Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ tư, 30/10/2019 17:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 30/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

2019, một năm thành công

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho thấy, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét; thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên...

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công khi năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trước những diễn biến không thuận của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan.

Nhấn mạnh động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng và nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau.

Góp ý giải pháp phát triển của hộ kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc phân tích, về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…

Theo đại biểu, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản, minh bạch, bình đẳng với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Việt Nam bước nhiều, nhưng là những bước ngắn

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”.

Ông Hoàng Quang Hàm dẫn ra số liệu: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 100 USD thì thế giới là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam đạt khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000 USD.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu. Ảnh: VGP

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu. Ảnh: VGP

Cho rằng tăng trưởng của Việt Nam bình quân 7%/năm là cao, tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam, đại biểu ví von, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

Đại biểu lưu ý, 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… “hóa rồng, hóa hổ” còn chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu không khắc phục được bất cập thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ông Hoàng Quang Hàm nhận định, trong điều kiện thế giới và khu vực nhiều biến động, khó lường; chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay lại… chúng ta cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Từ những phân tích trên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đại biểu, ba vấn đề trên không mới, song nó đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện. 

“Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ”, ông Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long). Ảnh: VGP

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long). Ảnh: VGP

Nông dân vẫn “đói” thông tin về thị trường

Với nhận định, rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Theo ông, trở ngại lớn nhất đối với nông dân hiện nay không phải vốn, không phải kỹ thuật canh tác mà là chính là thông tin về thị trường. Nông dân hiện nay chỉ nhận thông tin từ đại lý thu mua, thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường hay không.

“Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì bi kịch tiêu thụ hàng nông sản sẽ tiếp diễn, không bao giờ chấm dứt”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Thành Công cũng nhấn mạnh đến rào cản lớn nữa trong sản xuất nông nghiệp là tích tụ và tập trung ruộng đất. Theo đại biểu, cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất, liên kết các mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng khai thác bởi đây là mô hình tiến bộ, nhân bản; nông dân có thể yên tâm vì mình vẫn sở hữu đất, trong khi có thể tập trung canh tác quy mô lớn.

Đại biểu đề nghị nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi  cho loại hình này. Nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao.

Điều phối, quản lý tổng thể các vùng đồng bằng

Đề cập đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 20 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tích cực; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội.

Toàn cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Toàn cảnh Phiên thảo luận. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 rất chậm. Tại hội nghị lần thứ nhất năm 2017, Thủ tướng xác định sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 2 tỷ USD tại hội nghị sơ kết năm 2019, nhưng trên thực tế, sự đầu tư chưa được thực hiện kịp thời. Đại biểu đề nghị cần đánh giá xác thực hơn về nội dung này, đề ra giải pháp để đưa Nghị quyết số 20 vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng lưu ý, cần có giải pháp khai thác, bảo vệ, giữ gìn nguồn nước ngọt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi tình hình bất thường nguồn nước trong thời gian qua, cùng với tác động của biến đổi khí hậu cho thấy có rủi ro tiềm ẩn đối sự với sự phát triển của vùng. Điều này sẽ tác động lớn đến sự phát triển, bảo đảm an ninh lương thực của vùng và của quốc gia.

Để khai thác bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt bị ảnh hưởng, chịu tác động của biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị xây dựng Luật Đồng bằng để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển các vùng đồng bằng, hoặc chí ít có Ủy ban quốc gia về đồng bằng, để thực hiện vai trò điều phối, quản lý tổng thể khai thác tài nguyên các vùng đồng bằng trên cả nước.

Cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. 

Đại biểu Trần Việt Khoa. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Đại biểu Trần Việt Khoa. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Đại biểu Trần Việt Khoa cho biết, năm 2019, tình hình khu vực biển Đông có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh an toàn biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới.

Trước tình hình đó, Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình; tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo Công ước, Luật pháp quốc tế, Luật Biển năm 1982.

Đại biểu Trần Việt Khoa nêu rõ, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật ấy ngày nay được thể hiện ở 2 việc rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảm bảo vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Và trong tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong việc giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước.

“Chúng ta luôn luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, đại biểu Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Thế Vũ

Tin khác

Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

(CLO) Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và hơn 130 ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, UBND Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, giải trình đầy đủ, dự kiến tiếp thu đối với nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tin tức
Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10

Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10

(CLO) Chiều ngày 28/3, tại Họp báo của UBND thành phố Hà Nội quý I năm 2024, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2024-2025 có 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.  

Tin tức
Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

(CLO) Ngày 28/3, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tin tức
Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

Ban hành kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024

(CLO) Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Hằng năm, tổ chức, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”

Tin tức
Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

Tập trung nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng.

Tin tức