Tân Tạo (ITA) lợi nhuận giảm hơn 75%, công ty liên quan chủ tịch mua vào 10 triệu cổ phiếu
(CLO) Tân tạo (ITA) ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm 75%, Công ty liên quan tới Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến cũng hoàn tất mua vào gần 10 triệu cổ phiếu.
Công ty liên quan chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến mua 10 triệu cổ phiếu
Mới đây, CTCP Đại học Tân Tạo, một tổ chức liên quan tới bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đã hoàn tất giao dịch mua vào 10 triệu cổ phiếu mã ITA. Cụ thể thì số lượng cổ phiếu mua vào là 9.999.907 cổ phiếu trong tổng lượng đã đăng ký 10 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện từ ngày 20/12/2022 đến ngày 12/01/2023.
Sau giao dịch trên, Đại học Tân Tạo đã nâng tỷ lệ sở hữu của mình từ 13,54% lên mức 14,61%.

Công ty liên quan chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến mua vào 10 triệu cổ phiếu ITA của Tân Tạo (Ảnh TL)
Việc một công ty liên quan tới Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến mua vào lượng lớn cổ phiếu ITA diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này vừa có sự hồi phục nhẹ sau đà lao dốc từ đầu năm đến nay. Nếu tính theo giá trị từ đầu năm thì đến giữa tháng 11, cổ phiếu ITA đã giảm từ 18.400 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 2.590 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 30/12/2022, cổ phiếu ITA đã hồi phục lại mức 4.050 đồng/cổ phiếu.
Dù đã hồi phục nhưng nếu so với thời điểm đầu năm thì ITA đã mất đi tới 78% giá trị và nhiều nhà đầu tư đang cảm thấy chán nản bởi ITA là một trong những mã cổ phiếu giảm giá sâu nhất trên thị trường.
Lợi nhuận lao dốc 75,9% trong quý 3
Theo báo cáo tài chính quý 3 năm 2022, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 86,1 tỷ đồng, giảm khoảng 74,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt được trong kỳ giảm tới 63%, chỉ còn khoảng 47,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí ghi nhận bao gồm: chi phí tài chính giảm 89%, chỉ còn 0,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng tới 46,4%, lên mức 14,5 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế đạt 24,1 tỷ đồng, giảm tới 75,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh liên tục lao dốc, giảm sâu so với cùng kỳ đã một phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu của Tân Tạo.
Lũy kế 9 tháng đầu năm của công ty ghi nhận doanh thu ở mức 457 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 153,3 tỷ đồng, giảm 17,3% so với 9 tháng đầu năm 2021. So với kế hoạch doanh thu năm 2022 ở mức 777,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 186,8 tỷ đồng thì hiện tại công ty mới hoàn thành được 58% kế hoạch doanh thu và 82,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Như vậy, nếu kết quả kinh doanh trong quý 4 không có gì thay đổi thì Tân Tạo sẽ khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu doanh thu trong năm 2022 này.
Tài sản suy giảm, dòng tiền kinh doanh âm nặng
Tính đến hết quý 3 năm 2022, tổng tài sản của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đạt 13.262,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm ngoái. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm khoảng 5.736,6 tỷ đồng, giảm 2,7% so với thời điểm đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 1.941 tỷ đồng lên mức 2.099,8 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của Tân Tạo có sự gia tăng nhẹ, từ 7.374,2 tỷ đồng lên mức 7.525,4 tỷ đồng. Trong đó tài sản cố định chỉ chiếm 154,5 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn chiếm 1.858,7 tỷ đồng, giảm 4,2%.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Tân Tạo, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 3 ghi nhận âm tới 89,5 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 84,2 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận ở mức âm 12,4 tỷ đồng, cho thấy quy mô đầu tư của công ty đang suy giảm. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận âm 106 tỷ đồng cho thấy Tân Tạo đang phải trả dần các khoản nợ vay tài chính của mình.