Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025: Nên gọn nhẹ nhưng chất lượng!

Thứ năm, 02/11/2023 10:45 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, việc thi 4 môn trong đó có 2 môn lựa chọn là phương án có nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp học sinh phát huy được thế mạnh, sở trường nhưng giảm tải được áp lực thi cử vốn đã nặng nề.

Thi ít môn nhưng học sinh được phát huy thế mạnh

Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025  đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, việc tổ chức thi cử như nào vừa đảm bảo tính nghiêm túc của một kỳ thi quốc gia nhưng lại không gây áp lực thi cử nặng nề đối với học sinh đang là vấn đề đặt ra.

Được biết, ban đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với  2 phương án. Phương án 4+2, thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 3+2 các thí sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử).

Theo Bộ GD&ĐT, kết quả khảo sát  trên phạm vi cả nước với trên 130.000 cán bộ, giáo viên tham gia, có 26,41% lựa chọn phương án 4+2; 73,59% lựa chọn phương án còn lại. Còn theo khảo sát tại Hội nghị công tác quản lý chất lượng với 205 đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT có 31,2% đồng ý với phương án 4+2 và 68,8% đồng ý với phương án còn lại.

phuong an thi tot nghiep thpt 2025 nen gon nhe nhung chat luong hinh 1

Điểm đặc biệt, trong quá trình Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, nhiều người đề xuất thêm phương án 2+2. Tức thí sinh học chương trình THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử). Mặc dù đây là phương án ngoài dự kiến ban đầu nhưng  Bộ GD&ĐT đánh giá, phương án 2+2 có nhiều ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xin ý kiến của chuyên gia và các thầy cô giáo về các phương án thi. Ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận mặc dù là phương án thi phát sinh nhưng 2+2 đang nổi lên như một sự lựa chọn phù hợp nhất đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Chị Nguyễn Quỳnh Thu ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng, phương án thi này giúp giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp hiện nay gồm 6 môn và nếu từ năm 2025 giảm còn 4 môn thì học sinh sẽ đỡ vất vả hơn trong việc ôn tập, thi cử. Theo đó, thí sinh sẽ thi trong 1,5 ngày (thay vì thi 2 ngày như hiện nay): Buổi sáng ngày thứ nhất thi môn Toán, buổi chiều thi môn Ngữ văn và buổi sáng ngày thứ 2 thi 2 môn lựa chọn (buổi chiều dự phòng). Như thế, công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Điều này cũng phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình 2018.

Cô Phạm Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhận định, phương án thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, cùng 2 môn lựa chọn phù hợp, giảm áp lực thi cử cho thí sinh, tiết kiệm thời gian, chi phí. Học sinh có thời gian ôn luyện môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng ủng hộ phương án 2+2. Lý do thầy Hùng lựa chọn, vì phương án thi này bảo đảm đánh giá được năng lực và phẩm chất học sinh; giảm áp lực thi cử, phù hợp cho giáo viên, học sinh các trường miền núi.

phuong an thi tot nghiep thpt 2025 nen gon nhe nhung chat luong hinh 2

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh.

Phân tích sâu thêm về lựa chọn phương án thi 2+2, ông Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đánh giá ủng hộ phương án 2+2. Sở dĩ có sự ủng hộ này bởi theo ông Thống, phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.

Vị này cho rằng, hai môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài 2 môn bắt buộc, thí sinh sẽ lựa chọn 2 môn thi là thế mạnh của bản thân. Như vậy các trường đại học hoàn toàn có đủ cơ sở để xét tuyển đầu vào. Nếu phương án này thành hiện thực, theo ông Đỗ Ngọc Thống các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng các phương án tổ hợp theo đúng hướng lựa chọn môn học của kỳ thi tốt nghiệp THPT, như vậy sẽ đồng bộ.

Thi nhiều môn là tốn kém, không cần thiết

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội là tinh giản cho học sinh. Nếu thi 4 môn học sinh sẽ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng hơn. Em nào có khả năng, sở trường ngành học nào thì các em được lựa chọn 2 môn tự chọn. Hiện nay, tuyển sinh đại học chỉ cần 3 môn xét tuyển vì thế thi 4 môn tốt nghiệp là hợp lý.

“Đây là phương án mới, sau khi có ý kiến của nhiều chuyên gia, tôi thấy phương án mới này đáp ứng đủ yêu cầu của một kỳ thi tốt nghiệp làm căn cứ để các trường đại học tuyển sinh” - bà Lê Thị Hương phân tích.

Cũng theo vị này, việc thi 4 môn là giảm áp lực học tập cho học sinh, giảm được chi phí. “Nếu thi như vậy chỉ cần tổ chức trong 2 ngày nên rất gọn gàng” - vị này nhấn mạnh. Trước băn khoăn việc thi ít dẫn tới học tủ, học lệch bà Lê Thị Hương cho rằng, đánh giá học sinh là cả một quá trình dạy học. Môn học nào cũng quan trọng, học thi liên tục nên kiến thức các em được cập nhật liên tục.

“Quan trọng việc tổ chức dạy học như thế nào để các em tiếp cận kiến thức, hứng thú học tập và phát huy khả năng của bản thân. Còn thi chỉ là công đoạn cuối cùng nên càng tinh gọn càng tốt” - bà Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Bà Hương cũng cho rằng, lâu nay việc thi tốt nghiệp tổ chức 6 môn, giờ giảm 4 môn có cái hay của phương án. Học sinh có năng khiếu, sở trường nào để các em có định hướng lựa chọn. Còn kiến thức cơ bản các em đã được học trên trường, thi cử chỉ là khâu cuối cùng.

Như vậy qua trao đổi với chuyên gia, học sinh và phụ huynh thấy rằng phương án thi 2+2 có nhiều ưu điểm vừa đảm bảo giảm áp lực thi cử, tiết kiệm được chi phí nhưng cũng tạo điều kiện cho các em học sinh phát huy sở trường, các trường đại học có cơ sở để đánh giá năng lực các em thông qua các tổ hợp tuyển sinh.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục