(NB&CL) Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục. Tuy nhiên, với phương châm: “Bất biến chuẩn đầu ra, vạn biến về phương pháp” đã được thầy và trò trong cả nước quán triệt ngay từ đầu năm học.
Thấy sóng cả nhưng không ngã tay chèo!
Đến thời điểm này, có thể khẳng định năm học 2021 – 2022 là một năm học lịch sử. Ngoài việc chương trình phổ thông mới được dạy học ở lớp 1, lớp 2, lớp 6 thì tình hình dịch bệnh tác động sâu sắc, toàn diện tới hoạt động dạy và học đối với toàn ngành giáo dục.
Gần cận kề năm học mới, nhưng nhiều địa phương phải liên tục thay đổi kế hoạch tựu trường. Kế hoạch năm học cũng vì thế được điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh. Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo toàn ngành: “Một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục. Cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực. Chuyển sang trạng thái bình thường mới là tùy vào từng nơi, bối cảnh, để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng”.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Hiện nay, nhiều trường học vẫn đang được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, vẫn ngổn ngang… Trước bối cảnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng trên môi trường internet cho cả học kỳ 1 của năm học. Với tinh thần, bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ vào cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi Trung học phổ thông năm 2022.
Trong khi đó, Hà Nội tuy dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng còn đó nhiều tiềm ẩn rủi ro. Hà Nội quyết định cho học sinh khai giảng trực tuyến và xây dựng kế hoạch dạy học online cho học sinh ngay từ đầu năm học. Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận (NB&CL), thời gian đầu năm học, học sinh toàn quận sẽ học trực tuyến, kể cả học sinh lớp 1. Hiện các thầy cô đã chuẩn bị kỹ công tác chuyên môn, cũng đã chốt các tình huống để cố gắng giảm thiểu bỡ ngỡ cho học sinh, nhất là đối với các học sinh đầu cấp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, các nhà trường trong quận đã lên phương án, chuẩn bị các bài giảng để dạy trực tuyến. Khi học sinh chưa thể đến trường thì việc dạy trực tuyến được thầy cô tích cực chuẩn bị. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng đã hoàn tất.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, tại các huyện đồng bằng đang thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi, các huyện miền núi tình hình dịch bệnh không phức tạp, vẫn an toàn. Vì thế, tỉnh Nghệ An tổ chức năm học mới linh hoạt. Theo Giáo sư Thái Văn Thanh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Nghệ An là địa phương có truyền thống hiếu học, để phụ huynh an tâm ngoài việc dạy học trực tuyến, tỉnh đã xây dựng các video clip các bài giảng. Việc học theo video clip được tổ chức phối hợp cùng với phụ huynh giám sát.
Ông Thái Văn Thành còn cho biết, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ có chủ động, linh hoạt, đảm bảo tiến độ, chất lượng dạy học. “Nghệ An chủ trương sẽ tận dụng giờ vàng, những nơi không có dịch tranh thủ dạy học. Ở bậc THCS, THPT sẽ đẩy lên dạy hai buổi/ngày. Trường hợp thuận lợi dạy cả thứ 7, CN. Phải học tranh thủ thời gian, thuận lợi lúc nào tổ chức dạy học lúc đó. Đối với tiểu học, sẽ tranh thủ cả buổi đêm khi bố mẹ ở nhà để dạy online. Sở sẽ lên các phương án để tận dụng thời cơ, kiến thức, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học”.
Cần lắm sự đồng hành của phụ huynh
Năm học mới 2021 – 2022 đã đến gần trong bối cảnh dịch bệnh, như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Hồng Thu ở Hà Đông, Hà Nội cũng mang nhiều âu lo lắng. Tuy nhiên, chị đã xác định tinh thần đồng hành cùng con trong năm học với nhiều thách thức phía trước. Chia sẻ với phóng viên Báo NB&CL, chị Thu cho rằng, cháu nhà chị năm nay học lớp 3. Hai năm học vừa qua đã quen dần với với chuyển trạng thái từ học trực tiếp, sang trực tuyến và yên tâm về chất lượng cuối năm nên chị không còn bối rối.
Trong khi đó, anh Vũ Văn Phương ở Cầu Giấy, Hà Nội có con bước vào lớp 1 nên tâm trạng hồi hộp hơn. Anh chưa hình dung được việc học trực tuyến với học sinh lớp 1 như thế nào và cần làm gì đề đồng hành với con. “Tôi xác định dành nhiều thời gian cùng con vượt qua thử thách khó khăn trong năm học đầu đời của con. Mặc dù học online nhưng tôi không quá áp lực vì đây là khó khăn là chung và chỉ trước mắt” – anh Phương nói.
Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc học tập không bị ngừng trệ khi các nhà trường chuyển sang dạy học online. Muốn đạt hiệu quả cao, theo các nhà giáo cần thiết phải có sự phối hợp của phụ huynh. Quảng Trị hiện nay tình hình dịch được kiểm soát, học sinh trên toàn tỉnh được đến trường và học trực tiếp theo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Lê Thị Hương vẫn lo lắng. Bà cho rằng, với bối cảnh hiện nay thì việc dạy và học phải trong tình trạng chuyển trạng thái linh hoạt. Để có năm học hoàn thành, cần sự hỗ trợ lớn đến từ phụ huynh.
“Mặc dù Quảng Trị chưa bùng phát dịch, nhưng tình hình phải luôn đề phòng, phải luôn chủ động chuyển trạng thái dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Để dạy học trực tuyến có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh. Dạy học trực tuyến nhất là đối với bậc tiểu học, chỉ khi có sự phối hợp giữa phụ huynh thì mới thực hiện có hiệu quả. Nếu dạy học online kéo dài, chắc chắn ảnh hưởng đến sinh hoạt của phụ huynh nhưng vì con em tôi mong các vị phụ huynh dành thời gian cùng với thầy cô, nhà trường để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học” – bà Lê Thị Hương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng, rất mong muốn tất cả các phụ huynh phối hợp, đồng hành cùng với ngành giáo dục quận. Để làm sao khi giáo dục chuyển trạng thái sang dạy trực tuyến có được kết quả tốt nhất cho các em học sinh. Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng nhấn mạnh: “Phụ huynh học sinh cần giúp đỡ ngành giáo dục, cùng ngành giáo dục giúp đỡ các con trong học tập. Sự đồng hành của phụ huynh với thầy cô rất quan trọng, đặc biệt đối với học sinh lớp 1, lớp 2”.
Qua trao đổi, có thể thấy hiện các nhà trường, thầy cô đã xác định rõ tâm thế vượt lên thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học. Trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo chất lượng dạy và học, sự phối hợp đồng hành của phụ huynh là yếu tố hết sức quan trọng.
Không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng.
Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”.
(CLO) Ngành Giáo dục Hải Phòng vừa yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 12/9/2024 (thứ Năm) cho đến khi bảo đảm an toàn về thời tiết, giao thông, khắc phục thiệt hại sau bão.
(CLO) Chiều 11/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập.