Tại sao người Pháp xuống đường phản đối cải cách lương hưu?

Thứ hai, 30/01/2023 21:18 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cơ quan điều hành đường sắt quốc gia Pháp vừa khuyến cáo hành khách nên ở nhà vào thứ Ba (31/1) để tránh gặp phải cảnh tê liệt giao thông do các cuộc đình công vì vấn đề lương hưu.

Đình công đe dọa mạng lưới giao thông

Tăng tuổi hưởng lương hưu là một phần của dự luật quan trọng được đưa ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron. Theo đó, sẽ có những thay đổi lớn đối với hệ thống lương hưu, mà đáng chú ý nhất là việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 64 tuổi.

tai sao nguoi phap xuong duong phan doi cai cach luong huu hinh 1

Khoảng 1 triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp để phản đối dự luật cải cách lương hưu. Ảnh: GI

Các công đoàn tại Pháp không hài lòng và hơn 1 triệu người đã xuống đường để phản đối dự luật này. Nhiều cuộc đình công và hành động phản đối được lên kế hoạch tiếp tục vào ngày 31/1, và có thể thêm nữa nếu những người biểu tình cảm thấy nguyện vọng của họ không được đáp ứng.

Cơ quan điều hành đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) do đó cảnh báo rằng sự gián đoạn giao thông lớn có thể xảy ra từ tối thứ Hai đến sáng thứ Tư (1/2). Các dịch vụ đường sắt ở khu vực Paris cũng như mạng lưới tàu cao tốc hàng đầu của Pháp phục vụ các thành phố và thị trấn lớn, bao gồm cả tuyến Lyria nối liền Pháp và Thụy Sĩ, cũng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng.

SNCF khuyến nghị hành khách nên hủy hoặc hoãn các chuyến đi và hãy chọn phương án làm việc từ xa nếu có thể. Dù vậy, SNCF cho biết các tuyến đường sắt Eurostar tốc độ cao nối tới Anh và các tuyến tàu cao tốc Thalys kết nối giữa Pháp, Bỉ và Hà Lan vẫn sẽ hoạt động như bình thường.

Gánh nặng từ hệ thống hưu trí

Tại Pháp, tất cả những người về hưu đều nhận được lương hưu nhà nước. Kinh phí của hệ thống dựa trên việc phân phối lại một loại thuế cụ thể từ những người đang làm việc cho những người đã nghỉ hưu.

Hệ thống này rất phức tạp, có sự khác biệt tùy thuộc vào ngành nghề, khu vực tư nhân và công cộng. Một số được phép nghỉ hưu sớm, bao gồm quân đội, cảnh sát và những người làm công việc đòi hỏi thể chất. Hiện lương hưu trung bình của người Pháp là 1.400 euro mỗi tháng sau khi trừ thuế.

Hệ thống hưu trí của Pháp được dự đoán sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt trong thập kỷ tới trong bối cảnh dân số nước này đang già đi. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vì thế đã phải đưa dự luật cải cách vấn đề hưu trí.

Theo dự luật này, những người lao động sinh năm 1961 và lẽ ra phải nghỉ hưu trong năm nay sẽ phải làm việc thêm 3 tháng nữa. Những người sinh năm 1968 trở đi thì ít nhất phải bước sang tuổi 64 và đã làm việc 43 năm mới được hưởng lương hưu đầy đủ.

Những người không đáp ứng các điều kiện, chẳng hạn như nhiều phụ nữ phải gián đoạn sự nghiệp để nuôi con hoặc những người đã học tập trong một thời gian dài và bắt đầu làm việc muộn, sẽ phải đợi đến 67 tuổi mới được hưởng lương hưu đầy đủ.

Những người bắt đầu làm việc từ 14 đến 19 tuổi, cũng như những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sẽ được phép nghỉ hưu sớm. Theo Chính phủ Pháp, những thay đổi của dự luật sẽ cho phép tăng lương hưu tối thiểu thêm 100 euro, đạt khoảng 1.200 euro cho một sự nghiệp đầy đủ.

Phản đối dữ dội với dự luật

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Pháp phản đối dự luật này. 8 hiệp hội công nhân chính của Pháp đang kêu gọi chính phủ bỏ hoàn toàn thước đo độ tuổi. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, tất cả các công đoàn hợp lực chống lại một kế hoạch cải cách.

tai sao nguoi phap xuong duong phan doi cai cach luong huu hinh 2

Giao thông ở nhiều thành phố lớn tại Pháp đối diện nguy cơ tê liệt vì biểu tình và đình công. Ảnh: GI

Những người phản đối lập luận rằng có nhiều cách khác để thu xếp nguồn tài chính cho lương hưu - chẳng hạn như thông qua thuế đánh vào người giàu hoặc tăng các khoản đóng góp tiền lương do người sử dụng lao động trả. Họ đã đệ trình rất nhiều đề xuất sửa đổi và điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm việc thông qua dự luật.

Hầu hết các đảng đối lập tại Pháp, bao gồm Đảng France Unbowed cánh tả, Đảng Xanh và Đảng Xã hội, cũng như Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu, tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chiến gay gắt chống lại dự luật tại Quốc hội Pháp.

Nhưng lúc này, lập trường của các bên liên quan đều đang trở nên cứng rắn hơn. Thủ tướng Pháp, Elisabeth Borne, cuối tuần qua vẫn nhấn mạnh rằng ý định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 là “không thể thương lượng được nữa”.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Những thay đổi trong dự luật đã được trình bày chính thức tại cuộc họp nội các của Chính phủ Pháp vào cuối tháng 1 vừa qua và sẽ bắt đầu được tranh luận tại Quốc hội vào ngày 6/2.

Liên minh trung tâm của Tổng thống Macron đã mất thế đa số trong nghị viện vào năm ngoái, nhưng vẫn có nhóm quan trọng nhất tại Quốc hội, nơi họ hy vọng có thể liên kết với Đảng Cộng hòa để thông qua dự luật.

Nếu không, Chính phủ Pháp có thể sử dụng một quyền lực đặc biệt để buộc Quốc hội thông qua luật mà không cần bỏ phiếu - nhưng một động thái như vậy sẽ phải trả giá bằng sự chỉ trích nặng nề.

Dự luật sau đó vẫn cần được bỏ phiếu bởi Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Chính phủ Pháp đặt mục tiêu thông qua dự luật vào mùa hè để những thay đổi có thể có hiệu lực vào tháng 9 năm nay. Dù vậy, kế hoạch có thể bị gián đoạn tùy thuộc vào quy mô cũng như thời gian của những cuộc biểu tình và đình công.

Và chắc chắn, những gì sắp diễn ra trên các đường phố nước Pháp sẽ đem lại cái nhìn rõ hơn nữa về mức độ khó khăn mà chính phủ của Tổng thống Macron phải đối mặt trong nỗ lực thông qua dự luật này.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế