Tại sao Haiti chìm trong hỗn loạn băng đảng sau vụ ám sát Tổng thống Moise?

Thứ sáu, 17/02/2023 10:07 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hôm 15/2 vừa rồi, nhà chức trách Mỹ đã bắt và truy tố thêm 4 nghi phạm tham gia ám sát cố Tổng thống Haiti, Jovenel Moise. Công lý đang được thực thi để xoa dịu nỗi đau của gia đình ông Moise. Nhưng di sản của vụ ám sát ấy thì vẫn khiến những người dân Haiti lao đao trong khủng hoảng…

Những kẻ chủ mưu vụ ám sát bị bắt giữ

Theo New York Times, các nghi phạm, bao gồm 3 người Mỹ, đã bị nhà chức trách nước này bắt tại Florida và đưa ra truy tố hôm thứ Ba vừa qua vì cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong vụ ám sát cố tổng thống Haiti, Jovenel Moise vào năm 2021.

tai sao haiti chim trong hon loan bang dang sau vu am sat tong thong moise hinh 1

Thủ lĩnh của một trong những băng nhóm vũ trang ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Ảnh: AP

tai sao haiti chim trong hon loan bang dang sau vu am sat tong thong moise hinh 2

Một phụ nữ Haiti thắp nến tưởng niệm cố Tổng thống Jovenel Moise, người bị ám sát năm 2021. Ảnh: L’Express

tai sao haiti chim trong hon loan bang dang sau vu am sat tong thong moise hinh 3

Tổng thống tạm quyền Ariel Henry vẫn chưa tìm được giải pháp chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở Haiti. Ảnh: AP

Những nghi can kể trên gồm có Arcangel Pretel Ortiz, quốc tịch Colombia cư trú tại Miami và 3 công dân Mỹ là Antonio Intriago, Walter Veintemilla và Frederick Bergmann.

Trong đó, Intriago là chủ sở hữu của CTU Security, một công ty có trụ sở tại Florida được cho là đã giúp tuyển dụng những kẻ ám sát. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Ortiz cũng là đại diện “chính” của công ty này.

Veintemilla, trong khi đó, bị buộc tội tài trợ cho hoạt động thông qua công ty của mình, Worldwide Capital Lending Group, nhằm mở rộng hạn mức tín dụng 175.000 USD cho CTU và “bơm” tiền để các sát thủ mua đạn dược.

Nghi phạm thứ tư, Frederick Bergmann, bị buộc tội buôn lậu áo khoác chống đạn để cung cấp cho các cựu quân nhân Colombia, những sát thủ đã thực hiện vụ ám sát ông Moise.

Vào tháng 7/2021, một nhóm biệt kích nói tiếng Tây Ban Nha xông vào tư gia của ông Moise ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti và bắn chết vị tổng thống này. Phu nhân của ông Moise cũng bị thương trong vụ tấn công.

Các công tố viên cho biết vụ sát hại ông Moise đã được 4 nghi phạm Ortiz, Intriago, Veintemilla và Bergmann lên kế hoạch từ Florida. Âm mưu của chúng là lật đổ và loại bỏ vĩnh viễn vị tổng thống này nhằm gặt hái những hợp đồng béo bở dưới chính quyền mới của Haiti.

Bí ẩn chưa lời đáp

Chưa rõ các nghi can kể trên sẽ thừa nhận tội lỗi đến đâu và tiết lộ chi tiết về âm mưu ám sát thế nào? Và lời khai của chúng liệu có thực sự đáng tin? Chừng ấy câu hỏi đặt ra đều xuất phát từ thực tế rằng, cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bí ẩn khó giải thích quanh vụ ám sát cố Tổng thống Moise.

Chẳng hạn, đã xuất hiện tới vài suy đoán khác nhau về kẻ chủ mưu thực sự của vụ việc. Vài ngày sau khi cố Tổng thống Moise bị ám sát, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Haiti Leon Charles đã khẳng định một hượng nghị sỹ Haiti, John Joel Joseph, đóng vai trò chủ chốt trong vụ mưu sát; đồng thời cáo buộc chính trị gia này cung cấp vũ khí, lên kế hoạch cho những cuộc gặp. Hiện, cảnh sát Haiti đã phát lệnh truy nã đối với Joseph.

Nhưng cũng chỉ ít ngày sau đó, cảnh sát Haiti lại xác định có một kẻ chủ mưu chính là mục sư Christian Emmanuel Sanon, sống tại Florida (Mỹ). Ông này được cho là đã trở về Haiti vào thời điểm 1 tháng trước vụ ám sát để lên kế hoạch chi tiết và điều phối hoạt động.

Trong khi đó, Quyền Tổng thống Haiti, ông Ariel Henry cũng bị cáo buộc là kẻ giật giây vụ ám sát dù vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh 71 tuổi này trước đó từng được ông Moise chọn làm thủ tướng nhưng chưa kịp bổ nhiệm. Tháng 9/2021, Trưởng Công tố Haiti, ông Bed-Ford Claude tuyên bố “có đủ cơ sở để truy tố ông Henry ngay lập tức”.

Vụ việc sau đó cũng lắng xuống vì Trưởng công tố Claude không có động thái nào xa hơn lời tuyên bố kể trên. Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Henry thì nhiều lần tuyên bố rằng những cáo buộc nhắm vào ông chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận nhằm giúp những “con cá lớn” thật sự trốn khỏi sự trừng phạt.

Như để bức tranh chính trị của quốc gia vùng Caribbean này thêm phức tạp, đúng vào ngày quốc khánh Haiti (1/1) năm ngoái, Tổng thống tạm quyền Henry cũng bị ám sát hụt. Văn phòng Tổng thống Haiti phát đi thông báo cho hay, "những tên cướp và khủng bố đã nhắm bắn thủ tướng tại một nhà thờ ở thành phố Gonaives”, miền bắc Haiti nhưng ông Henry đã được đội vệ sĩ che chắn và giải thoát kịp thời.

Sự việc xảy ra tại Gonaives có thể xem là điểm nhấn rõ nhất cho thấy, tình hình Haiti rối ren thế nào sau cái chết của ông Moise. Đất nước này vốn có truyền thống bị chia rẽ sâu sắc bởi các phe phái chính trị, bị đè nén dưới các chế độ độc tài và từng chứng kiến rất nhiều vụ đảo chính trong vài thập kỷ qua.

Cố tổng thống Jovenel Moise lên nắm quyền trong bối cảnh Haiti trải qua nhiều năm chìm trong tình trạng băng đảng lộng hành và chia rẽ chính trị. Trước khi bị sát hại, ông đã thực hiện một số bước đi quan trọng nhằm thiết lập lại trật tự, chống lại những kẻ buôn lậu ma túy và vũ khí. Một số quan chức và cả vợ của vị cố tổng thống này đều cho rằng, có thể ông đã bị giết vì nỗ lực ấy.

Cuộc khủng hoảng băng đảng

Cho đến lúc này, Haiti vẫn chưa định ra được ngày tổ chức cuộc Tổng tuyển cử mới. Trong khi Tổng thống tạm quyền Ariel Henry đang kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử thì thượng viện nước này dừng hoạt động do các nghị sĩ đã hết nhiệm kỳ. Các đối thủ của ông Henry hiện đang thúc giục thành lập một chính phủ chuyển tiếp để giải quyết bạo lực băng đảng đang leo thang trên khắp đất nước.

tai sao haiti chim trong hon loan bang dang sau vu am sat tong thong moise hinh 4

Một bà mẹ dắt con đi qua những chiếc lốp bị đốt cháy sau một cuộc bạo loạn đường phố ở Port-au-Prince, Haiti - Ảnh: CNN

Tại thủ đô Port-au-Prince, theo báo cáo của tờ The Guardian, có khoảng gần 200 băng đảng đang hoạt động và chúng nắm quyền kiểm soát tới 2/3 thành phố. Chúng bắt cóc tống tiền, buôn bán ma túy công khai, đe dọa hoạt động của người dân và doanh nghiệp rồi bắn giết lẫn nhau, tạo ra tình trạng bạo loạn vô chính phủ khắp nơi.

Sự hỗn loạn lên đến một tầm cao mới vào cuối tháng 1 vừa qua, khi cảnh sát - tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại các băng đảng - cũng tổ chức một cuộc xuống đường biểu tình. Francisco Occil, phát ngôn viên của Synapoha - một hiệp hội cảnh sát tại Haiti, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy chính quyền không quan tâm đến mạng sống của mình và xuống đường là cách duy nhất để được lắng nghe”.

Trong bức tranh ấy, trẻ em Haiti là những người dễ tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, do tình trạng bạo lực băng đảng leo thang, bất ổn chính trị, kinh tế lao dốc và dịch tả bùng phát ở Haiti, một nửa số trẻ em ở nước này đang phải trông vào viện trợ nhân đạo để sống sót.

“Các cuộc khủng hoảng chồng chéo khiến trẻ em quốc gia này rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ trận động đất năm 2010”, đại diện của UNICEF tại Haiti, Bruno Maes, nói với Guardian. Theo UNICEF, các băng đảng thậm chí còn tấn công cả vào trường học khiến hơn 1/4 cơ sở giáo dục tại Haiti vẫn phải đóng cửa kể từ tháng 10 năm ngoái, trong đó riêng tháng 2 này đã có thêm 30 trường học dừng hoạt động.

“Trẻ em Haiti không chỉ đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm và nước uống trong khi hệ thống y tế xung quanh chúng sụp đổ,” ông Maes cho biết thêm. “Chúng cũng thiếu sự bảo vệ. Một số em gái thậm chí đã bị cưỡng hiếp”.

Đã có những lo ngại rằng sự gián đoạn trong giáo dục sẽ khiến các băng đảng thêm dễ dàng tuyển dụng trẻ em tham gia các hoạt động phi pháp. Ông Maes nói: “Hầu như tất cả trẻ em đều phải chịu đựng sự hiện diện của nhóm vũ trang ở khu vực chúng sống,. Ở miền nam, miền bắc, miền núi và ngoại thành - thực tế là bạo lực và mất an ninh có mặt ở khắp mọi nơi và trẻ em đang phải trả giá rất đắt.”

Bạo lực cũng khiến việc cứu đói và điều trị cho những bệnh nhân, đặc biệt là người mắc bệnh tả, trở nên khó khăn hơn. Nhiều nhóm thiện nguyện quốc tế đã rút lui khỏi Haiti. Tổ chức Médecins Sans Frontières vừa phải đình chỉ mọi hoạt động tại một bệnh viện công ở phía tây Port-au-Prince vào ngày 26/1 sau khi ba người đàn ông đeo mặt nạ xông vào phòng cấp cứu, kéo một bệnh nhân ra ngoài và bắn chết anh ấy.

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Haiti dự kiến sẽ gia tăng khi vẫn chưa có giải pháp chính trị rõ ràng nào được đưa ra. Trong lúc ấy, người dân đất nước này, nhất là trẻ em, chỉ còn cách tiếp tục đương đầu với tất cả những khó khăn và hỗn loạn ấy, trong mòn mỏi.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế