Nghệ nhân giữ nghề làm đèn kéo quân lâu đời ở Hà Nội

Thứ năm, 18/08/2022 20:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ở miền Bắc, từng có nhiều làng nghề làm đèn kéo quân, nhưng đến nay thì nghề này dần bị mai một. Tuy nhiên, tại thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có nghệ nhân Vũ Văn Sinh vẫn tận tâm giữ nghề, dạy nghề làm đèn kéo quân cho lớp trẻ, để níu giữ nghề xưa.

Nghề làm đèn kéo quân có lịch sử hàng trăm năm 

Tại thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội), hỏi người dân nơi đây về nghệ nhân Vũ Văn Sinh hay "ông Sinh đèn kéo quân" ai nấy đều biết. Từ những đứa trẻ nhỏ tuổi, thanh thiếu niên, người lớn tuổi và cả người già đều vui vẻ chỉ đường, họ đều nói: "Có phải nhà "ông Sinh đèn kéo quân" đúng không?". Đi theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm được nhà của nghệ nhân Sinh giữ nghề, làm nghề đèn kéo quân lâu đời nhất ở nơi đây.  

Ngoài sảnh trước căn nhà xây dở là hình ảnh một nghệ nhân Vũ Văn Sinh đang nhâm nhi bên chén nước chè. Chúng tôi đến khi ông Sinh đang dùng kéo cắt lát những đường giấy để tạo hình bên trong chiếc đèn kéo quân. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, nghệ nhân Sinh cho biết, trong làng trước đây có hai người làm nghề đèn kéo quân, người kia là anh họ ông nay đã nghỉ làm được vài năm do tuổi cao sức yếu, và hiện tại chỉ còn duy nhất ông Sinh còn giữ được nghề truyền thống này. 

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 1

Nghệ nhân Vũ Văn Sinh đang tạo hình bên trong chiếc đèn kéo quân - Ảnh: Đình Trung

Video Cận cảnh đèn kéo quân do nghệ nhân Sinh chế tác

X

Nhà nghệ nhân Sinh nằm ở cuối xóm Hòa Bình, thôn Đàn Viên, huyện Thanh Oai. Khi nghe nghệ nhân Sinh chia sẻ, tôi khá bất ngờ ông chính là người tạo lên chiếc đèn kéo quân với kích cỡ khổng lồ ở mùa Trung thu vào năm 2006. 

Ông tâm sự: "Hồi đó, tôi làm chiếc đèn kéo quân cao khoảng 7m, đường kính gần 3m, với yêu cầu dùng khí động học (không được dùng mô tơ, phải lấy lửa...), có nghĩa chiếc đèn cao gần bằng căn nhà hai tầng. Kinh phí làm chiếc đèn kích thước lớn này lên tới hàng chục triệu đồng, tương đương khoảng vài cây vàng thời đó. Nhưng rồi đèn kéo quân làm ra cũng chỉ là để đơn vị chủ quản đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam". 

Tâm sự về nghề làm đèn kéo quân, nghệ nhân Vũ Văn Sinh cho biết, nghề làm đèn kéo quân thôn Đàn Viên đã có từ rất lâu đời, được truyền qua nhiều thế hệ. Đến nay nghề đèn kéo quân ở thôn Đàn Viên đã có hơn 100 năm. Thời đó, khi làm đèn kéo quân còn thiếu nguyên vật liệu, chiếc đèn được làm từ vật liệu bằng tre, lứa phơi khô, giấy chỉ, cây nến... rất đơn giản. Khi thành phẩm đèn kéo quân trông rất vuông thành góc cạnh, lũ trẻ con trong làng khi nhìn thấy vô cùng thích thú, chỉ mong Tết Trung thu tới gần để được đốt đèn, rước đèn từ đầu làng tới cuối làng rất vui". 

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 2

Thành phẩm bằng giấy dưới bàn tay của nghệ nhân Vũ Văn Sinh

Theo ông Sinh, khoảng 30 đến 40 năm về trước, chiếc đèn kéo quân ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai đã đa dạng hơn về hình dáng, kích cỡ và màu sắc khi nguyên liệu làm đèn kéo quân khá đầy đủ. Đặc biệt, thời điểm ấy người dân địa phương chủ yếu làm đèn kéo quân để chơi, hoặc để tặng người thân vào dịp Tết Trung thu, thậm chí để đổi lấy vài cân thóc, cân ngô cân khoai và cân sắn...

Ông tâm sự, chiếc đèn kéo quân được tạo ra ngoài mục đích như một món đồ chơi, thì nó còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các hệ trẻ. Bởi vậy, những 'hình chiếu bóng' được dán lên thân của mặt chiếc đèn kéo quân thường nói về đức tính của con người Lễ - Hiếu - Trung - Nghĩa như hình ảnh về đoàn lính kéo pháo, bộ đội xung trận, bộ đội cụ hồ hành quân... Chính vì thế nên dân gian mới đặt tên là đèn kéo quân. Sau này, khi xã hội phát triển thì hình dán lên mặt đèn kéo quân cũng đa dạng, phong phú hơn như để hình 12 con giáp, người nông dân kéo cày, hình thằng Hề, thằng Bờm, chú Tễu... và những hình mà bọn trẻ con thích thú. 

Khi được hỏi về thời kỳ thưng thịnh, nghệ nhân Vũ Văn Sinh cho biết, nghề làm đèn kéo quân để bán chỉ hưng thịnh khoảng gần 30 năm trước, rồi thời gian mai một và đến ngày nay đã dần biến mất. Mấy năm trở lại đây trong thôn Đàn Viên, chỉ còn một vài hộ gia đình làm đèn ông Sao, còn đèn kéo quân thì không ai muốn làm nữa.

Cũng theo ông Sinh, nghề làm đèn kéo quân khá đơn giản. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất của một nghệ nhân khi làm đèn kéo quân là phải có mắt thẩm mỹ để bày trí, tính toán đối lưu không khí bên trong chiếc đèn sao cho hợp lý, cân bằng. Khi đối lưu không khí cân bằng, ngọn nến được đốt lên và khi có gió thổi qua, chiếc đèn kéo quân sẽ tự khắc quay.

Hiện nay, chiếc đèn kéo quân bằng khung gỗ, giấy màu cỡ lớn đang được nghệ nhân Vũ Văn Sinh làm theo đơn đặt hàng của một số công ty, doanh nghiệp và cửa hàng... nếu làm liên tục, tỉ mỉ, cẩn thận thì trong khoảng 3 ngày là hoàn thành. Mỗi chiếc đèn kéo quân được bán giá khoảng 3-5 triệu đồng/cái, còn đối với chiếc đèn kéo quân làm đơn giản bằng vật liệu khung tre, nứa, kích thước nhỏ thì bán giá khoảng 100-200 nghìn đồng/cái. Song, hiện nay còn rất ít người chơi đèn kéo quân, nên người dân thôn Đàn Viên không thể sống được với nghề này.

Giữ nghề, dạy nghề cho lớp trẻ

Nghệ nhân Vũ Văn Sinh tuy vẫn giữ nghề làm đèn kéo quân nhưng hiện tại ông không làm nhiều. Cận Tết Trung thu ông sản xuất một lượng nhỏ để cho con trẻ trong nhà treo Tết Trung thu cho vui nhà, vui cửa. Ngoài ra, ông Sinh cho biết hiện tại ông chủ yếu làm theo đơn đặt trước của các cửa hàng, doanh nghiệp... và đi dạy nếu được mời. Thi thoảng vẫn có nhóm bạn trẻ tìm đến nhà ông Sinh để học cách làm đèn kéo quân trực tiếp. 

Ông Sinh cho biết: "Ở thời đại 4.0 hiện nay, các mẫu đèn của Trung Quốc đã lấn át thị trường Việt với vô vàn mẫu mã bày bán tràn ngập ở các chợ, cửa hàng rất đa dạng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố giữ nghề làm đèn kéo quân lâu đời này một phần muốn truyền lại cho các thế hệ con cháu, những người muốn học cách làm đèn kéo quân tôi đều hướng dẫn họ.

Thi thoảng có nhiều chủ doanh nghiệp, công ty hay sự kiện mời tôi tới biểu diễn làm đèn kéo quân tôi đều tham gia. Thậm chí mới đây, trong một sự kiện về Tết Trung thu do một trường học tổ chức, tôi tới dự và có thuyết trình trực tiếp cho các cháu nghe, các cháu rất chăm chú nghe tôi nói. Tôi cảm thấy rất vui và tự thấy mình phải giữ lấy nghề này".

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 3

Nghệ nhân Sinh đang ghép từng thanh tre để làm khung đèn

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 4

Công đoạn ghép từng phần của đèn kéo quân được thực hiện tỉ mỉ

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 5

Nghệ nhân Sinh cho xem phần tán đèn được cắt đều. Có như vậy mới tạo ra được đối lưu không khí ở trong đèn

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 6

Trong 3 bộ phận tạo thành đèn kéo quân, khó nhất là làm trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ.

nghe nhan giu nghe lam den keo quan lau doi o ha noi hinh 7

Chiếc đèn kéo quân kích cỡ nhỏ và kích cỡ lớn do chính nghệ nhân Vũ Văn Sinh chế tác

Nghệ nhân Sinh chia sẻ tiếp: "Hàng năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cứ trước dịp Tết Trung thu khoảng 1-2 tháng là lại đặt tôi làm vài chục chiếc đèn kéo quân đầy đủ kích cỡ từ nhỏ tới lớn. Tôi rất vui vì vẫn có cơ sở, doanh nghiệp và nhiều cửa hàng biết tới mình. Do vậy, cái nghề làm đèn kéo quân lâu đời này tôi khó thể bỏ được. Bảo sống bằng nghề này thì chắc chắn là không được, nhưng thứ đó mang lại cho tôi là niềm vui ở tuổi xế chiều, là được thấy các con trẻ tìm đến tôi để học nghề, các doanh nghiệp, cơ sở tin yêu mới liên hệ tới tôi".

Nghệ nhân Sinh tâm sự, vì lòng đam mê nên mới quyết giữ tâm giữ nghề, ông vẫn sẽ đi dạy cho các con trẻ ở bất cứ nơi nào nếu họ mời. Điều mong ước lớn nhất của nghệ nhân Vũ Văn Sinh là qua việc dạy làm đèn kéo quân để níu lại cho con trẻ tâm hồn trong sáng, hướng về nét văn hóa dân gian truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. 

Trung Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

(CLO) Những cây sao đen trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được trồng từ thời Pháp có tuổi đời khoảng 120 năm mang nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, gắn bó từ rất lâu với người dân Thủ đô.

Đời sống văn hóa
Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa