Chia sẻ ấy của PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương với báo chí, đầy chua chát nhưng lại là thực tế “không thể chối cãi” khi câu chuyện “tăng lương, cải thiện chế độ cho ngành y” được nói đến nhiều nhưng “thực hiện chẳng được bao nhiêu”.
1. “Một bác sỹ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm này, họ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được. Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh”.

Chia sẻ ấy của Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với phóng viên Báo Vietnamplus đủ khiến rất nhiều người phải ngậm ngùi, thở dài. Số liệu được đưa ra bởi Công đoàn y tế Việt Nam có lẽ sẽ còn thấp hơn cả con số ấy, rằng sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, lương của bác sĩ chỉ 3.486.000 đồng, cộng thêm phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì tổng mức thu nhập là 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập. Đó là mức lương của các bác sĩ, còn với các nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, mức thu nhập cũng không khá khẩm hơn chút nào.
Mỗi năm cứ đến ngày 27/2, “lương y như từ mẫu” đã là một trong những lời chúc quen thuộc nhất vẫn thường dành cho những người làm nghề y. Bản thân những người đã chọn cho mình nghề y, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, có lẽ ngay từ ngày còn ngồi trên giảng đường, đã luôn được răn dạy và tự nhủ về “lời thề hippocrates”, về y đức, về trách nhiệm với sinh mạng của người bệnh. Nhưng y bác sĩ, cán bộ y tế, trước khi làm tròn thiên chức “thiên thần áo trắng” thì bản thân họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt đúng nghĩa, có cảm xúc, có tâm tư, có cả những trăn trở rất đời, rất con người rằng “có thực mới vực được đạo”. Mà rõ như đã nói, lương, chế độ đãi ngộ trong hệ thống y tế công lập bấy lâu, đã không làm được điều đó. Trong vô vàn nguyên nhân tạo nên làn sóng nghỉ việc, bỏ việc của rất nhiều y bác sĩ từ các cơ sở y tế công lập thời gian qua, rõ ràng có câu chuyện “thực đã không vực được đạo” ấy.
2. Suốt nhiều tháng qua, câu chuyện “làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt” được dư luận, báo chí và cả các chuyên gia, các cơ quan chức năng lên tiếng “mổ xẻ” rất nhiều. Trong sự ra đi hàng loạt đó, có rất nhiều nguyên nhân, từ câu chuyện môi trường, áp lực làm việc, cung cách quản lý… nhưng thu nhập, chế độ, thiết nghĩ vẫn là nguyên nhân chủ yếu.
Về câu chuyện lương, chế độ cho ngành y, bấy lâu nay, rất nhiều kiến nghị thiết thực, cụ thể đã được đưa ra. Đơn cử việc hồi tháng 6/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế, trong đó đáng chú ý có kiến nghị về chính sách lương khởi điểm của Bác sĩ ngành y tế được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67; kiến nghị về chính sách thâm niên nghề, đề nghị được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành Giáo dục; kiến nghị về Phụ cấp ưu đãi nghề, được nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%... Tuy nhiên, cho tới nay, việc các kiến nghị này sẽ được giải quyết, gợi mở ra sao, vẫn đang là vấn đề còn để ngỏ..
Bên cạnh đó, nói như ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Muốn biết được thực trạng của việc dịch chuyển nguồn nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư thì phải có đánh giá tổng thể, khảo sát kỹ từ phạm vi, lứa tuổi, nguyên nhân của việc dịch chuyển. Chỉ đến khi nắm được nội hàm thực trạng sâu sắc thì mới có thể đánh giá hết được mức độ của vấn đề này. Từ đó mới dễ dàng tìm ra nguyên nhân. Tìm ra được nguyên nhân thì mới tìm ra hướng khắc phục. Bản đánh giá tổng thể, khảo sát kỹ, nghiên cứu toàn diện thấu đáo ấy đến nay dường như vẫn chưa thành hình…

3. Trưa ngày 29/7 mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức lên tiếng, bày tỏ sự phẫn nộ, lên án mạnh mẽ hành vi hành hung nhân viên y tế xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào tối ngày 27/7. Theo đó, nhân viên ngành y tế TP.HCM rất phẫn nộ và bất bình trước cách ứng xử thiếu văn hoá của một thân nhân bệnh nhi “dùng lời lẽ thô tục và hăm doạ" và “bất ngờ xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ” diễn ra ngay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - một bệnh viện vừa nhận được bức tâm thư khen tặng về tinh thần chăm sóc người bệnh của tập thể nhân viên y tế hết lòng vì người bệnh từ một người dân là cựu chiến binh. Với những người làm công tác y tế, đó thực sự là “cú sốc tinh thần”.
“Cú sốc tinh thần”, tình trạng bạo lực, bạo hành nhân viên y tế đã lại xảy đến khi những khúc mắc khác còn chưa được giải quyết, chưa có giải pháp. Tâm lý đã nản ắt sẽ càng thêm nản...
Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa nhấn mạnh điều này nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, khi đến thăm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cơ sở điều trị ngoại khoa, nghiên cứu y học và đào tạo đội ngũ cán bộ y học hàng đầu của cả nước. Nhắc nhớ lại một lần nữa thông điệp này để thấy rằng trong câu chuyện tăng lương, chế độ đãi ngộ cho bác sĩ, đừng chần chừ, chậm trễ, nói rồi để đó nữa. Cái giá của sự chậm chạp, chần chừ này, xét đến tận cùng, người bệnh mới là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất.
Nguyễn Hà