Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Thứ ba, 16/04/2024 11:04 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Hai đối thủ vốn là… đồng minh

Kể từ khi phát động cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7 tháng 10, Israel cũng đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các lực lượng liên kết với Iran ở Lebanon và Syria.

Một cuộc tấn công như vậy diễn ra vào đầu tháng 4 khi tòa nhà sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria bị không kích, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

tai sao iran va israel tu dong minh tro thanh doi thu hinh 1

Tòa nhà lãnh sự quán Iran tại Damascus (Syria) bị san phẳng sau cuộc tấn công hồi tháng 4. Ảnh: DW

Tehran đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công, mặc dù bản thân Israel không bình luận về vụ việc. Ngày 13/4, Iran phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa hành trình tấn công Israel nhằm đáp trả cuộc không kích vào lãnh sự quán ở Damascus. Màn trả đũa này khiến sự thù địch giữa Iran và Israel trở nên sâu sắc hơn nữa. 

Nhưng có một thực tế, mối quan hệ giữa hai nước không phải luôn luôn như vậy. Trái lại, họ còn từng là đồng minh thân thiết cho đến Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Iran là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Israel sau khi nước này được thành lập vào năm 1948. Israel coi Iran là đồng minh chống lại các quốc gia Ả Rập. Trong khi đó, Iran hoan nghênh Israel do Mỹ hậu thuẫn như một đối trọng với các nước Ả Rập trong khu vực.

Khi đó, Israel đã đào tạo các chuyên gia nông nghiệp Iran, cung cấp bí quyết kỹ thuật và giúp xây dựng và huấn luyện các lực lượng vũ trang Iran. Vua Iran khi ấy thậm chí đã trả tiền dầu cho Israel vì nền kinh tế đang phát triển của nước này đang cần nhiên liệu.

Không chỉ có vậy. Iran là quê hương của cộng đồng Do Thái lớn thứ hai bên ngoài Israel. Tuy nhiên, sau Cách mạng Hồi giáo, nhiều người Do Thái đã rời bỏ đất nước này. Nhưng thậm chí ngày nay, hơn 20.000 người Do Thái vẫn sống ở Iran.

Quan hệ Israel - Iran thay đổi từ khi nào?

Sau khi Cách mạng Hồi giáo Iran đưa ông Ayatollah Ruhollah Khomeini và các nhà cách mạng tôn giáo của ông lên nắm quyền, Iran đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận trước đó với Israel.

tai sao iran va israel tu dong minh tro thanh doi thu hinh 2

Trước năm 1979, Iran và Israel từng là đồng minh thân thiết. Ảnh: RTE

Cố Lãnh đạo tối cao Khomeini đã chỉ trích gay gắt việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Dần dần, Iran áp dụng chính sách ngày càng gay gắt đối với Israel với mục đích giành được sự ủng hộ của các quốc gia Ả Rập trong khu vực hoặc ít nhất là công dân của họ.

Chế độ mới của Iran rất mong muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực để trở thành đối trọng với Ả Rập Xê Út, quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu trong thế giới Hồi giáo nhưng lại theo dòng Sunni, khác với dòng Shiite của Iran.

Khi Israel gửi quân vào miền nam Lebanon vào năm 1982 để can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này, ông Khomeini đã phái Vệ binh Cách mạng Iran đến Thủ đô Beirut của Lebanon để hỗ trợ lực lượng dân quân Shiite địa phương. Lực lượng dân quân Hezbollah, phát triển nhờ sự hỗ trợ này, ngày nay được coi là lực lượng liên kết của Iran ở Lebanon.

Nhà lãnh đạo hiện tại của Iran,  ông Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề, vẫn có thái độ đối kháng với Israel như những người tiền nhiệm.

Iran có thể thay đổi lập trường chống Israel?

Không phải tất cả người dân Iran bình thường đều ủng hộ thái độ thù địch của Iran đối với Israel.

Faezeh Hashemi Rafsanjani - con gái của cựu Tổng thống Iran, Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2021: “Iran phải đánh giá lại mối quan hệ của mình với Israel vì lập trường của họ không còn phù hợp với thời đại”.

tai sao iran va israel tu dong minh tro thanh doi thu hinh 3

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Isreal bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Iran hôm 13/4. Ảnh: DW

Faezeh Hashemi Rafsanjani, người từng giữ một ghế trong quốc hội Iran, đã trở thành nhà hoạt động và bị bắt sau khi bà bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình năm 2022.

Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Sadegh Zibakalam, giảng dạy tại Đại học Tehran, cũng đã nhiều lần chỉ trích chính sách của Iran đối với Israel. Zibakalam nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với DW: “Lập trường này đã cô lập đất nước trên trường quốc tế”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ trung thành của Cộng hòa Hồi giáo Iran lại ủng hộ lập trường thù địch của nước này đối với Israel và mong muốn thấy nước này phản đối các cường quốc.

Nhà phân tích Ali Fathollah-Nejad cho biết một số người ủng hộ chính quyền Iran và các thành viên của cái gọi là "Trục kháng chiến" đã tỏ ra khó chịu trước việc Iran trì hoãn tấn công Israel trong bối cảnh Tel Aviv tiến hành cuộc chiến tại Gaza hoặc thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở của Iran.

Thực tế, trước khi Iran tiến hành cuộc tấn công trả đũa với hàng trăm tên lửa hành trình và UAV bắn vào lãnh thổ Israel hôm 13/4, một số người Iran chỉ trích quân đội và giới lãnh đạo vì đã không hành động.

Giám đốc tổ chức tư vấn Trung tâm Trật tự Toàn cầu và Trung Đông có trụ sở tại Berlin giải thích rằng sự thất vọng của những người theo đường lối cứng rắn ngày càng gia tăng do "Iran thiếu uy tín với tư cách là điểm tựa chính cho chính nghĩa của người Palestine và sự do dự của nước này trong việc đối đầu trực tiếp với Israel”.

Và khi đây vẫn là dòng hải lưu chủ đạo trong dư luận Iran, thì viễn cảnh nước này xem xét lại mối quan hệ với Israel và gác bỏ sự thù địch, rất khó xảy ra.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

Hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel đã đánh chặn tên lửa Iran như thế nào?

(CLO) Các quan chức Israel và Mỹ cho biết hầu hết tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4 đều bị đánh chặn, cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đa lớp đáng gờm của hai đối tác đồng minh.

Tiêu điểm Quốc tế