Ninh Bình triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ứng phó với cơn bão số 3
(CLO) Chiều 20/7, Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha). Đại tá Trịnh Hồng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 20/7, vị trí tâm bão Wipha (bão số 3) đang trên trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 630km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20-25km/h.
Dự báo đến 13h ngày 21/7, bão di chuyển theo hướng Tây, sau chuyển hướng Tây Tây Nam với cường độ cấp 11-12, giật cấp 15 trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.
Để chủ động phòng, chống cơn bão số 3 (bão Wipha), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình đã triển khai trực 100% quân số, tạm dừng cho quân nhân nghỉ phép, nghỉ tranh thủ từ 7 giờ ngày 21/7. Đồng thời triển khai các phương án phòng, chống bão, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân khi bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Đại tá Trịnh Hồng Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật diễn biến bão số 3, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn theo quy định, bảo đảm thông tin liên lạc đến tận các xã trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị các Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn; phối hợp cùng các lực lượng, ban, ngành chức năng địa phương kiểm tra, rà soát các trọng điểm đê sông, đê biển, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng, các công trình đang xây dựng, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân, ngư dân ứng phó với bão.
Các cơ quan, đơn vị chủ động hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão khi có lệnh. Kiểm tra, chằng chống nhà cửa, kho tàng, bảo đảm an toàn người và tài sản khi bão đổ bộ vào địa bàn.
Trước đó, để chủ động ứng phó với thiên tai và bảo vệ an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão năm 2025, ngày 19/7, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành phương án hộ đê toàn tuyến.
Mục tiêu của phương án là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình đê, kè, cống trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm trú an toàn; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố tại chỗ được kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.
Hiện, toàn tỉnh Ninh Bình có gần 1.242 km đê các loại. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần chủ động cao nhất, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ tuyến đê, phân loại trọng điểm xung yếu, cập nhật phương án hộ đê sát thực tế từng vị trí, nhất là các tuyến đê cấp I, tuyến đê biển Bình Minh; đê Cồn Tròn, Hải Thịnh (xã Hải Thịnh), tuyến đê sông Hoàng Long, sông Hồng, sông Đáy...
Theo phương án, khi tình huống xảy ra, huy động toàn bộ lực lượng xung kích cấp xã, lực lượng làm công tác quản lý đê, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; huy động tối đa lực lượng quân đội, công an, y tế và cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia hộ đê, đảm bảo an toàn đê điều, tài sản, tính mạng của Nhân dân trên địa bàn.
Các loại vật tư chính, bao gồm: đá hộc, rọ thép, vải lọc, bao tải, bạt chống tràn… được xuất từ các kho vật tư dự trữ của tỉnh để xử lý sự cố. Đối với các loại vật tư khác như đất, cát, đá dăm, tre, luồng, rơm…, UBND tỉnh giao các xã, phường chuẩn bị, huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xử lý sự cố. Các điểm kho phải xây dựng phương án điều động, vận chuyển nhanh chóng khi có lệnh.
UBND tỉnh yêu cầu trưởng ban, các phó trưởng ban, các ủy viên và thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai, sự cố xảy ra tại địa bàn được phân công phụ trách. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các nội dung của phương án.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt các giải pháp phát triển sản xuất trong điều kiện nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành nỗ lực giành thắng lợi trong sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.
Việc xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến năm 2025 không chỉ thể hiện sự chủ động của tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai mà còn là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương sẵn sàng vận hành khi có thiên tai xảy ra, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.