Sài Gòn trong ký ức “thế hệ vàng”!

Thứ tư, 29/04/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hòa vào dòng chảy của đời sống đô thị Sài Gòn - TP.HCM sau ngày giải phóng, nhiều văn nghệ sĩ đã có những đóng góp cho đời sống tinh thần trong những năm đầu giải phóng và họ được mệnh danh là “thế hệ vàng” của giới nghệ sĩ Sài Gòn.

Nhân dịp 45 năm giải phóng miền Nam, báo NB&CL giới thiệu vài lời tự sự về Sài Gòn trong những thời khắc đầu tiên sau giải phóng của một số gương mặt thuộc “thế hệ vàng” như: Nhạc sĩ, ca sĩ Tôn Thất Lập, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Thế Hiển, đạo diễn Lê Cung Bắc...

Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm - Thành viên của Ban Văn nghệ đầu tiên sau ngày 30/4

Cuộc đời tôi đã rẽ qua một hướng khác…

Tôi và anh Lê Quốc Dũng (giảng viên, thạc sỹ thanh nhạc) là bạn thân trước năm 1975. Ba của anh là giáo sư Lê Kế Liêm hoạt động trong Ban Trí vận nên hướng dẫn chúng tôi tham gia trong phong trào SV-HS đô thị Sài Gòn... 

NS Nguyễn Tôn Nghiêm

Sáng ngày 30/4/1975, tôi đi xe đạp lên trường như thường lệ thì không vào được, dây thép gai giăng kín, trước cổng trường còn một cây đại liên chĩa hướng về phía Sở Thú.

Mãi đến gần 10 giờ thì binh lính rút hết. Sinh viên tràn vào, trong đó có một số anh em hoạt động ngầm từ trước trèo lên hàng rào treo cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN).

Tôi đi tìm Dũng nhưng không gặp, bèn chạy lên nhà anh ở Ngã tư Xóm Gà. Đến nhà thì đã gần 12 giờ trưa, Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc quyết định đầu hàng vô điều kiện và gia đình anh đang liên hoan.

Sốt ruột quá tôi trở về trường. Sân trường vắng lặng chỉ có bộ đội tiếp quản và mấy sinh viên làm nhiệm vụ bảo vệ.

Tôi chạy xe thẳng vào thì bị gọi giật lại: “Ông gì đó ơi, đi đâu?”. Tôi quay lại thì nhận ra cô Phụng, người Phú Yên, học năm nhất Ban Văn chương, đã từng hoạt động chung.

Cô cũng kịp nhận ra tôi nên bảo: “Đây là Ban Văn nghệ, ông ngồi đây xem có anh em nào đăng ký thì ghi tên”.

Lát sau, Phụng đem ra cho tôi cái áo bà ba đen và cái băng tay đỏ. Phụng còn bảo “Ông đi về hớt tóc đi, ông ơi!”. Lúc bấy giờ tóc tôi còn dài hơn bây giờ nữa! Tự nhiên, tôi trở thành thành viên đầu tiên của Ban Văn nghệ trường Đại học Văn Khoa và đi mãi trên con đường ấy. Thật là một kỷ niệm khó quên...

Vài ngày sau anh Từ Huy xuất hiện, anh được phân công làm Trưởng ban (do tuổi tác lớn hơn và hoạt động lâu hơn). Anh giao cho tôi và 3 anh khác thành lập và làm Trưởng ban 4 ca đoàn là: Trường Sơn, Hồng Hà, Sông Lô và Cửu Long. Mỗi ca đoàn quân số có đến 80-100 người nên rất mạnh.

Tháng 7/1975, theo sự đề nghị của anh Từ Huy, tôi được phân công làm Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích trực thuộc Đoàn ủy Trung - Đại học trọng điểm Thành Đoàn. Từ đó, cuộc đời tôi rẽ qua một hướng khác, chập chững bước vào hoạt đông âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện:

“Ngày 30/4 là một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi...”

Với tôi ngày 30/4/1975 là một bước ngoặt quan trọng để tôi trở lại với âm nhạc - một lĩnh vực mà tôi rất yêu thích, nhưng cứ tưởng đã phải từ bỏ khi thi đậu vào trường Y.

Khi tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp bác sĩ thì thống nhất đất nước. Tôi lại được dịp sinh hoạt văn nghệ sôi nổi với bạn bè ở các trường Đại học khác nhau tại TP.HCM và gặp gỡ các bạn cùng sở thích như Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên... và các nhạc sĩ đàn anh Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh... Để rồi sau này, ngoài tấm bằng bác sĩ, tôi còn thi vào Nhạc viện TP.HCM học chuyên ngành sáng tác với sự khuyến khích của thầy Thế Bảo.

nhacsinguyenngocthien

Sau này, được sinh hoạt với các nhạc sĩ nổi tiếng trong nhóm “Những người bạn” là một vinh hạnh cho tôi vô cùng, vì đã có dịp học tập được nhiều kinh nghiệm thực tế để sáng tác một bài hát. Nhớ quá những lần cùng nhau đi hát ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang...

Thời gian đó các nhạc sĩ trong nhóm “Những người bạn” cũng đã cho ra đời nhiều bài hát thật hay, đáp ứng được thị hiếu âm nhạc của công chúng cả nước. Tôi nhớ những ca khúc này thường được hát “ra mắt” ở quán Nhạc sĩ tại số 7 Nguyễn Văn Chiêm (Q.1-TP.HCM).

Với tôi nếu so với Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên hay Vũ Hoàng, tôi là người viết chậm nhất. Bài đầu tiên của tôi viết vào tháng 8/1975 là một bài hát sinh hoạt tập thể cho các bạn sinh viên Y - Dược hát. Mãi đến năm 1977 tôi mới viết “Ơi! Cuộc sống mến thương”, rồi năm 1979 mới hoàn thành xong ca khúc “Ngọn lửa trái tim”, 1982 là ca khúc “Người Mẹ”, 1984 là ca khúc “Như khúc tình ca” và cũng là năm tôi thi đậu vào Đại học Sáng tác của Nhạc viện TP.HCM.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương: 

“Đi lên từ niềm đam mê của anh học trò tỉnh lẻ...”

Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), trong một gia đình có sáu người con, không ai làm nghệ thuật. Cha tôi là nhân viên y tế của Bệnh xá Nghĩa Hành qua hai thời kỳ: trước và sau 1975. Mẹ là người dân quê chân chất, cả một đời lam lũ, chỉ biết mỗi ngày gánh đôi nừng đi qua vài cái chợ nhỏ trong huyện để mưu sinh, nuôi đàn con nhỏ... Không hiểu sao, cái máu âm nhạc nhiễm trong tôi từ lúc nào mà ngay từ những ngày còn học lớp năm lớp sáu tôi đã mê đàn hát. 

NS Phạm Đăng Khương

Học xong lớp 12, tôi thi đậu vào khoa Toán, Đại học Sư phạm TP.HCM (1976). Bất ngờ nơi đây, mình được tham gia vào đội văn nghệ của trường, và đó cũng là nhịp cầu đến với CLB Sáng Tác Trẻ Thành Đoàn.

Từ đây tôi được gặp gỡ và làm quen với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, và cũng từ đó nhiều ca khúc ra đời và được giới thiệu trên sóng phát thanh, trên truyền hình cũng như báo chí của thành phố và cả nước.

Hai bài hát viết từ thời sinh viên như “Bài ca cô giáo trẻ”, “Vầng trăng cổ tích” (thơ Đỗ Trung Quân)... Cũng từ đó tôi được kết nạp vào Hội Âm nhạc TP.HCM từ ngày mới thành lập, coi như hội viên sáng lập, lúc đó (1981) chỉ có 70 hội viên. 

Con đường âm nhạc đi lên bao nhiêu thì con đường học vấn đi xuống bấy nhiêu! Đơn giản cũng chỉ vì quá mê âm nhạc nên tôi không còn dành thời gian cho việc học Toán, thế nên nên khi rời khỏi Đại học Sư phạm tôi lại phải mất thêm 5 năm ngồi ở bậc Đại học Nhạc viện.

Có lẽ những năm tháng làm việc ở Nhà Nghệ thuật Quần chúng thuộc Sở VHTT - TP.HCM là giai đoạn tôi được tiếp cận với phong trào văn nghệ cả nước, được đi đây đó khắp nơi, cũng từ đó nhiều ca khúc ra đời, vang mãi tới ngày nay: “Như cơn gió vô tình”, “Con đường đến trường”, “Khung trời mơ ước”...

Như cơn gió vô tình” (1985), được viết tại thị trấn Núi Sập (An Giang) trong một lần đi thực tế với Nhạc viện TP.HCM. Và ca khúc “Con đường đến trường” (1984), là kỷ niệm của một lần về thăm lại Đại học Sư phạm, với những kỷ niệm trường lớp, thầy cô bạn bè ngày xưa hiện về. Không ngờ sức lan tỏa của bài hát đã vượt không gian thời gian và vang mãi đến tận ngày nay...

NSƯT – Đạo diễn Lê Cung Bắc:

"Bừng con mắt dậy"...

Tôi nghĩ ngày 30/4/1975 vẫn là một bất ngờ lớn về mặt tâm trạng đối với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau… Chắc chắn không một người miền Nam nào mà không có một trạng thái tâm lý đặc biệt trong ngày lịch sử này. Tất cả phải giật mình. Tất cả phải bừng con mắt dậy… Với tôi, đó là ấn tượng sâu sắc nhất của cột mốc 30/4/1975.

Đạo diễn Lê Cung Bắc

Trước 1975, tôi là sinh viên cao học trường CTKD (Science Economy Politic) ở Sài Gòn. Ngoài việc học, tôi còn tham gia vào các lĩnh vực như báo chí với tư cách là phóng viên và hoạt đông sân khấu truyền hình với vai trò diễn viên, đạo diễn.

Buổi trưa ngày 1/5/1975, tôi và nghệ sĩ Tâm Phan (diễn viên điện ảnh) cùng ngồi uống rượu với kịch sĩ Vũ Đức Duy trong khuôn viên Đài Truyền hình Sài Gòn đã được tiếp quản… Và nhắc nhở về những nghệ sĩ đã từng cộng tác với nhau, không biết giờ này họ ở đâu và làm gì… Hình như lúc đó tôi không biết tôi là ai, đang ở đâu và phải làm gì trước một biến cố quá trọng đại của đất nước mà tôi chỉ là một công dân miền Nam rất bình thường.

Khoảng một tháng sau đó, tôi vẫn sống bình lặng và tuân thủ những quy định mới của Ủy ban Quân Quản Sài Gòn như bao người khác. Tôi làm mọi việc như một cái máy, không lo âu, không mong chờ… Tôi vô định như ngọn sóng xa bờ. Nhưng, một điều quan trọng đã khiến tôi thay đổi tâm thức của mình, thay đổi cái nhìn về cuộc sống và tương lai. Đó là khi mẹ tôi nhận được tin ba người anh của tôi đi tập kết ra Bắc từ năm 1954, hai người đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, chỉ còn người anh kế tôi sống sót nhưng chưa được vào miền Nam.

Sau khi đưa mẹ tôi về quê (Quảng Trị), tôi bắt đầu một cuộc sống mới… Và tôi đã chọn điện ảnh là con đường sống chuyên nghiệp khác với trước 1975, tôi hoạt động với tính cách nghiệp dư (mặc dù cũng khá nổi tiếng trên lĩnh vực sân khấu và truyền hình)...

Sau hơn 45 năm hoạt động văn nghệ, tôi đã có rất nhiều bạn bè khắp Bắc Trung Nam, họ là những người đã đồng hành và chia sẻ với tôi rất nhiều trên con đường nghệ thuật.

Khi đã chọn một con đường duy nhất để dấn thân hay nói một cách nào đó là lập ngôn thì tôi đã cống hiến bằng tất cả đam mê của mình. Trên bước đường nghệ thuật, tôi nhận được rất nhiều may mắn và cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tới cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã đóng hơn 200 bộ phim điện ảnh, truyền hình và từ khi chuyển sang công tác đạo diễn, tính đến nay tôi đã làm 50 bộ phim truyền hình và điện ảnh.

Năm 2001, tôi được Nhà nước phong tặng NSƯT. Tôi nghĩ đó không phải là một vinh dự cho riêng tôi mà cho tất cả những người đã làm việc cùng tôi để mang lại những tác phẩm đẹp cho đời... Với tôi, tất cả những vinh danh xưng tụng chỉ là những điểm xuyết cho cuộc đời thêm vui và chỉ có sự tri ân, lòng thành tâm và cống hiến mới là cốt lõi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên:

“Không khí của những ngày tuổi trẻ...”

Từ ngày lịch sử 30/4/1975, tôi được bầu vào Ban chấp hành đại diện sinh viên trường, phụ trách văn hóa văn nghệ. Tôi đã liên lạc với Đoàn ủy Trung - Đại học trọng điểm Sài Gòn – Gia định nhận các tài liệu và 10 ca khúc cách mạng về tập hát cho các bạn sinh viên. Chỉ vài ngày là mọi người đều thuộc và yêu cầu tôi viết những bài mới để sinh hoạt. Chính vì thế tôi bắt đầu đi vào con đường sáng tác.

Tôi nhớ bài đầu tiên tôi phổ khi đọc bài thơ của Trần Mạnh Hảo đăng trên báo SGGP ngày 2/5/1975 có tên: “Chưa bao giờ Sài Gòn đẹp như hôm nay”, sau đó là phổ bài “Thả diều” của Trần Đăng Khoa…

NS Nguyễn Văn Hiên

Cũng từ ngày lịch sử ấy tôi được gặp anh Tám Ngọc, bí danh của anh Trần Văn Ánh, sau này là Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa. Anh là cán bộ của Bộ TT-VH (lúc bấy giờ Bộ trưởng là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Anh Ánh đã đến các trường gặp các sinh viên sáng tác nhạc, tổ chức họp mặt để thành lập một nhóm sáng tác ca khúc cho phong trào SVHS cũng như cho thanh niên nói chung. Thế là Nhóm Sáng tác Âm nhạc Quần chúng ra đời, là tiền thân của CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn TP.HCM sau này.

Không khí của những ngày tuổi trẻ lao vào các hoạt động xã hội hòa với không gian âm nhạc cách mạng đầy khí thế đã tác động rất nhiều tới những ca khúc của tôi nhất là việc vận dụng các làn điệu dân ca khi biểu hiện nội dung tác phẩm bên cạnh sử dụng nhịp điệu, tiết tấu của một thành phố công nghiệp mà cái chất “nhạc trẻ”  vốn đã “ăn sâu” vào máu của chúng tôi!

Nhạc sĩ Lã Văn Cường: 

“Nghĩ cho cùng đó là nghiệp, là duyên nợ…”

Sáng 30/4/1975 tôi vẫn đạp xe đến trường ở quận 1. Không khí trường vắng lặng, tôi ra đường Hồng Thập Tự xem đoàn quân Giải phóng đang tiến vào Dinh Độc Lập. Tối, một người bạn ở Bình Dương đến nhà trọ thăm tôi ở Bàn Cờ. Bạn mời tôi tham gia vào khối SVHS Giải phóng Sài Gòn - Gia Định và bắt đầu làm việc từ ngày 1/5/1975 ở số 185 Hai Bà Trưng - Q.1, với nhiệm vụ là đến các trường tập hát cho SVHS các bài hát phong trào, nhạc cách mạng, nhạc Nga...

IMG_3600

Sau đó tôi tham gia lực lượng TNXP đợt đầu tiên đóng quân ở khu kinh tế mới xã Tà Lài (Đồng Nai), rồi lần lượt qua Tha La, Suối Dây (Tây Ninh), Lai Uyên (Sông Bé), về Cần Giờ (huyện Duyên Hải), lên Đắk Nông, Trị An,  Xuân Lộc... mãi đến năm 1989 tôi mới trở về TP.HCM. 

Tôi yêu âm nhạc từ bé dù sinh trưởng trong một gia đình buôn bán. Từ năm học lớp 10, tôi đã có những sáng tác đầu tư như: “Vắng em giấc mơ về”,  “Hoa tình yêu”... 

Khi vào TNXP, mỗi khi chiều về, chúng tôi đốt lửa trại, ca hát giữa rừng với những bài ca cách mạng nhưng tôi thấy không gần gũi với cuộc sống của chúng tôi lắm. Thế rồi tôi lại cầm bút, đốt lửa và viết những bản nhạc đầu tiên về TNXP là “Trên đường đời” và “Giữ mãi màu xanh” (1976, thơ Nam Thiên), sau đó phổ bài “Nụ cười Duyên Hải” (thơ Đỗ Trung Quân), “Về biển” (thơ Bùi Chí Vinh) năm 1978. Đến năm 1989 tôi chuyển ngành, ra quân sau khi viết khoảng 30 bài hát về đề tài TNXP. 

Từ năm 1992, tôi chuyển hẳn qua sáng tác ca khúc, sống và làm việc cùng âm nhạc cho đến nay. Nghĩ cho cùng đó là nghiệp, là duyên nợ…

NSƯT - Nhạc sĩ Thế Hiển: 

“Bảo vệ và xây dựng đất nước là cảm xúc sáng tác của tôi”

30/04/1975 tôi vừa tròn 20 tuổi, lúc ấy tôi đang học năm thứ nhất Đại học Luật khoa Sài Gòn. Một chàng trai mới lớn đón nhận công cuộc Giải phóng miền Nam thật bỡ ngỡ và không ít hoang mang. Thay đổi một thể chế chính trị cũng là thay đổi tất cả những gì bình thường sang những điều lạ lẫm, tôi cảm thấy mông lung vì chưa thấy gì là vững chắc.

Thế Hiển 1

Gia đình tôi gồm các anh em trai là một ban nhạc, được phường 9 (Q. Phú Nhuận - TP.HCM) mời tham gia sinh hoạt thanh niên của phường. Chúng tôi tham gia rất sôi nổi với phương hướng và nhiệm vụ thanh niên thời ấy, hòa mình vào nhiệm vụ đổi mới xã hội sau công cuộc thống nhất đất nước và xây dựng lại cuộc sống mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Việc học Luật của tôi bị ngưng từ năm 1, bởi thời ấy chúng tôi học Luật Tư bản. Các sinh viên Luật được động viên để chọn Sư phạm hoặc Văn khoa. Gia đình tôi lúc bấy giờ đông anh em và kinh tế gia đình cũng thuộc diện khó khăn. Tôi công tác văn hóa cho phường và chỉ lãnh định suất bằng 12kg gạo mỗi tháng, dù sao, đó cũng là bước khởi đầu của một chàng trai vừa chớm 20 tuổi bỡ ngỡ đi vào cuộc đời.

Năm 1976, tôi thi đỗ vào lớp Trung cấp Thanh nhạc của Đoàn Bông Sen, được đi biểu diễn khắp nơi trong nước, cũng như biểu diễn tại Liên Xô, CHLB Đức và Cu Ba…

Trong đó, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam đã cho tôi nhiều nghĩ suy về thế hệ thanh niên tình nguyện lên đường bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Tiếp đó là lực lượng TNXP lên rừng xuống biển, khai hoang xây dựng những nông trường, lâm trường… với lý tưởng xây dựng Tổ quốc.

Và lớp thanh niên nam nữ trên Thủy điện Hòa Bình phía bắc, cũng như lớp thanh niên trên Thủy điện Trị An phía Nam cũng hòa mình vào công cuộc xây dựng thủy điện để điện khí hóa nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nông nghiệp nông thôn.

Công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp đã là nguồn cảm xúc sáng tác trong phần lớn tác phẩm của tôi.

Hà Đình Nguyên (Ghi)

Tin khác

Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

Ra mắt sách “Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”

(CLO) Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, sáng nay 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách Con đường Văn sĩ - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

Khai mạc Hội thi Đờn ca Tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III

(CLO) Đờn ca tài tử là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ và Long An là một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam Bộ.

Đời sống văn hóa
Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa