Nhạc sĩ Giáng Son: “Chúng tôi là thế hệ quá may mắn”

Thứ bảy, 30/04/2022 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong số những nghệ sĩ sinh năm 1975 - thế hệ không còn phải chứng kiến, không phải trải qua chiến tranh - hẳn nhiều người biết đến nhạc sĩ Giáng Son, giảng viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Năm 2022, thế hệ này đã ở độ tuổi mà sự nghiệp đã đủ vững vàng, đủ trải nghiệm, đủ hiểu biết về cuộc sống. Nữ nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ với Nhà báo & Công luận góc nhìn của chị về chiến tranh, hòa bình và những giá trị của cuộc sống…

nhac si giang son chung toi la the he qua may man hinh 1

“Thiệt thòi” vì không được chứng kiến thời khắc vĩ đại

+ Chào nhạc sĩ Giáng Son. Xin chị chia sẻ về những kỷ niệm thời còn nhỏ, lúc đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh?

- Giáng Son sinh ra chỉ trước ngày giải phóng ít lâu nên vào thời điểm giải phóng đất nước, Giáng Son còn quá bé, chưa biết được gì. Khi Giáng Son lớn một chút, qua báo chí, phim ảnh và lời kể của bố mẹ thì Giáng Son được biết, vào ngày giải phóng mọi người đều vỡ òa niềm vui. Bất cứ ai đang làm công việc gì khi nghe tin đều chạy ra sân, ra ngõ reo hò mừng vui, gặp ai cũng ôm và nước mắt cứ trào ra...

Nghe kể, Giáng Son có thể tưởng tượng ra không khí hân hoan, xúc động đó trong ngày trọng đại của đất nước, dù không được tận mắt chứng kiến. Nhưng Giáng Son không thể có được cảm xúc vỡ òa đầy xúc động đó. Có lẽ chỉ những người từng trải qua chiến tranh, trải qua mất mát, với khát khao hòa bình rất mãnh liệt mới có những hành động rất tự nhiên và vô cùng nhân văn đó. Giáng Son vẫn nghĩ rằng, thế hệ Giáng Son sinh ra cũng có đôi chút “thiệt thòi” khi không được chứng kiến một thời khắc vĩ đại trong lịch sử của đất nước.

Lớn hơn một chút, Giáng Son vẫn nhớ rõ một thời vất vả khi những năm bao cấp, đất nước còn khó khăn. Bố mẹ Giáng Son đều là giảng viên nghệ thuật, gia đình có 4 anh chị em, cuộc sống rất nghèo. Mỗi tháng gia đình Giáng Son 6 người nhưng chỉ được 1 hoặc 2kg thịt, thành ra Giáng Son lúc nào cũng chỉ mong đến Tết để được ăn thịt gà và bánh kẹo… .

Không có tiền mua đồ mới, Giáng Son phải mặc lại quần áo của chị, thậm chí quần áo còn vá trước vá sau. Nhưng phải nói rằng, lúc đó ai cũng nghèo, đời sống vật chất khó khăn nhưng đời sống tinh thần lại rất vui. Nhất là nhà Giáng Son ở khu trường Điện ảnh, suốt ngày được xem tuồng, chèo, cải lương, được nghe các làn điệu dân ca nên nghệ thuật dân tộc ngấm vào Giáng Son từ bé tí. Cộng với gia đình cũng làm nghệ thuật dân tộc, thành ra Giáng Son có tới hai kho báu là âm nhạc dân tộc và tình yêu đối với âm nhạc cổ điển. Có lẽ vì thế mà trong sáng tác của Giáng Son thường có một chút chất liệu âm nhạc dân tộc.

+ Chắc hẳn được sống trong hòa bình sẽ có rất nhiều thuận lợi. Chị nhìn nhận như thế nào về cuộc sống của thế hệ những người sinh ra sau chiến tranh?

- Chúng tôi là thế hệ quá may mắn. Chúng tôi được sống trong hòa bình, không phải chịu cảnh bom rơi đạn nổ. Mặc dù không có những trải nghiệm trực tiếp về chiến tranh nhưng khi nhìn sang cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, tôi mới thấy quý từng giây, từng phút hòa bình mà mình đang được hưởng.

Chắc chắn rằng, khi có chiến tranh, lập tức mọi thứ sẽ bị đảo lộn, ranh giới giữa sự sống và cái chết sẽ trở nên rất mong manh. Bởi vậy, được sống trong hòa bình, Giáng Son thực sự biết ơn. Chúng tôi được yên bình, được sống, học tập, làm việc, được đi đây đi đó, được làm tất cả những gì thuộc về âm nhạc như làm CD, làm liveshow hay kết nối với các tác giả nước ngoài...

Bây giờ chúng tôi được sống trong môi trường thuận lợi về mọi mặt, việc giao lưu, học hỏi vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Qua internet mình có thể tiếp cận với âm nhạc thế giới, có thể nghe và xem được ngay một bài hát, một ban nhạc hay một tác giả mà mình yêu thích. Đó là những thuận lợi vô cùng lớn so với thời bố mẹ của Giáng Son và đấy cũng là một trong những giá trị của hòa bình mang lại cho mọi người.

nhac si giang son chung toi la the he qua may man hinh 2

Âm nhạc thị trường được lăng xê quá mức

+ Hiện tại, đất nước đã hòa bình được mấy chục năm, các vết thương chiến tranh đã được hàn gắn nhưng cũng có những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Với chị, đó là những vấn đề gì?

- Chúng ta biết thời nào thì cũng có những khó khăn của thời đó. Hai năm vừa qua là thời kỳ dịch bệnh có thể nói là kinh khủng, rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ mắc bệnh và không qua khỏi, đó là mất mát, là nỗi đau vô cùng lớn.

Còn nói riêng về nghệ thuật hay sâu hơn là âm nhạc, Giáng Son thấy có việc âm nhạc thị trường được quan tâm và truyền thông lăng xê quá mức, trong khi những thể loại âm nhạc “hồn cốt” là nghệ thuật dân tộc, âm nhạc dân tộc thì vẫn ít được quan tâm. Rồi là, âm nhạc thính phòng giao hưởng họ vẫn tồn tại nhưng sự quan tâm và sân khấu dành cho loại nhạc này khá là hạn chế và những người làm nghề vẫn phải vật lộn hằng ngày.

Sự tung hô quá mức của dòng nhạc thị trường khiến ta có cảm giác các dòng nhạc khác bị lép vế, đây là sự mất cân bằng của đời sống âm nhạc. Giáng Son không phản đối âm nhạc thị trường nhưng nếu nó quá mức đến nỗi lấn át tất cả mọi thứ khác thì lại là bất cập.

Thêm nữa, những vấn đề như là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong giới nghệ sĩ dường như nhiều hơn. Theo Giáng Son, cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa để điều chỉnh những vi phạm này. Khán giả cũng cần xây dựng thói quen tẩy chay đối với những nghệ sĩ có hành vi không phù hợp. Theo Giáng Son, khán giả phải là những người nghiêm khắc nhất thì nghệ sĩ mới “sợ”, bởi vì nghệ sĩ tồn tại được là do có khán giả.

Hạnh phúc của nhạc sĩ là khi tác phẩm có đời sống riêng

+ Đến bây giờ “Giấc mơ trưa” vẫn là một bài hát được nhiều người yêu thích. Cảm xúc của chị về điều này như thế nào?

- Bài hát này đến nay đã được 18 năm rồi. Sau khi được giải Bài hát Việt, Nhạc sĩ ấn tượng rồi Bài hát của tháng, đến bây giờ “Giấc mơ trưa” vẫn có những đời sống riêng. Thùy Chi rồi Khánh Linh là những ca sĩ đã nổi tiếng từ bài hát này vẫn xin phép Giáng Son để hát trong những chương trình lớn. Như vậy có thể thấy “Giấc mơ trưa” vẫn có đời sống của nó và vẫn được mọi người nhớ đến. Không phải là tác phẩm nào cũng được như thế, đấy cũng có thể là “số phận” của “Giấc mơ trưa” và đối với tác giả là quá hạnh phúc rồi.

nhac si giang son chung toi la the he qua may man hinh 3

+ Tôi có đọc được một đánh giá rằng chị là người phụ nữ đầu tiên và thành công nhất trong vai trò là một nữ nhạc sĩ. Đến bây giờ nhìn lại, chị có hài lòng về cuộc sống và chị có đặt ra thách thức nào cho mình?

- Theo Giáng Son, cá nhân mỗi người đều có những vấn đề riêng nhưng Giáng Son hài lòng về cuộc sống của mình. Tôi không đến nỗi quá thiếu thốn, tôi có một công việc yêu thích là giảng dạy, tôi có một công việc để đam mê là sáng tác, tôi có gia đình, tôi có những người thân yêu, tôi có sự kết nối của những người yêu thích âm nhạc của tôi và tôi cũng tạm thời được mọi người biết đến một chút.

Bây giờ có thể nói đã ổn định nhưng Giáng Son cũng không ngại khi thử sức ở một vài lĩnh vực khác mà Giáng Son trước đây chưa từng thử như nhạc điện tử hay thể loại nhạc rock... Điều này sẽ thuận lợi hơn khi Giáng Son còn trẻ nhưng cũng hoàn toàn có thể, ngay cả bây giờ. Giáng Son cũng đang lên kế hoạch ra một album mới, nhưng tính Giáng Son không hay nói trước điều gì nên tạm thời xin chưa bật mí về điều này.

+ Trân trọng cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Thế Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa
Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

Trưng bày chuyên đề 'Kinh đô Hoa Lư - Theo dòng lịch sử'

(CLO) Bảo tàng Ninh Bình đã tổ chức trưng bày hình ảnh và hiện vật phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2024 với chuyên đề "Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử" trong 3 ngày (17-19/4/2024).

Đời sống văn hóa
Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

Quần thể Danh thắng Tràng An góp mặt trên 'bảo tàng số' Google Arts & Culture

(CLO) Triển lãm trực tuyến về Quần thể danh thắng Tràng An trên Google Arts & Culture chính thức ra mắt ngày 18/4, với sự hỗ trợ của Google Arts & Culture và UNESCO World Heritage.

Đời sống văn hóa
Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

Linh thiêng “Quốc Ẩm Việt Trà” dâng lên Quốc tổ Hùng Vương

(CLO) Cùng với lễ giỗ tổ tại Đất tổ - Đền Hùng Phú Thọ, người dân vùng đất Tây nguyên cũng hướng về và thành kính tổ chức lễ Giỗ tổ tại quần thể di tích Đền Hùng trên núi Phượng Hoàng trấn linh, đèo Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đời sống văn hóa