Nhật Bản sắp xây lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên sau thảm họa Fukushima
(CLO) Công ty Điện lực Kansai thông báo hôm 22/7 rằng họ sẽ bắt đầu khảo sát xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới tại nhà máy điện Mihama, tỉnh Fukui, phía tây Nhật Bản.
Lò phản ứng này được kỳ vọng sẽ thay thế các cơ sở hiện tại đã ngừng hoạt động, đánh dấu bước đi cụ thể đầu tiên của Nhật Bản trong việc phát triển lò phản ứng hạt nhân mới kể từ sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Sự cố rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima do trận động đất lớn ở đông Nhật Bản đã khiến quốc gia này đóng cửa phần lớn các nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản đang thúc đẩy năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường an ninh năng lượng và cắt giảm phát thải carbon.
.png)
Phát biểu tại họp báo, ông Hiroaki Kitaura, Giám đốc bộ phận điện hạt nhân của Kansai, cho biết: "Xét về chi phí, vận hành và khả năng tuân thủ quy định, chúng tôi coi lò phản ứng nước nhẹ tiên tiến SRZ-1200 là lựa chọn thực tế nhất".
Kansai Electric đã từng nghiên cứu kế hoạch thay thế lò phản ứng số 1 tại Mihama từ năm 2010, nhưng đã dừng lại sau thảm họa hạt nhân năm 2011. Năm 2015, công ty quyết định ngừng vận hành vĩnh viễn hai lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy này.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Yoji Muto, nhấn mạnh: "Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện hạt nhân nghiêm trọng, việc xây dựng lò phản ứng thế hệ mới là cần thiết, với điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương".
Hiện Nhật Bản đang vận hành hơn 12 lò phản ứng, với tổng công suất khoảng 12 gigawatt. Nhiều lò trong số đó đang được tái cấp phép để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt được áp dụng sau Fukushima. Trước thảm họa năm 2011, Nhật Bản từng có 54 lò phản ứng hạt nhân hoạt động trên toàn quốc.