(CLO) Pháp lần đầu tiên gửi khí đốt tự nhiên sang Đức khi nước này nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Đức - quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm khí đốt, kéo dài hoạt động các nhà máy điện than, nghiên cứu kéo dài hoạt động các nhà máy điện hạt nhân còn lại nếu cần thiết, đồng thời cung cấp những gói hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ nước này đã liên tục cập nhật tin tức tích cực về tình trạng các kho dự trữ khí đốt “dư dả”. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định rằng “30 chưa phải là Tết” vì hiện tại Đức và các quốc gia châu Âu khác chưa thực sự đón một mùa đông “đúng nghĩa”.
Hôm 13/10, nhà điều hành mạng lưới khí đốt Pháp (GRTgaz) tuyên bố đường ống dẫn khí đốt nối cả hai quốc gia tại làng biên giới Obergailbach (Pháp) đã bắt đầu đi vào hoạt động, ban đầu sẽ cung cấp khí đốt cho nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu với công suất hàng ngày là 31 gigawatt-giờ.
Dự kiến, về lâu dài Paris sẽ tăng công suất tối đa của đường dẫn khí là 100 GWh/ngày, tương đương công suất của 4 lò phản ứng hạt nhân, hoặc 10% tổng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng mà Pháp nhập khẩu mỗi ngày.
Cũng trong ngày hôm qua, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Liên bang Đức Klaus Mueller đã gửi lời cảm ơn tới GRTGaz bằng tiếng Pháp, đồng thời nhấn mạnh: “Việc cung cấp khí đốt của Pháp qua Saarland giúp đảm bảo an ninh nguồn cung của Đức”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Đức và các nước châu Âu khác đang tìm cách đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt sau khi Nga cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ mà lục địa này phụ thuộc trong nhiều năm để vận hành các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho gia đình.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo rằng Pháp và Đức đã đồng ý với một thỏa thuận đoàn kết năng lượng. Pháp sẽ giúp Đức cung cấp khí đốt, trong khi Đức sẽ tạo ra nhiều điện hơn để cung cấp cho Pháp trong thời gian tiêu thụ cao điểm.
Chính phủ Pháp đã bày tỏ lo ngại về khả năng thiếu điện trong mùa đông vì 25 trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp hiện đã ngừng hoạt động để bảo trì thông thường và một số đã phải ngừng hoạt động để sửa chữa.
Chính phủ cho biết EDF, công ty đang vận hành các nhà máy hạt nhân của Pháp, đã cam kết khởi động lại tất cả các lò phản ứng hạt nhân vào mùa đông năm nay.
Mặc dù các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đã đầy gần 95%, các quan chức cho biết người dân vẫn cần tiết kiệm khí đốt trong mùa đông này. Người đứng đầu Chính phủ Đức kêu gọi sự chung tay từ người dân và khẳng định sẽ làm được điều này. “Chúng ta đã tiết kiệm khí đốt và một lần nữa tận dụng năng lực sản xuất của các nhà máy điện than. Đầu năm tới, chúng ta sẽ có thể dùng đến các nhà máy điện nguyên tử ở phía Nam đất nước nếu cần thiết”, Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Đức nêu rõ.
(CLO) Hai tháng trước, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống còn 6%. Động thái này đã giúp hạ nhiệt giá vàng ở mức cao kỷ lục và thúc đẩy nhu cầu trong nước đối với mặt hàng hiếm này.
(CLO) Bộ Công Thương đã có Công điện về việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.
(CLO) Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (CORE) có nguồn gốc từ Việt Nam.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet vừa công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 – Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đạt thứ hạng cao, góp mặt trong đội ngũ 10 đơn vị thành viên của Petrovietnam được tôn vinh trên bảng xếp hạng.