Ngày hội tác nghiệp của truyền thông trong nước và quốc tế

Thứ bảy, 25/06/2022 11:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) SEA Games 31 không chỉ là ngày hội thể thao, nơi các VĐV từ 11 quốc gia Đông Nam Á tham gia tranh tài, mà còn là ngày hội của giới báo chí, khi sự kiện này hội tụ hơn 2.000 phóng viên, trong đó có gần 500 phóng viên nước ngoài đến từ 50 hãng thông tấn trên thế giới...

Sự kiện: SEA Games 32

Báo NB&CL đã gặp gỡ một số nhà báo, lắng nghe họ chia sẻ những trải nghiệm thực tế, những cảm xúc kỷ niệm đọng lại sau những ngày tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này.

Bài liên quan
ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 1

Nhà báo Trần Quý - Đài Truyền hình Việt Nam:

Làm Sea Games, chúng tôi ngủ ngon hơn!

Năm nay, theo yêu cầu tuyên truyền của Đài, chúng tôi có một nhóm phối hợp với ANTV “cắm chốt” tại Nhà thi đấu Hà Đông để làm toàn bộ các trận đấu về bộ môn billiard. Nhân sự của cả ê-kíp khá đông, gần 30 người và tôi được giao làm trưởng nhóm.

Kỳ SEA Games 31 này, Ban Tổ chức sắp xếp các trận đấu vào 3 khung giờ: 10h, 14h và 18h - việc này thuận lợi cho khán giả nhưng đối với chúng tôi thì lại là khó khăn. Cụ thể là, đối với những trận đấu “một chiều”, thế trận chênh lệch thì không nói, nhưng cũng có trận kéo dài đến 4 tiếng; thế nên khi trận trước kết thúc thì chúng tôi đã phải bắt tay ngay vào làm trận sau rồi.

Chưa kể về cuối, các trận đấu xong còn thêm thủ tục trao huy chương nữa. Mà truyền hình thì khi máy đã chạy rồi, cả ê-kíp ai vào việc nấy, cứ thế là chạy thôi, không thể dứt ra “tranh thủ”. Thành ra, nhiều hôm chúng tôi ăn trưa vào lúc 14h, đến chiều lại phải ăn sớm để kịp làm trận 18h.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 2

Lúc đầu, chúng tôi cũng mua cơm để ăn bữa 18h là bữa chính nhưng hai bữa gần nhau quá, chẳng ai ăn được nên sau phải chuyển mua đồ ăn nhẹ vào bữa chiều. Cũng may là trong nhóm có 2 bạn BTV nữ, ngoài chuyên môn, các bạn lo hậu cần cho cả nhóm nên cơm canh vẫn đảm bảo ngon, nóng sốt.

Nói thêm là công việc hằng ngày của chúng tôi bắt đầu từ lúc 7h30 vì truyền hình phải chuẩn bị kỹ thuật, máy móc trước khi phát sóng, thu hình; BTV, đạo diễn cũng phải lo các khâu phối hợp… và thường kết thúc sau 21h. Sau đó, còn thu dây, cất máy nên khi về đến nhà thường đã quá 10h đêm.

Chúng tôi cũng lập ra một group trên mạng để trao đổi công việc và nói chung mọi thứ khác nữa. Điều thú vị là gần đây anh em phản ánh trên nhóm rằng công việc mệt thật nhưng về nhà ai ngủ cũng rất ngon. Tôi nghĩ đây cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của kỳ SEA Games 31 này.

Biên tập viên Xuân Cường - Đài Truyền hình TP.HCM:

HTV đưa đến SEA Games 31 những con người “thiện chiến”

Để đưa tin về SEA Games 31, HTV mang lực lượng hùng hậu hơn 50 người - đông nhất từ trước tới nay tham gia, từ biên tập quay phim, kỹ thuật, đạo diễn... Phải nói đây là một chiến dịch cực kỳ lớn của HTV tại một kỳ SEA Games. Mục tiêu của HTV là bao phủ tất cả các sự kiện thể thao, bởi tại SEA Games 31 chỉ có 17/40 môn được cung cấp đường truyền truyền hình. Chúng tôi tiếp nhận tất cả các đường truyền này và truyền về Đài bằng phương tiện kỹ thuật riêng, đảm bảo tất cả các hạ tầng phát sóng đều có được hình ảnh chất lượng.

Bên cạnh đó, HTV có chương trình sản xuất riêng. Trực tiếp sản xuất chương trình, HTV kỳ vọng sẽ đa dạng các môn thể thao, để người hâm mộ có thêm nhiều lựa chọn. Các chương trình thể thao SEA Games 31 được phát trên tất cả các hạ tầng của HTV, chúng tôi truyền hình trực tiếp từ 8h30 đến 21h hằng ngày trên các kênh thể thao của HTV; ngoài ra, trên kênh YouTube của HTV Sport, chúng tôi tạo ra 7 đường streams với các môn thể thao khác để khán giả lựa chọn xem những môn phù hợp…

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 3

Những Đại hội thể thao như thế này tất nhiên phải có những khó khăn, đó là vấn đề chung của tất cả các cơ quan báo chí. Đối với HTV, chúng tôi là những con người thiện chiến nên không quá đáng ngại. Chúng tôi vừa đi Cúp truyền hình một tháng, nay lại đi thêm một tháng SEA Games nữa thì kiểu gì cũng phải thích ứng, kiểu gì cũng làm cho bằng được thôi...

Nhà báo Nguyễn Hồng Nam - Báo Điện tử VTC News:

Chỉ trong mấy ngày, tôi đã học được nhiều thứ

Là PV trẻ, lại là lần đầu tiên được đi làm một sự kiện lớn như SEA Games nên ban đầu tôi cũng bị “ngợp” trước quá nhiều hoạt động diễn ra cùng lúc. Đã có lúc tôi chưa làm tròn vai của một PV tác nghiệp ở hiện trường và bị “mất” thông tin khi sa đà vào chụp ảnh. Đó là hôm cùng đi với tôi có mấy anh em đồng nghiệp; riêng tôi khi về làm tin bài xong tưởng đã ổn, ai dè đến hôm sau đọc báo mới thấy bạn khai thác được nhiều thông tin hơn, làm được nhiều thứ hơn…

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 4

Đúng lúc tôi nhận ra rằng mình cần phải tự “làm mới” bản thân thì VTC News xảy ra “sự cố” khi một đồng nghiệp vì “chỉ được giao” chụp ảnh mà bỏ quên sự kiện Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp đến trao huy chương cho VĐV. Đây là sự kiện phát sinh, mặc dù không nằm trong kế hoạch nhưng PV hoàn toàn có thể chủ động xử lý, nhưng anh đồng nghiệp nọ đã quá cứng nhắc.

Sau khi cơ quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm chung, cá nhân tôi đã có thêm được một bài học quý giá. Đó là, PV giờ đây không thể giữ cách làm thụ động như cũ được nữa mà cần phải đa năng, phải chịu khó quan sát, phải sẵn sàng cho mọi tình huống… Đặc biệt, đối với những PV trẻ thì điều này càng quan trọng hơn.

Nhà báo Đào Minh Đức - Báo Lao Động:

Người ướt nhưng máy phải khô!

Tôi được cơ quan giao theo dõi môn bóng đá nam - bộ môn hot và được nhiều khán giả quan tâm nhất tại mỗi kỳ SEA Games. Tôi lên “cắm chốt” ở Phú Thọ từ ngày 5/5 và suốt vòng bảng, ít khi được về Hà Nội.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 5

Có một điều đặc biệt mà tôi để ý là thời tiết Phú Thọ những ngày này rất hay mưa và phần lớn những trận đấu của đội tuyển Việt Nam đều “dính” mưa. Đặc biệt, trận đấu với đội tuyển Philippines trời mưa rất to. Dù đã có chuẩn bị, nhưng tôi chỉ mang theo một áo mưa và dĩ nhiên áo này phải dành cho máy ảnh rồi. Nhiệm vụ được giao là chụp ảnh bên lề, lúc mưa to cũng là lúc cao điểm phải chụp, không thể chạy đi mua áo mưa được nên tôi đành chịu ướt. Được cái là trong khó khăn, đồng nghiệp càng chia sẻ, mọi người cùng động viên, giúp đỡ nhau nên cuối cùng mọi sự cũng ổn.

Cũng có một hình ảnh đáng nhớ là khi vào họp báo sau trận đấu, các PV cởi bỏ áo mưa, số lượng nhiều đến nỗi thành một đống lớn trước cửa phòng họp báo, phải nhờ Ban Tổ chức sân dọn giúp… Riêng tôi, rút kinh nghiệm từ hôm đó, trong những trận đấu sau, tôi luôn chuẩn bị kỹ hơn, từ xem dự báo thời tiết, nghiên cứu sơ đồ, địa hình khu vực mình tác nghiệp… để làm sao mình có được sự chủ động tốt nhất.

Nhà báo Diego Mandela Basro - Kênh truyền hình CNN Indonesia:

Phóng viên Việt Nam làm việc rất chăm chỉ

Theo tôi, điều kiện làm việc trong thời gian diễn ra SEA Games nhìn chung là tốt. Hằng ngày, chúng tôi di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác để đưa tin về các trận đấu và tường thuật trực tiếp cho khán giả của chúng tôi ở Indonesia. Nhưng đôi khi việc bao quát SEA Games ở đây cũng khá thách thức, vì địa điểm thi đấu đôi khi rất xa và phương tiện đi lại khá khó tìm. Và đôi khi ở một số địa điểm nhất định, không có đủ kết nối internet để chúng tôi có thể gửi tin bài một cách nhanh chóng.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 6

Tôi làm việc nhóm hai người, cùng với một người quay phim. Chúng tôi phải ở gần nhau mọi lúc, để có sự kết nối tốt. Tại SEA Games 31, tôi đã chứng kiến cách làm việc của các phóng viên Việt Nam và tôi thấy rằng họ là những người rất tận tâm và làm việc chăm chỉ, đồng thời họ cũng rất sẵn lòng giúp đỡ các nhà báo nước ngoài khi chúng tôi có thắc mắc.

Có một điều chúng tôi thấy chưa tốt lắm, đó là trang web chính thức của SEA Games 31 có một vài thông tin không chính xác, ví dụ thông tin cập nhật về tổng số huy chương hay ngày giờ diễn ra vài trận đấu có thể thay đổi mà không báo trước. Vì vậy, đôi khi chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến thông tin lấy từ Ủy ban Olimpic quốc gia Indonesia.

Nhà báo Hoàng Thành An, Báo Dân Việt - Nông thôn Ngày nay:

Tòa soạn hội tụ là “chỉ huy trưởng”

Để đưa tin về SEA Games 31, Báo Dân Việt - Nông thôn Ngày nay đã huy động lực lượng phóng viên khá đông và mạnh tham gia. Số phóng viên làm các sự kiện SEA Games 31 lên đến 15 người, ngoài phóng viên chuyên trách thể thao, tòa soạn còn huy động anh em ở các mảng khác như xã hội, chính trị; ngoài phóng viên tại tòa soạn ra còn có phóng viên các văn phòng ở các vùng miền…

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 7

Việc huy động đông phóng viên như vậy sẽ đòi hỏi phải có phương án tổ chức tốt để tránh chồng chéo, trùng lặp tin bài. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi luôn có sự điều phối chung từ “chỉ huy trưởng” là tòa soạn hội tụ và các BTV ở nhà. Chúng tôi được phân ra các nhóm hoạt động trực tiếp tại sự kiện, đó là nhóm những phóng viên có thẻ tác nghiệp của Ban Tổ chức, nhóm làm các sự kiện bên lề, nhóm làm báo điện tử, nhóm làm truyền hình, làm YouTube…

Ngoài ra, các phóng viên đều phải đăng ký nội dung làm việc từ tối hôm trước, trên cơ sở đó tòa soạn sẽ phân công cụ thể công việc từng người. Khi tác nghiệp, PV hoạt động độc lập là chính, tuy nhiên, đối với những sự kiện hot, những môn thể thao Olimpic, ASIAD… tòa soạn có thể bố trí 2 người thành một nhóm và trong nhóm lại phân công rõ công việc từng người. Trong trường hợp các môn thi đấu trùng giờ, phóng viên sẽ báo ngay về tòa soạn để phân công người khác thay thế.

Nhờ đó, chúng tôi đã đảm bảo tất cả các môn quan trọng, các sự kiện chính đều có phóng viên theo dõi; tin bài được đẩy về tòa soạn chậm nhất chỉ sau khi kết thúc trận đấu vài phút, nhưng vẫn không xảy ra trùng lặp. Chúng tôi đã phối hợp nhịp nhàng, đây có thể nói là một trong những thành công trong kỳ tác nghiệp ở SEA Games này.

Nhà báo Ngô Tuyết Minh - Báo Hà Nội Mới:

Lúc nào cũng thấy quỹ thời gian eo hẹp

Phóng viên nữ theo dõi thể thao rất vất vả, áp lực, trong đó rõ nhất là ảnh hưởng tới việc chăm sóc gia đình. Thể thao vốn không theo giờ hành chính, ví dụ buổi tối trận đấu mới diễn ra, phóng viên phải chờ rất khuya để có được kết quả và bấy giờ mới có thể đặt bút viết. Đặc biệt, trong thời gian làm SEA Games 31, các sự kiện diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn, trong khi tôi là phóng viên theo dõi chính của báo, ngoài việc cần đưa tin nhanh, còn phải bao quát được sự kiện.

Hằng ngày, ngoài việc tham gia những sự kiện chính của Ban Tổ chức, đi công tác các tỉnh, tôi cũng phải cập nhật tin cho báo điện tử và làm một bài tổng thuật cho báo giấy vào cuối ngày… Công việc ngập đầu, lúc nào tôi cũng cảm thấy quỹ thời gian không đủ.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 8

Bận rộn như vậy nên trong thời gian làm SEA Games 31, việc quan tâm đến con của tôi rất là hạn chế, hầu hết phải nhờ “ông xã”. Bình thường tôi vẫn nhận việc đưa đón con đi học nhưng trong thời gian này phải nhờ người làm thay, mặc dù cháu lúc nào cũng chỉ muốn mẹ đón. Rồi có những hôm tôi đi từ 5h sáng, khi cháu vẫn chưa dậy, khi về nhà đã 10, 11h đêm, lúc cháu đã ngủ.

Rất may là “ông xã” rất thông cảm, tôi đi sớm về muộn vẫn có anh lo cho con. Cũng vì bận nên bình thường tôi vẫn nấu cơm cho cả nhà, nhưng trong thời gian diễn ra SEA Games 31, tôi hầu như chỉ chúi vào tin bài thôi, không thể làm được việc gì khác.

Nhà báo Phạm Hoàng Sơn - Báo Thanh Hóa:

Hoạt động độc lập tất nhiên là “khó” rồi!

Tôi là phóng viên duy nhất của báo Thanh Hóa được cử ra tác nghiệp tại SEA Games 31. Hoạt động độc lập, không có ai hỗ trợ thì đương nhiên là có nhiều khó khăn rồi nhưng đối với tôi thì đáng lo nhất là địa bàn tác nghiệp thì rộng trong khi việc di chuyển không mấy thuận lợi.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 9

Tôi nhớ nhất là hôm 18/5, tôi dự và đưa tin trận thi đấu môn vật ở Nhà thi đấu Gia Lâm, có VĐV Đặng Thị Linh của Thanh Hóa tham gia. Ngay sau khi kết thúc trận này lúc hơn 4h30, tôi lại phải “phóng” ngay về nhà thi đấu quận Tây Hồ để đưa tin trận đấu của VĐV Nguyễn Thị Hương (cũng của Thanh Hóa) vì tôi đoán Hương sẽ đoạt huy chương Vàng. May mắn là tôi vừa kịp đến khi trận đấu gần kết thúc và có được những hình ảnh quý giá về Nguyễn Thị Hương cũng như được chứng kiến VĐV này lên bục nhận huy chương Vàng.

Hôm đó, chỉ với quãng đường khoảng 15 cây số nhưng tôi mất hơn 50 phút, khá lâu so với bình thường nhưng so với việc di chuyển ở Hà Nội cuối giờ chiều thì vẫn là nhanh. Ngoài may mắn ra thì tôi cũng khá quen đường Hà Nội, do đã từng học 4 năm ở Học viện Báo chí Tuyên truyền nên đã không chọn đường ngắn nhất mà quyết định đi đường khác, dù có xa một chút nhưng thoáng hơn.

Nhà báo Pathomphong Khongnamchok - Chuyên trang thể thao Khaosod:

Ấn tượng về các bạn tình nguyện viên nhiệt tình, thân thiện

Tôi đã đến Việt Nam 4 lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Giới thiệu với bạn chút, Khaosod là chuyên trang về thể thao uy tín của Thái Lan, bên cạnh những tờ như Siam Sport, SMM Sport hay Goal. Chúng tôi có 5 người sang Việt Nam, gồm 3 người là phóng viên viết, 2 người là phóng viên ảnh. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi phải phân chia công việc để đến các địa điểm khác nhau, thỉnh thoảng có thể đi theo cặp. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp chúng tôi đi tác nghiệp một mình.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 10

Tác nghiệp tại SEA Games 31, khó khăn lớn nhất với tôi là rào cản ngôn ngữ. Đơn cử như việc gọi Grab thì tôi không biết làm thế nào để gọi được xe. Lúc đó, tôi đã phải nhờ người Việt Nam hỗ trợ. Ngoài ra, một khó khăn tiếp theo là khi gửi thông tin về tòa soạn, nếu tôi không ở Trung tâm báo chí thì có thể sẽ gặp khó khăn để tìm được một đường truyền mạng ổn định. Nhiều khi đường truyền bên ngoài rất chậm nên khó gửi được thông tin kịp thời. Nếu sắp đến giờ nộp bài, tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều cho việc này.

Điều làm tôi ấn tượng nhất là các tình nguyện viên, các bạn rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong quá trình tác nghiệp. Ở kỳ SEA Games lần này, tôi cũng rất ấn tượng về những cử chỉ thân thiện và tình bạn giữa Việt Nam và Thái Lan.

Quay phim, đạo diễn Nguyễn Việt Phương - truyền hình K+:

Trung bình mỗi ngày chúng tôi đi bộ 10km

Ở kỳ SEA Games 31 lần này, tôi thường tác nghiệp theo nhóm với một biên tập viên nữa. Hoạt động báo chí có thể nói khá thuận lợi, chỉ có một vài trở ngại nho nhỏ về di chuyển từ địa điểm thi đấu này sang nhà thi đấu khác. Ngoài ra, chúng tôi chỉ gặp sự cố duy nhất hôm khai mạc là đường truyền mạng hơi chậm một chút, nhưng sau đó đã được khắc phục kịp thời. Nói chung đường truyền ở SEA Games 31 so với thời tôi làm AFF thì bây giờ ổn hơn, dễ dàng hơn nhiều cho phóng viên.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 11

Khi tác nghiệp tại SEA Games 31, tôi và đồng nghiệp trong nhóm đi bộ khá nhiều, trung bình mỗi ngày khoảng 10km. Nhưng tôi không cho đây là trở ngại, mà ngược lại, đây là thể dục thể thao, là có thêm một cơ hội rèn luyện cho sức khỏe.

Ở SEA Games 31, tôi chủ yếu tác nghiệp bóng đá nam, nữ. Nói chung, công tác tổ chức năm nay khá tốt, ngoại trừ một số điểm cần cải thiện như công tác hỗ trợ phóng viên, về an ninh đôi khi chưa ổn lắm, nhưng cũng có một số điểm làm khá tốt việc này.

Nhà báo Jianwei Lee - Tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings (SPH):

Phóng viên phải theo dõi toàn thời gian

Khi tác nghiệp ở SEA Games 31, tôi thấy khó khăn lớn nhất là khoảng cách giữa các địa điểm tổ chức các môn thể thao khá xa, do vậy việc đi lại khá mệt mỏi. Ngoài ra, phóng viên còn phải đáp ứng các quy định và thời hạn chặt chẽ từ ban tổ chức mà giao thông ở Việt Nam thì không thuận tiện cho lắm, nhất là khi kẹt xe.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 12

Do các môn thể thao diễn ra sát giờ nhau nên cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi bị thay đổi, nhiều hôm phải bỏ bữa trưa. Cũng có thời điểm những môn diễn ra quá muộn nên phóng viên phải theo dõi toàn thời gian cho đến lúc kết thúc trao giải. Chính vì vậy, giờ nghỉ ngơi cũng bị hạn chế và không có thời gian dành cho người thân. Thường thì vào buổi tối người thân hay gọi cho tôi trao đổi về công việc và sức khỏe, nhưng từ khi tác nghiệp SEA Games 31 tại Việt Nam, tôi thường khá bận, đành phải hẹn họ vào thời gian rảnh rỗi gọi lại.

Nhà báo Nguyễn Cúc - Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội:

Tôi thường bị đồng nghiệp nhầm là… đàn ông

Khi biết tin VĐV nổi tiếng Efren Reyes tham dự SEA Games 31, tôi đã hào hứng lên kế hoạch đưa tin về cơ thủ này. Tuy nhiên, do là phóng viên nữ, lại có 2 con nhỏ đang thi cuối cấp, trước khi giao nhiệm vụ, lãnh đạo đã hỏi tôi rằng có cần một sự ưu tiên nào đó không… Tôi đã nhanh chóng trả lời rằng SEA Games là một cơ hội hiếm có để tôi được cọ xát, giao lưu với các đồng nghiệp trong nước cũng như nước ngoài và tôi thực sự mong muốn được tham gia. Cuối cùng, tôi đã có được cái gật đầu từ lãnh đạo.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 13

Một kỷ niệm nhỏ trong kỳ SEA Games 31 là do tôi cắt tóc “tém” và mặc áo đồng phục của TTXVN, nhìn đằng sau cũng không khác gì đàn ông cả. Vì thế, nhiều đồng nghiệp trong nước và cả nước ngoài thường nhầm tôi là nam và khi có việc cần nhờ, họ đều gọi tôi là “anh”, là “chú”. Điều này cũng rất là vui chứ không khiến tôi chạnh lòng gì.

Trong quá trình tác nghiệp, các đồng nghiệp Thái Lan, Philippines, Malaysia… thường khá lúng túng khi tìm vị trí của Nhà thi đấu Hà Đông. Khi đó, tôi đã bất đắc dĩ trở thành một tình nguyện viên hướng dẫn các bạn đường đi, lối lên phòng báo chí hay khu vệ sinh… Tôi cũng cố gắng thể hiện sự thân thiện của mình khi thường trao đổi với họ những nội dung liên quan đến các trận đấu và cả những vấn đề bên lề khác…

Thực sự tôi cảm thấy rất luyến tiếc khi SEA Games 31 đã kết thúc. Cánh phóng viên chúng tôi năm nay cũng vào dạng “có tuổi” rồi. Chúng tôi thường nói với nhau rằng khi SEA Games lần sau quay trở lại Việt Nam có lẽ chúng ta đã trở thành khán giả. Chúng ta sẽ không còn có cơ hội được tác nghiệp, không còn được sống trong không khí sôi động của SEA Games một cách thực sự với những ưu đãi mà phóng viên được hưởng khi tác nghiệp tại SEA Games lần này.

Nhà báo Nguyễn Thu Phương - Trung tâm Truyền hình TTXVN:

Vấn đề thẻ phụ khi tác nghiệp bóng đá còn phiền toái, bất cập

Năm nay, Ban Tổ chức SEA Games 31 đã cố gắng tạo không gian làm việc và điều kiện tác nghiệp cho anh em báo chí khá đầy đủ. Đặc biệt ở các nhà thi đấu, đội ngũ phóng viên có không gian tác nghiệp và thời gian cho việc phỏng vấn các HLV, VĐV được linh động khá nhiều.

Tuy nhiên, tôi cũng như một số phóng viên khác có chung cảm nhận là vấn đề thẻ phụ khi tác nghiệp bóng đá còn bất cập, khi chờ mãi mà chưa có thông tin chính thức về việc đăng ký thẻ phụ ra sao. Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp tôi cũng gặp một số khó khăn vì các bạn tình nguyện viên có thể hơi máy móc một chút nên có vài lần va chạm khi phỏng vấn VĐV.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 14

Về website của Ban Tổ chức, cánh phóng viên quan tâm nhất là lịch thi đấu để có thể đến đưa tin, nhưng lịch thi đấu lại khá chung chung nên rất khó xác định giờ để đến tác nghiệp hoặc khó tra cứu được trận đấu của những VĐV nổi tiếng. Nếu Ban Tổ chức làm lịch thi đấu chi tiết hơn sẽ tốt hơn cho báo chí và cả người dân theo dõi các môn. Tôi có nhiều bạn bè rất thích đi cổ vũ các trận thi đấu nhưng họ không biết giờ cụ thể, được tổ chức ở đâu, môn gì, đây cũng là một sự bất cập.

Nhà báo Nguyễn Trung Thành – Ban thể thao VTV:

Mỗi kỳ SEA Games là một trải nghiệm tuyệt vời!

Lần đầu tiên tôi được tác nghiệp ở Đại hội thể thao Đông Nam Á là tại SEA Games 26 ở Indonesia năm 2011. Đây là trải nghiệm quý giá, giống như sự khởi đầu cho một hành trình của một phóng viên thể thao tại các sự kiện quốc tế. Cho đến SEA Games 31, tôi đã trải qua một chặng đường hơn 10 năm chứa đựng quá nhiều cảm xúc. Nhưng SEA Games năm nay vẫn mang lại cho tôi cảm giác rất khác, bởi đây là giải đấu được tổ chức tại sân nhà.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 15

Với VTV, đây là Đài truyền hình chủ nhà, chúng tôi phải làm rất nhiều công đoạn. Dù SEA Games 31 chỉ diễn ra trong 11 ngày chính thức, nhưng với VTV, đó là sự chuẩn bị kéo dài hàng tháng trời. Song, đi kèm với trách nhiệm thì đó là sự tự hào. Mọi người biết rằng, do đại dịch COVID-19, SEA Games phải hoãn gần nửa năm, và khi SEA Games trở lại, VTV cũng như Ban tổ chức SEA Games 31 đã rất nỗ lực để mang đến những hình ảnh đẹp nhất, truyền tải những thông tin về SEA Games tốt nhất, cô đọng nhất, nhiều thông tin nhất cho khán giả. Đó là trải nghiệm mới mẻ với rất nhiều phóng viên, bởi không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm một kỳ SEA Games được tổ chức tại Việt Nam cả.

Trong thời gian nửa tháng tác nghiệp, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều phóng viên quốc tế và điều này giúp chúng tôi có cơ hội chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Với các bạn bè quốc tế, tất cả đều thừa nhận Việt Nam đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công và ấn tượng.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 16

Nếu để bày tỏ cảm xúc ngắn gọn về SEA Games 31, thì tôi chỉ muốn nói lên sự tự hào. Bởi vì, đây là kỳ Đại hội mà chúng ta tổ chức trên sân nhà và diễn ra tốt đẹp, mang lại nhiều cảm xúc cho bạn bè quốc tế. Với cá nhân tôi – một phóng viên thể thao, SEA Games là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm và học hỏi, bởi không chỉ với các phóng viên mới, ngay cả những người có kinh nghiệm, mỗi một kỳ đại hội lại có những điều mới mẻ và đó chính là cơ hội để các phóng viên tích lũy thêm kinh nghiệm, bài học và trải nghiệm cho riêng mình.

Nhà báo Mohd Nor Syafiq Safian – Ủy ban Olympic Malaysia:

COVID-19 không ngăn được niềm vui tại SEA Games 31

Thật tuyệt vời, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi được chứng kiến bầu không khí tại SEA Games 31. Chúng ta biết rằng, vì đại dịch COVID-19 nên nước chủ nhà Việt Nam đã phải hoãn thời gian tổ chức từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. Rõ ràng, Việt Nam đã không có nhiều thời gian để chuẩn bị, bởi chỉ ít tháng trước khi đại hội thể thao Đông Nam Á diễn ra, tôi có đọc thông tin biết rằng tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra khá phức tạp tại Hà Nội và một số địa phương.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 17

Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi được nhắc nhở không được tự ý rời khỏi khách sạn và tôi đã mường tượng ra một thành phố Hà Nội vắng vẻ với nhiều quy định chống dịch nghiêm ngặt, như từng diễn ra với chúng tôi và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi đặt chân tới Hà Nội và đặc biệt là đến các nhà thi đấu, tôi thực sự ngỡ ngàng: Không hề có COVID-19!

Các bạn đã tạo ra một bầu không khí thể thao tuyệt vời tại Nhà thi đấu Hoài Đức, nơi diễn ra các môn Kurash, Judo, hay là ở các trận đấu bóng đá tại Việt Trì (Phú Thọ), Thiên Trường (Nam Định), Cẩm Phả (Quảng Ninh), mà đặc biệt tại sân Mỹ Đình, với chiến thắng ấn tượng của U23 Việt Nam.

ngay hoi tac nghiep cua truyen thong trong nuoc va quoc te hinh 18

Mặc dù tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam có làm rất tốt công tác phòng chống dịch và rất nỗ lực để tạo ra một kỳ đại hội an toàn nhất, nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Tôi từng tác nghiệp ở nhiều kỳ SEA Games, ngay cả trong thời điểm không có COVID-19 cũng không có được bầu không khí hừng hực như vậy. Các cổ động viên, các tình nguyện viên của các bạn làm chúng tôi xúc động. Thực sự, các bạn đã mang lại cho chúng tôi cảm giác “tự do” tại kỳ đại hội này. Đại dịch COVID-19 thực sự đã không thể ngăn được niềm vui tại SEA Games 31.

Tiến Toàn – Hữu Kế - Đình Trung

Bình Luận

Tin khác

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo