Phóng viên nghị trường - “đường dây nóng” của hàng triệu cử tri!

Thứ tư, 19/06/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Được tham gia tác nghiệp tại nghị trường Quốc hội, quả thực là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của bất kì phóng viên nào. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vinh dự luôn là những thử thách, là trách nhiệm để mỗi tác phẩm viết ra không chỉ nhanh, sát thực, mà còn phải có sức lan tỏa nhất…

Hành lang Quốc hội – Nơi nối liền đại biểu với cử tri

Hàng năm, cứ vào độ tháng 5 và tháng 10, cánh phóng viên nghị trường từ báo hình, báo nói, báo điện tử, báo giấy… của Trung ương, địa phương lại có dịp hội ngộ cùng nhau để dự, đưa tin về kỳ họp Quốc hội. Có thể nói, với những yêu cầu ngày một khắt khe của thông tin, sự kỳ vọng của độc giả, thì mỗi kỳ Quốc hội cũng là kỳ thử thách thật sự với các phóng viên nghị trường.

Trong khi đó, độc giả lại chỉ để ý đến vấn đề họ quan tâm và lượng thông tin truyền tải trên mặt báo, có mấy ai biết được nỗi vất vả phía sau hậu trường của phòng viên. Vì thế, phóng viên nghị trường vẫn thường đùa với nhau rằng, khi tác nghiệp tại nghị trường, nhà báo chính là mạng thông tin, là “đường dây nóng” của hàng triệu cử tri. Bởi thế, để được lựa chọn là phóng viên theo dõi, đưa tin nghị trường đòi hỏi người phóng viên đó phải có những kỹ năng, nền tảng kiến thức nhất định và nhãn quan chính trị vững chắc…

Trên thực tế, để có được lượng thông tin nhanh chóng, kịp thời, bên cạnh việc truyền tải thông tin về các hoạt động của kỳ họp Quốc hội tại các phiên làm việc chính thức, thì một phần quan trọng và cũng là khó khăn nhất với phóng viên Quốc hội là phỏng vấn bên lề hành lang. Bởi, hành lang Quốc hội được ví như “điểm” tập trung lượng thông tin cần thiết nhất, nhanh nhất truyền tải đến độc giả và cũng là nơi kết nối giới truyền thông, giới lãnh đạo cao cấp và các đại biểu của nhân dân với nhau trong sự cởi mở và tin cậy, là nơi nối liền đại biểu với cử tri… Phỏng vấn hành lang quan trọng là vậy, tuy nhiên để thực hiện không hề đơn giản. Khó khăn đầu tiên là việc phải có được “giấy phép con” để lọt vào hành lang Quốc hội trong giờ giải lao, đây là việc làm cực nhất. Bởi, trong khoảng 500 phóng viên được phát thẻ tham gia kỳ họp, chỉ có khoảng 30 thẻ sự kiện được phát ra mỗi ngày cho phóng viên tiếp cận đại biểu trong giờ giải lao. Trong khi đó, thẻ ưu tiên phát cho người đến sớm. Do đó, để sở hữu được “giấy phép con” này, nhiều phóng viên phải tranh thủ đến sớm để đăng ký… và tình trạng “chen lấn” sau đó diễn ra cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu lớn mà cung lại hạn chế.

Phóng viên nghị trường trong một buổi phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Phóng viên nghị trường trong một buổi phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Trui rèn bản lĩnh phóng viên

Có thẻ đã khó, song có thẻ rồi có phỏng vấn được hay không là chuyện khác. Nhiều khi phóng viên đã có được “giấy phép con” rồi nhưng với lịch hoạt động dày đặc, bộn bề trước khối lượng lớn nội dung bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn của kỳ họp, không dễ để phóng viên có thể tiếp cận, hoặc tìm được đại biểu mình cần phỏng vấn. Đặc biệt là trong những thời điểm nhiều vấn đề nóng, nhạy cảm, đụng chạm là đại biểu “trốn mất” khi giải lao. Thậm chí, có lúc cánh phóng viên chực chờ ở nhà vệ sinh đợi đại biểu ra để hỏi cũng không thấy đâu, vì hóa ra họ “luồn” đi cổng khác. Gặp những “ca khó đỡ” như vậy, thế là công toi với những phóng viên chuyên làm phỏng vấn bên lề. Còn khi đại biểu đồng ý trả lời, nỗi ám ảnh bị giật tít, câu view không đúng ý lại khiến nhiều đại biểu sau khi trả lời phỏng vấn “e ngại”, nhiều người còn đề nghị “giật tít” nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng…

Để có thể tận dụng tốt khoảng thời gian nghỉ giải lao 20 phút của các đại biểu, thông thường cánh phóng viên phải chuẩn bị từ trước. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, quả thực trong số 500 đại biểu Quốc hội, dù phải căng mắt ra cũng khó tìm được đại biểu mình muốn phỏng vấn. Và như thế thì nội dung bài viết khó có thể hoàn thành, phóng viên bắt buộc phải chờ đợi đến ngày hôm sau, hoặc phải sử dụng đến “mánh khóe” riêng.

“Mánh khóe” mà phóng viên nghị trường sử dụng để “săn” đại biểu thường dựa vào sự giới thiệu, quen biết sẵn từ các đồng nghiệp, hoặc nếu không thì có thể chờ đến các buổi thảo luận tổ, hay tìm đến khách sạn nơi đại biểu nghỉ, thậm chí nếu cần thiết thì phải bất chấp cả việc đứng trước cửa… nhà vệ sinh để đợi đại biểu, miễn sao công việc của mình hoàn thành một cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất.

Để giải quyết nội dung bài viết của mình nhanh nhất, phóng viên vẫn thường “rỉ” tai nhau chia sẻ “mánh khóe săn”, đó là tìm đến các đại biểu “thân thiết”. Thế nên, phóng viên nghị trường từng có câu “vè” nổi tiếng “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” - nói đến 4 vị đại biểu Quốc hội là các ông Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc. Ngoài ra, những  đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Như Tiến, Bùi Sỹ Lợi... đều là những đại biểu luôn được phóng viên và cử tri tin quý bởi sự thẳng thắn, không ngại trả lời về những vấn đề nóng.

Chia sẻ về những lần “săn” đại biểu Quốc hội, không ít phóng viên nghị trường cho biết họ đã phải nhiều lần chạy “bở hơi tai” nhưng vẫn không kịp thời gian. Kỷ niệm đó được phóng viên nghị trường nhắc đến nhiều nhất là quãng thời gian hội trường Ba Đình cũ được phá đi để xây mới, khi đó Quốc hội phải mượn tạm hội trường của Bộ Quốc Phòng (nằm trên đường Nguyễn Tri Phương) để  họp. Do vậy, Trung tâm tác nghiệp báo chí được bố trí “di động”, khi thì ở số 19C Hoàng Diệu, lúc lại ở số 37 Hùng Vương.

Dạo đó, cánh phóng viên theo dõi Quốc hội lúc nào cũng tất tả chạy ngược, chạy xuôi. Trước giờ giải lao của đại biểu khoảng nửa tiếng là đã phải chạy đi lấy xe phi sang Hội trường Bộ Quốc phòng cho kịp giờ. Phóng viên nào mải mê làm tường thuật, quên bẵng không xem giờ, đợi đến khi giải lao mới đi thì thôi luôn, gửi xe, đi bộ giữa cái nắng như đổ lửa tháng 5, tháng 6, mồ hôi nhễ nhại, vào được đến nơi thì đại biểu cũng hết giờ giải lao…

Hiện nay tòa nhà Quốc hội mới đã đi vào sử dụng, nhưng số lượng phóng viên đăng ký tác nghiệp thường lên đến 500 người, do đó, Phòng Báo chí tại tầng B1 của tòa nhà Quốc hội không thể đáp ứng đủ. Vì thế, Văn phòng Quốc hội phải chia làm 2 trung tâm báo chí: Một đặt tại phòng họp báo tầng B1 Nhà Quốc hội mới (thẻ B); một đặt tại Văn phòng QH ở số 37 Hùng Vương (thẻ C). Trong khi đó, tại tòa nhà Quốc hội mới cũng xuất hiện thêm những khó khăn mới như nhiều phòng họp tuy hiện đại, đẹp nhưng quy mô hẹp. Ðặc biệt là khi thảo luận ở tổ, phóng viên tập trung rất đông, dẫn đến không đủ chỗ ngồi và phóng viên phải tìm mọi ngóc ngách để có thể tác nghiệp…

Vất vả là vậy, song bù lại, phóng viên nghị trường được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhiều Đại biểu Quốc hội, những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tiếp cận sớm, am hiểu tường tận nhiều quy định mới của pháp luật - cơ hội mà không phải phóng viên nào cũng có được.

Nhà báo Lê Kiên (Báo Tuổi Trẻ):

"Vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm"

Nhà báo Lê Kiên báo Tuổi Trẻ (bên phải) trao đổi với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bên hành lang Phòng họp Diên Hồng.

Nhà báo Lê Kiên báo Tuổi Trẻ (bên phải) trao đổi với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bên hành lang Phòng họp Diên Hồng.

Thời đại phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và mạng xã hội, thì công việc của các phóng viên tại sự kiện lớn như ở kỳ họp Quốc hội có nhiều áp lực. Tất nhiên đó cũng là đòi hỏi chung đối với việc đưa tin nhanh, chính xác, ấn tượng và có nét riêng của mỗi một phóng viên cũng như của mỗi tờ báo. Trong cuộc “chạy đua” của mấy trăm phóng viên đăng ký tham gia đưa tin về kỳ họp Quốc hội, tôi không dám nhận là mình có “lợi thế” hơn, bởi một khi mọi thông tin gần như đều được công khai, thì chất lượng mỗi bài báo chưa chắc đã thuộc về những phóng viên có thời gian trải nghiệm bên hành lang Hội trường Ba Đình lâu như tôi (hơn 15 năm liên tục), mà nhiều khi thuộc về các bạn phóng viên trẻ hơn, năng động hơn, háo hức hơn và sử dụng các phương tiện kỹ thuật tác nghiệp thành thạo hơn.

Chính vì vậy kinh nghiệm làm việc của tôi chỉ là sự chăm chỉ, kiên trì đeo bám vấn đề và cầu thị. Yếu tố “nhạy cảm” trong tác nghiệp của một phóng viên cũng rất quan trọng. Ví dụ như khi chúng ta đề cập đến “lợi ích nhóm” thì với một số phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng có thể bị vướng vào “lợi ích nhóm” do bị chi phối. Với cá nhân tôi, nếu tôi phát hiện ra một phát biểu nào đó thiếu khách quan do bị chi phối như vậy, dẫu đó là nội dung “hot”, có nhiều view, tôi cũng sẽ rất cân nhắc là có nên đăng tải hay không. Tất nhiên, cử tri sẽ phán xét nội dung phát biểu của đại biểu Quốc hội, nhưng là phóng viên, tôi không muốn truyền đi các thông điệp thiếu tính khách quan. 

Nhà báo Lương Kết (Báo Dân Việt):

"Tòa nhà Quốc hội mới rất thuận tiện cho phóng viên tác nghiệp"

Nhà báo Lương Kết tại Trung tâm báo chí Quốc hội.

Nhà báo Lương Kết tại Trung tâm báo chí Quốc hội.

Kể từ khi tòa nhà Quốc hội mới được đi vào sử dụng, cánh phóng viên nghị trường chúng tôi cũng bớt vất vả hơn. Hiện phòng họp báo được bố trí tại tầng B1 Nhà Quốc hội, sau mỗi giờ giải lao, phóng viên chỉ việc bấm thang máy lên tầng 3 để tìm đại biểu phỏng vấn, phóng viên tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều. Không những vậy, điểm thú vị là trong khu vực đặt Trung tâm báo chí, mọi nhu cầu thiết yếu về ăn uống cơ bản đầy đủ. Chính vì tác nghiệp trong hoàn cảnh như vậy, nên nhiều người vẫn gọi vui cánh phóng viên theo dõi nghị trường là nhóm “sang chảnh”.

Nhà báo Doãn Tấn (Phóng viên ảnh TTXVN):

“Nghề phóng viên ảnh giúp tôi phản ánh được những khoảnh khắc mà các đại biểu muốn truyền tải đến công chúng”

Nhà báo Doãn Tấn, Phóng viên ảnh TTXVN.

Nhà báo Doãn Tấn, Phóng viên ảnh TTXVN.

Trước khi biết tôi được phân công theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, một đồng nghiệp báo bạn thốt lên “ôi sướng thế”. Vâng, không sướng sao được khi phóng viên nghị trường (danh từ dùng cho phóng viên chuyên theo dõi Quốc hội) vẫn thường được coi là phóng viên “VIP”, là mơ ước của không ít phóng viên và khi tác nghiệp tại nghị trường thì mới hiểu rằng, vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm. Phóng viên ảnh nghị trường sướng thì có sướng nhưng vất vả, gian nan cũng không ít...

Với phóng viên ảnh tác nghiệp tại nghị trường, một bức ảnh được chụp phải chứa đựng nhiều thông điệp thể hiện tâm tư và trách nhiệm của từng đại biểu. Nắm bắt được tâm tư đó, phóng viên ảnh sẽ bắt được hình ảnh gắn liền với sự kiện hơn cả những lời diễn giải.

Vì vậy, mỗi kỳ họp Quốc hội cánh phóng viên ảnh chúng tôi vẫn thường đùa nhau rằng lại được “ăn, ngủ, nghỉ” cùng nhau. Bởi lẽ, nhiều phóng viên phải làm việc cả ngày, do đó họ coi Hội trường Diên Hồng như nhà của mình. Còn đối với phóng viên viết, với những cơ quan báo chí ở xa, để kịp thời truyền tải thông tin về tòa soạn thì Trung tâm Báo chí vẫn là nơi làm việc hợp lý hơn cả. Vất vả là thế, tuy nhiên tất cả cánh phóng viên nghị trường đều hiểu, đó là trách nhiệm và là công việc phải làm và tất cả chỉ vì một mục đích chung duy nhất đó là, “đánh thức” quyền của từng đại biểu Quốc hội, để họ hướng về lợi ích chân chính của cử tri, nói lên tiếng nói mà hàng triệu cử tri gửi gắm...

Đắc Nguyên

Tin khác

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo