn và tư tưởng phương Tây mà ông muốn áp dụng với Saudi Arabia” - nhà phân tích Saudi Arabia, ông Ahmad Al-Ibrahim từng chia sẻ với NBC News về nhân vật hoàng gia nay đã là Thái tử, Thủ tướng Mohammed bin Salman.

Một trong những tham vọng lớn đang ấp ủ của Thái tử Mohammed bin Salman là tuyên bố Saudi Arabia đặt mục tiêu đạt “net-zero” - lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khí quyển - trước năm 2060. Trong tuyên bố được ghi âm và được đọc tại diễn đàn “Sáng kiến xanh Saudi” năm 2021, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nêu rõ: “Hôm nay, tôi tuyên bố mục tiêu của Saudi Arabia đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2060 thông qua cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn carbon”. Xuất khẩu dầu và khí đốt đang là xương sống của nền kinh tế Saudi Arabia, vì thế không ngạc nhiên đây được xem là mục tiêu khá tham vọng.  Trước đó, cũng tháng 3 cùng năm 2021, Saudi Arabia đã công bố một chiến dịch toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải CO2, trong đó có kế hoạch trồng hàng tỷ cây xanh trong những thập kỷ tới.

Vị thái tử còn nuôi mộng thành lập thành phố phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới. Theo đó, như lời vị Thái tử, “Thành phố phi lợi nhuận là nơi triển khai mô hình Digital Twin (công nghệ bản sao số), sẽ có các học viện, trường cao đẳng, trung tâm hội nghị, bảo tàng khoa học, trung tâm sáng tạo, cung cấp không gian hỗ trợ tham vọng của các nhà đổi mới trong khoa học và công nghệ thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và robot”.

mohammed bin salman thai tu tro thanh thu tuong hinh 4

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hồi tháng 7 còn công bố thêm chi tiết về kế hoạch xây dựng một siêu thành phố giữa sa mạc. Thành phố có tên Neom này sẽ bao gồm hai “tòa nhà” ốp kính có chiều cao 500m và dài tới 170km, chạy song song từ vịnh Aqaba vào sâu trong nội địa. Thành phố sẽ không có các con đường hay xe cộ, dự kiến sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo, cũng như có khí hậu ôn hòa quanh năm nhờ thông gió tự nhiên.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu những tham vọng ấy của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có trở thành hiện thực hay không. Còn bản thân vị Thái tử - Thủ tướng dường như vẫn miệt mài nối dài danh sách những kế hoạch tham vọng ấy của mình như một cách để khẳng định bản thân.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế