Sức mạnh toàn dân làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám

Thứ sáu, 28/08/2015 14:18 PM - 0 Trả lời

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm cách mạng, khoa học của Học thuyết Mác-Lê-nin về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử và liên minh công nông-nguyên tắc chiến lược của cách mạng vô sản, ngay từ rất sớm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm đúng đắn về vai trò, sức mạnh của quần chúng..

CLO - Thấm nhuần sâu sắc quan điểm cách mạng, khoa học của Học thuyết Mác-Lê-nin về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử và liên minh công nông-nguyên tắc chiến lược của cách mạng vô sản, ngay từ rất sớm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm đúng đắn về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân và khối liên minh công nông trong cách mạng. Năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một, hai người. Người chỉ rõ: “Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được”. Nguyễn Ái Quốc còn khẳng định: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”. Đồng thời, Người còn chỉ rõ: "Công, nông là gốc cách mạng, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn của cách mạng".

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng chủ trương phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày nghèo và phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông để làm cách mạng tư sản dân quyền. Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, ngày 18-11-1930, Thường vụ Trung ương Đảng chỉ rõ: “Nếu không tổ chức được lực lượng thật rộng, thật kín thì cách mạng cũng khó thành công”.

[caption id="attachment_38547" align="aligncenter" width="500"]cmt8 Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Ảnh tư liệu Internet)[/caption]

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò của quần chúng nhân dân và khối liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân trong cách mạng vô sản, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, củng cố khối liên minh công, nông và dựa trên nền tảng đó ngày càng mở rộng lực lượng ra toàn dân tộc. Ngay từ những năm đầu tiên của quá trình đấu tranh giành chính quyền, trong cao trào cách mạng 1930-1931, đã xác lập được khối liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Đây là động lực chính của cách mạng, là nòng cốt để xây dựng, mở rộng lực lượng toàn dân tộc. Tiếp đó, trong cao trào cách mạng dân chủ những năm 1936-1939, lần đầu tiên trên thực tế ta đã xây dựng được mặt trận rộng rãi tập hợp được lực lượng chính trị to lớn. Thời kỳ này, một mặt ta tiếp tục củng cố toàn diện khối liên minh công, nông, mặt khác chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng thông qua nhiều hình thức tổ chức. Qua đó vận động, lôi kéo và tập dượt lực lượng quần chúng rộng lớn gồm cả tư sản, tiểu tư sản, các đảng phái cải lương ít, nhiều có tiến bộ để tập trung chống bọn phản động thuộc địa, chống chiến tranh, đòi dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình hướng tới mục tiêu giành chính quyền.

Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945), khi xuất hiện tình thế cách mạng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu. Đặc biệt, trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng nhấn mạnh, khởi nghĩa là công việc của toàn dân không chỉ riêng Việt Minh. Vào thời điểm cần tập trung lực lượng đông đảo, to lớn nhất cho khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiếp tục củng cố khối liên minh công, nông cả về chính trị, quân sự và kinh tế, vừa tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh). Thực hiện chủ trương kết hợp nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến, nhưng hướng chỉ đạo chiến lược tập trung cho nhiệm vụ chủ yếu, hàng đầu lúc này là chống đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc nên đã tạo ra khả năng vừa tập hợp được đông đảo nông dân, củng cố lòng tin của giai cấp nông dân đối với giai cấp công nhân, vừa lôi kéo được mọi lực lượng của dân tộc bao gồm tất cả những người có tinh thần chống đế quốc trong các giai cấp tư sản, địa chủ... Mở rộng mặt trận tập hợp những lực lượng yêu nước thông qua các tổ chức Công hội cứu quốc, Nông hội cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc...

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, thời cơ cho khởi nghĩa từng phần xuất hiện. Trên cơ sở xây dựng lực lượng toàn dân với nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, Đảng đã động viên, tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là sự nổi dậy đồng loạt của nhân dân cả nước từ miền Bắc lan tới miền Trung và miền Nam; từ miền núi lan tới đồng bằng, từ khắp các vùng nông thôn và vùng đô thị với sức mạnh của hơn 20 triệu người Việt Nam. Đó là sức mạnh nổi dậy không chỉ của lớp người cách mạng tiên tiến, tích cực mà còn bao gồm cả các tầng lớp đồng minh tạm thời, của cả những người mà từ trước đến nay ít tham gia vào đời sống chính trị. Khởi nghĩa giành chính quyền đã lan rộng và nhanh chóng thành công ở các trung tâm lớn như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn bởi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động được mọi tầng lớp, mọi lực lượng tán thành mục tiêu độc lập dân tộc. Khởi nghĩa giành chính quyền đã nhanh chóng giành thắng lợi tại thủ đô Hà Nội vào ngày 19-8-1945, chính là nhờ sức mạnh áp đảo của hơn 60 vạn đồng bào ở cả nội và ngoại thành cùng một số huyện thuộc tỉnh Hà Đông (cũ), Bắc Ninh, bao gồm công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, học sinh, sinh viên, công chức trí thức... tham gia. Sức mạnh để giành chính quyền thắng lợi ở Huế, ngày 23-8-1945 là sức mạnh nổi dậy của hơn 15 vạn người gồm nhiều tầng lớp, bộ phận tham gia. Ở Sài Gòn, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong ngày 25-8-1945, bởi sức mạnh nổi dậy giành chính quyền của hơn 1 triệu đồng bào gồm công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, công chức và cả binh lính tham gia. Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện nổi bật sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc mới xuất hiện, sau một thời gian dài hàng trăm năm bị phân tán chia rẽ, xói mòn.

Với sức mạnh toàn dân nổi dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta” để giành chính quyền mà nòng cốt là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân đã tạo ra sức mạnh áp đảo, làm tê liệt sự phản kháng của quân đội Nhật và buộc chính quyền phong kiến tay sai phải đầu hàng nhanh chóng trong vòng nửa tháng. Đánh giá về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Trường Chinh viết: “Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

Kế thừa và vận dụng bài học về phát huy sức mạnh toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta tiếp tục chủ trương phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo QĐND

Tin khác

Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, đặt mình vào địa vị người dân để thực hiện giải phóng mặt bằng

Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, đặt mình vào địa vị người dân để thực hiện giải phóng mặt bằng

(CLO) Để triển khai tốt các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác giải phóng mặt bằng.

Tin tức
Hà Nội: Thông qua điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp Thành phố năm 2024

Hà Nội: Thông qua điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp Thành phố năm 2024

(CLO) Ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ mười lăm HĐND thành phố Hà Nội với đa số đại biểu nhất trí tán thành đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp Thành phố năm 2024 và giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 - 2024.

Tin tức
Hà Nội thông qua quy hoạch 5 không gian, 5 vùng đô thị

Hà Nội thông qua quy hoạch 5 không gian, 5 vùng đô thị

(CLO) Sáng 29/3, tại Kỳ họp thứ mười lăm HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.   

Tin tức
Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

(CLO) Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Tin tức
Cần 'vừa làm, vừa hoàn thiện' các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

Cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp

(CLO) Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp năng lượng quốc tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cùng với quá trình triển khai dự án, các bên liên quan cần "vừa làm, vừa hoàn thiện" các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, xác định giá điện, giải pháp xây dựng lưới điện truyền tải...

Tin tức