Quy hoạch Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023

Thứ sáu, 27/05/2022 09:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nội dung, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

quy hoach thu do ha noi du kien se trinh thu tuong chinh phu xem xet phe duyet vao quy iii 2023 hinh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Bài liên quan

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển KT-XH của Thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

UBND TP Hà Nội là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ được tổ chức lựa chọn theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Theo kế hoạch, Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Sở KH&ĐT chủ trì trong công tác tham mưu các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội và các sở, ngành trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, là đầu mối liên lạc với các cơ quan chuyên môn của Bộ KH&ĐT trong công tác hướng dẫn tổ chức lập quy hoạch, tổ chức trình thẩm định, báo cáo tiến độ theo định kỳ.

Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, các sở, ngành và đơn vị tư vấn tiến hành nghiên cứu thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển KT-XH, kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định..

Nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện, UBND TP yêu cầu các đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai đồng thời, lồng ghép các nội dung, tinh gọn các thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai nội dung công việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp, phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau.

Do đó, để hoàn thành bản quy hoạch với chất lượng đảm bảo đòi hỏi sự quyết tâm trong điều hành của chính quyền TP với nhiều yêu cầu đổi mới trong công tác quy hoạch của Thủ đô.

Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu đầu tiên phải xuất phát từ đổi mới căn bản tư duy phát triển, tránh “lối mòn” hay những quan điểm chung chung, thiếu rõ ràng. Đặc biệt, quan điểm phát triển phải thể hiện khát vọng của người Hà Nội, Thủ đô Hà Nội.

Theo TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, quan điểm về mục tiêu, tầm nhìn của quy hoạch Thủ đô cần tránh chung chung, ý tưởng phải bao quát nhưng xác định rõ ràng những vấn đề Hà Nội cần làm. Quan trọng là cần khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, làm rõ triết lý phát triển của Hà Nội, bố trí không gian phát triển. Hà Nội chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4, mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội nên rất cần được nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, với Quy hoạch Thủ đô lần này được lập theo hướng đồng bộ, nổi bật nhất là tích hợp, đa ngành, sẽ giải quyết hài hòa được 3 mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Đó là, làm rõ những định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và cuối cùng là việc tổ chức sắp xếp lại không gian.

Ba mục tiêu này được đề cập hài hòa trong cùng một bản quy hoạch chứ không tách biệt. Từ đó, thể hiện tầm nhìn và khẳng định vai trò vị thế của Thủ đô Hà Nội, là xây dựng TP phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), ngoài tinh thần đổi mới, sáng tạo, lập Quy hoạch Thủ đô cần xoay quanh từ khóa “đột phá” trong các công việc, từ đánh giá hiện trạng, giải quyết vấn đề tồn đọng, định hướng tương lai.

Trong các định hướng đã có rất nhiều quan điểm tốt đẹp về phát triển Thủ đô, thời điểm này nên chắt lọc những quan điểm đó để đưa vào bản quy hoạch. Trong đó, lưu ý vấn đề về khai thác, bảo tồn các di sản, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, an toàn… Đồng thời, phải triển khai phát triển không gian để Hà Nội phát triển theo hướng đặc trưng, duy nhất, không giống bất cứ TP nào trên thế giới.

Theo TS, KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là tam giác tăng trưởng mạnh nhất vì đây là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tăng cường thông qua việc thiết lập các trung tâm tài chính-thương mại, nghiên cứu-phát minh khoa học, hội nghị-hội thảo, thể dục-thể thao, không gian di sản và du lịch quốc tế... Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô - trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học-kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia (trung tâm tài chính bắc sông Hồng; trung tâm hội chợ; trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa tây Hồ Tây...), các khu nghiên cứu-đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc...); Trung tâm văn hóa-lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì...), Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa-lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).

Các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội, Hà Nội-Hà Nam, Hà Nội-Thái Nguyên); khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị; cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (núi, sông, suối, hồ...), ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa; hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng.

Trong quá trình thực hiện, Hà Nội cần tận dụng năng lực cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, phát huy tối đa về lợi thế địa lý của vùng, tập trung cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải (đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không); phát triển các loại hình giao thông mới, hiện đại; phát triển hệ thống giao thông công cộng đa dạng phù hợp các đô thị; tập trung nguồn lực hoàn thiện các tuyến cao tốc và vành đai vùng (vành đai 4 kết nối đối ngoại của Thủ đô và vành đai 5 kết nối các đô thị đối trọng tại các tỉnh trong vùng).

Cũng cần nhấn thêm một ý tưởng mới về các tuyến đường sắt nội vùng: kết hợp nâng cấp một số tuyến đường sắt quốc gia tạo thành mạng lưới đường sắt nội vùng với tám tuyến vận tải hành khách, kết nối trung tâm Hà Nội đến các thành phố trung tâm các tỉnh trong bán kính 60-80 km. Các tuyến đường sắt nội vùng sẽ kết nối với đường sắt đô thị: Xây mới hệ thống đường sắt đô thị tại trung tâm Hà Nội. Kết nối đường sắt đô thị khu vực tam giác trọng điểm Hà Nội-Bắc Ninh-Vĩnh Phúc thông qua các trung tâm tiếp vận đầu mối.

Minh Chí

Bình Luận

Tin khác

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức