“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập

“Một câu bất biến dặn phòng xa”

Thứ năm, 01/09/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Tôi đi, cụ chớ lo chi cả/Quyền nước, lòng dân cụ ở nhà/Hai chén trà khuya hương nhẹ toả/Một câu bất biến dặn phòng xa”. 4 câu thơ ấy cũng chính là lời “tường thuật” đầy cảm xúc về buổi gặp gỡ đáng nhớ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng trước ngày Bác đi thăm nước Pháp 31/5/1946.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập

V.I. Lênin từng tổng kết: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 77 năm, để gìn giữ và củng cố được Chính quyền vừa giành được là “khó chồng khó”, vạn sự gian nan bủa vây. Nhưng chính trong những tháng ngày đất nước “thù trong giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã “chèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam” vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy một cách đầy ngoạn mục. Chuyên đề của Báo Nhà báo & Công luận sẽ cùng làm rõ về triết lý tư tưởng ấy cũng như quyết tâm, nỗ lực xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, gìn giữ nền độc lập của Hồ Chủ tịch và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Trăm năm tri kỷ

Dân gian thường có câu rằng: “Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen”. Nhưng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Huỳnh Thúc Kháng, theo nhìn nhận của nhiều sử gia đương thời, thực sự đã là mối quan hệ tri âm, tri kỷ. Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại là sau khi gặp Bác Hồ, Cụ Huỳnh có nói một câu rằng: “Đã gặp tri kỷ, tiếc rằng khi gặp tri kỷ thì tuổi đã già”.

“Gặp tri kỷ khi tuổi đã già” là bởi, hai con người tài cao đức trọng ấy, dù có rất nhiều điểm chung, trong đó điểm chung lớn nhất là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, người nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do”, người luôn khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, dù đã biết về nhau, thậm chí dành cho nhau những khâm phục, nhưng thời cuộc đã khiến họ chưa có cơ hội được gặp gỡ nhau sớm hơn.

Mãi đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, trân trọng tài năng, đức độ của Cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Cụ ra Hà Nội tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai nhà lão thành ái quốc mới có cơ hội gặp nhau.

mot cau bat bien dan phong xa hinh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Năm 1947, Cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý Trung Kỳ, nắm bắt tình hình và truyền đạt đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi quốc dân đồng lòng đoàn kết thành một khối thống nhất, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quyết sống mái với kẻ thù. Tuy nhiên, khi đến tỉnh Quảng Ngãi, do tuổi cao sức yếu nên Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và đã mãi mãi ra đi ngày 21/4/1947, thọ 71 tuổi. Trước khi qua đời, Cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

“Cuộc hội ngộ ở tuổi thất thập”

Lịch sử ghi lại rằng, vào một ngày cuối tháng 2/1946, Cụ Huỳnh ra Hà Nội và ngày đó, hai con người giàu chí khí ấy đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên.

Cuộc gặp gỡ ấy về sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp “tường thuật lại” trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”: “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và Cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và Cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt, đã nhắc đến Cụ Phó Bảng ngày xưa bao phen lận đận ra Bắc vào Nam giữa những năm dài tăm tối. Và ngay từ những phút đầu Cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khao khát được gặp là người rất thân thiết. Sau buổi gặp Bác, Cụ Huỳnh đã nói với một người bạn “Dân ta có được Cụ Hồ quả là hồng phúc”. Cụ đã đặt vào Người sự tin cậy hoàn toàn.

Mặc dù cụ hơn tuổi Bác nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến Hồ Chủ tịch, Cụ thường nói: “Đó là vị cha già của dân tộc”. Nhiều tài liệu cũng ghi lại rằng, ngày hôm đó, gặp Cụ Hồ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vừa khóc vừa nói: “Khi còn ở Côn Lôn, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân vì án chung thân. Nay gặp Cụ tôi hả lắm”. Năm đó Cụ Huỳnh tròn 70 tuổi (sử sách ghi Cụ sinh năm 1876, mất năm 1947).

“Nay gặp Cụ tôi hả lắm” - đó có lẽ là niềm vui của riêng Cụ Huỳnh, của riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã mời thành công một nhân tài ra giúp dân giúp nước, mà còn là niềm vui của cả dân tộc trong bối cảnh, chính quyền Cách mạng Việt Nam còn trong giai đoạn “trứng nước” vô cùng khó khăn, cần nhiều lắm những sự chung tay, giúp sức.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”, thuyết phục được Cụ ra Hà Nội để “trình bày một số ý kiến về đất nước” đã là khó, để Cụ nhận lời nhận chức Bộ trưởng còn khó hơn.

Như lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khi nhận bức thư mời thứ nhất, Cụ Huỳnh chưa trả lời, đến bức thư thứ hai thì Cụ đồng ý ra Bắc nhưng không mang theo hành lý mà dự định ra gặp Bác Hồ rồi Cụ sẽ trở vô. Khi gặp nhau, Bác Hồ đã nói chuyện với Cụ Huỳnh suốt một giờ đồng hồ.

Nhưng có lẽ, sự trân trọng, khâm phục cùng tấm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, Cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn dặm nữa. Xin Cụ đừng thoái thác, Cụ vui lòng giúp tôi”, đã thuyết phục được Cụ Huỳnh ra gánh vác việc nước. Cuối cùng, Cụ Huỳnh đã đồng ý nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Và trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã trân trọng giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, trong đó Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là Cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Sau đó, Cụ Huỳnh còn nhận thêm chức danh Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Ngày 7/3/1946 lần đầu tiên Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra mắt quốc dân trước tiếng hoan hô vang dậy của hàng vạn đồng bào ở quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội.

Và lời dặn dò lịch sử

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - câu nói ấy giờ đây đã được nhiều người Việt thuộc nằm lòng, thậm chí nhiều nơi nhiều chỗ còn xem đó là triết lý, phương châm, kim chỉ nam cho nhiều hoạt động. Nhưng có lẽ không phải ai cũng tỏ tường hết về câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng câu nói ấy trong lời dặn trong phút giây chia tay với nhà ái quốc - trăm năm tri kỷ của mình.

mot cau bat bien dan phong xa hinh 2

Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Chuyện xảy ra vào những ngày cuối tháng 5/1946. Bản tin trưa ngày 23/5/1946 của Đài Phát thanh phát đi bản tin thông báo: Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa (CH) Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Đây cũng là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị nguyên thủ quốc gia.

Ngày 27/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, quyết định Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng. Sau đó ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn hằng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức lên đường sang thăm nước Pháp. Sách 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo TW, Nxb. CTQG - 2007) có đoạn kể lại về thời khắc lịch sử ấy: Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người.

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay Cụ Huỳnh nói: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến’’ (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác Hồ lâu, Bác đã uỷ nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Là người chứng kiến phút giây chia tay này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng từng chia sẻ về thời khắc ấy: Trước khi đi, Bác Hồ có bàn với Cụ Huỳnh việc giao quyền Chủ tịch nước cho Cụ và để lại cho Cụ mấy chữ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì biết tình hình sẽ rất khó khăn.

Và thực sự, gánh vác trọng trách thay Hồ Chủ tịch điều hành việc nước trong những ngày “thù trong giặc ngoài”, nền độc lập, chính quyền cách mạng còn rất non trẻ là một thử thách không nhỏ đối với Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Nhưng, nhà lão thành ái quốc người xứ Quảng đã không phụ sự kỳ vọng, mong đợi của Hồ Chủ tịch. Trong thời gian Người đi vắng (từ ngày 31/5/1946- 20/10/1946), Cụ đã điều hành quốc sự theo đúng phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, nhờ đó, giải quyết êm thấm nhiều công việc liên quan đến quốc gia đại sự, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong thời điểm hiểm nghèo.

Trong thời gian giữ chức vụ quyền Chủ tịch nước, Cụ đã ký 160 sắc lệnh (từ Sắc lệnh số 92 đến 251). Cụ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập cũng như nhiều đầu việc quan trọng khó khăn khác.

mot cau bat bien dan phong xa hinh 3

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Báo Tiếng Dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể rằng: “Lúc bấy giờ rất may mắn Cụ Huỳnh là người yêu nước và chuộng công lý cho nên khi xảy ra vụ Ôn Như Hầu là cụ quyết liền. Nếu không có chứng cớ rõ ràng mà bắt Việt Quốc, Việt Cách thì không làm được mà còn ảnh hưởng đến Mặt trận. Ngay một số người nào đó trong Mặt trận cũng chưa chắc đã tán thành. Nhưng công an ta lúc đó có anh Lê Giản và anh Nguyễn Tạo lo tìm được chứng cớ.

Khi chúng tôi có chứng cớ báo cho Cụ Huỳnh rằng ở phố Ôn Như Hầu (ngày nay là phố Nguyễn Gia Thiều) đang in truyền đơn phản động và có vấn đề bắt cóc, hối lộ, tống tiền, thủ tiêu... thì với tinh thần khảng khái của người yêu nước, chuộng công lý, cụ cầm ba-toong đập xuống đất một cái và nói: Phải diệt chúng nó, bọn này là bọn phản quốc. Thế là cụ tán thành xử lý vụ Ôn Như Hầu...

Hồi đó nhiều đồng chí, đồng bào ta bị bắt, bị giết, bị chôn ở trong đó. Chúng tôi bàn ở trong Thường vụ và ở trong Quân uỷ Trung ương quyết định phải tiêu diệt bọn Quốc dân đảng ở Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai và cụ Huỳnh đồng ý. Như thế trong khi Bác Hồ đi vắng, ở nhà giải quyết được mối đoàn kết chung, kiên quyết tiêu diệt bọn phản động, không phải chỉ vụ Ôn Như Hầu mà tiêu diệt toàn bộ quân của Việt Quốc, Việt Cách từ Vĩnh Yên cho đến Yên Bái, Lào Cai. Đến khi Bác Hồ về thì mọi việc đã được giải quyết”.

Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ sự thán phục về tài điều hành của Cụ Huỳnh và gửi lời cảm ơn tới Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Người nói: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Có thể nói không ngoa rằng, cụ Huỳnh Thúc Kháng có lẽ là người đầu tiên lĩnh hội và thực thi khá trọn vẹn phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Khi được tin Cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cả nước để tang Cụ Huỳnh. Hồ Chủ tịch đã làm bài thơ điếu Cụ Huỳnh bằng chữ Hán: “Ô hô!/ Vân phong vân khí ám/ Đà hải triều thanh bi/ Tứ nguyệt lệ vân tố/ Huỳnh Bộ trưởng yên quy?/ Nội vụ bộ kim nhật/ Tài đức giả kỳ thùy?/ Đồng bào nẫm dư triệu/ Thống khấp lệ lâm ly. Dịch là: : Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau!/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu!". Trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 29/4/1947, Bác Hồ viết những lời ca tụng: “…Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao (…). Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. (…). Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta…”.

Hà Anh

Tin khác

Chỉnh phủ chỉ đạo kiên quyết không để thiếu điện, chủ động thu hút đầu tư FDI quy mô lớn

Chỉnh phủ chỉ đạo kiên quyết không để thiếu điện, chủ động thu hút đầu tư FDI quy mô lớn

(CLO) Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Tích cực, chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen...

Tin tức
Hà Nội xem xét đề án tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô

Hà Nội xem xét đề án tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô

(CLO) UBND thành phố xem xét tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc thông qua đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Tin tức
Thí điểm cơ chế, chính sách mới, đột phá về đất đai nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng

Thí điểm cơ chế, chính sách mới, đột phá về đất đai nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng các nghị quyết của Quốc hội để thí điểm cơ chế, chính sách mới, đột phá về đất đai nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng của địa phương, doanh nghiệp.

Tin tức
Xây dựng các cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp giám sát thực hiện quy hoạch

Xây dựng các cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp giám sát thực hiện quy hoạch

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai Quy hoạch và phát triển, liên kết vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững. Đặc biệt, Thủ tướng gợi ý các địa phương xây dựng các cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện quy hoạch…

Tin tức
Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới

Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới

(CLO) Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Tin tức