Hành trình phụng sự…

Nhà báo Hoàng Văn Chiên: “Tự hào về sự dấn thân góp phần thay đổi xã hội…”

Chủ nhật, 31/12/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Điều tra là một mảng đề tài khó, vậy nên báo chí điều tra được nhiều tờ báo, nhà báo coi là mảng báo chí để khẳng định thương hiệu. Nhà báo Hoàng Văn Chiên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở lĩnh vực này.

Sự kiện: nhà báo

Hành trình phụng sự…

Dấn thân, trách nhiệm và đi đến cùng sự thật chính là tinh thần nghề nghiệp của nhiều cây bút nổi bật năm qua. Với tinh thần “phụng sự”, những người làm báo đã vượt qua và vượt lên những khó khăn và cả những cám dỗ… để có những tác phẩm báo chí chất lượng, lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực cho một năm mới sắp tới.

Gần đây nhất, trong năm 2023, Hoàng Chiên và cộng sự đã ghi dấu ấn đậm nét khi xuất sắc đoạt Giải B Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư. Và phía sau mỗi tác phẩm là cả hành trình gian nan dấn thân vì công lý…

3 năm công tác, đặt chân đến toàn bộ 63 tỉnh thành

Nhận được vé vớt của trường Cao đẳng Phát Thanh - truyền hình 1 (Phủ Lý - Hà Nam), khi bắt đầu quãng thời gian sinh viên, Hoàng Chiên với chiếc xe đạp đã vượt nhiều cây số đi đây đó viết tin bài. Nhiều lần anh đạp xe hơn 30km từ Phủ Lý đến Nam Định, Ninh Bình chỉ để viết một cái tin… Hồi đó, với những đồng tiền nhuận bút, Hoàng Chiên đã dành dụm tích góp đủ để mua máy ảnh, máy tính, xe máy để tác nghiệp khi ra trường. Anh cũng kiếm đủ tiền để học liên thông tại Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nhắc về cái duyên đưa anh đến với mảng báo chí điều tra - một công việc đầy nguy hiểm, Hoàng Chiên chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng giới thiệu công tác tại phòng Truyền thông của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), công việc của tôi là tìm đề tài, lập kế hoạch, mời nhà báo tham gia các chuyến công tác về chủ đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường, biến đổi khí hậu, các dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khu công nghiệp… Chính những chuyến công tác này tôi đã có cơ hội đến với khắp 63 tỉnh thành trên cả nước chỉ trong vòng 3 năm công tác, có những năm 20 chuyến bay, có chuyến kéo dài 21 ngày, thậm chí cùng các nhà báo lái xe xuyên Việt để điều tra”.

nha bao hoang van chien tu hao ve su dan than gop phan thay doi xa hoi hinh 1

Nhà báo Hoàng Chiên và cộng sự trong chuyến điều tra thực hiện loạt bài “Tội ác dưới tán rừng xanh: Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng” tại cánh rừng Pơ mu nguyên sinh nghìn năm tuổi nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Đến tháng 10/2020, Hoàng Chiên chính thức chuyển công tác đến Ban Bạn đọc Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt. Anh nhớ lại tác phẩm đầu tiên của mình được đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt viết về phá rừng ở Bắc Kạn nhận được sự khen thưởng của lãnh đạo cơ quan trong buổi họp giao ban tuần.

Tại cơ quan mới, Hoàng Chiên cùng cộng sự thực hiện hàng loạt những bài điều tra về các chủ đề buôn bán động vật hoang dã, phá rừng, khai mỏ, đến các vấn đề nóng của xã hội thời điểm đó như trục lợi bảo hiểm, buôn bán điện ba pha...

Cứ xong loạt bài này, chúng tôi lại thực hiện đề tài khác, thậm chí thực hiện song song, các tác phẩm khi được đăng tải có hiệu ứng xã hội, làm thay đổi chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương, giúp đỡ được những phận người khó khăn, phản ánh được cái xấu, cái sai phạm của những cá nhân, tổ chức vi phạm. Ý nghĩa xuyên suốt chúng tôi luôn muốn thể hiện được tính nhân văn, tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm của mình...” - Hoàng Chiên chia sẻ.

Đề tài điều tra thường vô cùng gai góc, thời sự, có sức ảnh hưởng xã hội, có nhiều điểm mới và khác biệt. Theo nhà báo Hoàng Chiên, để làm tốt mảng đề tài khó nhằn và hiểm nguy ấy, sức khoẻ và kiến thức là điều quan trọng nhất. Sức khoẻ để tiến hành thực địa như đi rừng, vượt sông, suối với những thiết bị ghi âm, ghi hình được chuẩn bị phải nhỏ gọn, tinh vi, chất lượng. Kiến thức để xây dựng nguồn tin từ cơ sở đáng tin cậy, chắc chắn mới lên đường điều tra ... “Đặc biệt là khả năng phân tích tình huống, ứng biến với tình huống nhanh nhạy, khéo léo, và nghệ thuật làm việc với các đơn vị có liên quan” - Hoàng Chiên cho biết.

Vậy có khi nào Hoàng Chiên cảm thấy sợ chưa? Anh trầm ngâm và nói: “Chúng tôi xác định phải dấn thân để tiếp cận, tìm hiểu sự việc, nếu nói có sợ thì cũng chưa đúng hẳn, mà không sợ cũng không hoàn toàn chính xác”.

Hoàng Chiên kể, có những chuyến đi tiếp cận nhân vật, thâm nhập tìm hiểu các hoạt động trái phép, dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng khi gặp đối tượng có kinh nghiệm, họ chỉ cần hỏi lại phóng viên vào vai vài câu là biết có phải dân trong nghề hay không.

Khi chúng tôi thực hiện loạt bài “Xẻ thịt” Cao nguyên đá Đồng Văn, một chủ doanh nghiệp chuyên xây dựng, thi công đường giao thông đặt ra những câu hỏi mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới vì liên quan sâu đến kỹ thuật xây dựng, thi công của họ, chúng tôi đã rất khó khăn, “đỏ mặt” mới thoát được. Mỗi lúc như vậy chúng tôi thường bảo nhau phải “nảy số” nhanh, chuyển câu chuyện sang những nội dung mình nắm rõ. Hay như khi một người trẻ tuổi trong nhóm chúng tôi, sinh năm 1997 nhưng vào vai nói mình sinh năm 1992, đối tượng hỏi lại sinh năm 1992 là năm con gì? Chỉ cần không trả lời đúng là họ biết mình nói dối” - Hoàng Chiên kể lại.

Cống hiến và còn cống hiến nhiều hơn nữa…

Nhà báo Hoàng Chiên với rất nhiều tác phẩm báo chí phản ánh nhiều sự việc “nóng bỏng”, qua đó những sai phạm được giải quyết, góp phần thay đổi cuộc sống của nhân dân, của xã hội, mang lại nhiều giải thưởng lớn cho anh và cộng sự. Nhắc đến đứa con tinh thần khiến mình cảm thấy tự hào nhất, Hoàng Chiên bồi hồi nhớ về những tác phẩm khi anh mới ra trường, khi đó báo chí điều tra là cái gì đó rất xa lạ với anh. Hồi còn chưa xin được việc làm, Hoàng Chiên được bạn rủ đi viết bài, tác phẩm có tên là “Sóng ngầm dưới chân Tam Đảo” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam và “Moi ruột” Vườn quốc gia” đăng trên Báo Lao Động, nội dung viết về tình trạng nổ mìn khai thác quặng trong vùng lõi vườn quốc gia Tam Đảo.

Hoàng Chiên nhớ lại, để thực hiện tác phẩm anh đã đi bộ cả ngày đường, ăn lương khô, uống nước suối, bởi khi đó mới ra trường không có tiền. “Sau một ngày di chuyển đó, chúng tôi khi quay trở lại không thể bước được nữa mà phải nhờ người cõng mới đi được” - Hoàng Chiên tâm sự.

Hay tác phẩm “Vị đắng” từ mỏ Ngọt” đăng trên Báo Lao Động phản ánh địa phương ở Phú Thọ có mỏ cao lanh tên là mỏ Ngọt, trong quá trình khai thác làm ảnh hưởng đến nguồn nước, ruộng, đồi chè, chuối... của người dân xung quanh. Để ghi được hình Hoàng Chiên phải leo mấy quả đồi, lội mấy con suối mới vào đến khu vực sản xuất để ghi hình.

Rồi tác phẩm “Mổ bụng” núi Voi” tại Yên Bái, chúng tôi là sinh viên vào vai đi mua đá quý khi họ khai thác trái phép trong rừng phòng hộ, khi ấy còn dùng điện thoại “cục gạch” không thể quay phim chụp ảnh được, phải dùng máy ảnh để chụp, chúng tôi vờ ôm nhau rồi người ngồi sau luồn máy ảnh qua khe giữa hai cúc áo của người ngồi trước thò ống kính ra chụp, và gọi điện cho ông chủ mua đá quý bằng cách gọi tổng đài 900 và “chém gió”…” - Hoàng Chiên cười và nói.

Những tác phẩm báo chí đầu tay về điều tra khiến Hoàng Chiên tự hào nhất, bởi khi đó là sự dấn thân, lăn lộn, xông pha để chinh chiến của thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết tuy còn đâu đó sự non nớt, bỡ ngỡ - đó cũng là những miền ký ức khiến anh không thể nào quên được. Và nhiều tác phẩm thời non trẻ ấy đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao, ngay khi đăng tải có tác động lớn, Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương vào cuộc xử lý.

Ngay bây giờ nếu cho Hoàng Chiên một điều ước, anh ước mình là một Hoàng Chiên như thế nào?” - tôi hỏi.

Bản thân tôi không có giới hạn nào để ước. Bởi từ khi còn là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đến bây giờ nhìn lại tôi không có điều gì cảm thấy nuối tiếc, mà còn thấy tự hào với những gì mình đã và đang làm được. Bởi trong suốt thời gian qua tôi đã dành thời gian, công sức, kiến thức của mình để cống hiến cho nghề báo, và tôi sẽ còn cống hiến nhiều hơn nữa với mục tiêu giúp ích được cho xã hội, cho gia đình, cho chính bản thân. Và tôi ước mình mãi là một Hoàng Chiên như Hoàng Chiên của hiện tại…” - nhà báo Hoàng Văn Chiên bày tỏ.

Hòa Giang

Bình Luận

Tin khác

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

(CLO) Ngày 3/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp các đơn vị tổ chức lễ bàn giao thư viện cho các trường: TH-THCS Phước Hiệp; THCS Đồng Khởi; THCS Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” do Báo SGGP thực hiện.

Nghề báo
Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo