Nga – Ukraine đạt thoả thuận về ngũ cốc, an ninh lương thực toàn cầu đã qua khủng hoảng?

Thứ năm, 28/07/2022 13:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Giá thực phẩm đang giảm, nhưng các chuyên gia cho rằng sản lượng sản xuất toàn cầu và tỷ lệ đói nghèo có thể còn tồi tệ hơn vào năm 2023 tới.

Liên hợp quốc làm cầu nối giữa Nga và Ukraine đã khiến song phương đạt được thoả thuận, các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine thành công rời khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine, giá hàng hóa thực phẩm đã giảm mạnh.

nga ukraine dat thoa thuan ve ngu coc an ninh luong thuc toan cau da qua khung hoang hinh 1

Nhiều chuyên gia nhận định rằng khủng hoảng lương thực sẽ tồi tệ hơn vào năm tiếp theo. Ảnh: Internet.

Giá lương thực giảm không có nghĩa đã qua khủng hoảng

Bên cạnh đó, do nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế, một vụ thu hoạch bội thu ở Nga và hy vọng dòng chảy thương mại ngũ cốc “hồi sinh” đã đẩy giá các mặt hàng thực phẩm chính xuống mức thấp hơn.

Tuy nhiên, theo Financial Times, giá lương thực giảm không có nghĩa là cuộc khủng hoảng lương thực chấm dứt. Các nhà phân tích cho rằng các yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường tăng cao hơn nữa là không thay đổi.

Được biết, xung đột Ukraine được ví như “gia vị” được nêm nếm vào thời điểm giá lương thực trước đó đã bị đẩy lên cao. Trong khi đó, một loạt các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến cán cân an ninh lương thực toàn cầu phải kể đến: hạn hán ảnh hưởng đến các nước sản xuất cây trồng chủ chốt và chuỗi cung ứng đang đối phó với những ảnh hưởng còn sót lại của đại dịch.

Ở những quốc gia nghèo hơn, có nền kinh tế bị bỏ lại bởi các đợt giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm tình hình tồi tệ.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, xung đột Nga - Ukraine chắc chắn là một lực cản lớn đối với sản xuất lương thực toàn cầu. Với việc các cảng của Ukraine bị phong tỏa và năng lực vận tải trên các tuyến đường thay thế bị hạn chế, khối lượng xuất khẩu của Ukraine vì thế đã giảm đáng kể. Vào tháng 6, nước này chỉ xuất khẩu dưới 1 triệu tấn lúa mì, ngô và lúa mạch, thấp hơn 40% so với cùng tháng năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp Ukraine.

Vào tháng này, vụ thu hoạch của Ukraine bắt đầu. Những người trồng trọt đang tích cực tăng gia sản xuất để tích trữ cho vụ mùa mới. Nhưng nếu nông dân không thể bán ngũ cốc của họ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến năm 2023 vì họ sẽ không có tiền để trả hạt giống và phân bón cho mùa vụ tiếp theo.

Cary Fowler, đặc phái viên về an ninh lương thực của Hoa Kỳ cho biết: “Điều khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu này khác với những tình huống tương tự trước đó là có nhiều nguyên nhân chính đằng sau nó.

Các nhà phân tích cho biết tác động thực sự của sự kết hợp các yếu tố này sẽ chỉ trở nên rõ ràng vào năm tới. Một người nói: “Tôi lo lắng về năm 2023 hơn là năm 2022”.

Được biết, giá hàng hóa tăng cao vào cuối vụ xuân có thể đã khuyến khích nông dân tham gia sản xuất. Nhưng điều đó sẽ chả thấm vào đâu bởi chi phí đầu vào đang tăng cao, đặc biệt là giá phân bón và dầu diesel dùng cho vận chuyển và thiết bị nông nghiệp.

Các quan chức chính sách lương thực cảnh báo rằng giá năng lượng tăng cao, dự kiến sẽ còn tăng trong mùa đông tới, cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất phân đạm, một chất dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng.

Arif Husain, nhà kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, cảnh báo: “Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề đầu vào nông nghiệp - cụ thể là phân bón - thì cuộc khủng hoảng khả năng chi trả sẽ chuyển thành cuộc khủng hoảng về nguồn cung ứng vào năm tới”.

Cho đến nay, mối quan tâm chính về lương thực là nguồn cung cấp ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và dầu thực vật mà Ukraine là nước xuất khẩu lớn. Nhưng một số nhà phân tích lo ngại về giá gạo đang đồng loạt tăng giá và khan hàng tại châu Á.

Hiện tại, theo ước tính, dư lượng lương thực tồn kho ở các nước sản xuất hàng đầu như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang ở mức tương đối ổn định. Tuy nhiên, có những lo lắng về việc hạn chế xuất khẩu, nếu giá lúa mì cao ngất ngưởng sẽ đẩy nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng gạo để thay thế.

Trong khi đó, chỉ khoảng 10% tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu được xuất khẩu, do đó, sự hạn chế của bất kỳ nhà xuất khẩu nào có thể có tác động lớn đến giá quốc tế.

Trong năm 2007-08, hàng loạt các nước “đầu tàu” về sản xuất và xuất khẩu gạo như Ấn Độ và Việt Nam đều đồng loạt hạn chế xuất khẩu, kết hợp với việc các nhà nhập khẩu gạo lớn như Philippines hoảng loạn mua tích trữ, khiến giá mặt hàng này tăng hơn gấp đôi.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền bào mòn con người ra sao?

Rất lâu trước khi Nga tấn công Ukraine, tình trạng mất an ninh lương thực đã ở mức kỷ lục. Do đại dịch, hạn hán và các cuộc xung đột khu vực khác, ước tính vào năm 2021 trên dưới 770 triệu người bị đói, đây là con số cao nhất kể từ năm 2006, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

FAO dự đoán cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm tăng số người thiếu ăn lên tới 13 triệu trong năm nay và 17 triệu nữa vào năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới, cứ mỗi 1 điểm phần trăm giá lương thực tăng, sẽ có thêm 10 triệu người giảm lâm vào cảnh nghèo cùng cực.

Trên phần lớn châu Phi, Trung Đông và Trung Á, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực cao hơn sản xuất. Theo nhóm dữ liệu hàng hóa Gro Intelligence, chính các quốc gia trong những khu vực này là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tăng giá toàn cầu. Nhiều nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với gánh nặng thêm của việc đồng tiền giảm giá do giá lương thực tăng.

Trong khi đó, phần lớn các quốc gia ở Trung Đông và châu Phi phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ukraine và Nga. Ai Cập đã tìm đến IMF để được viện trợ, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên gần 80% trong khi Ngân hàng Thế giới mô tả cuộc khủng hoảng ở Lebanon là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.

Ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi thực phẩm chiếm một phần lớn trong chi tiêu của người tiêu dùng, việc cắt giảm để bù đắp cho chi phí sinh hoạt tăng cao khó hơn nhiều. Ở Ai Cập thực phẩm và đồ uống không cồn chiếm hơn một phần ba chi tiêu hộ gia đình, người dân đang phải đối mặt với việc giá thực phẩm tăng 24%. Ở Ethiopia, nơi ngân sách dành cho lương thực thậm chí còn cao hơn, lạm phát lương thực là 38%.

Nhiều người cho rằng: “Nếu phải sống ở một quốc gia mà vào một ngày đẹp trời, bạn chi tiêu từ 50 đến 60% thu nhập khả dụng của mình cho thực phẩm, thì sau đó sẽ không còn nhiều không gian để đối phó với cú sốc lớn này.

Đặc biệt là ở Châu Phi, “có nguy cơ xảy ra nạn đói vào năm tới”, hàng loạt các cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy đến.

Giá lương thực tăng đột biến trong các năm 2007-08 và 2010-11 từng dẫn đến bạo loạn trên khắp thế giới, và giá lương thực tăng cao ngất ngưởng là yếu tố chính dẫn đến tình trạng bất ổn gần đây đang diễn ra ở Sri Lanka. Các chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khác cho đến nay đã cố gắng ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội bằng cách sử dụng trợ cấp.

Ngay cả những quốc gia không mua của Nga hoặc Ukraine nhưng là những nước nhập khẩu ròng hàng hóa nông nghiệp cao cũng đang phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn.

Giá các loại thực phẩm chủ yếu như bánh mì, mì ống và dầu ăn đang tăng nhanh nhất. Một ổ bánh mì ở Bulgaria có giá cao hơn gần 50% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Dầu ăn ở Tây Ban Nha hiện đắt gần gấp đôi so với một năm trước và giá đường ở Ba Lan đã tăng 40%.

Các quan chức cũng đang theo dõi sự sẵn có của phân bón cho sản xuất lúa gạo ở châu Á.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn. Đầu tháng này, Morgan Stanley đã đưa ra một báo cáo lạc quan về tương lai của giá thực phẩm, cho thấy mức tăng trong năm 2023 sẽ thấp hơn dự kiến. Báo cáo cho biết, sản lượng ngũ cốc của nông dân tăng, bao gồm cả ở Ukraine khi căng thẳng giảm bớt, sẽ kìm hãm lạm phát lương thực. Tuy nhiên, để tốt nhất, người tiêu dùng toàn cầu nên học cách đối mặt và chi tiêu hợp lý hơn.

Lê Na (Theo FT)

Bình Luận

Tin khác

Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

(CLO) Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ký kết hợp tác về việc khai thác buồng lái mô phỏng (SIM) với nhà cung ứng dịch vụ và thiết bị huấn luyện bay toàn cầu CAE Inc. (CAE).

Thị trường - Doanh nghiệp
Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

(CLO) Tạo ra những trải nghiệm giàu cảm xúc cho CBNV để văn hóa doanh nghiệp thẩm thấu vào đời sống tự nhiên như hơi thở là cách thức nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gia Lai: Chàng kỹ sư trẻ ươm mầm giống nho trên đất cằn

Gia Lai: Chàng kỹ sư trẻ ươm mầm giống nho trên đất cằn

(CLO) Là một kỹ sư xây dựng song anh Đặng Đại Dương (35 tuổi, trú tại TP Pleiku, Gia Lai) lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Ngoài vườn dâu ngọt hơn 1 ha, chàng kỹ sư trẻ còn sở hữu vườn nho lớn nhất Gia Lai, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus do nguồn cung trong nước sụt giảm

Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus do nguồn cung trong nước sụt giảm

(CLO) Trong tháng 3, Nga đã tăng nhập khẩu xăng từ nước láng giềng Belarus nhằm giải quyết nguy cơ thiếu hụt tại thị trường nội địa do việc sửa chữa đột xuất các nhà máy lọc dầu sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, theo bốn nguồn tin công nghiệp và thương mại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

(CLO) Reuters đưa tin, trích dẫn các tính toán dựa trên hồ sơ và báo cáo của loạt công ty, các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga phải chịu khoản lỗ hàng lên tới 107 tỷ USD, đồng thời mất đáng kể doanh thu.

Thị trường - Doanh nghiệp