Mục tiêu nào sẽ đạt được sau khi thí điểm phân làn phương tiện đường Nguyễn Trãi?

Thứ năm, 18/08/2022 10:44 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu của việc tách riêng làn ô tô, xe máy ở đường Nguyễn Trãi để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông là rất tốt nhưng để hiện thực hóa là rất khó khăn bởi muôn vàn lý do.

Ngán ngẩm cảnh giao thông lộn xộn khi thí điểm phân làn

Từ ngày 6/8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Khuất Duy Tiến - Ngã Tư Sở) bằng 748m dải phân cách cứng với 2 làn sát vỉa hè dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động và các làn còn lại dành cho ô-tô hoạt động.

Theo ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô-tô, xe máy đông đúc, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã báo cáo Thành phố cho thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng làn ô-tô, xe máy.

muc tieu nao se dat duoc sau khi thi diem phan lan phuong tien duong nguyen trai hinh 1

Cần có sự đồng bộ trong tổ chức giao thông và quy hoạch, phát triển hạ tầng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại đường Nguyễn Trãi nói riêng và toàn TP. Hà Nội nói chung. Ảnh: Quang Hùng

Trong thời gian thí điểm, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực để phân luồng, tuyên truyền để người dân đi đúng làn đường. Sau thời gian thí điểm, với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo quy định. Nếu việc phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi đạt hiệu quả, Sở GTVT sẽ nghiên cứu để áp dụng trên tuyến đường khác của thành phố.

Qua gần 2 tuần thực hiện thí điểm, ghi nhận thực tế của PV trên tuyến đường Nguyễn Trãi tình trạng lộn xộn, ùn ứ vẫn diễn ra; các phương tiện vẫn không đi đúng làn đường và thậm chí nhiều va chạm đã xảy ra. Đặc biệt, tại các điểm giao cắt như đầu phố Cự Lộc, Vũ Trọng Phụng, Kim Giang,... hàng đoàn xe máy vẫn ngang nhiên đi ngược chiều gây rối loạn giao thông.

Sống tại tuyến đường Nguyễn Trãi đã nhiều năm, ông Ngọc Thành cho biết, trước đây tuyến đường từng có dải phân cách là hệ thống cây xanh để phân làn giữa ô tô và các phương tiện khác vừa đẹp cảnh quan, vừa tạo không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên khi làm đường sắt trên cao đã phá bỏ đi hết.

Giờ lại lắp dải phân cách cứng, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không giảm được, nhiều khi mật độ người tham gia giao thông trên tuyến đường này quá lớn. Nhiều người rẽ sang trái vào làn rồi đi được một đoạn lại rẽ phải đi ra ngoài khiến xung đột tăng thêm,... bác Thành bày tỏ.

Trong khi đó, anh Quỳnh (trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ, việc lắp dải phân cách từng đoạn ngắn như này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi chiều cao dải phân cách chỉ khoảng 1m. Điều này khiến người đi từ xa sẽ khó quan sát thấy và rất dễ đâm vào do bị khuất tầm nhìn.

Nếu phân làn mà người dân đi lại không ách tắc thì cũng tốt nhưng phân làn mà vẫn “xe ngang, xe dọc”; nhiều điểm ra vào, giao cắt và với tâm lý tiện thể một số người cố tình đi ngược chiều sẽ khiến ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng.

Tổ chức giao thông đừng nay thay, mai sửa

Từ những năm 2010, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cho lắp hàng loạt vỉa ba toa - dải phân cách cứng trên các tuyến: Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Xã Đàn, Giải Phóng,... để phân làn phương tiện với kinh phí gần 24 tỷ đồng nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên 12 tuyến phố.

muc tieu nao se dat duoc sau khi thi diem phan lan phuong tien duong nguyen trai hinh 2

Hình ảnh giao thông hỗn loạn trên đường Nguyễn Trãi khi thực hiện thí điểm phân làn phương tiện. Ảnh: Quang Hùng.

Nhưng sau một thời gian dài thực hiện phân luồng giao thông cưỡng bức trên 12 tuyến phố, Sở GTVT Hà Nội đã lại quyết định dỡ bỏ dải phân cách cứng với lý do... ý thức người dân đã được nâng lên. Vì vậy, việc phân luồng cưỡng bức là không cần thiết.

Nhiều ý kiến lo ngại việc phân làn ô-tô, xe máy chỉ trên đường Nguyễn Trãi có thể thất bại như những lần thí điểm trước. Các dòng xe vẫn di chuyển lộn xộn như thường lệ ô-tô dừng đỗ, đi vào làn xe máy; xe máy thản nhiên luồn lách giữa các làn ô-tô thậm chí cả đoàn xe máy đi ngược chiều để vào các ngõ nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, đường Nguyễn Trãi cũng như nhiều tuyến đường khác đều kết nối với các tuyến phố, ngã rẽ. Việc tách làn bằng dải phân cách cứng được Hà Nội áp dụng rất đơn độc, trong khi đó thành phố có hàng trăm tuyến đường khác.

Điều này khiến người tham gia giao thông khi đi từ tuyến đường không được tách làn bằng dải phân cách cứng rồi nhập vào đường Nguyễn Trãi thấy ngỡ ngàng.

Ngoài ra những vị trí quay đầu, nút giao sẽ là “khe hở” của dải phân cách cứng để xe máy, ô-tô đi lẫn lộn vào làn đường của nhau và đa phần người tham gia giao thông đều chưa có thói quen đi đúng làn đường của mình.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, mục tiêu của việc tách làn riêng dành cho ô-tô, xe máy ở đường Nguyễn Trãi rất tốt nhưng để hiện thực hóa rất khó khăn bởi muôn vàn lý do.

Chúng ta đang tổ chức giao thông không có sự kết hợp và không chịu sự chi phối của quy hoạch mạng lưới giao thông. Tổ chức giao thông tình thế, từ thực trạng rồi thiết kế tổ chức giao thông ngay dẫn tới kết nối giữa các tuyến với nhau rất lúng túng, chưa có sự đồng bộ.

Tuyến phố nào của chúng ta cũng có đầy nhà dân xung quanh hai bên, hàng trăm, nghìn ngõ nhỏ cứ đổ vào đường chính nên nhiệm vụ là chúng ta phải quy hoạch. Đồng thời mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm những vi phạm để mọi thứ đi vào quy củ, vị chuyên gia khẳng định.

Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế phương tiện cá nhân,... Tất cả đều đã có trong chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn, đã được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Để làm được điều này, Hà Nội phải tập trung nguồn lực rất lớn, đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng. Đặc biệt các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống mạng lưới vận tải công cộng xe buýt, đường sắt đô thị phải được hoàn thành đúng tiến độ để đáp ứng yêu cầu phát triển, phát huy hiệu quả đầu tư.

Thế Anh

Bình Luận

Tin khác

Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đồng Nai đề xuất bổ sung làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

(CLO) Mới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai có báo cáo trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng trên địa bàn.

Giao thông
Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Tiếp tục tăng cường chạy tàu khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

(CLO) Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), căn cứ vào kế hoạch chạy tàu hiện hành và để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt bổ sung thêm kế hoạch chạy tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 28/3.

Giao thông
Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

Điều chỉnh Slot bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất dịp 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè

(CLO) Tin từ Cục Hàng không Viêt Nam cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định công bố điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (Slot) cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè 2024.

Giao thông
Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

Đi đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, người dân có thể gửi xe ở đâu?

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phối hợp với đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội khảo sát các điểm đỗ xe cho hành khách đi tàu.

Giao thông
Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

Giao thông khu vực cầu Phú Mỹ ùn ứ trong nhiều giờ do cháy xe container

(CLO) Đám cháy bất ngờ bùng phát từ một container trên cầu Phú Mỹ, đoạn qua phường Tân Thuận Đông (Quận 7, TP.HCM) khiến giao thông qua khu vực bị tê liệt nhiều giờ.

Giao thông