“Ngày bình thường” ở lễ hội chùa Hương

Thứ năm, 24/02/2022 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm nay, ngày 16 tháng Giêng, chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) mới mở cửa, chậm so với thông lệ 10 ngày. Nhưng chúng tôi không chọn du xuân trong ngày mở cửa, bởi muốn thấy danh thắng này trong một “ngày bình thường”.

Thong dong lễ chùa

Cảm nhận đầu tiên, dù điều này đã biết từ trước, là mùa hội năm nay khá vắng vẻ. Đoạn đường từ thị trấn Tế Tiêu về xã Hương Sơn rộng rãi phẳng đẹp là thế mà chỉ lác đác người đi, trong đó rất ít người có dáng vẻ đi lễ chùa. Qua cổng đá mới thấy chút ít không khí lễ hội qua những lá cờ treo hai bên đường. Nhưng phần đông hàng quán, nhà trọ vẫn đóng cửa im lìm.

ngay binh thuong o le hoi chua huong hinh 1

Hàng quán tại khu vực Thiên Trù khá vắng khách. Ảnh: Đình Trung

Khá đăm chiêu, ông Bùi Văn Triều - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, khách đến chùa chưa hôm nào được đến con số 1 vạn, chẳng thấm tháp gì so với vài vạn khách những năm trước dịch. Ngay cả hôm chùa Hương chính thức mở cửa, xã đoán sẽ đông hơn nhưng cũng không đạt như kỳ vọng.

“Mấy năm trước đây báo chí nói, dân cũng kêu vì ùn tắc nhưng năm nay xã chỉ mong ùn tắc thôi mà không được. Còn cái mới năm nay là công tác phòng chống dịch được đẩy mạnh, đặc biệt vệ sinh môi trường đã tốt hơn rất nhiều”, ông Triều khẳng định.

Quả thật, ấn tượng của chúng tôi cũng như nhiều du khách là đường làng ngõ xóm cũng như toàn bộ các khu vực phục vụ tham quan sạch sẽ, việc tổ chức cho du khách chơi xuân, lễ Phật khá quy củ. Tại đền Trình, Ban Tổ chức bố trí người hướng dẫn, người đặt lễ, trả lễ chu đáo; ngay bên ngoài là bàn dịch vụ viết sớ không thu tiền, khách có thể tùy tâm công đức nhưng vẫn có sổ sách ghi chép rõ ràng. Cũng có lẽ là do ít khách nên không còn thấy cảnh xô bồ, chen lấn như những năm trước. Người đi chùa lễ Phật tự giác đeo khẩu trang, tuy nhiên tại trước các ban thờ vẫn khá đông, không phải lúc nào quy định 5K cũng thực hiện đúng.

Đến Thiên Trù, sự trật tự, quy củ vẫn được duy trì khá tốt. Qua các nơi thờ tự ít thấy cảnh đặt tiền lễ lên ban thờ, hầu như không còn cảnh gài tiền lễ lên tượng Phật. Cũng không còn cảnh đổi tiền lẻ hay những người hành khất đứng xin tiền… những điều dư luận đã nói nhiều trước đây. Bà Loan - một du khách đến từ Gia Lâm (Hà Nội) nói với chúng tôi, bà hài lòng khi đi lễ hội năm nay, nhất là không bị chèo kéo, chặt chém. “Nói chung không có vấn đề gì, gia đình tôi đi lễ chùa thấy khá thong dong, hàng hóa cũng không đắt đâu”, bà Loan nói.

Khá ngạc nhiên khi trong suốt thời gian lưu lại chùa, chúng tôi không gặp người của Ban Tổ chức đi kiểm tra, nhưng trật tự vẫn được duy trì, điều đó chứng tỏ ý thức người dân và du khách đã tốt hơn trước.

ngay binh thuong o le hoi chua huong hinh 2

Khách đi lễ ở Chùa Hương. Ảnh: Đình Trung

Vài hạt sạn

Tuy nhiên, không phải lễ hội chùa Hương năm này đã hoàn hảo mà vẫn còn những “hạt sạn”. Đó là tình trạng chéo kéo, môi giới dịch vụ dù đã giảm song chưa phải đã hết. Điều này, chính chúng tôi đã được trải nghiệm. 

Số là, khi vừa ra khỏi trụ sở UBND xã, một phụ nữ đi xe máy rà đến mời chúng tôi đi đò. Tưởng chị ta dẫn về đò nhà mình, chúng tôi nhận lời. Sau khi xuống đò, yên vị, người phụ nữ mới lộ ra mình là “cò” thứ thiệt. Chị ta đòi 500 nghìn đồng, trong khi theo quy định, cả tiền đò, tiền vé thắng cảnh chỉ có 130 nghìn đồng/người. Thấy chúng tôi phản ứng, chị ta rút xuống 400 rồi “xin” 300 nghìn đồng. 

Bên cạnh đó, một số dịch vụ, phía Ban Tổ chức cho biết đã cấm nhưng vẫn diễn ra công khai. Chẳng hạn, trên suối Yến có nhiều đò bán hàng rong hoạt động. Rồi thì tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi đò, nhiều nhóm thanh niên rủ nhau bài lá ăn tiền. Khu vực bến Trò, vẫn còn có hàng quán bày bán thịt thú rừng, treo móc nguyên con trong tủ kính… Những vi phạm này diễn ra nhiều nhưng không thấy ai nhắc nhở.

Đặc biệt, những tiếng hát không lấy gì làm hay ho, nếu không nói là khả ố, liên tục phát ra từ những chiếc loa karaoke vang vọng đây đó trên suốt lộ trình khoảng 4km của dòng suối Yến. “Quá phản cảm. Còn đâu tiếng mái chèo quẫy nước nhè nhẹ thơ mộng nữa” - một du khách phàn nàn.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là trong khi các tiểu thương và người dân chấp hành khá tốt các quy định thì một “đại gia” có máu mặt dường như lại đứng ngoài các quy định này. 

Trong suốt chuyến đò, người lái đò cho chúng tôi là bà N. nhiều lần nhắc đến “nhà Mai Lâm” - một gia đình giàu có, thế lực ở địa phương. Hướng vào chiếc thuyền máy công suất lớn vừa chạy qua, sóng dồn lên làm chiếc đò chao đảo, bà N. cho biết, theo quy định, chỉ có thuyền máy của Ban Tổ chức được chạy nhưng “nhà Mai Lâm nó chạy suốt”. “Thuyền kia của nhà nó đấy. Ở đây nó chạy suốt, có ai cấm được nó đâu”, bà N. nói.

ngay binh thuong o le hoi chua huong hinh 3

Suối Yến thưa vắng thuyền đò hơn mọi năm. Ảnh: Đình Trung

Vào đến khu vực cáp treo, chúng tôi lại một lần nữa “được trải nghiệm” những dịch vụ khá “vũ lực”. Khác với những tiểu thương, có quảng cáo thì cũng bằng tiếng loa nho nhỏ, người của công ty cáp treo (mà theo bà N. nói cũng của “nhà Mai Lâm”) dùng loa công suất lớn ra rả quảng cáo các loại bánh kẹo, hàng hóa địa phương. Bặm trợn hơn, khi đi ngang qua, một thanh niên áp sát, dúi vào tay chiếc bánh, ép ăn thử. Khi chúng tôi từ chối thì người gọi loa càng phấn khích nói to hơn: “Mời anh ăn thử đi ạ, ăn thử miễn phí, không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng…”. Không chỉ chúng tôi, nhiều du khách cũng bực bội khi bị làm phiền, bị đưa ra làm tâm điểm cho hàng chục cặp mắt săm soi.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, công tác tổ chức lễ hội những năm gần đây của huyện Mỹ Đức đã có nhiều tiến bộ, điều đó đã được dư luận ghi nhận khi những điều tiếng kêu ca ít dần. Hy vọng từ đây, những điều tốt đẹp sẽ trở thành những “điều bình thường” khi nhắc đến lễ hội chùa Hương.

Thế Vũ 

(Ảnh: Đình Trung)

Bình Luận

Tin khác

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

30 nghệ sĩ đi thực tế, sáng tác ảnh tại các di sản ở Huế

(CLO) 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trên cả nước sẽ có 7 ngày để thực tế, sáng tác tại nhiều di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đời sống văn hóa
Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

Chuỗi hoạt động hấp dẫn tại Festival Biển đảo TP Vũng Tàu 2024

(CLO) Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện ẩm thực, thể thao, diễu hành, ca múa nhạc, văn hóa nghệ thuật…

Đời sống văn hóa
Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

Đưa ra ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa, ven sông Hồng

(CLO) Chiều 10/5, UBND Thành phố Hà Nội cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức buổi lễ phát động Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Sự kiện diễn ra nhằm tìm kiếm những ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo và khai thác quỹ đất thành phố hiệu quả.

Đời sống văn hóa
Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

Hỗ trợ bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở ba tỉnh

(CLO) Đồng bào Thái, Mông, Sán Dìu, Khmer tại Trà Vinh, Yên Bái, Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ phục hồi, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Đời sống văn hóa
Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(CLO) Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.

Đời sống văn hóa