Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược!

Thứ sáu, 19/08/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững - đó là những yêu cầu cao nhất đang được đặt ra cho bản Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để làm được điều đó, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu hoạch định phát triển đất nước. Đặc biệt, như nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước mình, chứ không chỉ là đối phó”.

4 mục tiêu và 6 quan điểm phát triển

Trình bày tóm tắt báo cáo Quy hoạch tại Hội thảo tham vấn ý kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/7 vừa qua, ông Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm: Đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, việc phân bổ và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng, mang tính chiến lược trên lãnh thổ, bao gồm: Đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

quy hoach tong the quoc gia can tu duy dot pha va tam nhin chien luoc hinh 1

Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt cần quan tâm triển khai. Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người. Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50% và đến năm 2050 đạt từ 70-80%... Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 có trên 9.000km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt cao tốc. Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 32m2…

Cũng theo ông Trần Hồng Quang, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đạt được 4 mục tiêu, bao gồm: Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; thứ hai, kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; thứ ba, kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; thứ tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá thiên nhiên.

Còn tại cuộc Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn quốc tế về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/7 vừa qua, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia được nhìn nhận trên 6 quan điểm bao gồm: 

Thứ nhất, tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; 

Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả; 

Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; 

Thứ tư, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển cả nước, các vùng và hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao; 

Thứ năm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; 

Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực đất liền với không gian biển, tham gia có hiệu quả các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Cơ hội sắp xếp lại không gian phát triển

Đó là khẳng định của “tư lệnh ngành” kế hoạch và đầu tư - đơn vị được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia. “Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cũng theo người đứng đầu Bộ KHĐT, hiện nay, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

quy hoach tong the quoc gia can tu duy dot pha va tam nhin chien luoc hinh 2

Định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia sẽ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: Phạm Tùng

Góp ý vào Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, để đất nước phát triển thì cần phải có một quy hoạch toàn diện, tiềm năng và quy hoạch cần phải dài hơi và đi trước một bước. Theo đó, trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú ý tới vấn đề phân vùng; vấn đề tư duy mới trong phân bổ không gian quốc gia...

Cụ thể, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia phải hướng tới phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của quốc gia, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông – Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu; Hành lang Đông Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng... Trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng...

Quy hoạch cần nêu được định hướng, không phải đối phó

Quan điểm rất thẳng thắn ấy đã được đưa ra từ chính người đứng đầu Bộ KHĐT. “Tuy nhiên, hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất là tư duy tầm nhìn, chúng ta không có tư duy đột phá táo bạo. Rào cản lớn nhất là chưa theo kịp xu thế, chưa thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Từ tư duy đột phá, Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước mình, chứ không chỉ là đối phó. Do vậy, phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mới đột phá mạnh mẽ được. Chúng ta phải tìm động lực mới cho đất nước”, nhấn mạnh ấy của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia xung quanh câu chuyện xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tầm nhìn rõ ràng, có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk nhấn mạnh quy hoạch tổng thể không chỉ cần được xây dựng tốt mà còn phải khả thi và hiệu quả, quy hoạch phải đáp ứng một số yêu cầu, mục tiêu quan trọng như: Xác định, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng và cả quốc gia; tổ chức phát triển kinh tế theo không gian vùng và liên kết vùng; dự báo tình hình, tận dụng cơ hội để tăng tốc phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng cũng như toàn lãnh thổ.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi trao đổi về vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nhấn mạnh: “Phải chọn được những ngành, lĩnh vực có khả năng chủ động, độc lập, có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của vùng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính của một địa phương nào. Quy hoạch là phải có độ linh hoạt nhất định, tạo không gian chính sách thuận lợi cho địa phương điều hành thực hiện”.

Và trên tất cả, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ phải cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nói như TS. Nguyễn Đức Kiên: “Chỉ khi quán triệt nguyên tắc lấy lợi thế cạnh tranh của quốc gia làm ưu tiên số 1, tiếp đến là lợi thế vùng và cuối cùng mới là lợi ích của địa phương, thì quy hoạch tổng thể quốc gia mới đạt được chất lượng cao nhất, góp phần tạo ra cú hích phát triển”.

Anh Thư

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn