(CLO) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price cho biết hôm thứ Sáu (20/8) rằng việc liệt kê Taliban là một tổ chức khủng bố là một trong nhiều công cụ mà Washington có thể sử dụng để lôi kéo nhóm chiến binh Afghanistan từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và chấm dứt hỗ trợ cho chủ nghĩa này.
Khi được hỏi trong một cuộc họp báo về việc liệu đưa Taliban vào danh sách các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài (FTO) của Bộ Ngoại giao có phải là một công cụ gây áp lực mà Washington đang sử dụng để có được kết quả từ nhóm phiến quân này hay không, ông Price trả lời rằng đúng như vậy.
“Chúng tôi có một số công cụ để sử dụng. Taliban hiện nay là một nhóm khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt (SDGT). Đó là một công cụ", ông Price nói. “Đây vừa là cây gậy vừa là… củ cà rốt, là động lực tiềm tàng để khiến Taliban duy trì các chuẩn mực quốc tế cơ bản, các quyền cơ bản của người dân".
Danh sách SDGT, do Bộ Tài chính Mỹ duy trì, được sử dụng để áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các nhóm có liên quan. Danh sách FTO có tính chất quan trọng hơn và cấm các cá nhân và tổ chức hỗ trợ vật chất cho các nhóm có liên quan.
Taliban đã được thêm vào danh sách SDGT vào năm 2002. Trong khi Taliban ở Pakistan, hay còn được gọi là Tehrik-e Taliban Pakistan, được liệt kê là một tổ chức khủng bố nước ngoài theo Lệnh hành pháp 13224, thì Taliban ở Afghanistan lại không.
Ông James Dobbins, cựu Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan và Pakistan, nói với VOA năm 2017 rằng: “Không nghi ngờ gì, Taliban đôi khi tấn công dân thường một cách có chủ đích chứ không phải vô tình và đó là định nghĩa của chủ nghĩa khủng bố. Câu hỏi đặt ra là liệu việc đưa tổ chức này vào danh sách FTO có phục vụ cho các mục đích của chính phủ Mỹ và Afghanistan hay không".
Sau khi chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan hôm Chủ nhật (15/8), Taliban hứa sẽ thành lập một chính phủ toàn diện và mời phụ nữ tham gia, đồng thời hứa ân xá cho các nhân viên chính phủ làm việc với chế độ do Mỹ hậu thuẫn. Taliban cũng đã đưa ra lời hứa về việc không cho phép các nhóm vũ trang sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công các nước khác.
Tuy nhiên, khi nói về quyền phụ nữ, một phát ngôn viên của Taliban cho biết các quốc gia khác phải tôn trọng các giá trị văn hóa của họ. Cách đây 20 năm, khi Taliban nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001, phụ nữ và các bé gái không được đi học, không được đi làm và phải che kín người cũng như phải đi kèm nam giới khi ra đường.
(CLO) Theo số liệu chính thức được công bố vào ngày 9/9, Nga đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1999 trong 6 tháng đầu năm nay, với số ca sinh trong tháng 6 dưới 100.000, đánh dấu mức giảm hàng tháng đầu tiên.
(CLO) Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chuẩn bị đối đầu trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên của họ, khi cuộc bầu cử chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa.
(CLO) Đảng Nước Nga Thống nhất đã giành chiến thắng vang dội trong mọi cuộc bầu cử khu vực vào tuần trước, cho thấy người dân vẫn dành sự ủng hộ tuyệt đối với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.
(CLO) Năm học mới tại các vùng lãnh thổ của Palestine đã chính thức bắt đầu vào ngày 9/9, trong khi tất cả trường học ở Gaza vẫn đóng cửa sau 11 tháng xung đột và không có dấu hiệu ngừng bắn.
(CLO) Tuần tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết của Palestine yêu cầu Israel chấm dứt "sự hiện diện bất hợp pháp tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng" trong vòng 6 tháng.