(NB&CL) Những ngày qua, cả dân tộc Việt Nam đau buồn trước sự mất mát to lớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người dành cả cuộc đời dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng, một tấm gương sáng, mẫu mực, một nhân cách lớn, vì nước vì dân, đã ra đi ở tuổi 80.
Di sản của Tổng Bí thư để lại là công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch và niềm tin yêu từ Nhân dân, đem lại những đổi mới tích cực cho đất nước. Sự tận tụy và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mãi là nguồn động lực mạnh mẽ và kim chỉ nam cho các thế hệ sau noi theo.
Báo Nhà báo và Công luận xin ghi lại một số ý kiến của chuyên gia lĩnh vực ngoại giao, Đại biểu Quốc hội, tướng lĩnh chia sẻ về tình cảm, ấn tượng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X; nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
Ấn tượng về lời căn dặn phát huy đạo đức, phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân!
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và là Bí thư Quân ủy Trung ương. Đồng chí đã trải qua các trường học rất cơ bản ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ở Nga. Đồng chí cũng đã kinh qua rất nhiều cương vị khác nhau từ cơ sở cho đến lãnh đạo các cấp.
Trong cuộc đời, tôi rất may mắn đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Lần gặp nào, đồng chí Tổng Bí thư cũng để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc về con người tài, đức vẹn toàn; sự khâm phục về đức tính khiêm nhường, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư với trái tim rực cháy ngọn lửa cách mạng với những quan tâm đặc biệt về hòa bình, tự do, độc lập, dân chủ cho Tổ quốc Việt Nam. Cho đến những ngày cuối của cuộc đời mình, đồng chí vẫn dành sự tâm huyết với đất nước, với dân tộc và Nhân dân.
Khi giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn và thành quả rất nhiều, nhưng đặc biệt khi đồng chí làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí có tầm tư duy chiến lược để thể chế hóa những chủ trương của Đảng. Tôi đặc biệt ấn tượng về công tác xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng. Nhân dân vẫn gọi đồng chí là “người đốt lò vĩ đại”.
Đồng chí đã phát động tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, được nhân dân tin yêu. Bạn bè quốc tế khâm phục tài, đức của đồng chí, trọn một đời toàn tâm, toàn ý phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Khi giải quyết các mối quan hệ đối ngoại song phương, đa phương, trong khu vực và quốc tế, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo, định hướng hết sức sắc bén. Dấu ấn “ngoại giao cây tre” đã thể hiện rõ nét qua việc vun đắp quan hệ với các nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Trong suốt cuộc đời cách mạng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặt lợi ích của Đất nước, của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Đồng chí luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, để đạt được những thành quả to lớn.
Tôi còn nhớ kỷ niệm sâu sắc khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô). Lúc bấy giờ, tôi là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phân công dự một số cuộc họp của Đảng ủy Quân khu Thủ đô.
Tại các cuộc họp, có thể nói rằng, các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng hết sức sâu sắc, có tầm, có tâm, có trách nhiệm đối với Đảng bộ Quân khu Thủ đô. Nội dung mà đồng chí nhắc đến nhiều nhất vẫn là đạo đức, phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sự trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Đồng chí căn dặn, Quân đội là của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra nên Quân đội phải gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Đồng chí rất am hiểu các tầng lớp nhân dân ở Thủ đô nên đồng chí phân tích, căn dặn cán bộ của Bộ Tư lệnh Quân khu những điều sâu sắc; phải xây dựng Quân khu Thủ đô xứng tầm với Hà Nội ngàn năm văn hiến. Lúc đó là dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội phải là tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, quyết tâm và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Thủ đô yêu dấu – trái tim của cả nước. Hà Nội là biểu tượng của thành phố vì hòa bình. Đồng chí nói về các triều đại đã dựng nước, giữ nước và nhắc nhở bây giờ chúng ta phải phát huy để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của đất nước, của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những lời phát biểu rất tâm huyết, sâu sắc đó truyền đến cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu niềm tin, niềm tự hào và củng cố ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Sau này, trong những lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bộ Quốc phòng bên lề một số cuộc họp, đồng chí rất gần gũi, thân tình. Tôi cũng trao đổi với đồng chí, trong công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói, đồng thời, cũng cần phát huy phương châm “Bốn tại chỗ”.
Trong đó, phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại chỗ; thứ hai là tổ chức chính quyền cơ sở; thứ ba là tổ chức đoàn thể cũng cần tham gia công tác phòng, chống tham nhũng; thứ tư là Nhân dân – Nhân dân là “tai mắt”, như đồng chí Tổng Bí thư vẫn thường nói “cứ hỏi dân là biết hết”. Phát huy được “Bốn tại chỗ” sẽ tăng cường sức mạnh, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đấy cũng là phương châm của Bác Hồ và văn hóa của người Việt Nam là “lấy dân làm gốc”. Khi nói chuyện thân tình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng thường nhắc đến truyền thống văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi tin tưởng rằng, các thế hệ sau sẽ kế thừa và phát huy chọn lọc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược – đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân, toàn dân tin tưởng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tin tưởng vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, độc lập dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trịđể hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.
Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Tổng Bí thư có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.
Những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đặc biệt chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Tổng Bí thư luôn ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, đồng thời khuyến khích việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.
Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện về đạo đức, lối sống, lối làm việc và thẩm mỹ, hình thành công dân có tinh thần yêu nước, đoàn kết, và sáng tạo... Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ chú trọng vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn khuyến khích sự giao lưu, học hỏi từ văn hóa quốc tế nhằm góp phần vào sự tiến bộ và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Ông luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa và các tổ chức văn hóa phát triển, thể hiện sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc.
Nhờ sự chỉ đạo của ông, nhiều chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đã được ban hành, góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành văn hóa. Những thông điệp quan trọng như: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi’, “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”… thực sự thức tỉnh toàn xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ.
Những dấu ấn này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp văn hóa mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Kỷ niệm mà tôi nhớ và ấn tượng nhất là khi nói chuyện với Tổng Bí thư về văn hóa đất nước, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư nói rất nhiều đến việc phải chấn hưng văn hóa nước nhà để những giá trị văn hóa của đất nước được bảo tồn, phát huy hơn nữa trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư rất trăn trở về việc thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện được tầm vóc của sự nghiệp Đổi mới đất nước. Đó là những trăn trở rất đáng suy nghĩ đối với những người làm công tác văn hóa.
Đúng là so với những thành tựu đất nước đã đạt được trong chính trị, kinh tế, xã hội, lĩnh vực văn hóa còn cần phải nỗ lực rất nhiều không chỉ để xứng đáng với công sức các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, tạo dựng nền móng cho xã hội hôm nay, mà còn xứng đáng với những thành tựu như Tổng Bí thư đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Trong khi đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước. Thế hệ chúng ta ngày hôm nay cần quyết tâm, hành động nhiều hơn để thực hiện thành công những căn dặn của Tổng Bí thư đối với công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà.
Một trong những dấu mốc son cho sự phát triển văn hóa nước nhà là Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà. Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư được đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu, thư…, được tập hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, chắc chắn sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, phát triển văn hóa trong giai đoạn sắp tới.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát lớn của đất nước, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng. Nhưng tôi tin rằng, những giá trị và phẩm chất mà Tổng Bí thư để lại sẽ tiếp tục sống mãi và là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Đại tá Trần Văn Thông - nguyên Tham tán Chính trị đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một đời vì Nhân dân, vì hòa bình và tình hữu nghị của Việt Nam với các nước
Tôi may mắn được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XI. Tôi nhớ mãi, hôm đó, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tổ chức Đoàn cán bộ tới Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) chúc mừng Đại hội XI thành công, chúc mừng Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Cảm nhận của tôi về Tổng Bí thư là người phúc hậu, thư thái, anh minh, có tác phong giản dị, gần gũi. Sau này, với gần 12 năm công tác ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, tôi may mắn có nhiều dịp được gặp Tổng Bí thư, nhất là dịp Tổng Bí thư thăm cấp Nhà nước tới Campuchia năm 2017; dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm hữu nghị Việt Nam năm 2018; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước tới Lào năm 2019, thăm cấp nhà nước tới Campuchia năm 2019; nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Vương quốc Campuchia…
Khi đó, tôi là Chuyên viên cao cấp của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Tôi từng nhiều lần làm nhiệm vụ trợ lý ngôn ngữ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phiên dịch chính các cuộc hội đàm, hội kiến của Tổng Bí thư với các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia. Tôi cảm nhận rõ, Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo có nhân cách lớn, có trí tuệ, bản lĩnh, mẫu mực, chân thành, xứng đáng là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.
Tôi vẫn nhớ rõ, trong các chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia, Tổng Bí thư thường dành thời gian thân mật thăm hỏi và động viên cộng đồng người Campuchia gốc Việt (Hội Khmer – Việt Nam). Trong hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Campuchia, Tổng Bí thư thường trao đổi cụ thể và đề nghị lãnh đạo Campuchia quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ người Campuchia gốc Việt ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng, phát triển đất nước Campuchia và góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị tốt đẹp Campuchia – Việt Nam…
Tổng Bí thư luôn quan tâm đến công tác đối ngoại và ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” đã được phát huy mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn mới.
Giờ đây, cùng toàn dân cả nước, tôi hết sức tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, có đức, có tài, một đời vì Nhân dân và đất nước, vì hòa bình và tình hữu nghị của Việt Nam với các nước để cùng hợp tác và phát triển bền vững. Xin vĩnh biệt Người!
(NB&CL) Sau nhiều năm, việc kết nối nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh và du lịch đang được nhiều địa phương tích cực, chủ động “nhập cuộc”. Nhiều sự kiện điện ảnh đang dần được xây dựng thành “thương hiệu” riêng của địa phương, trở thành cơ hội để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đến nay, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh, thu hút nhà sản xuất, người làm phim vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở của không riêng địa phương nào.
(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".
(NB&CL) Mới đây một sinh viên ở một trường cao đẳng tại TP.HCM đã bị giáo viên cho 0 điểm với lý do sử dụng AI khi làm bài thi môn học màu sắc, ngành thiết kế đồ họa, và không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên. Sự việc đã có những diễn biến đáng tiếc xuất phát từ câu chuyện nêu trên. Mấu chốt nằm ở câu chuyện AI. Kể từ khi ChatGPT ra đời, lần đầu tiên công chúng được ứng dụng AI trong mọi việc một cách rộng rãi. Và những bước tiến bộ nhanh chóng của nó làm cho mọi người vừa vui mừng vừa hoảng sợ. Ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. Các trường đại học lớn cũng lúng túng. Cho phép sử dụng AI thì nảy sinh rất nhiều câu hỏi, khiến bài thi trở nên vô nghĩa chẳng hạn. Không cho phép sử dụng thì đi ngược với tiến bộ của công nghệ. Các chuyên gia UNESCO đã ví sự phát minh trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh là một tiến bộ khoa học công nghệ giống như phát minh ra điện hoặc internet. Không thể không cho học sinh dùng mà cần hướng dẫn sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm
(NB&CL) “Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân là để tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước ngày càng gần gũi. Đây là dịp để hai bên thấu hiểu nhau hơn, thúc đẩy hợp tác toàn diện để ngày càng có nhiều thành quả, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước”. Đó là nhìn nhận của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh trước chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào tới Việt Nam.
(CLO) Cuộc chiến với những cơn thịnh nộ của “mẹ thiên nhiên” luôn là cuộc chiến ngàn năm chưa bao giờ cân sức và phần thiệt thòi nhất luôn thuộc về người dân. Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu khủng khiếp của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, lâu dài, vì thế, cần thêm nhiều, nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào mình, tiếp sức cho họ trong hành trình gian nan vượt qua cơn hoạn nạn.