Nhà báo Nhật Linh và nỗi khắc khoải “về quê ăn Tết”!

Chủ nhật, 22/01/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mười năm làm việc với vai trò phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam tại Liên bang Nga thì có chín năm nhà báo Nhật Linh ăn Tết xa quê hương.

Với các phóng viên thường trú như Nhật Linh, Tết sẽ đến sớm hơn, vì phải lên kế hoạch tin bài, và Tết sẽ qua nhanh hơn, ngay khi vừa sang Giao thừa, sáng hôm sau là một ngày làm việc như mọi ngày ở Nga…

Tết trong tình trạng “trực chiến”

Nhà báo Nhật Linh bắt đầu công việc của một phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Liên bang Nga từ tháng 8/2012, sau 8 năm công tác tại Ban Truyền hình Đối ngoại VTV4. Cho đến thời điểm này là tròn 10 năm chị gắn bó với nước Nga ở vai trò là một phóng viên thường trú.

nha bao nhat linh va noi khac khoai ve que an tet hinh 1

Nhà báo Nhật Linh cùng đồng nghiệp trong một chuyến công tác.

Công việc của một phóng viên nói chung thường bận rộn nhưng với phóng viên nữ mà lại là phóng viên thường trú ở một địa bàn lớn như Nga thì sự bận rộn và nỗi vất vả còn tăng lên gấp nhiều lần. Ở trong nước, mỗi bản tin thời sự luôn có ca có kíp, còn ở nước ngoài, như ở Cơ quan thường trú VTV tại Liên bang Nga chỉ có 2 người - 1 biên tập và 1 quay phim. Hai người kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Đặc biệt những ngày Tết, khối lượng công việc tăng cao đòi hỏi cường độ lao động ở mức tối đa.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn là những ngày làm việc bình thường ở Nga, nên nhà báo Nhật Linh và đồng nghiệp vừa phải đảm đương công việc thường ngày là theo dõi tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Nga, vừa làm các tin bài phóng sự về cộng đồng người Việt Nam chuẩn bị đón Tết ra sao và ăn Tết như thế nào.

Thường những phóng sự Tết, chị Linh phải lên kế hoạch từ sớm để phối hợp cùng các chương trình sản xuất trong nước. Phóng viên thường trú không có khái niệm “trực Tết”, vì gần như là thời điểm nào chị Nhật Linh cũng “trực chiến” cùng các bản tin thời sự VTV để kịp thời phản ánh các sự kiện đột xuất diễn ra tại địa bàn.

Nhà báo Nhật Linh kể, 10 năm ở nước Nga chỉ có duy nhất 1 lần chị về đón Tết ở Việt Nam. Đó là 15 cái Tết xa quê, nếu tính cả 6 năm học đại học ở Belarus. Đôi khi Nhật Linh tưởng như mình đã quen với nhiều điều và không còn quá xúc động mỗi khi năm hết Tết đến. Nhưng hoá ra không phải như vậy.

Quanh năm suốt tháng tất bật với nhịp sống hàng ngày có thể nhà báo Nhật Linh tạm quên đi nỗi nhớ quê nhà. Nhưng chỉ đến khi nhìn thấy một dòng tin nhắn hay một cú điện thoại của gia đình gửi đến trong những ngày giáp Tết, trong lòng chị bỗng nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.

nha bao nhat linh va noi khac khoai ve que an tet hinh 2

Chuyến tác nghiệp của nhà báo Nhật Linh tại khu vực núi Kavkaz 11.2021.

Vì thế, nhà báo Nhật Linh luôn cố gắng tìm kiếm những đề tài liên quan đến năm mới, nét văn hoá đặc sắc của ngày Tết, để hoà vào với không khí, để cảm nhận rõ nét hơn Tết Việt đang tới gần.

Tuy nhiên, những chuyến đi tác nghiệp cuối năm làm chương trình Tết ở những vùng sâu vùng xa, trong những ngày băng giá của nước Nga lại là những chuyến đi nhiều cảm xúc nhất đối với Nhật Linh.

Đó là một chiều giáp Tết cùng những bạn sinh viên Việt Nam ở thành phố lạnh nhất thế giới Yakursk. Là buổi chợ ngày Ba mươi của những người Việt mưu sinh ở những thành phố bên bờ sông Volga. Hay một ngày cuối năm ở mỏ dầu Bắc Cực, nơi những chuyên gia dầu khí Nga và Việt Nam vào ca làm việc không có khái niệm nghỉ ngơi, xung quanh họ là băng tuyết với đêm vùng cực, không có ánh nắng mặt trời.

Đó là những cái Tết còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, không khí không tưng bừng như nhiều người hình dung, nhưng lại có những khoảnh khắc ấm áp tình cảm người xa quê. Trong không gian và thời gian như thế thì với mỗi người cảm nhận về năm cũ, năm mới chỉ tính bằng một khoảnh khắc - khi cảm nhận một chữ Tết đang hiện hữu - gói trong đó bao nhiêu hoài niệm, là sự sum vầy.

Cũng như nhiều người Việt Nam, đối với nhà báo Nhật Linh, Tết đến cũng là lúc chúng ta nghe nhiều nhất đến hai chữ “về quê”. Và dù ở độ tuổi nào, đang sống tại quê nhà hay phiêu bạt chân trời góc biển, hễ từ khoảnh khắc đón Tết Tây, năm mới bắt đầu sang trang tờ lịch những ngày đầu tiên, lập tức từ sâu thẳm lòng mình lại vọng lên tiếng gọi thầm: “Về quê ăn Tết!”.

“Bốn từ ấy âm vang, da diết, đủ sức gợi lên cảm giác vừa nôn nao vừa rộn ràng, vừa thơ mộng vừa da diết, như khói trầm lãng đãng gợi nhớ về mùi vị lẫn tình cảm tươi đẹp nhất”, Nhật Linh chia sẻ.

Khi “máu nghề” nổi lên thì không hề có cảm giác gì đến sự nguy hiểm

Địa bàn Nga rộng lớn với diện tích lãnh thổ trải dài trên 9 múi giờ khác nhau, ngôn ngữ và văn hoá nhiều vùng miền cũng có sự khác biệt. Mùa đông nước Nga nổi tiếng lạnh giá và khắc nghiệt. Đi lại và tác nghiệp rất khó khăn. Ngày đông lạnh nhất Nhật Linh từng trải qua là -45 độ ở thành phố Yakursk, thủ phủ của Cộng hoà Sakha, còn thời tiết -30 độ chẳng có gì lạ ở Matxcơva hay nhiều thành phố khác.

Chị Linh tâm sự: “Từng có người hỏi tôi như thế này: Chuyến tác nghiệp nào đã làm thay đổi phóng viên Nhật Linh? Và tôi luôn nghĩ rằng chính là chuyến đi sang Nga từ tháng 8/2012 và đến lúc này vẫn chưa kết thúc. Thực sự đây là bước ngoặt lớn giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Trong hành trình hơn 10 năm ở đây, tôi đã có may mắn được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và được biết thêm nhiều câu chuyện. Tôi xem hành trình đến với nước Nga là một cuộc trở về…”.

nha bao nhat linh va noi khac khoai ve que an tet hinh 3

Nhà báo Nhật Linh.

Những chuyến công tác Ukraine từ năm 2014 - khi bắt đầu những căng thẳng dẫn đến cao trào xung đột Nga và Ukraine đã để lại cho Nhật Linh những cảm xúc không bao giờ quên. Nhiều ngày chị phải vào khu lều trại ở Quảng trường Maidan giữa Thủ đô Kiev hay nằm lại ở thành phố Kharkov, miền Đông Ukraine, để bám tin về vụ rơi máy bay MH17. Rất nhiều những thời khắc tác nghiệp nguy hiểm, đặc biệt khi nhà báo Nhật Linh phải có mặt tại vùng chiến sự Donetsk. Nhưng ở chính thời điểm ấy - ngay cả khi đạn pháo bắn vào khu nhà mà chị và đồng nghiệp đang đứng - thì lại không hề có cảm giác sợ hãi hay nghĩ đến điều gì khác, ngoài việc có thể tránh vào đâu để tranh thủ quay hình.

Nhật Linh tự nhận mình không hề dũng cảm chỉ là khi “máu nghề” nổi lên thì không hề có cảm giác gì đến sự nguy hiểm, thậm chí là cái chết. Nhưng có lẽ, điều đọng lại trong Nhật Linh nhiều nhất sau mỗi chuyến đi ấy là câu chuyện của con người. Nước mắt của người phụ nữ giữa vùng chiến sự, tiếng thở dài trong đêm của người soát vé tàu khu vực biên giới Nga - Ukraine, và khuôn mặt ngây thơ của những đứa trẻ trong trại sơ tán… Những hình ảnh ấy luôn làm chị nhói lòng mỗi khi nghĩ đến, nhất là trong lúc này đây, năm mới đang đến gần với mỗi gia đình trên toàn thế giới mà bối cảnh chiến sự lại càng leo thang.

Có lẽ cũng giống như mọi người dân Việt Nam, nhà báo Nhật Linh hiểu rõ những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại. Chị ước có thật nhiều sức khoẻ để còn được đi, được đến, được chia sẻ góp sức nhỏ bé của một nhà báo trong sự phát triển của đất nước, của thế giới…

Hoài Giang

Bình Luận

Tin khác

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

(CLO) Ngày 3/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp các đơn vị tổ chức lễ bàn giao thư viện cho các trường: TH-THCS Phước Hiệp; THCS Đồng Khởi; THCS Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” do Báo SGGP thực hiện.

Nghề báo
Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo