Nước mắt nông sản, bao giờ thôi rơi?

Thứ năm, 23/12/2021 09:42 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Mỗi ngày chúng tôi mất 400.000 đồng tiền bãi, 300.000 đồng tiền dầu chạy máy lạnh, tiền ăn, tiền tắm rửa… 20 ngày tôi nằm chờ ở cửa khẩu... Nếu kéo dài thêm nữa thì hàng hỏng, không bán được hàng thì chủ hàng cũng không trả tiền cước xe”.

Sự kiện: nông sản

Đó là những lời tâm sự đầy nghẹn ngào của một tài xế đang dầm mình ở cửa khẩu Lạng Sơn những ngày qua. Nhưng trong sự vụ hàng nghìn xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu suốt hơn hai tuần nay, chắn chắn, còn có cả những giọt nước mắt của những người trồng nông sản. 

1. Theo nhìn nhận đầy khôi hài của nhiều chuyên gia, “ách tắc hay nghẽn ở cửa khẩu” không còn là hiện tượng mới mẻ mà phải gọi tên là “chứng bệnh kinh niên” tái diễn đi tái diễn lại trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều năm qua từng có gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây... ùn ứ vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn “chuyển trạng thái” thông quan. 

nuoc mat nong san bao gio thoi roi hinh 1

Hàng trăm xe hàng nối đuôi nhau trên cầu Bắc Luân II - cửa khẩu Móng Cái chờ xuất, nhập cảnh. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN.

Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống logistic chưa được đầu tư quy mô, bài bản do nguồn lực của tỉnh khó khăn, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu hàng nông sản qua 3 cửa khẩu: Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị gây nên tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại một số thời điểm.

Thời gian gần đây, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, phía Trung Quốc siết chặt quản lý phòng chống dịch, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng gặp nhiều khó khăn thì “căn bệnh ùn ứ” lại tái phát, thậm chí theo chiều hướng nghiêm trọng hơn, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam để xuất khẩu.

Tại họp báo chuyên đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc chiều 21/12, ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan cho biết tính đến ngày 21/12, tổng lượng hàng hóa tồn tại các cửa khẩu khoảng 6.200 xe, tương đương khoảng 12.000 người (gồm lái xe chính và lái xe phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu. Riêng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.

Theo tính toán của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, để có thể xuất khẩu hết số xe hàng đang tồn sẽ phải mất từ 8 - 10 ngày đối với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; từ 18 - 25 ngày với cửa khẩu chính Chi Ma và từ 15 - 22 ngày đối với cửa khẩu Tân Thanh trong điều kiện xe hàng mới không lên cửa khẩu.

“Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội, cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, thừa nhận của ông Âu Anh Tuấn - quyền Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan ngay tại cuộc họp báo.

Thực tế, rất nhiều nhiều tài xế đã phải đổ bỏ hàng hỏng hoặc bán xả với giá rẻ để vớt vát vốn. “1 xe container có 24 tấn như thế này bây giờ bán vội được có 70-80 triệu, còn chưa đủ tiền cước xe trả cho tài xế, tiền hàng thì xác định là mất trắng, không lấy lại được. Nếu đỗ ở trên cửa khẩu quá 15 ngày vẫn chưa sang được thì hoa quả hầu hết là bị hư hỏng, nếu còn chờ nữa thì sang đến kia cũng chỉ là 1 đống đổ nát phải bỏ đi, nên quay lại bán được chút nào thì bán, nhiều quả bán 5.000- 10.000 đồng mà không ai mua vì hỏng hết. Mấy tuần này gia đình chúng tôi đã có hơn chục container phải quay đầu”, chị Nông Thị Thúy (người dân TP. Lạng Sơn) than thở với phóng viên báo VOV. 

2. “Mít Thái từ miền Nam đổ ra Hà Nội, giá rẻ chưa từng có”, “Mít Thái giá rẻ, nông dân lo lắng” - đó là hai trong rất nhiều những cái tít có nội dung tương tự xuất hiện trên mặt báo những ngày tháng 11, 12 vừa qua. 

nuoc mat nong san bao gio thoi roi hinh 2

Nhiều chủ xe bán tháo mít ven đường. Ảnh: Gia Tưởng.

Giá rẻ chưa từng có bởi những năm gần đây, giá mít Thái thường giá dao động từ 25.000-40.000 đồng/kg khi mua mít quả hoặc xẻ miếng, mít múi bóc sẵn giá lên tới 60.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian qua, có thể bắt gặp mít thái ngập tràn phố phường Hà Nội, được rao bán với giá rẻ chưa từng có. Hiện nay, mít loại ngon bán theo quả giá 15.000 đồng, còn loại kém hơn giá 9.000-10.000 đồng/kg.

Thậm chí những ngày cuối tháng 12, giá mít thu mua tại vườn ở một số tỉnh ĐBSCL như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang... còn  giảm chạm đáy. Mít Thái loại ngon nhất giá giảm chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg; còn lại dao động từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy loại. 

Nguyên nhân của cái gọi là “giá mít rẻ chưa từng có” là việc, cuối năm là cao điểm xuất khẩu mít sang Trung Quốc, tuy nhiên, những ngày cuối năm vừa qua, do phía Trung Quốc đang kiểm soát chặt dịch Covid-19, xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc thông quan rất chậm hơn dẫn đến ùn ứ. Mít xuất khẩu cũng bị ách tắc, giá thu mua tại vườn vì thế giảm mạnh. Người trồng mít Thái tại nhiều địa phương vì thế chỉ còn biết khóc ròng vì chỉ đủ tiền… phân bón. 

Điều đáng nói là điệp khúc “được mùa nhưng vẫn mất giá” đã là nghịch lý có thực tái diễn đi tái diễn lại của nông sản Việt nhiều năm nay.  

3. Ngày 20/12, khi tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu phía Bắc đã “nóng” tới mức báo động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng tỉnh Lạng Sơn đã cùng họp bàn, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Buổi làm việc còn có sự tham gia của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm. Tại cuộc họp bàn này, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Khoan hãy nói tới hiệu quả của những giải pháp này bởi có lẽ cần có thêm thời gian, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thực trạng này đã tái diễn nhiều năm, đã có rất nhiều những khuyến nghị, nhưng rốt cuộc, vẫn chưa có một giải pháp hiệu quả nào được các bộ ban ngành, địa phương liên quan đưa ra. 

Trở lại câu chuyện “nghẽn cửa khẩu”, theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhằm khôi phục hoạt động giao thương, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục mở lại hoạt động các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

nuoc mat nong san bao gio thoi roi hinh 3

Tuy nhiên, như thừa nhận của ông Đinh Kỳ Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, việc Trung Quốc dừng thông quan không phải lý do duy nhất khiến hàng nghìn xe đang ùn ứ chờ thông quan tại các cửa khẩu. 

Theo các chuyên gia, việc “mở cửa khẩu phụ, lối mở” chỉ là liều thuốc trước mắt, ngắn hạn, trên hết là cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu… Đơn cử như tại sao không thể đặt ra vấn đề: xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch hay tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới… 

Tự phát, manh mún, ngắn hạn… tư duy ấy luôn luôn là lực cản nông sản Việt tiến xa… Càng hội nhập, tư duy ấy càng phải được gấp rút thay đổi. Chừng nào tư duy ấy không theo kịp với thực tế phát triển, thì ắt hẳn, nước mắt người làm ra nông sản Việt sẽ còn rơi.

Trang Hà

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn