Xã hội

Những chấn thương thường gặp khi chơi pickleball và cách phòng tránh

Văn Hiền 24/07/2025 10:07

(CLO) Pickleball – môn thể thao lai giữa tennis, cầu lông và bóng bàn – ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam nhờ lối chơi đơn giản, sân nhỏ, dụng cụ gọn nhẹ và phù hợp với nhiều độ tuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hấp dẫn, bộ môn này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro chấn thương nếu người chơi không nắm vững kỹ thuật hoặc luyện tập quá sức.

Theo ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, các chấn thương do pickleball thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được xử lý kịp thời có thể để lại tổn thương lâu dài cho xương khớp.

Trung bình mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 35 trường hợp chấn thương liên quan đến bộ môn này, trong đó nhiều ca phải can thiệp nội soi hoặc phẫu thuật.

Khớp gối – điểm dễ tổn thương nhất

Chấn thương khớp gối là tình trạng phổ biến ở người chơi pickleball, đặc biệt do các động tác khuỵu gối, xoay người, rướn người liên tục.

untitled-2-1749528722-4179-1749528911.webp
Êkíp bác sĩ phẫu thuật.

Một trường hợp điển hình là chị N.T.V, 32 tuổi, bị rách sụn chêm sau 3 tiếng chơi không nghỉ. Tình trạng rách dạng “quai xô” khiến mảnh sụn cuộn vào giữa khớp, gây hiện tượng "kẹt gối" không thể gập hay duỗi chân. Trường hợp này bắt buộc phải phẫu thuật nội soi để giải phóng khớp và khâu phục hồi phần sụn bị rách.

TS.BS Chế Đình Nghĩa, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình cảnh báo rằng vết rách sụn kéo dài nếu không xử lý sớm có thể lan rộng, bị xơ hóa hoặc dập nát, gây khó khăn cho việc phục hồi và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động.

Thoái hóa khớp do luyện tập quá mức

Tương tự anh P, 40 tuổi, chơi pickleball đều đặn 3–4 tiếng mỗi ngày và gặp tình trạng đau, cứng khớp vào cuối ngày và buổi sáng. Dù không chấn thương rõ ràng, kết quả chụp X-quang cho thấy anh bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 2–3.

Theo bác sĩ Vũ, luyện tập với tư thế sai và cường độ cao dễ làm tăng áp lực lên khớp gối gấp 5 lần bình thường, từ đó thúc đẩy quá trình thoái hóa hoặc gây viêm gân bánh chè.

Đối với trường hợp của anh Phú, bác sĩ chỉ định tiêm axit hyaluronic vào khớp nhằm tăng độ nhờn, giảm viêm và hỗ trợ tái tạo sụn khớp.

Chấn thương cổ tay – nhóm dễ bị bỏ qua

Không ít người chơi pickleball gặp các vấn đề ở cổ tay, bàn tay như viêm gân, viêm bao hoạt dịch, ngón tay lò xo hay hội chứng ống cổ tay. Chị L.A, 34 tuổi, từng chơi tennis, sau khi chuyển sang chơi thêm pickleball đã bị sưng đau vùng cổ tay, phát hiện u bao hoạt dịch – một loại u lành tính do hoạt động cổ tay quá mức.

z6820516983863_dbfee25b8ff150265960aa140dabedef.jpg
Phụ nữ là đối tượng dễ gặp chấn thương cổ tay hơn do cấu trúc khớp yếu hơn nam giới

Theo các bác sĩ, phụ nữ là đối tượng dễ gặp chấn thương cổ tay hơn do cấu trúc khớp yếu hơn nam giới. Ngoài ra, sử dụng vợt nặng hoặc không phù hợp với tay cũng làm tăng nguy cơ viêm khớp, đặc biệt với người chơi phong trào không được hướng dẫn kỹ thuật bài bản.

Động tác xoay người, đổi hướng đột ngột hoặc rướn quá mức khi đón bóng có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng hơn như đứt dây chằng chéo trước, viêm gân cơ khoeo, đứt gân gót hoặc thậm chí gãy xương do té ngã.

Một nguyên nhân thường bị bỏ qua là điều kiện sân bãi: mặt sân quá trơn dễ gây trượt ngã, còn sân bám quá chắc khiến các chuyển động bị gò bó, tăng nguy cơ tổn thương cơ – xương.

Cách phòng tránh chấn thương khi chơi pickleball

Để phòng tránh chấn thương khi chơi pickleball, các bác sĩ khuyến cáo người chơi nên tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp thể trạng và độ tuổi. Việc học và tuân thủ đúng kỹ thuật cơ bản là rất quan trọng, đặc biệt là khởi động kỹ trước khi vào sân.

Người chơi nên lựa chọn dụng cụ phù hợp như vợt vừa tay, giày thể thao hỗ trợ tốt cho việc chuyển hướng và giảm chấn. Mặt sân cũng cần đảm bảo an toàn, có độ bám vừa đủ để tránh trượt ngã. Đặc biệt, cần lắng nghe cơ thể và chủ động dừng lại khi xuất hiện các dấu hiệu đau, mỏi bất thường.

1752920699494_394a9321(1).jpg
Người chơi nên lựa chọn dụng cụ phù hợp như vợt vừa tay, giày thể thao hỗ trợ tốt cho việc chuyển hướng và giảm chấn.

Khi gặp chấn thương, người chơi cần thăm khám chuyên khoa thay vì tự điều trị tại nhà. Chấn thương thể thao nếu xử lý sai cách có thể trở thành mãn tính, tái phát nhiều lần và ảnh hưởng đến chất lượng sống lâu dài.

Pickleball tuy là bộ môn thú vị và ít đối kháng mạnh, song vẫn đòi hỏi người chơi có nền tảng thể lực, kỹ thuật và hiểu biết đúng để tận hưởng lợi ích sức khỏe mà không phải đánh đổi bằng những tổn thương không đáng có.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những chấn thương thường gặp khi chơi pickleball và cách phòng tránh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO