Niềm tin xã hội là 'vắc xin tinh thần' trong đại dịch Covid-19

Thứ sáu, 20/08/2021 18:01 PM - 0 Trả lời

Sức mạnh báo chí được lan tỏa rộng rãi, niềm tin xã hội được xây đắp trở thành “vắc xin tinh thần", góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch. 

Dịch Covid-19 bùng phát, cùng với nhiều ngành nghề khác, các cơ quan báo chí cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh thu giảm xuống, một số loại hình báo chí phải cắt giảm lượng phát hành. Trong đại dịch, cùng với y tế, công an, quân đội, báo chí là lực lượng tuyến đầu, xung phong vào tâm dịch đưa đến cho độc giả những thông tin, hình ảnh chân thật nhất về “cuộc chiến” cam go này.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã có những chia sẻ về vai trò, cống hiến của báo chí cùng với những đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí trong đợt dịch Covid-19.

Ông có thể khái quát những khó khăn lớn nhất mà các cơ quan báo chí gặp phải trong thời điểm dịch Covid-19?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những khó khăn cho mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế cả nước. Báo chí cũng chịu sự tác động trực tiếp với những khó khăn, thách thức lớn. Nhiều cơ quan báo chí doanh thu sụt giảm một cách nghiêm trọng, từ 40-50% doanh thu, thậm chí có những cơ quan báo chí đứng trước tình thế tồn tại hay không tồn tại.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

Đối với báo in, do giãn cách xã hội, việc cung cấp báo in đến các địa chỉ phát hành hay việc người dân đến các điểm mua báo gặp nhiều khó khăn. Nhiều tờ báo phải cắt giảm số lượng phát hành, giảm số kỳ xuất bản.

Còn đối với báo chí nói chung, sự sụt giảm lớn nhất là doanh thu quảng cáo và các dạng bài có tính chất quảng bá do các đơn vị, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Chính những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh dẫn đến nguồn kinh phí chi cho quảng cáo, quảng bá trên báo chí bị cắt giảm nhiều. Có nhiều doanh nghiệp không còn nhu cầu quảng cáo, không phải vì không muốn mà do họ không đủ khả năng.

Một khó khăn khác là các nền tảng xuyên biên giới đang chiếm một thị phần quảng cáo lớn so với báo chí chính thống, khi nguồn thu “chạy” sang các nền tảng này. Theo các số liệu gần đây, các nền tảng xuyên biên giới chiếm hơn 80% doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay.

Cùng với đó, khi các cơ quan báo chí tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì tòa soạn cũng phải tổ chức lại để phù hợp. Chi phí để cho các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường, việc tổ chức lại cách làm việc của tòa soạn sang trực tuyến, thiết kế lại các kênh thông tin với điều kiện mới cũng đòi hỏi những chi phí mới.

Những lý do đó đã làm cho nguồn thu của các cơ quan báo chí không đủ để chi và thậm chí bị mất cân đối lớn.

Trước tình hình như vậy, đã có những biện pháp gì góp phần tháo gỡ khó khăn cho báo chí, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Sau khi nắm bắt và xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của nhiều cơ quan báo chí, tháng 3/2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền. Hội Nhà báo cũng nói rất rõ những lý do trên và đề xuất là một số kiến nghị để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.

Cụ thể là miễn, giảm thuế, giãn thuế, không bị phạt khi chậm nộp thuế; cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm vật tư, trang thiết bị, phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và lực lượng phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Hầu hết các cơ quan báo chí hoan nghênh đề xuất này. Tại nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi cũng nêu rõ vấn đề này và đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm tới lực lượng báo chí.

Các phóng viên tác nghiệp tại Khu cách ly tập trung Quận 2, TP.HCM. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Các phóng viên tác nghiệp tại Khu cách ly tập trung Quận 2, TP.HCM. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Mới đây Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19. Góp ý về dự thảo này, Bộ KH&ĐT cũng đã đề nghị bổ sung các cơ quan báo chí, nhà báo vào nhóm đối tượng trên. Ông đánh giá thế nào về những động thái nêu trên của các bộ ngành với báo chí?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Mới đây trong thư gửi lực lượng tuyến đầu, cùng với y tế, công an, quân đội, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng, biểu dương và đánh giá rất cao những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.

Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác báo chí, thông tin truyền thông. Báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.

Sau khi nghiên cứu, mới đây Bộ KH&ĐT đã có đề xuất hỗ trợ các cơ quan báo chí. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, đề xuất này rất phù hợp và đáp ứng được tình hình thực tiễn của hoạt động báo chí. Báo giới rất mong muốn đề xuất trên sớm được thực hiện bằng những chính sách, biện pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi có ý kiến của Bộ KH&ĐT, chúng tôi cũng đã trực tiếp trao đổi và đề nghị với Bộ Tài chính. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và đã bổ sung nhóm báo chí vào trong danh sách được hỗ trợ.

Xung phong, cống hiến nơi tuyến đầu

Đó là những quan tâm, hỗ trợ trước mắt của Chính phủ đối với báo chí trong lúc gặp khó khăn, còn về lâu dài thì sao, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Về lâu dài, để các cơ quan báo chí giải quyết được bài toán nguồn thu và tự chủ về tài chính là một vấn đề có tính cốt lõi trong kinh tế báo chí. Vấn đề này phải được nhìn nhận, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, có tầm nhìn xa vì sự phát triển bền vững của báo chí nước nhà. Đây không phải chỉ là việc riêng của các cơ quan báo chí mà phải trở thành một đề án lớn có tính thống nhất tầm mức quốc gia.

Trong đó sẽ có những vấn đề như chúng ta vẫn hay nói, như chuyện đặt hàng báo chí. Đặt hàng báo chí như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và từ đó có được nguồn thu thật sự vẫn còn là câu chuyện phải bàn thảo kỹ lưỡng.

Vấn đề này phải được đặt ra và nhìn nhận thấu suốt từ các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước xuống đến các bộ, ngành, địa phương để làm sao cho câu chuyện kinh tế báo chí được được giải quyết một cách cơ bản và theo những đường hướng rõ ràng, cùng với những chính sách, biện pháp khả thi.

Nhưng đó là chuyện về sau, tôi nghĩ, ngay lúc này, báo chí phải tiếp tục tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch một cách hiệu quả. Hiện tại, đội ngũ phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đang sát cánh cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần quả cảm, tận hiến, hy sinh. Đó là điều rất đáng cảm phục và tự hào!

Ông nhìn nhận như thế nào về sự đóng góp của báo chí trong thời gian qua, đặc biệt trong khoảng 2 năm gần đây khi đại dịch hoành hành ở nước ta?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Một niềm cảm xúc lớn, sâu sắc đang lan toả trong toàn xã hội chúng ta trước tinh thần cống hiến, hy sinh quên mình của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Đó là đội ngũ y, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, các tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi, các lực lượng khác ở Trung ương, địa phương, các ngành, các cấp. Ở đâu cũng xuất hiện những câu chuyện chạm đến trái tim chúng ta. Đó là sức mạnh của tình đoàn kết, sức mạnh của tình yêu thương. Đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế ở các tâm dịch, nhất là những người đang âm thầm, kiên cường chiến đấu để giành lại từng mạng sống cho bệnh nhân Covid thực sự là những người hùng trong cuộc chiến đầy hiểm nguy này.

Đội ngũ y bác sĩ họp bàn về các phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phòng họp riêng tách biệt với khu điều trị. Ảnh do PV Thanh Tùng chụp trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19

Đội ngũ y bác sĩ họp bàn về các phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phòng họp riêng tách biệt với khu điều trị. Ảnh do PV Thanh Tùng chụp trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19

Phải nói là đây là cuộc chiến chưa từng có và đang được triển khai với những biện pháp quyết liệt nhất từ trước đến nay. Một tinh thần thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới cùng với sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lao vào những nơi khó khăn...

Những điều đó được truyền tải từ chính các cơ quan báo chí. Xã hội tiếp nhận thông tin chính xác, tin cậy qua báo chí. Báo chí đưa những những thông tin, những câu chuyện, những hình ảnh đó, trong đó có nhiều chi tiết cảm động vô cùng. Báo chí đang góp phần quan trọng xây đắp niềm tin xã hội ở những thời khắc đầy thử thách cam go này. Báo chí cũng vào cuộc, tác nghiệp giống như y bác sĩ, quân đội, công an thì mới có được những thông tin như vậy. Tôi biết hiện nay cũng có một số các nhà báo làm nhiệm vụ trong các tỉnh phía Nam đã trở thành F0. Điều đó chứng tỏ tinh thần chiến đấu và cống hiến rất cao của những người làm báo. Hội nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước bày tỏ tình đồng nghiệp với anh em đang quả cảm chiến đấu ở các tâm dịch.

Báo chí tuy gặp khó khăn nhưng không vì thế mà suy giảm tinh thần chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm. Tất cả các cơ quan báo chí đều thấy rằng đây là lúc mà không ai được chần chừ, không ai ngoài cuộc, khi được giao nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất. Với tinh thần tiên phong như y bác sĩ, nhiều phóng viên được giao nhiệm vụ đã vào cuộc với tinh thần chủ động rất cao.

Báo chí bất kỳ thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng đến định hướng thông tin, dư luận xã hội, tác động lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Sức mạnh báo chí được lan tỏa rộng rãi, niềm tin xã hội được xây đắp trở thành “vắc xin tinh thần", góp phần quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Thành Nam (thực hiện)

Theo vietnamnet.vn

Bình Luận

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo