Nén tâm nhang cho những người đã khuất!

Thứ sáu, 19/11/2021 14:40 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hơn 23.000 sinh mệnh đồng bào, chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, nỗi đau ấy không gì bù đắp nổi. Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 xin là nén tâm nhang, mong siêu thoát cho những người đã khuất và xoa dịu phần nào đó niềm đau cho những người ở lại.

Sự kiện: COVID-19

nen tam nhang cho nhung nguoi da khuat hinh 1

Lễ cầu siêu cho nạn nhân Covid-19 diễn ra tại chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10) sáng 18/11. Ảnh: Maison de Bil

1. Dẫu biết COVID-19 là trận cuồng phong, là cơn sóng thần dịch bệnh thuộc hàng hiếm có trong lịch sử, nhưng không ai có thể ngờ, sức tàn phá, hệ lụy mà nó để lại sau những làn sóng càn quét, lại khủng khiếp đến thế. Hàng loạt nền kinh tế rơi vào suy thoái, các chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm... nhưng nỗi đau lớn nhất, không gì bù đắp nổi là những mất mát về sinh mệnh.  

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày cuối cùng của tháng 10/2021 vừa qua, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt mốc 5 triệu người. Tuy nhiên, theo ước tính mới đây của một số nhà nghiên cứu, số nạn nhân tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu thực tế cao gấp nhiều lần so với con số đã được báo cáo.

Tại Việt Nam, tính đến hết ngày 18/11, số ca tử vong vì COVID-19 của cả nước là 23.337 người, trong đó TP.HCM có hơn 17.000 người, chiếm 74% tỷ lệ tử vong cả nước. Trong số đó, dù là là những người dân bình thường không may mắn vượt qua được dịch bệnh hay những người chiến sĩ, cán bộ y tế đã hy sinh trên tuyến đầu chống "giặc dịch COVID-19", thì tất cả những nỗi đau mất người đều xé lòng như nhau. 

"Sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất, sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát quá lớn này. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi", cảm nhận của ông Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lẽ cũng là nhìn nhận của hết thảy người Việt Nam trong thời khắc này. 

nen tam nhang cho nhung nguoi da khuat hinh 2

Bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM đưa tro cốt của những người qua đời vì COVID-19 từ Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) về tập trung tại Nhà tang lễ TP.HCM. Ảnh: A.TÙNG

2. “Trước ngày đi bệnh viện, chồng tôi có một cơ thể khỏe mạnh. Ngày mẹ con tôi trở về nhà, thứ chúng tôi nhận được chỉ là một hũ tro. Đau đớn lắm! Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn Nhà nước có một chương trình tưởng niệm để những người đã vĩnh viễn ra đi như chồng tôi được siêu thoát, an yên miền cực lạc. Những người như mẹ con tôi được san sẻ nỗi đau, an ủi tinh thần…", niềm mong mỏi của không chỉ chị Nguyễn Thị Hòa (ngụ ở Khu 550, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương - một trong những "tâm dịch" trong làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua) tới ngày 19/11 này, đã trở thành hiện thực.

Thực ra, một lễ tưởng niệm hay quốc tang cho những người đã mất vì COVID-19 đã là việc nhiều quốc gia trên thế giới đến nay đã làm. Tháng 4/2020, Trung Quốc đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân và những người đã hy sinh vì COVID-19. Tháng 5/2020, Tây Ban Nha tổ chức quốc tang trong 10 ngày khi con số tử vong vì COVID-19 của nước này lên đến 30.000 người. Ngày 18/4 năm nay, Đức tổ chức lễ tưởng niệm cấp quốc gia cho 80.000 người thiệt mạng vì COVID-19. Argentina cũng dành 5 ngày để cả nước tưởng niệm nạn nhân COVID-19. 

Tại Việt Nam, đề xuất về một lễ tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch COVID-19 đã được đặt ra từ lâu. Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 4/10 vừa qua, các đại biểu đã tiến hành tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch COVID-19. 

Báo chí, nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, cho rằng đó là đạo lý dân tộc, là nghĩa cử nên làm, đề xuất Quốc hội sớm chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm, kịp thời chia sẻ, xoa dịu những nỗi đau, sự mất mát của hàng vạn gia đình của các nạn nhân COVID-19 cũng như tạo sự khích lệ lớn đối với những người vẫn đang ngày đêm trên tuyến đầu phòng chống dịch. Và thời điểm trung tuần tháng 11 này, khi cả nước bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 được cho là thời điểm thích hợp để chọn ra một ngày để tưởng niệm. 

"Trong nỗi khổ niềm đau cùng tận giữa đại dịch COVID-19, chúng ta càng cần hướng về nhau, giúp nhau có thêm niềm tin vượt qua đau thương, hướng đến tương lai vì sự hồi sinh ở phía trước. Tình người và tính nhân văn phải được soi sáng giữa mất mát, đau thương", đúng như lời Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Lễ tưởng niệm mà chúng ta tổ chức đêm 19/11 này, hẳn sẽ hiện thực hóa được phần nào mong muốn ấy.

3. Chia sẻ, đồng cảm - đó là truyền thống, đạo lý nhân văn đáng trân trọng tự bao đời nay của người Việt. Nhưng chỉ bằng những lời nói, hẳn chưa thể đủ để làm liền da những vết đau lớn ấy trong gia đình có người mất vì COVID-19. Nhất là nhiều số liệu cho thấy, rất nhiều người đã nằm xuống đã từng là những trụ cột kiếm sống của gia đình, có nhiều gia đình mà người ở lại chỉ là những đứa trẻ đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" hay bố mẹ già yếu gần đất xa trời... cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình trong số hơn hai mươi ba ngàn người đã mất, vốn đã cơ cực, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, lại mất người, lẽ đương nhiên sẽ muôn phần cơ cực hơn... 

Bước đầu, được biết với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân"... đã có sự vào cuộc, chia sẻ của cộng đồng, những tấm lòng thiện nguyện. Nhà nước, bước đầu cũng đã có những hỗ trợ về chi phí mai táng... Đơn cử như tỉnh Bình Dương từ hồi đầu tháng 8/2021 đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho thân nhân người mất vì COVID-19, yêu cầu hai đơn vị mai táng niêm yết giá thấp hơn giá thị trường để người dân khi nhận tiền hỗ trợ lo chi phí hậu sự cho người mất thì vẫn còn dư tiền trang trải khó khăn trước mắt... TP. HCM cũng đã có chính sách hỗ trợ mai táng phí cho người mất vì COVID-19 với số tiền khoảng 17 triệu đồng được chi trực tiếp cho các đơn vị phụ trách. Thành phố cũng đang tổ chức chăm lo cho người cao tuổi, trẻ em mất cha, mẹ, người nuôi dưỡng chính vì COVID-19.

Trong những tháng dịch bệnh vừa qua, triển khai nghị quyết 68, Nghị quyết 126, từ Chính phủ đến các địa phương  đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ bà con với nhiều chính sách, với số tiền hỗ trợ lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, như thừa nhận của ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - thời gian qua là Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ các nghị quyết triển khai an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn nhưng nguồn lực có mức độ nên diện bao phủ chưa như mong muốn, một số thủ tục còn mất nhiều thời gian, cá biệt có trường hợp chi không đúng đối tượng. Do đó Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét, rút kinh nghiệm làm sao hoàn thiện chính sách tốt hơn.

Áp lực sinh kế trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hẳn sẽ còn rất lớn... Rõ ràng cần nhiều hơn nữa những giải pháp để tất cả những phận người đang gặp khó trong dịch COVID-19 có thêm cơ hội được tiếp cận với các gói hỗ trợ... 

Nỗi đau đã qua thật không dễ xóa nhòa... Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, những mạng người phải ngã xuống vì COVID-19 vẫn tiếp tục xảy đến... Nhưng đêm tối, dù mịt mùng thế nào rồi sẽ vẫn sẽ tới bình minh, cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn...

Cả nước đang trên hành trình thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, dù rằng sự biến đổi tác quái khó lường của biến thể COVID-19 khiến sự thích ứng ấy không hề dễ dàng...

Lễ tưởng niệm ngày hôm nay là nén tâm nhang cho những người đã khuất, là dịp để tất cả cùng lắng lòng mình, nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh đã qua, đồng cảm, sẻ chia, xoa dịu với những nỗi đau mất mát đã có, nhưng quan trọng hơn hết thảy, là lời nhắc nhớ mỗi chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh, để mỗi người may mắn được sống hôm nay trân quý hơn về sự an lành mà mình đang có, ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng và nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn với hành trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội  phía trước. 

Hồng Hà

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn