Để không còn gian lận điểm thi:

Phải có chế tài xử lý thật nghiêm khắc!

Thứ năm, 25/04/2019 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những gian lận điểm thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình đã khép lại sau hơn sáu tháng các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng để có một giải pháp căn cơ cho mùa thi 2019 đang cận kề, lại là câu chuyện dài hơi của ngành giáo dục.

Có 64 thí sinh (gồm 63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) đã có sự thay đổi điểm thi, điểm chấm thẩm định đã giảm xuống thấp hơn so với số điểm đã công bố; 140 bài thi trắc nghiệm được chỉnh sửa, kết quả thi của 56 thí sinh được nâng điểm và các cơ quan liên quan đang cập nhật lại điểm số của những thí sinh này. Dư luận cho rằng chỉ buộc thôi học với các sinh viên đó là chưa đủ, mà cần làm rõ hành vi sai phạm của các bậc phụ huynh... Nhưng để có một giải pháp căn cơ cho mùa thi 2019 đang cận kề, lại là câu chuyện dài hơi của ngành giáo dục.

Cần đi tới cùng về trách nhiệm

Những ngày qua, chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội và cả ở đời thực đều xoay quanh việc gian lận điểm thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Có lẽ trong hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa công khai đoạn clip ghi lại cảnh tiêu cực trong kỳ thi THPT năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), thì vấn nạn gian lận thi cử lại mới “nóng” trong xã hội tới như vậy.

Ngoại trừ 114 thí sinh được nâng điểm tại Hà Giang đã được đưa về điểm gốc trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, thì có tới 64 thí sinh tới từ Hòa Bình, 44 thí sinh đến từ Sơn La đã nhập học vào các trường đại học trên cả nước. Dư luận bức xúc cho rằng “108” chỗ ngồi mà các sinh viên gian lận điểm đã chiếm chính là tương lai của 108 em học sinh khác, học thật và thi thật mà không trúng tuyển. 

Được biết, cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm  thi THPT 2018 vừa qua tại Sơn La có nhiều người đứng trong hàng ngũ cán bộ cấp cao của tỉnh, thành phố, thậm chí, có cả Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La.

photo1505719691202-1505719691542-0-27-314-533-crop-1505719707797

Hiện tại, đã có nhiều cán bộ trong ngành công an, giáo dục bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra về vụ bê bối sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018. Tuy nhiên, dư luận cũng bức xúc cho rằng những phụ huynh đã chạy điểm cho con đều phải được điều tra, nếu có sai phạm phải được xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin cho nhiều bậc phụ huynh và các học sinh khác.

 “Không ai tự ý đi nâng điểm không công cho các thí sinh này cả!”. Đó là nhận định của TS Lê Viết Khuyến ở Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam). TS Khuyến cho rằng để làm rõ việc liên đới của các phụ huynh có con em được nâng điểm không hề khó: “Việc phụ huynh tác động bằng vật chất hay quyền lực để con được nâng điểm trong kỳ thi THPT 2018 có thể được xác định qua tin nhắn hay các cuộc nói chuyện điện thoại. Cơ quan chức năng có thể xác định việc này thông qua việc kiểm tra liên lạc số thuê bao của các cá nhân đã bị khởi tố, bắt giữ có liên quan gian lận điểm thi”.

Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý theo các quy định của pháp luật, cần phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án, minh bạch trước xã hội. Nếu điều tra, xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ vụ việc gian lận điểm thi đến cùng. Có hay không việc phụ huynh hối lộ, đã có dấu hiệu vi phạm thì cần công bố rõ danh tính và xử lý sai phạm để lấy lại niềm tin của xã hội. Việc giấu diếm danh tính phụ huynh có con được nâng điểm là hành vi nguy hiểm, bởi nó sẽ làm cho người dân mất đi niềm tin vào nền giáo dục, vào hệ thống tư pháp nước nhà. Thực chất quan hệ kẻ nâng điểm và người nhờ nâng điểm là quan hệ hối lộ và nhận hối lộ. Hối lộ bằng tiền, hối lộ bằng hy vọng tiến thân sau này lớn hơn tiền mà thôi! Hai nhóm người hối lộ và nhận hối lộ để có hành vi gian lận điểm thi cần phải bị trừng trị bằng pháp luật để răn đe, ngăn chặn những hậu quả sau này.

Bộ GD&ĐT phải có chế tài mạnh để răn đe

Công bố danh tính thí sinh và phụ huynh gian lận điểm, có truy tố trách nhiệm hay không là câu chuyện của cơ quan điều tra. Nhưng việc xử lý thí sinh sau gian lận như thế nào lại đang là vấn đề khiến Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học loay hoay. Phát hiện gian lận trong thi cử nhưng đủ điểm xét tuyển vẫn được tiếp tục đi học; thí sinh (TS) chỉ có điểm gian lận khối bài khoa học tự nhiên, bài thi ở khối khoa học xã hội không thay đổi, vẫn đi học bình thường. Hay TS sau chấm thẩm định phát hiện được nâng khống đến 15, thậm chí 20 điểm chỉ bị cho thôi học, năm sau vẫn tiếp tục tham gia thi… đang là những trường hợp “chưa nghĩ đến” khiến Bộ GD&ĐT cùng các trường ĐH lúng túng tìm hướng giải quyết. Quy chế tuyển sinh của Bộ không có bất kỳ mục nào quy định xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Sau khi nhận danh sách TS gian lận thi cử từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, trường ĐH Y Hà Nội đã đuổi học một sinh viên (SV) có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, một số còn lại thì đủ điểm trúng tuyển nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị hạ 2 điểm. Trước tình huống này, nhà trường không có quy định, căn cứ nào để giải quyết nên phải báo cáo Bộ GD&ĐT để xin ý kiến chỉ đạo.

Tương tự, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nhận được danh sách năm TS ở Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó hai SV có điểm thấp hơn mức chuẩn nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển, còn ba SV có điểm cao hơn thì vẫn học bình thường.

Hy hữu hơn, tại trường ĐH Thương mại, một SV được nâng điểm ở Hòa Bình tự động viết đơn xin thôi học trước khi danh sách gian lận được gửi về trường. Nhà trường quyết định trả lại toàn bộ chi phí đã nộp vào trường cho SV này. Giải thích về những cách xử lý cho từng trường hợp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, chia sẻ với báo chí, nếu TS bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để TS tiếp tục học tập.

Về ý kiến nếu đã bị giảm điểm môn trắc nghiệm thì cần hủy kết quả vì đã dính đến gian lận, bà Phụng cho rằng đây chỉ là quan điểm có thể chia sẻ ở góc độ suy đoán vi phạm vì cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi...

Cover

Qua đó, Bộ sẽ tiếp tục trả lời từng trường nếu có lúng túng vì thắc mắc của các trường không hoàn toàn giống nhau.

Đó là nói riêng đối với từng trường hợp xử lý vi phạm, nếu nói chung cho phương án xử lý TS gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT còn lúng túng hơn. Bằng chứng là sau hơn ba tuần công bố chi tiết gian lận thi cử tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo “Các TS gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2019”. Cách xử lý này được đánh giá là quá nhẹ nhàng khi không có một hình thức xử lý nào mạnh tay hơn để răn đe, làm gương.

Khi được đặt câu hỏi về căn cứ đưa ra cách xử lý này, Bộ GD&ĐT cho rằng việc xử lý TS vi phạm được quy định ở Điều 49 trong quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Nhưng tại điều này không có mục nào quy định xử lý TS gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải hỏi ý kiến qua lại trước mỗi trường hợp vi phạm.

Trước đây, khi còn kỳ thi ba chung, quy chế tuyển sinh quy định rất rõ người có hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH tùy mức độ vi phạm có thể bị tước quyền dự thi (ví dụ như trong trường hợp nhờ người thi hộ, thi kèm) và khi đó sẽ không được dự thi khi chưa đủ hai năm tính từ năm bị tước quyền dự thi.

Các ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần bổ sung vào quy chế tuyển sinh một quy định thật đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý đối với những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo.

Mặc dù trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GDĐT cho hay sẽ có nhiều giải pháp để hạn chế gian lận thi cử, đặc biệt là việc chú trọng tới giải pháp kỹ thuật. Song dù thế nào, góp phần vào sự thành công của kỳ thi, quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người. Những điều chỉnh của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 của Bộ GD&ĐT được dư luận đánh giá là nỗ lực để ngăn chặn tiêu cực và hướng tới việc học thực chất hơn. Tuy nhiên, liệu đây đã là giải pháp căn cơ hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn cần thêm thời gian để tiếp tục xem xét. Đơn cử, cũng cần hết sức lưu ý về việc lựa chọn trường ĐH có đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và uy tín, tránh tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Vì thực tế những gian lận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vừa qua cho thấy có liên đới cả nhân sự của trường ĐH, chẳng hạn như thanh tra chấm thi. Do đó, kỳ thi năm 2019 cần lựa chọn những người có đạo đức nghề nghiệp, ý thức, nhận thức cao để làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của một cán bộ coi thi, hoặc tham gia vào bất kỳ khâu nào của kỳ thi.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn