(CLO) Trong ngày 14/8, khu vực ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19 mới, gồm Indonesia (28.598 ca), Thái Lan (22.086 ca) và Malaysia (20.670 ca).
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 14/8, tại 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 96.456 ca mắc COVID-19 và 1.992 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 8.617.925 ca, trong đó 186.074 người tử vong.
Trong ngày 14/8, ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19 mới, gồm Indonesia (28.598 ca), Thái Lan (22.086 ca) và Malaysia (20.670 ca). Đứng thứ tư về số ca mắc hàng ngày tại ASEAN trong ngày 14/8 là Philippines với 14.294 ca. Tiếp đó là Việt Nam với 9.716 ca, Campuchia với 598 ca, Lào với 226 ca, Timor-Leste với 213 ca, Singapore với 58 ca và Brunei với 42 ca.
Tuy hiện tại, số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan đang ở mức cao nhưng theo người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), ông Taweesilp Visanuyothin vẫn cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 70.000 ca trừ khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được gia hạn.
Ông Taweesilp trích dẫn ước tính của Bộ Y tế Thái Lan nói rằng số ca nhiễm hàng ngày vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 có thể vào khoảng 60.000 đến 70.000 bệnh nhân sau khi các biện pháp phong tỏa hiện tại kết thúc. Ông Taweesilp cũng cho rằng, nếu các biện pháp phong tỏa được kéo dài đến tháng 9, số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ ở mức khoảng 45.000 bệnh nhân và con số này vẫn còn cao.
Theo ông Taweesilp, để duy trì tình trạng lây nhiễm với tốc độ hiện tại khoảng 20.000 bệnh nhân mỗi ngày, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt phải được thực hiện trong ít nhất hai tháng cùng với việc tiêm chủng cho người cao tuổi và các nhóm đối tượng khác ở những khu vực rộng lớn hơn. Đây là kịch bản tốt nhất cho hệ thống y tế công cộng của Thái Lan. Với tỷ lệ lây nhiễm này, Thái Lan vẫn sẽ có đủ giường bệnh, trong khi tỷ lệ tử vong sẽ ở mức có thể kiểm soát được.
Theo các kịch bản nói trên, số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày sẽ là 800 trường hợp nếu có 60.000-70.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, 500 trường hợp nếu có 45.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và dưới 200 trường hợp nếu có khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Vào ngày 16/8 tới đây, Chính phủ Thái Lan sẽ quyết định có gia hạn các biện pháp phong tỏa hay không, trong bối cảnh các ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng. Cùng ngày, CCSA cũng sẽ họp để thảo luận về đề xuất nới lỏng những hạn chế để cho phép một số hoạt động kinh doanh thiết yếu mở lại trong khuôn viên của các trung tâm thương mại.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan trước đó đã gia hạn các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ban đêm ở Bangkok và 28 tỉnh khác trong 2 tuần, từ ngày 3/8 đến 18/8.
Bộ Y tế Thái Lan ngày 14/8 cho biết nước này có thêm 217 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch đã lên tới 885.275 ca, trong đó có 7.343 người không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 14.249 ca nhiễm mới, số ca mắc mới theo ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.727.231 ca. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tăng lên 30.070 ca sau khi có thêm 233 người thiệt mạng trong vòng một ngày qua .
Trước đó, ngày 2/4, Philippines đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát với 15.310 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Philippines đang theo dõi chặt chẽ 54 khu vực trên cả nước đang được áp dụng mức cảnh báo cấp 4 (tức là hệ thống y tế tại đó đã hoạt động hơn 70% công suất). Tại vùng đô thị Manila, 11 khu vực cũng đang ở mức cảnh báo cấp 4. Dự kiến, Chính phủ Philippines sẽ tăng cường khả năng ứng phó dịch bệnh của các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh số bệnh nhân ngày càng gia tăng.
Tại Campuchia, thông cáo ngày 14/8 của Bộ Y tế cho biết nước này ghi nhận thêm 598 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 187 ca nhập cảnh, cao hơn ngày hôm trước và dự kiến con số này còn tăng mạnh trong những ngày tới. Tính đến ngày 14/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 84.860 ca COVID-19, trong đó 79.654 người đã khỏi bệnh và 1.666 người tử vong.
Theo báo cáo ngày 13/8 tại các điểm nhập cảnh ở 7 tỉnh biên giới Campuchia, trong hơn 1.400 mẫu xét nghiệm nhanh người nhập cảnh từ Thái Lan có 149 người dương tính với COVID-19. Tỷ lệ cao đáng lo ngại này khiến diễn biến dịch bệnh tại Campuchia trong thời gian tới tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nỗi lo biến thể Delta lây lan ngày càng mạnh hơn.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận từ ngày 31/3 đến 13/8, đã có tổng cộng 494 ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện tại 22 tỉnh và thành phố. Hiện chỉ còn 3 tỉnh chưa có ca nhiễm biến thể Delta là Kep, Takeo và Kratie.
(CLO) Mới đây, theo số liệu của Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, nơi đây tiếp nhận mỗi tháng hơn 100 người trẻ rối loạn tiền đình, nhỏ nhất 26 tuổi, trong khi đây là bệnh hay thường xảy ra ở người trên 40 tuổi.
(CLO) Sau cơn bão số 3, sáng ngày 9/9/2024, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận cấp cứu 06 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Đáng chú ý có 02 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
(CLO) Bệnh nhân nam 40 tuổi đi xe máy rơi từ cầu xuống nước bị thương ở cẳng chân, xẹp phổi, hoảng loạn đã được hội chẩn trực tuyến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với Trung tâm y tế huyện Tam Nông.
(CLO) TP HCM đã thí điểm tiêm vaccine tại 5 điểm là các trường học mầm non và tiểu học thuộc quận 7, quận 8 cho 1.156 trẻ. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ cùng các đơn vị có liên quan tập trung rà soát, tiêm phòng vaccine cho nhóm trẻ có nguy cơ cao.
(CLO) Cục Khám chữa bệnh yêu cầu, trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn chuyên môn hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời.