Nhà báo Phạm Công Thắng: “Lãng du” cùng những kỷ vật của đồng nghiệp

Thứ sáu, 23/06/2023 15:32 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trên tầng hai của ngôi nhà 225A Đặng Tiến Đông - Hà Nội hiện lưu giữ hàng trăm kỷ vật tác nghiệp của các nhà báo, nhà nhiếp ảnh… thuộc nhiều thế hệ. Chủ nhân của phòng trưng bày tại gia này là nhà báo Phạm Công Thắng.

Sự kiện: nhà báo

Thiết bị tác nghiệp - những “gia tài” cần được trân quý

Với giới nhiếp ảnh, cái tên Phạm Công Thắng không còn xa lạ. Anh được nhiều người biết tiếng qua những bức ảnh đẹp bày trong các triển lãm cá nhân cũng như của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hơn 40 năm cầm máy, anh đã có 2 triển lãm ảnh cá nhân cùng với một “gia tài” ảnh đáng kể, đã gặt hái gần 30 giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

Năm 2017, anh xuất bản sách ảnh mang tên “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” được giới trong nghề đánh giá cao. Anh cũng từng có nhiều năm làm báo ở Thanh Hóa rồi sau đó chuyển ra Hà Nội làm phóng viên tạp chí Hàng không Việt Nam. Phạm Công Thắng chia sẻ rằng, đối với anh, nhiếp ảnh và nghề báo luôn song hành. Làm báo cho anh cái nhìn sâu sắc, đa chiều về cuộc sống, còn nhiếp ảnh cho anh tiếp cận với một thế giới vừa quen vừa lạ.

nha bao pham cong thang lang du cung nhung ky vat cua dong nghiep hinh 1

Nhà báo Phạm Công Thắng và một hiện vật tại gallery “Ký ức Nhiếp ảnh”.

Hàng chục năm gắn bó với nhiếp ảnh trong vai trò một phóng viên ảnh, sử dụng qua nhiều loại thiết bị, Phạm Công Thắng luôn đau đáu với ý nghĩ: Các phóng viên và nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho đất nước một gia tài tác phẩm đồ sộ, được đánh giá cao. Những tác phẩm ảnh thường được trưng bày, quảng bá, được nhiều người biết đến, nhưng những thiết bị, những con người làm ra những bức ảnh đó lại chỉ đứng ở phía sau, thảng hoặc mới được nhắc, được kể, được công chúng biết đến.

“Những chiếc máy ảnh làm ra những tác phẩm ấy hiện đang ở tản mát trong gia đình các phóng viên và nghệ sĩ cả nước. Nếu biết huy động tập trung lại sẽ thành một kho tư liệu quý báu, có ý nghĩa với lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam”. Phạm Công Thắng nghĩ thế và trong những ngày Hà Nội cao điểm phòng chống COVID-19, dự án “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh” đã hình thành.

Khi Phạm Công Thắng vừa thông báo ý tưởng của mình trên trang Facebook cá nhân, lập tức có nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lên tiếng ủng hộ. Sự nhiệt tình của mọi người nhiều đến độ làm anh bất ngờ. Hằng tháng trời, hầu như ngày nào anh cũng bận rộn nhận các hiện vật mà mọi người gửi đến tặng.

Có ngày Phạm Công Thắng phải tiếp nhiều đoàn, nhiều người đến trao tặng kỷ vật; có người ở xa không đến trực tiếp gửi qua đường bưu điện; có người gửi hiện vật mà anh chưa từng biết, chưa từng gặp mặt; có người hiến tặng những chiếc máy mà họ rất trân quý, bởi đó là kỷ vật gắn với cuộc đời người thân đã khuất của họ. Tất cả họ đã tin tưởng gửi Phạm Công Thắng, trao niềm tin để sức sống của những hiện vật này lan tỏa trong cộng đồng.

nha bao pham cong thang lang du cung nhung ky vat cua dong nghiep hinh 2

Nhà báo Phạm Công Thắng giới thiệu về chiếc áo mà phóng viên Nguyễn Văn Thông sử dụng khi chụp ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn, ngày 11/6/1963.

“Ban đầu, ý tưởng “Ký ức nhiếp ảnh” xuất phát từ sở thích, nhu cầu cá nhân, tôi chỉ coi đây là một thú chơi nho nhỏ. Nhưng thật bất ngờ, mọi thứ đã vượt quá những dự định ban đầu”, anh Thắng cho hay.

Bây giờ, gallery “Ký ức nhiếp ảnh” đã có trên 700 hiện vật lớn nhỏ, từ các loại máy ảnh cổ chụp bằng kính, máy ảnh có hộp xếp, máy ảnh chụp phim 35mm, máy ảnh digital, máy ảnh chụp lấy ngay, máy chiếu phim dương bản, máy quét phim âm bản; dụng cụ buồng tối dùng để in, tráng ảnh; phụ kiện chụp ảnh, máy quay phim... Phạm Công Thắng không nhớ rõ, nhưng anh ước chừng có trên 300 nghệ sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia… đã trao gửi kỷ vật và niềm tin nơi anh.

Nói về căn phòng lưu giữ những tài sản quý giá, Phạm Công Thắng chia sẻ: “Ký ức Nhiếp ảnh” giờ đây đã trở thành địa chỉ lui tới của nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, sinh viên và cả những người không liên quan đến lĩnh vực nhiếp ảnh. Trong suốt hơn 30 năm làm nghề báo, điều khiến tôi trân quý nhất là mình được vinh dự lưu giữ lại những kỷ vật của những đồng nghiệp sử dụng khi tác nghiệp báo chí, những nhiếp ảnh gia trên khắp cả nước.

Không gian nhỏ kể những câu chuyện lớn

Không gian gallery “Ký ức nhiếp ảnh” nằm gói gọn trên tầng hai của ngôi nhà 225A Đặng Tiến Đông với chừng 30m2, nhưng được bài trí hợp lý nên rất dễ quan sát các hiện vật trưng bày.

Vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn như thanh niên, Phạm Công Thắng giới thiệu với khách từng hiện vật một cách chi tiết, rõ ràng, mạch lạc, như tất cả đã “nằm lòng” trong anh từ lâu: Đây là chiếc máy ảnh Pentax của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, được ông sử dụng từ năm 1972, từng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến trường và năm 1980 là chụp tại nhà riêng của Đại tướng. Cũng chiếc máy này, nhà báo Hoàng Kim Đáng đã chụp chân dung nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Tào Mạt, Trịnh Công Sơn…

nha bao pham cong thang lang du cung nhung ky vat cua dong nghiep hinh 3

Chiếc máy ảnh Pentax, mũ tác nghiệp cùng bức ảnh “Em bé Napal” (1972) của phóng viên Nick Út khi ông làm việc tại Hãng thông tấn AP.

Còn đây là chiếc máy ảnh D200 của Anh hùng Lao động, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang khi ông sáng tác tác phẩm nổi tiếng “Mặt trời trong Lăng sáng tỏa”. Bức ảnh này từng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi lưu bút năm 2008 và được Tập đoàn Tân Tạo mua với giá 1 triệu USD. Sau đó, toàn bộ số tiền này được tặng cho Quỹ bảo trợ trẻ em Kiên Giang, thực hiện 500 ca phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

Chiếc máy Horizon có thể chụp xoay bốn góc này cũng do anh Trần Lam gửi tặng. Còn chiếc Nikon AF-F800S của nghệ sĩ chụp ảnh nude số 1 Việt Nam Thái Phiên đã từng chụp cho hàng trăm người đẹp; đây là bộ máy ảnh mà GS. Hà Đình Đức chụp rùa Hồ Gươm...

Đây là máy chiếu phim dương bản Profector Standard, sản xuất năm 1930 do nguyên Phó Vụ trưởng Văn phòng chính phủ Nguyễn Ngọc Bình trao tặng. Chiếc máy là kỷ vật được một giáo sư người Đức kỷ niệm cụ thân sinh của bác Nguyễn Ngọc Bình. Kể từ đó, chiếc máy vẫn luôn được gia đình gìn giữ, trân trọng như một sợi dây kết nối thế hệ thiêng liêng. Mới đây, nhiếp ảnh gia Nick Út đến thăm và tặng tôi chiếc máy ảnh Pentax đầu tiên khi ông làm việc tại Hãng thông tấn AP năm 1966...”.

Phạm Công Thắng chia sẻ, điều khác biệt của gallery “Ký ức Nhiếp ảnh” so với những nơi khác là ở đây không tồn tại một bộ sưu tập “hoành tráng”. Các hiện vật cũng không được nhấn mạnh ở độ quý hiếm, độ “cổ” mà điều đặc biệt ở chỗ chúng không là những đồ vật vô tri, câm lặng mà đều có một đời sống riêng. Điều đó thể hiện ngay ở tên gọi “Ký ức Nhiếp ảnh”, khi đằng sau mỗi hiện vật là những câu chuyện về những con người cụ thể, là những dấu ấn nghề nghiệp trong những tình huống khác nhau.

Để làm được điều này, khi tiếp nhận mỗi hiện vật, Phạm Công Thắng đều đề nghị chủ nhân giới thiệu đôi nét về hiện vật đó. Rồi sau đó, anh kỳ công viết giới thiệu về chủ nhân tặng máy kèm chân dung họ, về đời máy, lịch sử của máy… để khách tham quan có thể hiểu rõ hơn về hiện vật trưng bày.

nha bao pham cong thang lang du cung nhung ky vat cua dong nghiep hinh 4

Chiếc máy ảnh Polaroid 95A có tuổi đời 100 năm do gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường trao tặng.

“Mỗi kỷ vật ở đây đều gắn với một câu chuyện riêng, đó là chuyện đời, chuyện nghề của các nhà báo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nó cũng gắn với một giai đoạn lịch sử, những dấu ấn thời đại của dân tộc mình”, nhà báo Phạm Công Thắng chia sẻ.

Phạm Công Thắng cho biết thêm, hiện tại, số lượng hiện vật đã nhiều gấp hàng chục lần dự kiến ban đầu của anh, điều này cũng kéo theo khá nhiều vấn đề như hạn chế về không gian trưng bày; khó khăn về việc lưu giữ, bảo quản, đồng thời khiến anh khá bận rộn.

Tuy nhiên, với sự ủng hộ của hàng trăm người tặng hiện vật quý, sự động viên, quan tâm của bạn bè, nhà báo... trong đó có nhiều người chưa từng quen biết - điều đó khiến anh có thêm động lực để tiếp tục ý tưởng của mình, với mong muốn sẽ đóng góp được “điều gì đó” cho nhiếp ảnh Việt Nam...

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

(CLO) Ngày 3/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp các đơn vị tổ chức lễ bàn giao thư viện cho các trường: TH-THCS Phước Hiệp; THCS Đồng Khởi; THCS Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” do Báo SGGP thực hiện.

Nghề báo
Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo