Phim Đất rừng Phương Nam bị chê ‘hơi lộn xộn, không đúng lịch sử’

Chủ nhật, 15/10/2023 11:57 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ra rạp ngày 13/10, tác phẩm điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, với sự góp mặt của các diễn viên Hạo Khang, Trấn Thành, Mai Tài Phến, Tuấn Trần, Hứa Vĩ Văn… đã đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Khen nhiều mà chê cũng không ít.

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam kể câu chuyện xoay quanh An (Hạo Khang vào vai) - cậu bé lưu lạc ở miền Tây trên đường tìm cha, ở bối cảnh đầu thế kỷ 20. Trên hành trình đó, An được nhiều người dân giàu nghĩa khí giúp đỡ, học cách chấp nhận mất mát để trưởng thành. Cũng giống như phiên bản truyền hình năm 1997 (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), bộ phim đan xen câu chuyện tìm người thân của bé An cùng phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của người Nam bộ.

“Hơi lộn xộn, có chi tiết không đúng lịch sử”

phim dat rung phuong nam bi che hoi lon xon khong dung lich su hinh 1

Bối cảnh phim bị chê không có nét văn hóa miền nông thôn Nam bộ thời xưa - Ảnh: Chụp màn hình

Từ trước khi ra rạp và đặc biệt sau khi được công chiếu trên cả nước, bộ phim được các diễn đàn, cộng đồng mạng và cả những chuyên gia đưa ra nhiều đánh giá, nhận xét cởi mở, trong đó bộ phận những khán giả quan tâm đến yếu tố bối cảnh lịch sử và gắn với nguyên tác tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi đều bày tỏ chưa hài lòng.

Trên một diễn đàn có 272 nghìn thành viên, có bài viết chỉ ra nhiều “lỗi” về bối cảnh lịch sử của bộ phim. “Tại sao mình nói phim khá lộn xộn? Đầu tiên là phim không có mốc thời gian cụ thể, nên những ai kỳ vọng phim phản ánh về ‘thời kỳ lịch sử’ sẽ thấy thất vọng”, bài viết mở đầu.

Bài viết trên diễn đàn chỉ ra rằng, phim có các tình tiết thêm thắt khá “thập cẩm”. Điều này khiến người xem bị nhầm lẫn, hoặc hiểu sai về các yếu tố xuất hiện trong tác phẩm, như về Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn. Chẳng hạn, trong phim có phân cảnh nhân vật An thắp hương gia nhập Thiên Địa Hội sống theo tôn chỉ ví như là yêu đất thương trời, kháng Pháp…. Đây là tình tiết không có trong tiểu thuyết hay bản truyền hình.

Thực tế, bản chất các nhóm trong Thiên Địa Hội trong lịch sử rất phức tạp và nhạy cảm. Một số nhóm Thiên Địa Hội kháng Pháp là đúng trong lịch sử. Nhưng mục đích của một số nhóm này kháng Pháp vì người Pháp bức tử các mối làm ăn, ép các nhóm này phải phân chia địa bàn và thậm chí là tiêu diệt nhóm người này. Một số nhóm khác lấy danh nghĩa “kháng Pháp phục Nam” nhằm thu hút người Việt nhưng hành xử lại là cướp của, bảo kê, cưỡng bức chính người Việt… Còn một bộ  phận khác giác ngộ cách mạng, tham gia Vệ Quốc Đoàn và Việt Minh, những người này đã bỏ địa vị và cái mác “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hòa Đoàn” từ lâu. Nhiều người trở thành các chiến sĩ trong các nhóm bộ đội Bình Xuyên, bộ đội Mười Trí… rồi đóng góp vào việc thành lập ra Đặc công Rừng Sác lừng danh. 

Cũng theo bài viết, trong phim, Thiên Địa Hội được khắc họa có lối sống phóng khoáng, tôn trọng trời đất, giỏi võ. Tuy nhiên, cách chiến đấu của họ lại rất… lôm côm, bảo thủ. Trong cuộc họp với các lực lượng, sau khi cách mạng và các hội nhóm khác không giúp và khuyên can bình tĩnh, họ không nghe và tự tổ chức cướp xe chở tù binh. Rồi kế hoạch bị bại lộ do có nội gián, Thiên Địa Hội chết gần hết và chỉ còn ông Tiều (Tiến Luật vào vai) bị bắt. Nếu bộ phim này không đưa mấy chữ “Thiên Địa Hội” hay “Nghĩa Hòa Đoàn” vào thì không ảnh hưởng gì cả. Việc đưa 2 hội này vào chẳng những không đóng góp gì cho phim mà còn chưa chính xác về mặt lịch sử hay tác phẩm gốc.

phim dat rung phuong nam bi che hoi lon xon khong dung lich su hinh 2

"Đất rừng phương Nam" bị chê vì trang phục không mang không khí vùng quê Nam Bộ - Ảnh: chụp màn hình

Cùng quan điểm với những bình luận trên, tài khoản có tên Đào Tuấn nhận xét: “Nhà tôi đi xem Đất phương Nam cứ nhầm lẫn anh em đảng đoàn (Nghĩa Hoà đoàn) với anh em xã hội (Thiên địa hội). Phim 15 phút bắn nhau 1 lần. Cũng chả biết là đảng đoàn hay xã hội. Khi cướp pháp trường thì còn hiểu được, chứ lúc ở trạm BOT, hay ngoài chợ chả hiểu sao tự dưng bắn nhau…”.

Một tài khoản khác có tên Phan Nhật đánh giá: “Chẳng biết phim cố tình hay vô tình đề cao việc chống Pháp là của các bang hội kín từ Trung Quốc sang…”.

Một bài viết khác trên fanpage với 288 nghìn thành viên cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm không đồng ý về cách khai thác về Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn trong phim. “Trang phục xáo trộn giữa Tàu và Ta, thứ mình thấy khó chịu nhất chính là việc tẩy trắng Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn và phủ nhận sự xuất hiện của phe Việt Minh. Cứ khi nào có gì liên quan đến đánh Pháp thì một câu Thiên Địa Hội, hai câu Thiên Địa Hội. Biết bộ phim này chỉ là lấy cảm hứng, nhưng chắc chắn dễ khiến những bạn khán giả nào ít biết về lịch sử sẽ nghĩ Thiên Địa Hội là người tốt, đã đuổi đánh Pháp chứ không phải là phe Việt Minh”, tác giả nói.

Bên cạnh các “lỗi” về bối cảnh lịch sử, nhiều tài khoản cũng thấy “khó chịu” vì trang phục được sử dụng trong phim. Cụ thể, chiếc áo bà ba mà nhân vật bác Ba Phi (Trấn Thành thủ vai) có thiết kế không giống áo bà ba truyền thống. Bên cạnh đó, tác phong các nhân vật, màu sắc của phim cũng bị nhận xét là gợi liên tưởng đến phim Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc... chứ không mang không khí vùng quê Nam bộ. Ngay cả ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm cũng không "lột tả" đúng chất của người dân nơi đây. 

"Chiếc áo bà ba của văn hoá miền Nam, của người nông dân miền Tây yêu nước qua bao đời nay có vấn đề gì không mà phải thay bằng cái áo bà ba lai căng kỳ cục vậy? Điện ảnh có quyền phá cách, nhưng văn hoá đậm chất bản địa phải được bảo vệ và bảo tồn. Phim ảnh không được phi văn hoá, phản dân tộc", tài khoản có tên Nguyễn Thị Thu Cúc đánh giá. 

Đạo diễn Quang Dũng nói về Đất phương Nam bị chê “không thuần Việt”

Chia sẻ về những ý kiến cho rằng Đất rừng phương Nam không thuần Việt và đan cài nhiều chi tiết văn hóa Trung Quốc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: Trong phim, các bạn sẽ thấy phim có yếu tố người Hoa. Miền Tây, với tôi là vùng đất du nhập nhiều người, có cộng đồng người Hoa, người Tiều. Đó là đặc trưng của miền đất, nơi chào đón nhiều vùng miền.

phim dat rung phuong nam bi che hoi lon xon khong dung lich su hinh 3

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên tiếng trước những tranh luận trái chiều từ khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích thêm: Về chi tiết tiếng Hoa trên bảng hiệu, thực ra tôi cũng đã xem nhiều ảnh tư liệu về thời kỳ lịch sử thực tế. Lưu ý rằng phim này đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết. Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930. Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn nhiều hội nhóm. Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước, nhưng theo những cách khác nhau.

Bày tỏ quan điểm về trang phục của nhân vật bác Ba Phi trong phim không giống áo bà ba truyền thống, đạo diễn Quang Dũng cho rằng, phim không phải sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu lịch sử. “Bản thân tôi cũng tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp nhiều người, có người nói thế này, có người nói thế khác. Có những chi tiết làm chưa tới, nhưng nói chung chúng tôi làm những điều phù hợp với khả năng của đoàn phim", Quang Dũng nói. 

Đạo diễn Quang Dũng thừa nhận “không đổ thừa, nhưng với tôi, ê-kíp phim đã làm hết sức những gì có thể. Có thể có những sơ suất nhưng thật ra thế giới cũng vậy, không có phim nào ra mắt mà các nhà nghiên cứu lịch sử vỗ tay nói phim này y chang lịch sử”.

Chia sẻ về bộ phim, nhạc sĩ Huy Tuấn viết trên trang cá nhân: "Có lẽ sau bộ phim này, các nhà làm phim sẽ rất vất vả, bởi khán giả sẽ lấy Đất rừng phương Nam làm thước đo cho mức độ đầu tư, sự chỉn chu, tâm huyết… và tất nhiên sẽ làm khó chính ekip Đất rừng phương Nam, nếu có những phần tiếp theo.

Không nên làm khó nhau thế, vì thế mình chê! Lần đầu tiên có phim bom tấn Việt mà cả nhà đều háo hức đi. Về nội dung và những cảm nhận tích cực của khán giả mấy ngày qua mình confirm là đúng hết. Phải thắng! Và phải thắng lớn để các nhà đầu tư tiếp tục dũng cảm đầu tư vào điện ảnh Việt như những gì họ đã làm với phim này, và khán giả chúng tôi cần những phim Việt như thế".

Vân Anh

Bình Luận

Tin khác

Phim của Mai Thu Huyền rời rạp với doanh thu 430 triệu đồng

Phim của Mai Thu Huyền rời rạp với doanh thu 430 triệu đồng

(CLO) Trên trang cá nhân, Mai Thu Huyền thông báo về việc bộ phim "Đóa hoa mong manh" rời rạp chiếu tại Việt Nam chỉ sau 3 tuần công chiếu với doanh thu vô cùng thất vọng.

Giải trí
Xuân Hinh nói gì khi bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo cho thuốc xương khớp?

Xuân Hinh nói gì khi bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo cho thuốc xương khớp?

(CLO) Chia sẻ với báo chí, nghệ sĩ Xuân Hình cho biết ông rất bất ngờ khi bị người lạ dùng hình ảnh của mình để quảng cáo thuốc chưa bệnh xương khớp. Những đoạn quảng cáo này tràn lan trên nhiều trang mạng khiến người dùng lầm tưởng ông đồng ý giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Giải trí
Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng nhờ 'Lật mặt'

Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng nhờ 'Lật mặt'

(CLO) Sau 7 phần, tổng doanh thu của thương hiệu "Lật mặt" chinh phục cột mốc 1.000 tỷ đồng. Và Lý Hải chính thức trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng của điện ảnh Việt. Đồng thời, "Lật mặt" cũng là series phim điện ảnh có tổng doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt.

Giải trí
Hàng loạt bộ phim điện ảnh sắp ra mắt trong tháng 5/2024

Hàng loạt bộ phim điện ảnh sắp ra mắt trong tháng 5/2024

(CLO) Trong tháng 5 năm 2024, hàng loạt các tựa phim chất lượng đến từ nhiều nền điện ảnh sẽ liên tục đổ bộ rạp chiếu. Từ các thương hiệu phim nổi tiếng đến những tác phẩm lãng mạn và cả kinh dị đặc sắc, bữa tiệc điện ảnh mùa hè sẽ làm hài lòng mọi khán giả.

Giải trí
Con gái lớn của MC Quyền Linh trúng tuyển trường đại học nghệ thuật top 2 thế giới

Con gái lớn của MC Quyền Linh trúng tuyển trường đại học nghệ thuật top 2 thế giới

(CLO) Mai Thảo Linh (tên thân mật là Lọ Lem) - con gái lớn của MC Quyền Linh vừa trúng tuyển vào trường University of the Arts London (Đại học Mỹ thuật Luân Đôn).

Giải trí