Những người ăn Tết trong rừng

Thứ bảy, 06/02/2021 07:01 AM - 0 Trả lời

(CLO) Phải ở rừng đủ lâu mới cảm nhận được hương xuân phả ra từ những tán cây, đồi cỏ. Cảm giác sáng mùng một Tết ở giữa rừng, nhìn cây cối đâm chồi nảy lộc, nghe tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách, có thể quên hết những khó khăn vất vả.

Anh Mai Thành Vinh, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Quan Sơn từng đón hàng chục cái tết ở rừng. Ảnh: T. Tùng

Anh Mai Thành Vinh, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Quan Sơn từng đón hàng chục cái tết ở rừng. Ảnh: T. Tùng

Còn 5 năm nữa, anh Mai Thành Vinh, kiểm lâm viên ở trạm Kiểm lâm Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) sẽ nghỉ hưu. 33 năm gắn bó với nghề kiểm lâm, số năm được ăn tết trọn vẹn cùng gia đình chỉ đếm đầu ngón tay.

Nhà anh Vinh ở tận huyện miền biển Quảng Xương, Thanh Hoá, cách nơi công tác hơn 150 cây số. Có những năm trực tết đợt 1, lại phải vào rừng sâu, đến khi ra khỏi rừng, về đến quê thì đã… hết tết. Bà con họ hàng người ra biển đánh cá, người xuống đồng đi cấy, còn lại một mình, không biết vui tết với ai.

Vợ anh Vinh là giáo viên, từng nhiều năm dạy học ở huyện miền núi Thạch Thành, giờ đã chuyển về quê công tác nên chị phần nào hiểu được công việc của những người “gác rừng”. Nhưng phụ nữ, tết nào chồng cũng đi biền biệt, có ai không khỏi chạnh lòng.

Giáp Tết, ngồi trong bìa rừng với anh Vinh, bảo anh gọi điện về nói chuyện với chị xem năm nay chị có còn “ghen” với công việc của chồng nữa không thì mới hay: ở chốn thâm sơn cùng cốc này làm gì có sóng mà gọi điện với nhắn tin.

Anh kể: “Bây giờ vất vả là vậy nhưng không thể so sánh với ngày xưa. Đêm giao thừa, ngồi ở trạm vẫn có thể gọi điện thoại bằng công nghệ video về  nhà nói chuyện với vợ con, chúc tết bố mẹ già. Còn cách đây chục năm về trước, thời khắc giao thừa trực tết trong rừng thì buồn không kể hết. Có những trạm chỉ 2 anh em kiểm lâm viên, bà con dân bản thì ở xa. Tết năm nào thời tiết ấm thì còn đỡ, còn rét thì chỉ biết đốt lửa ngồi chờ trời sáng. Nhưng nghề nào nghiệp đó, lâu rồi thành quen”.

Mỗi cái tết đi qua đều để lại những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Nhưng với anh Vinh, có một điểm chung là kỷ niệm nào cũng đẹp. Ảnh: HD

Mỗi cái tết đi qua đều để lại những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Nhưng với anh Vinh, có một điểm chung là kỷ niệm nào cũng đẹp. Ảnh: HD

Gần 30 năm trong nghề, bàn chân anh Vinh đã thuộc gần hết các đường mòn, lối tắt của miền biên giới xứ Thanh. Từ Cúc Phương, Bến En, Như Xuân, Pù Hu rồi Quan Sơn, tất cả những nơi công tác, anh Vinh đều ít nhất 1 lần được đón tết ở rừng. Mỗi cái tết đi qua đều để lại những kỷ niệm vui buồn khác nhau. Nhưng có một điểm chung là kỷ niệm nào cũng đẹp.

“Anh em kiểm lâm chúng tôi phần lớn là người dưới xuôi lên nên mỗi dịp tết đến xuân về, biết chúng tôi xa nhà nên đồng bào dân tộc rất quan tâm. Giáp tết, người cho cân gạo nếp, người cho con gà, người cho cành đào. Quà không lớn nhưng xa nhà, tết như thế cũng cảm thấy ấm áp.”- anh Vinh chia sẻ.

Khác với anh Mai Thành Vinh, anh Phạm Bá Thánh, 41 tuổi, dân tộc Thái là người con của rừng… chính hiệu. Sinh ra lớn lên ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, anh Thánh về chính nơi chôn rau cắt rốn của mình nhận công tác. Là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn), đơn vị của anh Thánh và anh Vinh tuy hai mà một. Là bởi, dù chức năng, nhiệm vụ được phân công khác nhau nhưng công việc thực tế thì luôn cần sự phối hợp nhịp nhàng. Cơ quan anh Vinh (Trạm kiểm lâm Na Mèo) thậm chí đang được cơ quan anh Thánh (Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn) cho mượn tạm địa điểm để làm việc.

Anh Thánh bảo, trạm bảo vệ rừng Xa Man, nơi anh công tác có 3 người nên cứ hai người đi tuần tra thì một người được cử ở lại phục vụ việc cơm nước. Do địa bàn khó khăn, lại nằm cách xa khu dân cư sinh sống nên ở đây không có điện, không có nước. Để có nước sinh hoạt, các anh phải dẫn một đường ống dài từ trong khe suối ra trạm và dùng ắc quy để thắp sáng. 

Anh Phạm Bá Thánh đang thắp sáng điện bằng ắc quy để đón khách. Ảnh: TT

Anh Phạm Bá Thánh đang thắp sáng điện bằng ắc quy để đón khách. Ảnh: TT

Anh Thánh là người bản địa nên việc trực tết cũng như ở nhà. Nhưng đặc thù của công tác bảo vệ rừng là càng vào dịp giáp tết tình hình càng phức tạp. “Giáp tết, nhu cầu tiêu dùng của bà con tăng cao. Do đó, một số đối tượng thường lợi dụng vào rừng khai thác lâm sản trái phép để kiếm tiền tiêu tết. Chưa kể bà con vùng cao còn chưa xóa bỏ được tập tục đốt rừng làm nương rẫy. Do đó nếu không tăng cường kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, vận động, rất khó để công tác đảm bảo an toàn cho rừng trong dịp tết”. – anh Thánh nói.

Theo kinh nghiệm của anh Thánh, ngày tết là thời điểm rất thích hợp để cán bộ kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách gắn kết với bà con đồng bào dân tộc, qua đó để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. “Vào dịp tết, mình ăn tết cùng dân, sinh hoạt văn hóa tinh thần với đồng bào, qua đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về bảo vệ rừng. Đôi khi một chén rượu cần vui xuân cùng nhau bằng cả trăm ngàn lời nói. Người dân tộc thiểu số sống rất trọng tình nghĩa, chân chất, thật thà, nên mình cứ chân thành, gần gũi thì bà con sẽ tin yêu” – anh Thánh cho biết.

Cũng theo anh Phạm Bá Thánh, phải ở rừng đủ lâu mới cảm nhận được hương xuân phả ra từ những tán cây, đồi cỏ. Cảm giác sáng mùng một tết ở giữa rừng, nhìn cây cối đâm chồi nảy lộc, tiếng chim hót véo von, tiếng suối chảy róc rách, tự nhiên quên hết khó khăn vất vả.

Trạm bảo vệ rừng Xa Man đã treo cờ Tổ quốc chào đón tết Nguyên Đán Tân Sửu. Ảnh: TT

Trạm bảo vệ rừng Xa Man đã treo cờ Tổ quốc chào đón tết Nguyên Đán Tân Sửu. Ảnh: TT

Hạt trưởng Kiểm lâm Quan Sơn Nguyễn Trần Phương bảo, sau này về nghỉ hưu ở thành phố, hằng ngày ngắm đường nhựa, nghe tiếng còi xe inh ỏi có lẽ sẽ tiếc lắm những năm tháng ăn ngủ với rừng.

“Do đặc thù công việc, năm nào chúng tôi cũng phân công trực tết làm 2 đợt theo nguyên tắc 50/50. Nghĩa là một nửa quân số trực đợt 1, một nửa còn lại trực đợt 2. Đảm bảo lúc nào cũng phải có người …gác rừng. Nhưng thực tế, khi có việc đột xuất, nhiều anh em vẫn phải tăng cường trực cả 2 đợt. ” – anh Phương nói.

Hơn 25 năm công tác trong ngành kiểm lâm, Hạt trưởng Phương chẳng thể nào quên được đêm giao thừa ở bản Tà Cóm (Trung Lý, Mường Lát). 

“Năm ấy khi đang công tác ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Tổ công tác của tôi gồm 4 người được phân công trực từ 27 – mùng 5 Tết. Chiều 30 (năm 2001) vì đường đi hiểm trở, anh em dùng xuồng máy tuần tra dọc bờ sông Mã. Sau khi vượt 30km đường sông  thì không còn xuồng để quay trở về lán. Anh em phải cắt cử 2 người tìm đường vào bản để thuê bè. Khi ra đến nơi cũng gần 11h đêm” – anh Phương nhớ lại.

Hạt Kiểm lâm Quan Sơn chia làm 2 đợt trực Tết để bảo vệ rừng. Ảnh: TT

Hạt Kiểm lâm Quan Sơn chia làm 2 đợt trực Tết để bảo vệ rừng. Ảnh: TT

Huyện Quan Sơn là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất (hơn 89%), có đường biên giới giáp nước bạn Lào dài hơn 60km. Hiện tại ở Hạt kiểm lâm Quan Sơn có 3 trạm kiểm lâm trên địa bàn với gần 20 cán bộ. Đặc thù địa bàn rộng, nhiều nơi có vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khiến công tác bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn.

Theo Hạt trưởng Nguyễn Trần Phương, trước và trong tết Nguyên Đán, lực lượng kiểm lâm luôn phải chủ động ứng phó với 2 nguy cơ rất dễ xảy ra: một là cháy rừng, hai là khai thác lâm sản trái phép. Chỉ cần một đoàn học sinh nghỉ tết rủ nhau đi picnic, cắm trại sơ ý cũng có thể dẫn đến cháy rừng. Hay một đoàn người nhập cảnh trái phép đi theo lối mòn dừng lại nấu ăn, nguy cơ cháy rừng đều có thể xảy ra. Điều đó đòi hỏi những người “gác rừng” luôn phải chủ động, sẵn sàng trong những ngày tết.

Huyện Quan Sơn là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất (hơn 89%). Ảnh: T. Sỹ

Huyện Quan Sơn là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất (hơn 89%). Ảnh: T. Sỹ

Trong năm 2020 vừa qua, đơn vị đã kiểm tra phát hiện và xử lý 21 vụ vi phạm pháp luật Lâm nghiệp. Trong đó, có 9 vụ khai thác, 5 vụ vận chyển lâm sản và nhiều trường hợp liên quan đến lâm sản trái phép.  

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Sơn – Nguyễn Trần Phương cho rằng: giữ rừng đã khó, để người dân thấu hiểu và phát triển được đời sống kinh tế từ rừng càng khó hơn. Do đó, mỗi cán bộ kiểm lâm vừa là những chiến sỹ canh giữ rừng, vừa là người bạn của đồng bào. Phải giúp người dân biết cách khai thác tiềm năng của rừng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống. Có như thế thì công tác bảo vệ rừng mới thực sự bền vững.

Trước dịp tết Tân Sửu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có chỉ thị về “Tết trồng cây” và công tác bảo vệ phát triển rừng đầu năm 2021. Theo đó, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025.

Quang Duy

Tin khác

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

(CLO) Cho biết năng lượng tái tạo và du lịch được quy hoạch là 2 trong những mũi nhọn kinh tế, Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.

Đời sống
Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

Thiếu niên 13 tuổi mất tích khi tắm sông

(CLO) Chiều 19/4, thông tin từ UBND xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 thiếu niên mất tích.

Đời sống
Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

(CLO) Đội 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) vừa phát hiện 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì đang bày bán hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đời sống
Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

(CLO) Ngày 19/4, Đội 11, Cục Quản lý thị trường Nghệ An (QLTT) cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.

Đời sống
“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

(CLO) Con ngõ chỉ vừa vặn một người đi, bước vào trong ngỡ đến một thế giới khác được xuất hiện ngay sau những hàng quán xa hoa, lộng lẫy là “đặc sản” của phố cổ Hà Nội.

Đời sống