Sữa Quốc tế Lof (IDP) thành lập công ty con Redpine với vốn góp gần 258 tỷ, đồng thời mở rộng tín dụng gần 700 tỷ đồng
(CLO) Trong bối cảnh chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh, Công ty CP Sữa Quốc tế Lof (HoSE: IDP) vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động với việc góp vốn gần 258 tỷ đồng thành lập công ty con Redpine tại TP.HCM và đăng ký hạn mức tín dụng ngắn – trung dài hạn tổng cộng gần 700 tỷ đồng.
Góp gần 258 tỷ đồng thành lập công ty con Redpine
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế Lof vừa thông qua nghị quyết thành lập công ty con có tên là Công ty Cổ phần Redpine, với vốn điều lệ 258 tỷ đồng. Trong đó, Lof góp gần 257,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 99,8%. Doanh nghiệp mới đặt trụ sở tại lầu 3, số 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Tân Định, TP.HCM.
Tổng Giám đốc Lof – ông Bùi Hoàng Sang – sẽ là người đại diện toàn bộ phần vốn góp tại công ty Redpine. Song song với hoạt động mở rộng pháp nhân, Hội đồng quản trị Lof cũng thông qua việc sử dụng hạn mức tín dụng tại ngân hàng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Cụ thể, hạn mức tín dụng ngắn hạn là 500 tỷ đồng, được phân bổ cho các nhu cầu như phát hành thư tín dụng, bảo lãnh, sử dụng thẻ tín dụng. Trong đó, riêng Chi nhánh Sữa Quốc tế Lof – Nhà máy Lof Bình Dương sẽ được sử dụng hạn mức 200 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Thời hạn duy trì hạn mức là 12 tháng, đảm bảo bằng tiền thuộc sở hữu của công ty tại Vietcombank hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đăng ký thêm hạn mức tín dụng trung dài hạn 110 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị dây chuyền chiết rót công nghệ Aseptic và hệ thống bồn chứa vô trùng phục vụ nhà máy Bình Dương. Thời gian vay tối đa 84 tháng và được đảm bảo bằng chính các tài sản hình thành trong tương lai.
Lợi nhuận lao dốc bất chấp doanh thu tăng, chi phí tài chính tăng 159%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, doanh thu thuần của Lof đạt gần 1.831,7 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng 17,5%, đạt gần 43,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt 159,4% lên hơn 35,8 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 66,5%, lên gần 511,8 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng đáng kể từ 47,1 tỷ đồng lên hơn 79 tỷ đồng. Các áp lực chi phí đã khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của Lof giảm mạnh 52,2% so với cùng kỳ, còn gần 107 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Lof đạt hơn 7.273 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn ghi nhận hơn 1.396 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng tài sản; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ở mức gần 1.409 tỷ đồng, chiếm 19,4%.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là gần 4.053 tỷ đồng, tăng 15,1% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ở mức 2.551 tỷ đồng, chiếm tới 62,9% tổng nợ. Diễn biến này cho thấy doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư mở rộng, bất chấp áp lực chi phí và tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.