Xung quanh dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa:

Quyền lợi của học sinh phải đặt lên trên hết!

Thứ năm, 28/11/2019 11:25 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đa dạng sách giáo khoa là một bước tiến quan trọng, nhưng để lựa chọn được sách giáo khoa (SGK) phù hợp và thực hiện chọn sách một cách công tâm, minh bạch nhất, vì quyền lợi học sinh cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vì thế, câu chuyện ai được quyền chọn SGK và chọn như thế nào đang là nỗi băn khoăn thường trực của báo chí và dư luận những ngày này trước việc Bộ GD&ĐT thông tin về việc đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Trường, giáo viên hay Ủy ban nhân dân tỉnh chọn sách giáo khoa?

Vấn đề được quan tâm trước tiên là việc: Ai có quyền quyết định chọn sách giáo khoa mới? 

Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực vào 1/7/2020 lại quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Điều khoản này thay đổi so với Nghị quyết 88/2014/QH13 là: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.

Lựa chọn sách giáo khoa cần quan tâm đến quyền lợi của học sinh. Ảnh: T.L

Lựa chọn sách giáo khoa cần quan tâm đến quyền lợi của học sinh. Ảnh: T.L

Theo chia sẻ với báo chí của đại diện Bộ GD&ĐT, thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng nhắc việc các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.Dự thảo thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.

Hiện nay, dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.

Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, 32 SGK của 8 môn học bắt buộc trong danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được ban hành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sẽ được dùng làm căn cứ để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Báo điện tử Vietnamplus dẫn ý kiến cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh, việc lựa chọn sách giáo khoa nên trao quyền cho các nhà trường theo Nghị quyết 88. Cô Thảo cho rằng, ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chung về mặt hành chính trong khi chọn sách giáo khoa để dạy trong các nhà trường lại là việc có tính chuyên môn.

Ở góc nhìn khác, báo điện tử Vietnamplus dẫn ý kiến của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, các sách giáo khoa đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nên đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ khác nhau về cách tiếp cận. Tuy nhiên, nếu để cho các trường tự chọn sách giáo khoa riêng với rất nhiều sách khác nhau sẽ dẫn đến việc khó trong công tác chỉ đạo chung của địa phương. Vì thế, ông Thành cho rằng, Luật Giáo dục quy định ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định lựa chọn sách là phù hợp, để tạo sự thống nhất nhất định. “Nhưng điều này cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết 88 của Quốc hội hay Quyết định 404 của Chính phủ vì ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra quyết định, còn người chọn sách thực sự chính là các giáo viên khi có đến 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là giáo viên, là tiếng nói thực tiễn từ cơ sở”, ông Thành phân tích.

dnt_5616_kizl

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên chăng để chính các giáo viên lựa chọn SGK, bởi như vậy gần gũi với việc dạy và học nhất. Như quan điểm của báo Thanh Niên: Giao việc chọn SGK cho các nhà trường, GV, thì việc vận hành nhiều bộ SGK sẽ giống với các nước tiên tiến đang làm. GV chính là người hiểu rõ nhất đối tượng HS mà mình giảng dạy phù hợp với cuốn/bộ SGK nào. GV nếu thực sự có năng lực và được trao quyền chủ động, có thể sẽ không chọn một SGK cụ thể nào mà họ tham khảo nhiều cuốn SGK khác nhau và các tài liệu tham khảo để biên soạn một bộ tài liệu dạy của riêng mình, phù hợp nhất với HS mà họ giảng dạy, miễn sao đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình.

Quyền lợi của học sinh là quan trọng nhất

Nhiều ý kiến cho rằng, đa dạng sách giáo khoa là một bước tiến quan trọng, nhưng để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp và thực hiện chọn sách vì quyền lợi học sinh cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Mà để vì quyền lợi học sinh, nhiều tờ báo đã chỉ thẳng ra rằng, cái cần nhất là sự công tâm, minh bạch, có trách nhiệm để lựa chọn được bộ sách phù hợp mà không bị chi phối bởi những thứ “ngoài giáo dục”.

Báo Tiền Phong, dẫn ý kiến lo ngại của GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: “Khi thực hiện chủ trương để địa phương lựa chọn SGK cũng sẽ có khả năng nhà xuất bản “lót tay” nhằm bán sách vì để biên soạn bộ SGK các đơn vị bỏ ra một khoản tiền và công sức không nhỏ, họ sẽ phải tìm mọi cách để bán được sách”. PGS. TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cũng bày tỏ sự lo lắng: “Để nhà trường hay địa phương lựa chọn bộ SGK cho riêng mình đều là bài toán nan giải, không biết sẽ thực hiện như thế nào mới đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Nếu trước đây chỉ có một bộ SGK, trường nào, giáo viên nào cũng dạy theo đó rất dễ. Khi có nhiều bộ sách, nếu để các trường quyết định lựa chọn thì các nhà xuất bản có cơ hội “mời chào”, “giới thiệu”, thậm chí “mua chuộc”… hiệu trưởng để sử dụng bộ sách của họ. Nếu địa phương lựa chọn cũng khó tránh tình huống người quen, người thân giới thiệu và sử dụng liên quan đến lợi ích cá nhân”. Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, ở một số nước có nhiều bộ SGK cũng không yêu cầu nhà trường, địa phương lựa chọn bộ sách cụ thể nào cả. SGK đối với họ không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo. Cùng với các tài liệu trên mạng internet, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình.

“Có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi UBND các tỉnh lựa chọn SGK, chẳng hạn các tỉnh, thành sẽ chọn một bộ sách gồm SGK tất cả môn học từ lớp 1 đến lớp 12 của một nhà xuất bản? GV trực tiếp đứng lớp sẽ có tiếng nói gì không trong hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK của các địa phương? Việc lựa chọn SGK có thay đổi từng năm hay giữ ổn định lâu dài?... Đó là chưa kể những lo ngại về tiêu cực nảy sinh khi quyền lựa chọn SGK được thu hẹp ở một hội đồng cấp tỉnh, thay vì trao quyền ấy đến từng GV và HS. Nếu quy trình không chặt chẽ, dư luận có quyền nghi ngờ về sự khách quan trong quyết định lựa chọn SGK khi quyền quyết định ấy thuộc về một nhóm người. Ai dám đảm bảo các nhà xuất bản có SGK được lưu hành trên thị trường không “tìm cách”, kể cả những cách như “vận động hành lang” để bộ SGK của mình được các hội đồng ấy lựa chọn?” - Câu hỏi mà báo Thanh Niên đặt ra có lẽ cũng là vấn đề cần được Bộ GD&ĐT lưu tâm hơn cả trong câu chuyện soạn thảo Thông tư về việc lựa chọn SGk.

Hà Trang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn