Số phận nghiệt ngã của những phóng viên chiến trường thời nay

Thứ sáu, 03/04/2015 06:40 AM - 0 Trả lời

Số phận nghiệt ngã của những phóng viên chiến trường thời nay

(NB&CL) - Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có tới 30 nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại các điểm nóng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều chua chát là ngoài việc tính mạng không được bảo đảm, thậm chí bị giết hại một cách dã man như sự vụ hai nhà báo Mỹ bị các chiến binh Hồi giáo chặt đầu vừa qua, mới chỉ là một phần trong cái sự nghiệt ngã của nghiệp phóng viên chiến trường hiện nay.
 
Báo Công luận 
Nhiều hiểm hoạ
Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ), trong 20 năm qua đã có gần 1.000 nhà báo trên thế giới bị giết hại, trong đó phần nhiều là các phóng viên chiến trường. Cụ thể, từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Iraq do Mỹ khởi xướng năm 2003 đến 2007, đã có hơn 250 nhà báo khắp nơi trên thế giới thiệt mạng tại đất nước này. Điều chua xót là con số thương vong của các nhà báo chiến trường không ngừng gia tăng theo từng năm. Năm 2011, 46 nhà báo thiệt mạng. Năm 2012 có 71 nhà báo trên thế giới hy sinh khi đang tác nghiệp, trong số này có 26 nhà báo chết giữa các trận chiến. Năm 2013 con số này “vọt” lên tới 108. Còn năm 2014, tính tới thời điểm này, đã có tới 30 nhà báo chiến trường bị thiệt mạng.
 
CPJ ghi nhận công việc của phóng viên chiến trường ngày nay nguy hiểm hơn xưa. Họ ngày càng phải đối mặt với quá nhiều hiểm hoạ khác nhau chứ không đơn thuần là mũi tên hòn đạn nơi chiến trường. Chuyện hai nhà báo Mỹ James Foley, Steven Sotloff bị lực lượng phiến quân Hồi giáo bắt cóc làm con tin để đòi tiền chuộc, rồi lại bị chúng xuống tay giết hại dã man khi chúng không đạt được mục đích là ví dụ. David Rohde, một nhà báo của hãng tin Reuters viết: “Ngày nay, bị bắt cóc ở Syria là hiểm họa lớn nhất với các nhà báo, khốc liệt hơn ở Iraq những năm 2000 hay Lebanon những năm 1980”. “Bạn không còn có thể dựa vào mác phóng viên để được an toàn nữa. Rất nhiều người trở thành mục tiêu tấn công chỉ đơn giản vì họ là nhà báo”- một chuyên gia truyền thông khẳng định.
 
Bị bỏ mặc số phận
Ngoài việc phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ hơn, các phóng viên chiến trường thời nay, nếu so sánh với phóng viên chiến trường trong chiến tranh thế giới thứ 2 hay trong chiến tranh Việt Nam, có phần… thiệt thòi hơn. Xưa kia, phóng viên chiến trường là danh vị… oai hơn, được trọng vọng nhiều hơn. Họ ra chiến trường tác nghiệp trên cương vị “tháp tùng” đội quân chiến trận và trên hết là được bảo vệ “tận răng”. Thậm chí trong hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, các phóng viên còn được xếp biên chế vào các đơn vị quân đội.
 
Nhưng giờ đây, khi tới tác nghiệp tại các vùng đang xảy ra xung đột, phóng viên chiến trường chỉ có thể hành nghề một mình. Thậm chí khi tới tác nghiệp tại Syria- “vùng đất chết” của nhiều nhà báo thời nay- khi chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại nước mình (họ chỉ cấp visa cho nhà báo trong những trường hợp đặc biệt và chỉ cho phép các phóng viên nước ngoài đi theo các tour do nhà cầm quyền hướng dẫn) thì vị thế của các nhà báo chiến trường thay đổi này, họ trở thành những người làm việc “không chính thống”, “ăn theo”, thường phải bám theo phía quân nổi dậy. Chính vì vậy họ dễ gặp nhiều hiểm nguy hơn, sống và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn hơn.
 
Bị các toà soạn “bỏ rơi”
Chưa hết, nói về số phận của những phóng viên chiến trường thời nay phải dùng thêm cụm từ “những thân phận bị bỏ rơi”. Theo nhận định của kênh truyền hình Mỹ CNN, ngày nay các nhà báo chiến trường như Foley thường làm việc theo đúng kiểu “nhà báo chiến trường tự do”, tác nghiệp hoàn toàn đơn độc mà không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những cơ quan báo chí lớn. Không những thế, nhiều cơ quan truyền thông lớn còn mạnh tay loại bỏ nhân sự là các phóng viên chiến trường chuyên nghiệp, thu hẹp quy mô bản tin chiến sự. Thế nào đó, khi có tin tức chiến sự, xung đột nóng nổi, là các “phóng viên tự do” thực sự- không cần lương, không cần trách nhiệm.
 
Sự ghẻ lạnh này được lý giải bởi một lý do: khó khăn tài chính của các cơ quan truyền thông. Theo Guardian, điều kiện tài chính để “nuôi sống” một phóng viên chiến trường chuyên nghiệp phải là rất cao: trang thiết bị tác nghiệp tối tân, chi phí đi lại, đặc biệt là những khoản chi bảo hiểm y tế khổng lồ và nhiều phúc lợi khác. Không chỉ có vậy, các hãng tin có phóng viên chiến trường còn phải chi tiết tổ chức các khoá đào tạo cho phóng viên tác nghiệp trong môi trường chiến tranh ngoài ra còn là việc đánh giá rủi ro, huấn luyện sinh tồn, lên trước kế hoạch giải cứu để đảm bảo an toàn cho các phóng viên. Chi phí cho một khóa huấn luyện ban đầu thường là 2.500 USD trong 5 ngày, Frank Smyth - nhà sáng lập kiêm CEO công ty an ninh Global Journalist Security cho biết trên Reuters. Nhưng nếu phóng viên bị bắt hay giam giữ, tổng chi phí để đảm bảo an toàn cho họ sẽ lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi năm, bao gồm cả tiền trả cho cố vấn an ninh. Nếu phải trả tiền chuộc, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Robert Mahoney - Phó giám đốc Ủy ban Bảo vệ Phóng viên (CPJ), cho biết kể cả các hãng tin lớn còn cảm thấy khó khăn với khoản tiền này nếu phóng viên của họ mất tích tại chiến trường. “Nếu là hãng tin nhỏ, việc này không khác nào bị sóng thần quét qua”, ông nói. Chính vì cái sự tốn kém này mà rất nhiều hãng tin đã tận dụng sự nhiệt tình của các phóng viên trẻ để cử họ đến vùng chiến sự mà không tốn kém. "Họ muốn có tin bài nhưng không muốn trả tiền. Mô hình hoạt động của mảng tin quốc tế là dựa vào các phóng viên tự do muốn đăng bài đến mức sẵn sàng tự trả mọi chi phí".
 
Nỗi ám ảnh và đồng lương bèo bọt
Vừa đối mặt với tình cảnh tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, phóng viên chiến trường còn thường xuyên phải chứng kiến những cảnh tượng rùng rợn, phải trải qua những năm tháng khổ đau tột cùng nếu bị bắt hoặc bị bắt cóc, bị giam hãm bởi các thế lực khác nhau trong các cuộc chiến tranh. Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Italia từng bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria cho biết, cô đến căn cứ của lực lượng nổi dậy ở Aleppo và điều ám ảnh cô nhất chính là việc các thành viên của lực lượng nổi dậy, theo lời kể của Francesca Borri, sẵn sàng sát hại đứa bé chưa đầy 1 tuổi nếu bố mẹ chúng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad hoặc cưỡng hiếp phụ nữ, không phân biệt già hay trẻ. Một phóng viên ảnh người Mỹ khác thì băn khoăn: Dường như chiến tranh đã làm cho con người ta dần mất đi nhân tính.
 
Báo Công luận 
 
Chua chát và nghiệt ngã hơn nữa với các phóng viên chiến trường thời nay là, dù những ám ảnh nghề nghiệp là thế, dù phải đối diện với nhiều hiểm nguy hơn, ít chế độ đãi ngộ hơn, thì những đồng lương, đổi lại cho những bài báo, bức ảnh mà đôi khi họ phải trả bằng máu mới có được là những đồng nhuận bút, đồng lương rất bèo bọt. Một nhà báo từng tác nghiệp tại chiến trường Syria chua chát kể: Tác nghiệp ở Syria vô cùng khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/ đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là nếu bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa. Nhưng rốt cuộc, cuối cùng được cái gì: một bài viết với mức nhuận bút “bèo” 70 USD.
  • Nguyễn Thư 

Tin khác

Bão mặt trời mạnh bất thường sắp tấn công Trái đất

Bão mặt trời mạnh bất thường sắp tấn công Trái đất

(CLO) Cuối tuần này, một cơn bão mặt trời mạnh bất thường sẽ tấn công Trái đất và tạo ra cực quang ở Bắc Mỹ, có nguy cơ làm gián đoạn nguồn điện và thông tin liên lạc.

Thế giới 24h
Hội nghị hòa bình Ukraine đưa Thụy Sĩ đến gần với phương Tây

Hội nghị hòa bình Ukraine đưa Thụy Sĩ đến gần với phương Tây

(CLO) Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp tới cho thấy các lợi ích kinh tế và an ninh của một Thụy Sĩ trung lập đang ngày càng phù hợp với Tây Âu hơn là Nga.

Thế giới 24h
Người biểu tình Israel đốt trụ sở cơ quan của Liên hợp quốc ở Jerusalem

Người biểu tình Israel đốt trụ sở cơ quan của Liên hợp quốc ở Jerusalem

(CLO) Cơ quan viện trợ chính của Liên hợp quốc dành cho người Palestine đã đóng cửa trụ sở ở Đông Jerusalem sau khi cư dân Israel địa phương đốt cháy các khu vực ở rìa khu nhà rộng lớn.

Thế giới 24h
Giao tranh ác liệt ở Rafah, viện trợ bị cắt và 110.000 dân thường phải chạy trốn

Giao tranh ác liệt ở Rafah, viện trợ bị cắt và 110.000 dân thường phải chạy trốn

(CLO) Giao tranh ác liệt giữa Israel và Hamas ở ngoại ô thành phố Rafah đã khiến các cửa khẩu viện trợ bị tê liệt, buộc hơn 110.000 dân thường phải chạy trốn về phía bắc Gaza, theo các quan chức Liên hợp quốc cho biết vào 10/5.

Thế giới 24h
Tai nạn tàu hỏa ở thủ đô của Argentina khiến 30 người bị thương

Tai nạn tàu hỏa ở thủ đô của Argentina khiến 30 người bị thương

(CLO) Một đoàn tàu chở khách đã đâm vào một đoàn tàu bảo trì ở Buenos Aires hôm thứ Sáu (10/5).

Thế giới 24h