Tại sao người dân Nam bán cầu ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine?

Thứ sáu, 31/03/2023 09:11 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong khi phương Tây chủ yếu ủng hộ Ukraine, cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp chính quyền Kiev chống lại Nga, thì nhiều người ở Nam bán cầu lại có quan điểm khá khác.

Nói đến Nam bán cầu là nói đến một phạm vi địa lý vô cùng rộng lớn. Và thái độ đối với cuộc chiến khốc liệt hiện đang ở tháng thứ 14, vì thế cũng khác nhau đáng kể trên khắp nửa trái đất, từ Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á tới châu Đại Dương.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm chung. Chẳng hạn, các cuộc thăm dò dư luận ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nhiều người mong muốn chiến sự tại Ukraine kết thúc ngay bây giờ - ngay cả khi điều đó có nghĩa là Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ. Dưới đây là những lý do lớn nhất.

tai sao nguoi dan nam ban cau ung ho nga trong cuoc chien o ukraine hinh 1

Cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 14 với thương vong và tổn thất cực lớn cho cả hai bên. Ảnh: AP

 

Tâm lý hoài nghi và tư tưởng chống Mỹ

Paul Rogers, Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Bradford (Vương quốc Anh), cho biết: “Nếu bạn nhìn vào bức tranh toàn cầu, thì sự hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại Nga của Ukraine và phương Tây không hoàn toàn vững chắc. Tâm lý hoài nghi khiến tỷ lệ người đổ lỗi cho cả Nga và phương Tây đôi khi ngang nhau”.

Chẳng hạn, một cuộc khảo sát do công ty tư vấn quốc tế Morning Consult thực đã phát hiện ra rằng người trưởng thành tại Ấn Độ có quan điểm nồng nhiệt về cả Mỹ và Nga nhưng đồng thời coi Trung Quốc và Mỹ là hai mối đe dọa quân sự hàng đầu đối với Ấn Độ - thậm chí trên cả Pakistan.

Các tác giả của báo cáo khảo sát, dựa trên 1000 cuộc phỏng vấn người Ấn Độ, đã lập luận rằng cuộc chiến Ukraine đã tạo ra một làn sóng ủng hộ mới cho việc không liên kết ở Ấn Độ, vì nước này đang cố gắng sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Nga để đối trọng với Trung Quốc.

Từ đó, Morning Consult phát hiện ra rằng nhiều người Ấn Độ đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc chiến đang diễn ra hơn là Nga. “Dù phần lớn người Ấn Độ được hỏi (38%) nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine, thì tỷ lệ kết hợp những người đổ lỗi cho Mỹ (26%) hoặc NATO (18%) vượt quá tỷ lệ đổ lỗi cho Nga”, báo cáo của Morning Consult viết.

Trong khi đó ở Trung Đông, các can thiệp quân sự trong quá khứ của Mỹ và các đồng minh đã tạo ra tâm lý hoài nghi đối với các hành động của phương Tây ở Ukraine. Chỉ có điều, thay vì chuyển thành sự ủng hộ dành cho Nga, cuộc chiến được coi là “thảm họa được tạo ra từ cả hai phía”.

Paul Rogers của đại học Bradford giải thích với Euronews: “Nó không chỉ đơn giản là vấn đề người tốt và kẻ xấu... Có những câu hỏi rằng cuộc tấn công của Nga nhằm vào lãnh thổ Ukraine có khác với những gì các nước phương Tây đã làm ở Trung Đông hay không?”.

Hơn 929.000 người đã thiệt mạng tại các khu vực chiến tranh sau ngày 11/9/2001 trên khắp Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác, những nơi mà quân đội phương Tây đã đóng một vai trò và có sự hiện diện hết sức quan trọng trong các cuộc chiến.

Ký ức về chủ nghĩa thực dân

Sâu xa hơn, các vấn đề lịch sử cũng tác động đến cách người dân ở Nam bán cầu nhìn nhận cuộc chiến Ukraine ở những nơi khác. Giáo sư Rogers giải thích: “Trên phần lớn Nam bán cầu, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, Nga không bị người dân nơi đây coi là một trong những cường quốc thực dân đã kiểm soát họ trong nhiều thế kỷ. Nga không giống như các cường quốc châu Âu khác”.

Di sản thuộc địa không tạo ra tình cảm thân Nga - đặc biệt với hầu hết những người nhận thức sâu sắc về mức độ "tàn khốc" của chiến tranh và có lòng trắc ẩn với mất mát của người dân Ukraine. Nhưng theo giáo sư Rogers, điều đó vẫn đồng nghĩa là người dân Nam bán cầu "có ít thiện cảm hơn đối với quan điểm của phương Tây".

Di sản của chủ nghĩa thực dân luôn là đề tài rất gây tranh cãi đối với các quốc gia Nam bán cầu. Các nhà phê bình thì chỉ ra những hành động tàn ác, phân biệt chủng tộc và bóc lột của người châu Âu trên khắp thế giới trong khi những người bảo vệ di sản thực dân cho rằng nó mang lại sự phát triển kinh tế và chính trị.

Nga có một nền tảng địa chính trị tốt

Nhưng người dân Nam bán cầu không chỉ suy nghĩ về cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng trái tim mà còn sử dụng khối óc nữa. Mặc dù không có nhiều ảnh hưởng bằng các siêu cường như Trung Quốc hay Mỹ, nhưng Nga cũng đã tạo dựng được các liên kết kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược tại Nam bán cầu trong những thập kỷ gần đây.

Ivan Klyszcz, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, cho biết: “Mối quan hệ thương mại rất quan trọng. Các quốc gia như Brazil và Ấn Độ đang đầu tư vào mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì họ tin rằng điều đó sẽ giúp ích cho các chương trình nghị sự quốc tế và giao thương quốc tế của chính họ”.

Dư luận toàn cầu đang rất chia rẽ khi nói đến các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trung bình, 45% ủng hộ ý tưởng rằng đất nước của họ nên áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất đối với Nga trong khi 25% phản đối, theo một cuộc thăm dò của IPSOS – công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia đặt trụ sở tại Pháp.

Nhiều quốc gia Nam bán cầu đã bỏ phiếu trắng trước các nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga, thay vào đó kêu gọi các bên đàm phán. Vào tháng 10, Triều Tiên, Belarus, Syria và Nicaragua đã bỏ phiếu chống lại đề nghị kêu gọi Nga ngay lập tức hủy bỏ việc sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, trong khi 19 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng - bao gồm cả Nam Phi - cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Cuba.

Vì lợi ích của chính mình

Chuyên gia Klyszcz nói với Euronews: “Nam bán cầu được thúc đẩy bởi cảm giác cấp bách phải chấm dứt chiến sự… vì vậy ít nhất không có giao tranh và thương mại có thể tiếp tục như cách đây một năm. Chiến tranh đi ngược lại lợi ích của các quốc gia này”. Những người dân thường ở Châu Phi và Trung Đông đã bị cản trở bởi giá lương thực tăng cao, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 do chiến sự tại Ukraine ngăn cản dòng vận chuyển lương thực từ một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới; và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra.

tai sao nguoi dan nam ban cau ung ho nga trong cuoc chien o ukraine hinh 2

Một cửa hàng bánh mì tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Ảnh: WSJ

Với những quốc gia đông dân như Ai Cập, việc duy trì trợ cấp bánh mì là vấn đề an ninh quốc gia. Các chính trị gia của đất nước 107 triệu dân này thường viện dẫn khả năng xảy ra “bạo loạn bánh mì” để giải thích tại sao việc cung cấp bánh mì giá rẻ là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.

Họ thường nhắc lại năm 1977, dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ đã tìm cách tăng giá fino, một loại bánh cuộn trắng mềm, lúc đó được trợ cấp, dẫn đến hai ngày bạo loạn trong đó ít nhất 77 người thiệt mạng và 214 người bị thương.

Mỗi năm, Ai Cập cần khoảng 18 triệu tấn lúa mì để làm ra 100 tỷ ổ bánh mỳ. Họ phải nhập khẩu hơn một nửa trong số 18 triệu tấn ấy. Nhưng với việc giá lúa mì từng có lúc tăng lên gấp rưỡi trong giai đoạn xảy ra chiến sự tại Ukraine, Ai Cập gặp khó khăn cực lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Ở những nơi khó khăn hơn tại châu Phi, cuộc khủng hoảng lương thực đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn đói. Trong khi đó, giá nhiên liệu cũng tăng phi mã, dẫn tới lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia Nam bán cầu. Nước nghèo hay nước giàu cũng đều không tránh được.

Chẳng hạn như theo Viện Thống kê và Điều tra Dân số Quốc gia (INDEC) của Argentina công bố thì nước này đã ghi nhận mức lạm phát theo năm trong tháng 1 năm nay là 98,8%, với chỉ số giá tiêu dùng theo tháng tăng 6%. Trong khi đó, mức lạm phát năm nay của hầu hết các nước châu Phi được dự báo cao gấp đôi so với các nước châu Âu.

Còn ở Nam Á, Sri Lanka hồi tháng 9 năm ngoái đã phải tuyên bố vỡ nợ. “Những thứ như an ninh lương thực hoặc năng lượng khiến quan điểm của bạn rất khó lung lay, vì sự an toàn của xã hội bạn phụ thuộc vào chúng,” nhà phân tích chính sách của Nga, Ivan Klyszcz kết luận.

Hay nói cách khác, khi cái đói và sự thiếu thốn bủa vây bạn quá lâu, khiến gia đình bạn khánh kiệt, thì cuộc chiến ở cách đó hàng nghìn km không còn quá quan trọng nữa. Đó là lý do tại sao, người dân nhiều nước Nam bán cầu muốn chiến tranh tại Ukraine chấm dứt, bất kể kết quả có như thế nào.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế