Nhân cách và bản lĩnh của một nhà báo chiến sĩ

Thứ năm, 08/03/2018 07:32 AM - 0 Trả lời

LTS: Hội báo Toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 16/3 đến 18/3/2018 tại Bảo tàng Hà Nội với nhiều chương trình phong phú, trong đó có Tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với báo chí Cách mạng Việt Nam”. Nhân sự kiện này, Báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn về nhà báo chiến sĩ Trần Công Mân.

Khi trở thành phóng viên, biên tập viên, bình luận viên Báo Quân đội Nhân dân, tôi vinh dự được làm việc dưới quyền Tổng biên tập, Tướng Trần Công Mân. Trong tôi, dấu ấn về một người thầy, người anh, một Tổng biên tập đức độ, tài năng, bản lĩnh khắc sâu trong tâm khảm. Ông là một trong những đồng nghiệp lớp đàn anh – tấm gương sáng về  nhân cách đối với thế hệ lớp sau - nhà báo chiến sĩ.

Nhà báo Trần Công Mân xuất thân trong một gia đình Nho giáo có truyền thống yêu nước, chống Pháp thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sớm giác ngộ cách mạng, 20 tuổi tham gia cướp chính quyền ở địa phương rồi nhập ngũ và trở thành cán bộ chính trị trong quân đội, tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1964, ông chính thức làm Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân. Ông trở thành một trong số cây bút chính luận mẫn cán, xuất sắc, một Tổng biên tập có nghề,  bản lĩnh trong làng báo Việt Nam thế kỷ XX. Nhiều chính khách và nhà báo quốc tế, nhà ngoại giao tên tuổi, khi đến Hà Nội, bằng mọi cách tìm đến Báo Quân đội Nhân dân để được tiếp cận một tờ nhật báo chiến đấu uy tín, diện kiến Tướng Trần Công Mân, tìm ở ông những nhận xét, đánh giá sắc sảo về thời cuộc, dự đoán về sự “động binh” của quân đội nhân dân Việt Nam trên các chiến trường.
Báo Công luận
 Nhà báo Trần Công Mân.

Nhiều năm làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân, tôi gần như thường xuyên được làm việc bên ông, trực tiếp nghe ông phán quyết, chỉ đạo tác chiến báo chí hằng ngày. Ngày ấy, bắt đầu từ phong trào lấn biển, từ sự năng động trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, Quân khu X ấp ủ ý tưởng thực thi một quyết sách lớn: “Quân đội làm giàu đánh thắng”. Quân khu đề nghị báo chí vào cuộc, viết thành vệt đợt tuyên truyền cho chiến dịch “lấn biển làm giàu”, “gạch ngói làm giàu”, “Quân đội xuất khẩu làm giàu”. Và ngày ấy đã có không ít bài viết trên một số phương tiện truyền thông ca ngợi  “Quân đội làm giàu đánh thắng”. Báo Quân đội Nhân dân có tin bài đánh giá cao những thành tích rất đáng ghi nhận của quân khu X “Quân đội làm kinh tế”, “Kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế”. Nhưng Tổng biên tập, Thiếu tướng Trần Công Mân lại rất thận trọng khi bàn về “Quân đội làm giàu”. Ông nói: “Hoạt động quân sự, quốc phòng cần sự kết hợp nhuần nhuyễn với hoạt động kinh tế, nhưng về cơ bản quân đội là chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu cao, là hoạt động tiêu phí. Cha ông ta không ngẫu nhiên mà đúc kết thành châm ngôn “nước sông công lính”. Ông cho rằng “Bộ đội Cụ Hồ - Quân đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là rất đúng đắn, nhưng quân đội khó làm giàu theo đúng nghĩa kinh tế của nó”. Với tư tưởng chỉ đạo ấy, lúc đó Báo Quân đội Nhân dân - theo chỉ đạo của ông - thông tin, viết bài đánh giá cao mô hình quân khu X làm kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhưng không bình luận một chiều “Quân đội làm giàu”. Và những năm tháng sau đó, qua nhiều bài học thực tiễn “Quân đội làm giàu” đã minh chứng ý kiến của Tổng Biên tập, Tướng Trần Công Mân là xác đáng, đủ thấy bản lĩnh Tổng biên tập Trần Công Mân. 


Thời bình, Báo Quân đội Nhân dân có tham gia chống tiêu cực không? Nếu chống tiêu cực thì phạm vi, mức độ các bài viết giữa tích cực và tiêu cực, giữa trong và ngoài quân đội như thế nào? Tổng biên tập, Thiếu tướng Trần Công Mân khẳng định: “Bên cạnh biểu dương cái tốt, cái tích cực, báo chí phải vào cuộc chống cái xấu, cái tiêu cực, không phân biệt báo trong hay ngoài quân đội. Vấn đề là tài liệu phải xác thực, kiểm chứng nhiều phía, điều tra của phóng viên chính xác, công tâm, động cơ xây dựng, trị bệnh cứu người, không để cái xấu át cái tốt, không để kẻ xấu lợi dụng, bôi đen chế độ, đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng. Báo chí thụ động, khoanh tay ngồi nhìn cái xấu hoành hành là có tội với dân, là tự mình quay lưng lại với bạn đọc”. Vào dịp ấy, bạn đọc gửi thư đến tòa soạn phản ánh một cán bộ cao cấp  có dấu hiệu đặc quyền đặc lợi, nhiều nhà ở. Ông cử phóng viên điều tra đăng báo, phân tích lý giải vụ việc thấu lý đạt tình. Vị cán bộ cao cấp nọ phản ứng gay gắt, kiện Báo Quân đội Nhân dân, cho rằng báo đã xuyên tạc, bêu xấu ông, làm mất uy tín cán bộ của Đảng. Lắng nghe từ nhiều phía, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân với vị cán bộ có nhiều nhà ở bất thường kia, dưới sự chủ trì của một Ủy viên Bộ Chính trị. Tổng biên tập  Trần Công  Mân bình tĩnh, đối thoại đĩnh đạc, sắc sảo, đâu ra đấy và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài viết trước bạn đọc, trước pháp luật. Một lãnh đạo cấp chủ quản  hỏi: “Tại sao vấn đề lớn đụng chạm đến cán bộ cấp cao ngoài quân đội mà Báo Quân đội Nhân dân không xin ý kiến chỉ đạo”. Ông trả lời: “Chúng tôi làm đúng luật Báo chí, đúng quy định, đúng quan điểm và chủ trương của Đảng, tài liệu chính xác; nếu hỏi, bài viết sẽ khó được công bố sớm và thời cơ sẽ qua đi”. Sự việc vừa nêu đã góp phần tăng thêm uy tín, vị thế của Báo Quân đội Nhân dân vào thời điểm đó, trong điều kiện thời bình - cả nước cùng một nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, công cuộc cải tổ ở Liên Xô bùng phát, không ít tờ báo cổ súy, ca ngợi thần tượng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Goóc-ba-chốp lúc bấy giờ.  Không ít người say sưa cổ súy cho tư  tưởng “Cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn”, “dân chủ nhiều hơn”… Riêng Tổng biên tập Trần Công Mân, với sự nhạy bén chính trị, ông lại có cách nhìn thận trọng. Trong chỉ đạo tuyên truyền, ông hạn chế cho đăng những bài viết ca ngợi, cổ súy một chiều về công cuộc cải tổ ở Liên Xô; tin tức cải tổ được ông chọn lọc và có lời bình đúng mực. Ông theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, khi cần Báo Quân đội Nhân dân kịp thời có những bình luận sắc bén, đánh giá trúng vấn đề, định hướng dư luận xã hội đúng đắn. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt ngay từ đầu của ông trong chỉ đạo nội dung tuyên truyền, dù cải tổ hay đổi mới đều không được xa rời nguyên tắc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự sụp đổ, tan rã của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội chính là sự xa rời nguyên tắc cốt tử đó. Tầm nhìn, sự nhạy bén chính trị trong nước và quốc tế của Tổng biên tập Trần Công Mân đã thành máu thịt thấm sâu vào con người ông.

Tôi nêu mấy sự việc - trong số nhiều sự việc có liên quan đến Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân mà tôi biết và chứng kiến về bản lĩnh của một vị Tướng làm báo. Ông là vị Tổng biên tập quyết đoán, có chính kiến, có tầm nhìn chiến lược, một cây bút dám đương đầu và chấp nhận hiểm nguy. Với ông, Tổng biên tập là một nghề, một nhà báo mẫn cán chính trị, vững vàng, quyết đoán. Hầu như bất cứ bài viết nào mà tôi (và các đồng nghiệp khác) trình lên ông, câu hỏi đầu tiên ông nêu ra “Có gì mới không?”. Bài viết không có gì mới - không mới về ý, về cách lập luận, diễn giải, trình bày, không đem đến cho bạn đọc thông tin gì mới, ông không bao giờ duyệt đăng. Cái mới đối với ông là tiêu chí hàng đầu của một bản tin, một bài báo, một tờ báo, của nghề báo, là điều không cho phép bất cứ nhà báo nào coi nhẹ. Tiếp nhận bài viết từ phóng viên, biên tập viên, ông đọc ngay, nếu đạt, có “cái mới” ông ghi chữ “được”  và ký chữ “M” ở góc bài; còn nếu ông viết chữ “O” bên góc bài rồi xếp qua một bên coi như bài bị “đổ”. Ông là Tổng biên tập có uy, trên dưới rõ ràng, nói ít nhưng đã nói thì đâu ra đấy, chặt chẽ, khúc chiết, mạch lạc, khiến người khác tâm phục khẩu phục.

Không chỉ biên tập, chỉ đạo nội dung, ông còn là một cây bút lớn, với bút danh Tuấn Minh, Trần Công - ông là tác giả của nhiều bài bình luận tầm chiến lược. Bài viết của ông chặt chẽ, lập luận sắc sảo, hình ảnh ví von sống động. Bút lực ông dồi dào, luôn ẩn chứa một trí tuệ lớn. Một số bài viết của ông thời kỳ đổi mới đã được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó bút phê “Bài viết tốt, nên nhân bản rộng, làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên”. Khi nghỉ nhiệm vụ Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, ông công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam, giữ cương vị Phó Tổng thư ký Thường trực (nay là Phó Chủ tịch Thường trực), một người lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam tận tụy, uy tín. 

Đã nhiều năm trôi qua, đến hôm nay, hình ảnh của ông vẫn sống động trong mỗi chúng tôi, lớp cán bộ đàn em của ông. Tổng biên tập của chúng tôi - anh Trần Công Mân, chú Trần Công Mân đã về cõi vĩnh hằng 20 năm nay, sau cơn bạo bệnh. Ông là người góp nhiều công sức tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của Báo Quân đội Nhân dân, của Hội Nhà báo Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng, nhiều chông gai.

Phạm Quốc Toàn

Tin khác

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo